Công viên Địa chất Toàn cầu bị “xẻ thịt”

Nhóm PV Điều tra Thứ tư, ngày 12/04/2023 07:00 AM (GMT+7)
Di chuyển trên tuyến đường huyết mạch qua 4 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn gồm Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), chúng tôi chứng kiến những chiếc máy khoan, máy xúc, xe tải chở đá cùng những điểm nghiền, xay xát đá trái phép đang ầm ào "gào thét".
Bình luận 0
Công viên Địa chất Toàn cầu bị “xẻ thịt” - Ảnh 1.

Những dấu hiệu khai thác, buôn bán đá trái phép ngay tại Công viên địa chất toàn cầu đã được PV Dân Việt nêu trong loạt bài Công viên địa chất toàn cầu bị xẻ thịt

Diện tích của 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang rộng lớn tới 2.356km2, nhưng có tới 70% diện tích đá lộ thiên. Kể từ khi Cao nguyên đá được quốc tế vinh danh, việc đào phá, khai thác đá đã được giám sát, được tuyên truyền nhằm mục tiêu kép: vừa giúp bà con phát triển kinh tế, bảo tồn văn hoá, có cuộc sống tiện nghi hiện đại hơn; mà vẫn không làm ảnh hưởng những giá trị địa chất, địa mạo quý giá đã hình thành cách đây hàng trăm triệu năm.

Để bảo vệ danh lam thắng cảnh, không gian địa lý văn hóa tộc người trên Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam, các cấp từ trung ương đến địa phương đã ban hành nhiều văn bản nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị kể trên.


Công viên Địa chất Toàn cầu bị “xẻ thịt” - Ảnh 2.

Một góc Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Dân Việt

Theo Quy chế quản lý, bảo vệ và phát triển công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn do UBND tỉnh Hà Giang ban hành năm 2020, cộng đồng dân cư địa phương có trách nhiệm bảo vệ và quản lý các di sản ngay tại địa bàn sinh sống của mình. Phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phải theo đúng quy hoạch, trường hợp khai thác nhỏ lẻ để xây dựng các công trình dân sinh (nhà ở, bể nước…) khi quy hoạch chưa được duyệt phải được sự cho phép của cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, các ngành chức năng liên quan của tỉnh và chính quyền địa phương vùng trung tâm và vùng đệm công viên địa chất tăng cường công tác kiểm tra, giám sát những tổ chức, cá nhân có hoạt động xâm hại đến các giá trị di sản và làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường trên vùng Công viên địa chất, kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ các giá trị di sản trên vùng công việc địa chất.

Công viên Địa chất Toàn cầu bị “xẻ thịt” - Ảnh 3.

Cao nguyên đá Đồng Văn được thế giới công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào năm 2010 với diện tích của 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Ảnh: Dân Việt

Tháng 12/2022 Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang đã ra văn bản UBND 4 huyện thuộc Cao nguyên đá về việc thực hiện các biện pháp phát huy và bảo vệ các di sản Công viên địa chất toàn cầu. Trong đó có nội dung: "nghiêm cấm việc phá đá, khai thác đá trái phép và đập các ngọn đá, nhũ đá, mỏm đá trên địa bàn và trong các hang động; nghiêm cấm việc bày bán các ngọn đá, nhũ đá và các sản phẩm mỹ nghệ từ đá (kể cả đá từ nơi khác chuyển đến) của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý".

Tuy nhiên, nhiệm vụ được giao là vậy, trách nhiệm là thế, tình trạng phá đá làm ảnh hưởng đến di sản vẫn diễn ra công khai giữa ban ngày ở nhiều điểm trên cao nguyên.

Trở lại các điểm khai thác đá tại huyện Yên Minh mà Báo điện tử Dân Việt đã phản ánh gần 3 năm trước, ở xã Hữu Vinh và thị trấn Yên Minh các điểm nóng đã yên vì "đá tặc". Nhiều tấm biển "Cấm khai thác khoáng sản (đá) làm vật liệu xây dựng" đã được cắm dọc quốc lộ để cảnh báo người dân, nghiêm cấm vi phạm pháp luật. Nhưng hoạt động khai thác, chế biến đá trái phép vẫn diễn ra tại xã Sủng Thài và xã Thắng Mố, cách trung tâm huyện khoảng 15km.

Công viên Địa chất Toàn cầu bị “xẻ thịt” - Ảnh 5.

Sau nhiều ngày điều tra, nhóm phóng viên Báo điện tử Dân Việt ghi nhận quá trình sử dụng đá trái phép của các chủ xưởng xay xát đá để làm vật liệu xây dựng, xay thành đá có kích cỡ 1x2cm để đổ bê tông… nhằm thu lợi. Hoạt động này tập trung nhiều ở Phố Cáo, Lũng Táo, Sảng Tủng, Sà Phìn… thuộc huyện Đồng Văn.

Công viên Địa chất Toàn cầu bị “xẻ thịt” - Ảnh 5.

Điểm tập kết đá khai thác trái phép ở xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Dân Việt

Ở trung tâm (trái tim, nơi bảo vệ trọng điểm - PV) của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã công khai vi phạm như vậy. Ở những vùng xa hơn, ngoài địa phận thị trấn việc tập kết đá trái phép còn ngang nhiên hơn.

Theo Ban quản lý Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, huyện Đồng Văn là trung tâm của các giá trị di sản trên khu vực Công viên địa chất. Nơi đây tập trung các kiểu địa hình phổ biến: hoang mạc đá với những núi đá tai mèo sắc nhọn và những trũng sâu hun hút... Không chỉ vậy, tại Đồng Văn các nhà khoa học đã phát hiện ra dấu tích của các hóa thạch có giá trị rất lớn về nghiên cứu, khẳng định sự biến đổi và hình thành nên sự đa dạng về địa chất của khu vực Công viên địa chất toàn cầu.

Trên đường từ xã Phố Cáo đến địa phận xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn), nhóm phóng viên bắt gặp xe tải chở đầy đá đi tiêu thụ, một chiếc xe tải màu vàng mang biển kiểm soát 23H - 013.XX chở đầy đá hộc. Theo thông tin từ người dân, chiếc xe lấy đá từ khu vực phá đá mở đường thuộc địa phận xã Sà Phìn (xã có Di tích Quốc gia Nhà Vương nổi tiếng). Chiếc xe di chuyển trên quốc lộ 4C về hướng xã Phố Cáo.

Hai bên đường khu vực trung tâm Phố Cáo, những đống đá màu bạc trắng vừa được chuyển đến đây tập kết, với khối lượng hàng trăm mét khối. Theo tìm hiểu của PV, những đống đá này của một người tên Đoàn, nhà cách bãi đá khoảng 500m, Đoàn là một chủ xưởng xay nghiền đá.

Công viên Địa chất Toàn cầu bị “xẻ thịt” - Ảnh 7.

Bên trong xưởng nghiền đá của người đàn ông tên Đoàn, người này xác nhận với phóng viên Dân Việt là mua đá của một dự án nắn cua, mở rộng quốc lộ 4C trên địa bàn huyện Đồng Văn. Ảnh: Dân Việt

Vợ của Đoàn có mặt tại đây cho biết: "Đá ở đây toàn đá sạch, đẹp mua từ những người mở đường trên các tuyến đường chính liên xã, quốc lộ ở huyện Đồng Văn này". Rồi lấy điện thoại gọi cho chồng về trao đổi với nhóm phóng viên.

Công viên Địa chất Toàn cầu bị “xẻ thịt” - Ảnh 9.

Xưởng nghiền đá của Đoàn được giám sát bởi hàng chục chiếc camera lắp ở tứ phía. Khoảng 15 phút sau khi vợ Đoàn gọi, ông xuất hiện với vẻ mặt dò xét, đặt ra nhiều câu hỏi cho nhóm người lạ là chúng tôi rồi từ chối thẳng thừng bán gạch dù chúng tôi trả cao hơn thị trường một giá. Tuy nhiên, trong lúc trò chuyện Đoàn xác nhận đá mà ông sử dụng mua từ đơn vị làm đường như chính lời vợ Đoàn đã nói trước đó.

Tiếp cận xưởng nghiền đá rộng vài trăm mét vuông ở ngay ven quốc lộ của vợ chồng Đoàn, nơi có nhiều hộ dân sinh sống, cho thấy bên trong những tấm tôn màu xanh quây kín là những chiếc máy xúc, máy nghiền đá, máy đóng gạch, hàng nghìn viên gạch ba vanh thành phẩm đang được tập kết tại đây. Những cục đá hộc mới được xe tải chở về đổ xuống xưởng chờ chế biến. Ông Đoàn cho biết: "Em mua đá của ông H. (đơn vị đang mở rộng quốc lộ 4C ở Sà Phìn - PV) khoảng 300m3 giá 60.000 đồng/khối về nghiền dần, bán gần hết".

Công viên Địa chất Toàn cầu bị “xẻ thịt” - Ảnh 8.

Bên trong xưởng nghiến đá tiêu thụ đá khai thác trái phép của người đàn ông tên Đoàn ở xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn. Ảnh: Dân Việt

Ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Ban quản lý Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn cho hay, khi phát hiện đá trong công viên bị phá, Ban quản lý sẽ thông tin cho trưởng phòng văn hóa thông tin huyện để đề nghị họ báo cáo UBND huyện, phối hợp với các xã liên quan kiểm tra xử lý ngay tại cơ sở. "Gần đây nhất là trong tháng 3/2023 chúng tôi có phát hiện một điểm khai thác đá của người dân, trên cơ sở kiểm tra, chúng tôi đã đề nghị xử lý. Thị trấn Đồng Văn đã cử cán bộ chức năng lên đình chỉ vi phạm. Cấm ngay! Để khôi phục điểm đá đã bị khai thác theo hướng trở về… như ban đầu" - ông Giang nói.

Lần theo những chiếc xe chở đá hộc, cách thị trấn Đồng Văn khoảng 15km, chúng tôi chứng kiến một điểm khai thác, chế biến đá trái phép khác nằm ẩn sâu trong khe núi. Tại thời điểm nhóm phóng viên có mặt: một chiếc máy xúc đang xúc đá lên máy nghiền đá, tiếng máy đập đá vang vọng khắp các rông núi. Nhiều máy xúc, ô tô tải chở đá đang để ở bãi chứa lớn.

Hàng trăm mét khối đá được chuyển từ nơi khác đến đang được tập kết ở đây để nghiền. Chủ của xưởng nghiền đá tự giới thiệu tên là Thế xác nhận với phóng viên cũng mua đá từ địa chỉ ông Đoàn đã đặt mua, nhưng đơn giá cao hơn, giá 70.000đồng/khối.

Anh ta xác nhận có thể cung cấp cho người mua đá khoảng 2.000 mét khối đá kích cỡ 1x2cm để đổ bê tông làm đường. Đặc biệt, Thế có thể đưa máy nghiền rồi chở đá đến tận chân công trình để nghiền bán cho doanh nghiệp cần đá. Thế có thể mạnh mồm tuyên bố như vậy là bởi theo Thế, có cơ sở để không sợ cơ quan chức năng kiểm tra, nếu có kiểm tra cũng rất ít, còn bị kiểm tra thì "làm tý luật lá" là xong.

Công viên Địa chất Toàn cầu bị “xẻ thịt” - Ảnh 10.

Điểm nghiền đá của người đàn ông tên Thế ẩn sâu trong các khe núi. Ảnh: Dân Việt

Tài liệu thu thập được của Báo điện tử Dân Việt cho thấy, ở riêng huyện Đồng Văn có nhiều điểm điểm xay, nghiền đá trái phép. Nhóm phóng viên của Báo điện tử Dân Việt đã dành nhiều thời gian tìm hiểu nguồn gốc đá phục vụ cho các cơ sở nghiền đá, các công trình xây dựng sử dụng đá trái phép. Theo đó, từ các dự án nắn cua, mở rộng đường, thậm chí tạo mặt bằng để làm nhà, đá được bán ra ngoài thị trường "chợ đen".

Đón đọc Bài 2: Lách luật đưa đá từ Công viên địa chất toàn cầu ra chợ đen

Trong thời gian tác nghiệp, PV NTNN đã chuyển thông tin về hoạt động khai thác, mua bán đá trái phép tại Công viên địa chất toàn cầu đến cơ quan chức năng địa phương. Ngày 7/4/2023, UBND tỉnh Hà Giang đã có công văn chấn chỉnh các hoạt động ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và phát triển du lịch trên địa bàn Công viên địa chất. Trong đó ghi nhận nội dung phản ánh "còn xảy ra tình trạng lợi dụng mở đường giao thông nông thôn để khai thác và sử dụng đá trái phép".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem