Clip: Dàn máy bay không người lái phun thuốc, bón phân vèo vèo trên đồng, nông dân An Giang khỏe re

Minh Huệ Thứ tư, ngày 24/08/2022 09:56 AM (GMT+7)
Theo Sở NNPTNT tỉnh An Giang, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đạt tỷ lệ khá cao, riêng các huyện: Tri Tôn, Châu Thành, Thoại Sơn, Châu Phú… đang có tới 64 máy bay không người lái (drone), đảm nhận các công việc nặng nhọc giúp nhà nông như sạ lúa, phun thuốc, bón phân.
Bình luận 0

Hàng chục máy bay không người lái phun thuốc, bón phân trên đồng, nông dân An Giang khỏe re

Theo đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh An Giang, dù chi phí đầu tư lớn nhưng phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng máy bay không người lái (Drone) giúp giảm đáng kể công lao động, giảm thất thoát 30% lượng thuốc, tiết kiệm 95-97% lượng nước và quan trọng hơn là giúp nông dân hạn chế tiếp xúc thuốc BVTV, hạn chế ô nhiễm môi trường. Do đó, thời gian gần đây việc ứng dụng máy bay không người lái ngày càng phổ biến trên các cánh đồng trồng lúa, vườn cây ăn trái ở An Giang.

Mới đây, Công ty cổ phần Đại Thành đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Tri Tôn tổ chức thực hiện trình diễn phun thuốc, bón phân trên cây lúa bằng máy bay không người lái PG100. 

Trình diễn phun thuốc, bón phân tại Tri Tôn, An Giang bằng máy bay nông nghiệp PG100.

Nói về tính năng nổi bật của máy bay nông nghiệp PG100, ông Nguyễn Đức Trường - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Thành cho biết, so với các dòng máy bay nông nghiệp hiện có trên thị trường, PG100 có thể chở được trọng lượng rất lớn khoảng 40kg phân bón, 40kg hạt giống hoặc 40 lít dung dịch trên mỗi lần bay. 

"PG100 được đánh giá là siêu phẩm máy bay nông nghiệp của hãng Globalcheck nhờ công nghệ ly tâm thế hệ thứ 6, giúp nâng cao hiệu quả phun với tốc độ bay nhanh nhất tính đến thời điểm này. Nhờ vậy, trong 1 giờ, PG100 có thể vận hành liên tục trên diện tích 30-35ha" - đại diện Công ty Đại Thành cho biết. 

TS. Lê Quý Kha - Cố vấn Khoa học công nghệ nông nghiệp (Công ty CP Đại Thành) cho biết, qua thực tiễn triển khai ứng dụng máy bay không người lái trong canh tác lúa tại ĐBSCL từ năm 2016 đến nay, cho thấy drone mang lại hiệu quả cao cho người vận hành và nông dân sản xuất lúa. 

Chỉ mất 2 – 4 phút máy xử lý xong 1ha, nhưng phun xịt theo truyền thống bằng máy nổ (chạy bằng xăng) phải mất 90 phút mới xong 1 ha, với điều kiện công lao động đủ sức khoẻ đeo bình máy nổ. 

Lượng nước mà máy bay không người lái tiêu tốn cho 1 lần xử lý chỉ mất 10 lít/ha, trong khi theo truyền thống phải mất 300 lít (tối thiểu cho 1 lần phun/ha). Riêng chuyện tiết kiệm nước ngọt để pha thuốc BVTV cũng đã góp phần tiết kiệm công lao động cho người vận hành. 

Đại diện Công ty TNHH MTV Lương thực Ngọc Ánh (Thoại Sơn) - nhà phân phối, bảo dưỡng và đào tạo bay không người lái cho Công ty Cổ phần Đại Thành cho biết, hơn 1 năm qua, công ty đã bán 9 chiếc máy bay phun thuốc BVTV hiệu P-GLOALCHECK cho nông dân trong tỉnh. Do giá bán còn khá cao (từ 400-600 triệu đồng/máy) nên chủ yếu bán cho các nông dân có diện tích ruộng lớn, trước hết phục vụ ruộng nhà, sau đó làm dịch vụ phun thuốc BVTV.

Qua đánh giá thực tế, Drone có thể giảm thất thoát 30% thuốc BVTV trong phun xịt, giảm nhân công khoảng 20 lần, tiết kiệm 95-97% nước, hạn chế ô nhiễm môi trường và quan trọng hơn, nông dân không tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV như khi phun bình xịt nên hạn chế ảnh hưởng sức khỏe.

Tính năng đặc biệt của Drone do Đại Thành cung cấp là máy đa năng không kén thuốc (dạng bột hòa tan, nước hay nhũ dầu), áp dụng công nghệ phun ly tâm đem lại độ chính xác cao. Hạt thuốc khi ra khỏi đầu phun có kích cỡ rất nhỏ và mịn, giúp giảm thiểu lượng nước thực tế cần dùng mà vẫn đảm bảo độ trải đều bề mặt...

Máy bay không người lái có thể phun thuốc cả vào ban đêm. Bên cạnh đó, khi sử dụng Drone, bà con sẽ giảm tổn thất từ 150-200kg lúa/ha so với phun xịt thuốc thông thường do lúa không bị giẫm đạp.

Clip: Dàn máy bay không người lái phun thuốc, bón phân vèo vèo trên đồng, nông dân An Giang khỏe re - Ảnh 3.

Chuẩn bị vận hành máy bay không người lái cho khâu phun thuốc trên cánh đồng huyện Tri Tôn, An Giang. Ảnh: Đại Thành.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Đức Trường - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Thành cho biết: Triển khai mô hình trình diễn ở các địa phương, chúng tôi nhận thấy bà con nông dân rất mong muốn có cơ hội sử dụng máy bay không người lái, bởi bà con đã nhìn thấy giá trị thực tế mà máy móc mang lại. Đó là giảm công lao động, khỏe người. Trước kia bà con phải lội ruộng rất vất vả, nhưng bây giờ chỉ cần ngồi trên bờ điều khiển là máy chạy vèo vèo, chi phí đầu vào cũng giảm rất nhiều. 

Ngoài cây lúa, ông Trường cho biết, máy bay không người lái do Đại Thành cung cấp hiện đang hoạt động rất hiệu quả trên cây rau màu, cây ăn quả và cây công nghiệp. Đặc biệt, trên cây ăn quả và cây công nghiệp, máy cho hiệu quả hoàn toàn khác biệt. 

"Với cây lúa, nông dân có thể lội ruộng dễ dàng để phun thuốc BVTV, nhưng cây ăn quả, cây công nghiệp thì bà con không thể nào trèo lên ngọn cây để phun được. Còn đứng ở dưới gốc cây để phun thì hiệu quả rất thấp, và cực kì độc hại. Mỗi khi phải phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, bà con phải mặc áo mưa trùm kín người. Và khi phun xong thì không khác nào vừa tắm mưa, cực kì độc hại. Trong khi sử dụng máy bay không người lái sẽ khắc phục được tất cả những hạn chế này" - ông Trường khẳng định. 

Theo ông Trường, nhu cầu cơ giới hóa đồng ruộng ngày càng lớn, nhưng cái khó hiện nay là bà con không có tiền để đầu tư. 

Đặc biệt ở khu vực ĐBSCL, bà con thường không có thói quen tích lũy nên để bỏ ra 400-600 triệu đồng mua 1 máy bay không người lái là rất khó. 

Do vậy, rất cần có sự hỗ trợ của nhà nước trong việc khơi thông nguồn vốn cho vay, giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà, cũng như tạo điều kiện cho bà con tích tụ ruộng đất để máy móc đi vào đồng ruộng thuận lợi hơn.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem