Kon Tum: Ngay sau động đất mạnh lại có mưa dông, người dân cần lưu ý điều gì?

Hoàng Lộc Thứ ba, ngày 23/08/2022 16:42 PM (GMT+7)
Trận động đất mạnh 4,7 độ Richter tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) gây rung lắc mạnh. Người dân vì quá lo sợ nên đã bỏ chạy ra khỏi nhà.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu, vào lúc 14h8 phút ngày 23/8 tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) ghi nhận một trận động đất có độ lớn 4,7 độ Richter. Đây được xem là trận động đất mạnh nhất từ trước tới nay xảy ra tại địa phương này.

Ông A Hương, Trưởng thôn Đăk Tăng (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) cho biết: "Vào khoảng 14h hơn, tôi đang nấu ăn ở trong nhà thì bất chợt nghe thấy tiếng nổ mạnh như tiếng nổ mìn. Vì quá hoảng sợ nên tôi đã bỏ chạy ra khỏi nhà. Tôi nhìn ra đường thì thấy mặt đất rung chuyển, cây cối rung lắc mạnh. Trận động đất diễn ra trong khoảng 10 giây".

Động đất mạnh tại Kon Tum: Người dân nghe rung lắc mạnh, bỏ chạy ra khỏi nhà - Ảnh 1.

Động đất mạnh tại Kon Tum đã gây rung lắc dữ dội. Người dân vì quá hoảng sợ nên đã bỏ chạy ra khỏi nhà. Ảnh: H.L

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) cho hay: "Trận động đất xảy ra khá mạnh và tôi cảm nhận rất rõ. Sau khi nhận được thông tin, huyện đã cử cán bộ đi nắm bắt tình hình ở các địa phương. Theo báo cáo của các địa phương thì đến hiện tại, trận động đất vẫn chưa gây thiệt hại gì về người và tài sản. Chúng tôi cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục nắm bắt tình hình để báo cáo với huyện nhằm kịp thời tuyên truyền cho người dân bớt lo lắng".

Theo ghi nhận, trận động đất mạnh xảy ra tại tỉnh Kon Tum cũng đã lan sang các tỉnh thành khu vực Tây Nguyên và đặc biệt là miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế... Người dân đều cảm nhận rõ có sự rung lắc.

Anh Thân Anh Việt (trú tại TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết: "Lúc ấy tôi đang làm việc thì đột nhiên bàn ghế, tủ bị rung lắc nhẹ trong vòng 5 giây. Tôi lo sợ nên chạy ra để xem tình hình thì lúc ấy mới biết xảy ra động đất".

Được biết, ngay sau khi xảy ra động đất, tại tỉnh Kon Tum và Gia Lai đang có mưa dông.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng thủy văn - Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên cho biết: "Với trận động đất mạnh như vậy kèm theo xuất hiện cơn mưa dông, người dân ở các địa phương vùng sâu vùng xa hết sức đề phòng giông sét, sạt lở đất ở".

Để chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do động đất có thể gây ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cũng đã có công văn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan chỉ đạo sở, ngành liên quan, các địa phương kiểm tra, đánh giá tác động và mức độ ảnh hưởng của các trận động đất đã xảy ra đối với nhà ở của nhân dân, trụ sở làm việc, trường học nội trú và các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy điện, thủy lợi, kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời khi có tình huống.

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền và người dân biết để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về tình hình động đất, cách nhận biết và kỹ năng ứng phó với động đất để người dân, cộng đồng chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại đồng thời tránh tâm lý hoang mang, bất an trong dư luận.

Theo Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu, vào lúc 14h11 phút ngày 23/8, tại huyện Kon Plông tiếp tục ghi nhận một trận động đất có độ lớn 3.6 Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem