Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần minh bạch sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

Trần Quang Thứ bảy, ngày 28/08/2021 09:02 AM (GMT+7)
Là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của nước ta, ĐBSCL hiện sử dụng nhiều phân bón nhất, hơn 1 tấn/ha, tăng 42% so với mặt bằng chung cả nước.
Bình luận 0

Nông dân ĐBSCL sử dụng nhiều phân bón nhất cả nước

Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT), tính đến tháng 12/2020, tổng số phân bón đã được công nhận lưu hành trong cả nước là 24.491 sản phẩm, trong đó phân bón vô cơ chiếm 80,4%, phân bón hữu cơ chiếm 19,6%.

Trong tổng số phân bón cả nước đã được công nhận lưu hành tại các tỉnh ĐBSCL có 5.265 sản phẩm (chiếm 21,5%), trong đó phân bón vô cơ có 4.273 sản phẩm (chiếm 81,1%), phân bón hữu cơ có 992 sản phẩm (chiếm18,9%). 

Trong đó, Long An là địa phương có số lượng phân bón được công nhận lưu hành nhiều nhất với 2.403 sản phẩm (chiếm 9,8% so với cả nước và 45,6% so với ĐBSCL).

Nông dân ĐBSCL đang sử dụng phân bón hóa học quá mức - Ảnh 1.

Mô hình canh tác lúa thông minh giúp người dân Long An giảm chi phí đầu tư, phân bón. Ảnh: Khắc Mẫn

Cần ngăn chặn việc lãng phí phân bón trong nông nghiệp

Mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 10,2-11 triệu tấn phân bón. Điều đáng nói là một số nơi đang sử dụng phân bón "quá đà".

TS Phùng Hà – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết: "Do tập quán cũng như do điều kiện kinh tế, nông dân miền Bắc và miền Trung sử dụng ít phân bón hơn, thậm chí khi giá phân bón lên, họ chấp nhận "bón chay", tức là không dùng phân bón, muốn thu được bao nhiêu cũng được. Còn nông dân khu vực ĐBSCL có điều kiện kinh tế tốt hơn, làm ăn lớn hơn, tính cách người Nam Bộ lại hào sảng, phóng khoáng, nên trong sử dụng phân bón hay vật tư nông nghiệp đều nhiều hơn".

P.V

Ông Trung cho biết thêm, giai đoạn 2017-2020, lượng phân bón sản xuất công nghiệp sử dụng trung bình trong cả nước là 10,3 triệu tấn; các tỉnh ĐBSCL có lượng phân bón sử dụng trung bình là 1.071kg/ha gieo trồng, cao hơn 42% so với trung bình cả nước. 

Lượng phân bón vô cơ sử dụng trung bình tại các tỉnh ĐBSCL, lượng phân bón vô cơ sử dụng trung bình là 754kg/ha đất gieo trồng, cao hơn 35,3% so với trung bình cả nước.

Tại các tỉnh ĐBSCL, lượng phân bón hữu cơ sử dụng trung bình là 392kg/ha gieo trồng, trong đó phân bón hữu cơ công nghiệp là 184kg/ha - chiếm 47%. 

Như vậy, tính trên đơn vị diện tích gieo trồng, lượng phân bón hữu cơ nói chung (bao gồm sản xuất công nghiệp và nông hộ tự sản xuất) sử dụng trung bình tại các tỉnh ĐBSCL thấp chỉ bằng 27,4% so với trung bình cả nước. 

Tuy nhiên, lượng phân bón bón hữu cơ sản xuất công nghiệp sử dụng ở khu vực này tương đương 95,3% so với trung bình cả nước.

Để hỗ trợ người dân, trong năm 2020, các tỉnh ĐBSCL đã tổ chức được 909 lớp tập huấn với 30.273 học viên. 

Trong đó, tập huấn chuyên môn và các văn bản quy định pháp luật 46 lớp với 4.281 học viên, tập huấn cho nông dân 640 lớp với 19.244 học viên, tập huấn trong các chương trình, dự  án 223 lớp với 6.748 học viên.  Các  tỉnh  tổ  chức  tập  huấn  nhiều  nhất  gồm  Kiên  Giang,  Long  An,  Sóc Trăng,...

Ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở NNPTNT Tiền Giang thừa nhận, hiện tại vẫn còn một số nông dân sử dụng phân bón và thuốc BVTV tùy tiện không theo khuyến cáo, chưa lựa chọn sản phẩm phù hợp với loại cây trồng và dịch hại nên hiệu quả sử dụng chưa cao.

Nghiêm trọng hơn việc sử dụng dư thừa phân bón hay phun ngừa các loại thuốc BVTV của nông dân vẫn còn xảy ra một số nơi đã làm gia tăng chi phí, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân… 

"Thời gian qua công tác quản lý phân bón cũng gặp khó khăn. Tình trạng doanh nghiệp sản xuất phân bón ghi không đúng nhãn mác trên bao bì, phân bón có chức năng trị bệnh cho cây trồng… gây khó khăn cho nông dân khi sử dụng", ông Mẫn nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần minh bạch sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật  - Ảnh 3.

Sử dụng drone phun thuốc trừ sâu. Ảnh: Đại Thành.

Sử dụng phân thuốc ít, không tác động tới hệ sinh thái

Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã xem xét lại những phần việc mà Chính phủ giao cho thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Gần năm năm đã trôi qua, có nhiều phần việc bộ sẽ mở rộng tiếp các chuyên đề ở ĐBSCL.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thêm, mới đây ông nhận được nhiều nhắn gửi của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, những người nông dân ở ĐBSCL về nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là chất lượng nông sản, thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV của ĐBSCL.

Bên cạnh mặt tích cực, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng: ĐBSCL còn nhiều vấn đề mà chúng ta cần có sự quyết tâm cao về nhận thức, hành động từ mỗi người để chuyển biến nền nông nghiệp nơi đây theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Đó cũng là tôn chỉ của hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu mà Việt Nam đã tham gia.

Minh bạch là mọi điều đều phải công khai, sáng tỏ từ việc sử dụng phân, thuốc để không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. 

Về trách nhiệm, chúng ta cần phải trách nhiệm với cả người tiêu dùng và người nông dân, trách nhiệm với cộng đồng xã hội. 

Bón phân theo nguyên tắc 5 đúng

Để cây sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao cần chú ý nguyên tắc bón phân 5 đúng:

Bón đúng chủng loại phân

-Cây trồng yêu cầu phân gì thì bón phân đó. Phân bón được chia làm 3 loại: Phân bón đa lượng là nhóm phân bón chứa các nguyên tố dinh dưõng chủ yếu như: Đạm (N), Lân (P) và Kali (K). Phân bón trung lượng là nhóm mà thực vật cần một lượng vừa phải. Nhóm này gồm: Calci (ca), Ma nhê (Mg) và Lưu Huỳnh (S). Phân bón vi lượng là nhóm phân bón chứa các nguyên tố với lượng rất nhỏ như: Sắt (Fe), Kẽm (Zn), Mangan (Mn), Bo (B), Đồng (Cu), Cio (Cl), Molipden (Mo)…

Bón phân không đúng chủng loại, không phát huy được hiệu quả còn gây hại cho cây. Ngược lại, nếu bón đúng không những đáp ứng được yêu cầu của cây mà còn giữ được ổn định môi trường của đất. Ở đất chua tuyệt đối không bón những loại phân có tính axit cao quá ngưỡng và trên nền đất kiềm không bón các loại phân có tính kiềm cao quá ngưỡng.

Bón đúng nhu cầu sinh lý của cây

Nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Có loại cây ở giai đoạn sinh trưởng cần kali hơn đạm; cũng có loại cây ở thời kỳ phát triển lại cần đạm hơn kali. Bón đúng loại phân mà cây cần mới phát huy hiệu quả.

Bón phân có 3 thời kỳ: bón lót trước khi trồng (hay bón hồi phục sau khi cây thu hoạch vụ trước), bón thúc (nhằm thúc đẩy quá trình sinh trưởng của cây, tạo nhành lá mới), bón rước hoa (đón đòng), có nơi còn bón bổ sung khi tạo hạt, nuôi trái.

Bón đúng nhu cầu sinh thái

Bón đúng loại phân, bón đúng thời điểm, bón đúng đối tượng làm tăng khả năng chống chịu của cây đối với hạn, rét, thời tiết bất thường của môi trường và với sâu bệnh gây hại (ví dụ phân kali). Bón phân không phải lúc nào cũng để cung cấp dinh dưỡng thúc đẩy cây trồng phát triển mà còn có trường hợp phải dùng phân để tác động hãm bớt tốc độ sinh trưởng nhằm tăng tính chịu đựng của cây trước các yếu tố xấu phát sinh.

Bón đúng vụ và thời tiết

Mùa vụ, nhiệt độ và thời tiết rất ảnh hưởng đến hiệu quả của phân bón, mưa làm rửa trôi, trực di phân bón, nắng khô làm phân bón không tạo được môi trường dinh dưỡng để tiêu, cây không phát triển, thối hoa, quả.

Bón đúng phương pháp

Có 2 loại phân bón: Phân bón gốc và phân bón lá. Tùy từng loại cây mà có phương pháp bón thích hợp. Với phân bón gốc thì bón vào hố, rãnh theo vành tán lá hoặc rải đều trên mặt đất. Với phân bón lá thì phun đều trên lá, nếu ướt được cả 2 mặt lá thì càng tốt.

Thúy Tuyển

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem