Bất cập khi cán bộ, công chức, viên chức không được nhận tiền hỗ trợ thu hồi đất nông nghiệp

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 14/03/2023 15:23 PM (GMT+7)
Đó là một trong các vấn đề mà Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho rằng cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bởi đặc thù của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, TP.Cần Thơ nói riêng, trên 80% cán bộ, công chức, viên chức xuất thân là nông dân.
Bình luận 0

Ngày 14/3, tại TP.Cần Thơ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với 19 địa phương ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

Cán bộ, công chức, viên chức không được nhận tiền hỗ trợ khi bị thu hồi đất nông nghiệp là...bất cập - Ảnh 1.

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với 19 địa phương ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Ảnh: Huỳnh Xây

Tại hội nghị, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ nêu lên một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, đặc biệt là vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cơ chế chuyển dịch đất đai trong Chương 7, từ Điều 89 đến Điều 110.

Cụ thể, ông Trường cho rằng, theo quy định của pháp luật về đất đai, việc hỗ trợ trong thu hồi đất nông nghiệp chỉ áp dụng cho tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp, những người không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác, kể cả người về hưu. 

Ông Trường nói: "Việc quy định người trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp làm cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức tham gia các công việc giúp cải thiện đời sống gia đình thông qua việc sản xuất nông nghiệp gây ra nhiều bất cập".

"Đặc thù của ĐBSCL nói chung, TP.Cần Thơ nói riêng, trên 80% cán bộ, công chức, viên chức xuất thân là nông dân, như vậy, họ không được xem là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên khi bị thu hồi đất thì chỉ được nhận tiền bồi thường, không được nhận tiền hỗ trợ" - ông Trường nói thêm.

Cán bộ, công chức, viên chức không được nhận tiền hỗ trợ khi bị thu hồi đất nông nghiệp là...bất cập - Ảnh 2.

Quang cảnh hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với 19 địa phương ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ được tổ chức tại TP.Cần Thơ hôm nay (14/3). Ảnh: Huỳnh Xây

Các vấn đề còn lại theo Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch tỉnh còn bất cập. Do đó, đề nghị trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nên đặt quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền để các quy hoạch khác thực hiện theo, tránh sự chồng chéo bất cập, khó thực hiện.

Về kế hoạch sử dụng đất, đề nghị sửa lại thời gian thực hiện kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là 30 tháng (2,5 năm) trong Dự thảo Luật cho phù hợp với thực tiễn, vì kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có thời hạn là 1 năm là rất khó thực hiện, gây nhiều phiền phức, tốn kém thời gian, kinh phí của người dân, của các tổ chức và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về giao đất, cho thuê đất (được quy định tại Chương 9, từ Điều 116 đến Điều 128) của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa cụ thể hóa hết các nội dung, cần phải nêu rõ trường hợp nào trả tiền thuê hàng năm và trường hợp nào phải trả tiền thuê 1 lần.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ còn đề nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa thêm nội dung điều kiện thu hồi đất giao khoán cho các nông trường viên tại các nông, lâm trường để tạo cơ sở pháp lý thực hiện chính sách cải tạo các nông, lâm trường tạo quỹ đất sạch đưa ra đấu giá, nhằm đưa đất vào sử dụng một cách có hiệu quả nhất.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, cần phải có giải pháp làm sao giải phóng nguồn lực đất đai có thể đóng góp tốt hơn, hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cán bộ, công chức, viên chức không được nhận tiền hỗ trợ khi bị thu hồi đất nông nghiệp là...bất cập - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với 19 địa phương ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo Phó Thủ tướng, trong quá trình hình thành Luật Đất đai ở miền Nam có rất nhiều điểm khác biệt với miền Bắc, miền Trung. Do đó, Luật Đất đai (sửa đổi) phải đảm bảo được các yếu tố lịch sử tự nhiên văn hóa cho các vùng miền, tính đa dạng, sự giao thoa, tính công bằng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận những nỗ lực trong việc thực hiện lấy ý kiến nhân dân lần này của các địa phương và cho biết, những ý kiến góp ý của nhân dân chắc chắn là những cơ sở rất quan trọng để làm cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học để xem xét bổ sung hoàn thiện dự thảo Luật Đai đai (sửa đổi).

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, nhấn mạnh việc ý kiến góp ý của nhân dân lần này cũng là đợt sinh hoạt chính trị hết sức rộng rãi. Qua đây, góp phần tuyên truyền được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong vấn đề quản lý đất đai thông qua Nghị quyết 18 vừa rồi Trung ương ban hành. 

"Các bộ ngành, Chính phủ sẽ lắng nghe, tổng hợp và phân tích được các ý kiến để nâng cao chất lượng dự thảo, trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới vào tháng 5 tới" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem