Từ Paris đến thăm Điện Biên Phủ

Trần Thu Dung Thứ sáu, ngày 26/04/2024 13:30 PM (GMT+7)
Người Pháp dường như ai cũng biết đến địa danh Điện Biên Phủ. Hiện nay ở Pháp có hơn 200 con đường liên quan đến địa danh Việt Nam như: Sơn Tây, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Cao Bằng… rất nhiều tên đã được đặt ở nhiều tỉnh như Đông Dương, Annam, Sơn Tây…
Bình luận 0

Thường đấy là những địa danh nơi quân đội Pháp từng thắng khi xâm chiếm Đông Dương. Nhiều tên được đặt ở nhiều tỉnh như Sơn Tây, Đông Dương… Nhưng chỉ có một đường Điện Biên Phủ ở ngôi làng hẻo lánh xa xôi, do những cựu chiến binh trở về với cái tên "Những người từ Điện Biên Phủ".

Sách lịch sử Pháp đều ghi chép về trận Điện Biên Phủ, nhưng dường như không ai muốn nhắc đến trận chiến đau đớn trong lịch sử quân đội Pháp. Pháp từng tự hào đội quân bách chiến bách thắng đi chinh phuc thuộc địa ở châu Phi, và châu Á, nhưng đã thất bại ở nơi đây. 

Việt Nam nổi tiếng là một nước thuộc địa đầu tiên giành được độc lập (1945). Trận Điên Biên Phủ (1954) vang dậy địa cầu trở thành một kỷ niệm không quên của nước Pháp.

Ngày nay ở Pháp có 8 con đường mang tên Hồ Chí Minh. Điều này minh chứng sự xóa bỏ hận thù chiến tranh giữa hai nước. Nước Pháp thực sự muốn người Việt hãy tha thứ cho Pháp đã làm đổ máu biết bao người của cả hai nước.

Nước Pháp đã giúp Việt Nam trở thành địa điểm trung gian ký kết hòa bình chấm dứt chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam. Một quảng trường mang tên "Hiệp định Hòa Bình". Biển còn ghi rõ năm 1973 ký hiệp định Paris giữa 4 bên (Mỹ, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Mặt trận Giải phóng Miền Nam, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).

Dù thất trận, nhưng nhiều người Pháp ao ước được một lần đến thăm Việt Nam và đặc biệt là đến Điện Biên Phủ.

Ông Christian Lemoine, một họa sĩ Pháp có cha và hai chú của ông từng là cảnh sát ở Đông Dương, đặc biệt có người chú may mắn sống sót trở về từ Điện Biên Phủ. Ông khao khát được đến thăm Việt Nam. Tôi đã giúp ông ta đến Việt Nam triển lãm tranh cùng các họa sĩ Việt. 

Ngày nay ở Pháp có 8 con đường mang tên Hồ Chí Minh. Điều này minh chứng sự xóa bỏ hận thù chiến tranh giữa hai nước. Nước Pháp thực sự muốn người Việt hãy tha thứ cho Pháp đã làm đổ máu biết bao người của cả hai nước.

Cuộc triển lãm như một bằng chứng sống động về sự tha thứ của người Việt sau chiến tranh, sự hòa hợp giữa hai dân tộc. Ông đã cùng họa sĩ Lê Anh Quân, Vương Thạo triển lãm "Sáng và tối" và đến thăm chiến trường Điện Biên Phủ thỏa mãn mong ước của ông. 

Họa sĩ Lê Anh Quân đã dẫn ông đi thăm nhà tù Sơn La nơi giam giữ những người cách mạng Việt Nam để ông hiểu rõ một trong những nguyên nhân người Việt đòi độc lập, tự do và sự hy sinh chịu đựng của những người Việt yêu nước.

Ông rất xúc động kể lại những gì ông nghĩ khi từ Điện Biên Phủ trở về gửi cho tôi: "Tôi nói về Điện Biên Phủ với những người Việt Nam khi tôi gặp trong thời gian ở Hà Nội, họ rất ngạc nhiên vì tôi quan tâm đến địa danh Điên Biên Phủ. Tất nhiên, đó là nơi thất bại cho người Pháp!".

Ông viết tiếpL Đúng, thực sự đó là một thất bại. Sự thất bại của một đội quân đi xâm chiếm. Một dân tộc đi chinh chiến bị thất bại trước những con người khát vọng tự do. Chỉ khi đến nơi đây, tôi mới thực sự hiểu được phần lịch sử này của đất nước tôi, lịch sử của riêng gia đình tôi.

Những câu hỏi về quyền tự do của các dân tộc, có lẽ về sự lựa chọn của những kẻ bạo chúa, từ lâu đã là một phần câu hỏi của tôi. Sự tự do của người Algerie, của người Việt Nam, của tất cả các dân tộc bị nô lệ bằng cách này hay cách khác sau nhiều năm chiến tranh để đòi độc lập. 

Từ Paris đến thăm Điện Biên Phủ- Ảnh 1.

Hai họa sĩ Pháp Việt (Lê Anh Quân, và Christian Lemoine) trong chuyến đi thăm chiến sự Điên Biên thể hiện tình thân ái giữa hai nước đã được hàn gắn qua cầu hợp tác văn hóa.

"Ở tất cả những nơi này, tôi nghĩ đến những trận chiến, tôi nghĩ đến điều tốt đẹp quý giá nhất của chúng ta, cuộc sống mà một số người cho là không đáng kể. Ở những nơi này hay những nơi khác, tôi tự hỏi làm thế nào mà con người, trong nhiều thiên niên kỷ, lại có thể bịa ra những lý do để giết nhau. 

Vào thời điểm chiến tranh dừng lại - nó luôn kết thúc - các bên tham chiến thương lượng với nhau các điều khoản hòa bình. Như thể chỉ cần một chữ ký, họ có thể xóa đi những bất hạnh và những vụ thảm sát. Thắng hay bại, Austerlitz hay Điện Biên Phủ. Cơ thể con người do tạo hóa không sống bằng huy chương kim loại".

Ông Christian Lemoine đã viết thư đầy cảm xúc chân thành cùng tấm ảnh đầy của người Pháp khi trở về tự Điện Biên Phủ, của một người có cha chú đi gây chiến ở Đông Dương. Ông trở thành bạn với những người Việt, ông sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần đén.

Từ Paris đến thăm Điện Biên Phủ- Ảnh 2.

Chistian Lemoine trước nơi tướng De Castrie ra đầu hàng.

Còn tôi là người Việt kiều về thăm Điện Biên Phủ với hào hứng khác. Trận Điện Biên Phủ với những bài hát tuổi thơ đã để lại dấu ấn trong tâm trí tôi "Giải phóng Điện biên bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui". 

Sống làm việc ở Pháp, tôi càng hiểu Việt Nam đã để lại dấu ấn mạnh trong lịch sử quân sự Pháp. Nước Pháp nổi tiếng với Napoléon từng chinh chiến khắp châu Âu, Châu phi. Trận Waterlo (1815) kết thức thời đại Napoléon khi các nước đồng minh chống lại. Trận Điện Phủ được ví như một trận Waterlo. Nhưng người Pháp vẫn còn né tránh một phần sự thật. Một số vẫn nghĩ nước Pháp nhường độc lập cho Việt Nam. Chỉ những người lính thất trận trở về mới hiểu, Pháp thua trận buộc phải ký hòa bình.

Chúng tôi sinh ra sau hòa bình, nhưng một hòa bình tạm thời, chỉ vài tuổi những đứa trẻ đã phải rời Hà Nội đi sơ tán về các vùng quê. Chúng tôi hiểu về cuộc chiến giành độc lập qua trang sách, bài hát, lời kể của cha và các chú của chúng tôi, những người từ chiến khu trở về.

Chú ruột tôi đại tá Trần Văn Giảng cũng từng tham gia trận chiến Điện Biên Phủ. Ông là một kỹ sư công chánh đã theo kháng chiến đi phá cầu cản đường của Pháp tiếp viện, và xây cầu tạm thời cho Việt Minh di chuyển vũ khí, lương thực cấp tốc… Tất cả như một huyền thoại. 

Tôi đọc nhiều về lịch sử quan hệ giữa Pháp Việt. Hiểu và khâm phục ý chí đòi độc lập và tự do của ông cha và của nhiều trí thức đã sẵn sàng bỏ tất cả sự giàu sang phú quý đi tham gia cách mạng. Cha tôi cùng nhiều bạn bè đứng ra quyên góp tuần lễ vàng, vận động giúp kháng chiến.

Khi tôi được học tiếng Pháp, cha tôi rất mừng, vì ông muốn tôi hiểu hơn những gì một thời các cụ đã làm để đất nước độc lập, có tên trên bản đồ thế giới, Một dân tộc nhỏ bé, yếu về kinh tế, quân sụ, nhưng giàu ý trí và tình yêu nước đã chiến thăng.

Ước mơ đến thăm Điện Biên thành hiện thực, tôi đến thăm nơi đây đúng lễ hội hoa ban và chuẩn bị 70 năm chiến thắng Điện Biên. Đêm lễ hội huy động hơn 100 diễn viên múa hát và pháo hoa rực trời.

Từ Paris đến thăm Điện Biên Phủ- Ảnh 3.

Tác giả trước căn cứ kháng chiến ở Điện Biên.

Tôi cùng đoàn Việt Kiều đến thăm nơi di tích hầm De Casterie, hầm chỉ huy quân sự Võ Nguyên Giáp và bảo tàng quân đội. Chúng tôi đi đặt vòng hoa ở nghĩa trang liệt sĩ đã hy sinh trong trận Điên Biên. Riêng tôi, có ghé thăm đài kỷ niệm những người Pháp đã mất ở đây. Một đài kỷ niệm nhỏ những ý nghĩa lớn. Một cử chỉ nghĩa hiệp thể hiện lòng vi tha của người Việt chiến thắng đối với kẻ xâm lược.

Chiến tranh đã qua đi. Điện Biên giờ đã chuyển mình, những vết tích chiến tranh dường như thu nhỏ lại để dành cho xây dựng. Những nơi xưa là bãi chiến trường nay là trường học, công sở, bảo tàng… Một thành phố Điện Biên khang trang sạch sẽ. Một số bản làng được dựng lên lại sau hòa bình. Những nhà sàn mở rộng lòng đón khách, những trang trại mới đang gieo trồng giống cây mới để giúp phát triển nông nghiệp.

Từ Paris đến thăm Điện Biên Phủ- Ảnh 4.

Tặng nhau những cuốn sách liên quan đến Điện Biên.

Một thành phố đều mới, nhưng tượng đài sừng sững, nghĩa trang mênh mông với những nấm mộ các liệt sĩ vô danh, như một lời nhắc nhở ; Chiến tranh là vô nghĩa. Không ai thích chiến tranh, Không ai sinh ra để mong ra trận đón nhận huân chương.Nhưng một cuộc chiến tranh bảo vệ nước và giữ nước cùng sự hy sinh vì độc lập mãi mãi được vinh danh. Cảm ơn các những người lính đã chiến đấu vì độc lâp của quê hương Việt Nam.

Điện Biên giờ không chỉ đổi mới trong kiến trúc xây dựng mà còn phát triển văn hóa dân tộc, nơi đây tụ hội hơn 10 dân tộc khác nhau Thái, Tày, Kinh, Dao… Những điệu múa, món ăn truyền thống vùng cao cùng với những nụ cười tươi, và tấm lòng rộng mở đón khách đã thu hút khách du lịch. 

Màu sắc rực rỡ trang phục dân tộc, điệu múa sạp tập thể tăng thêm sự quyến rũ của Điện Biên. Triển lãm tranh tròn về cuộc chiến Điện Biên Phủ với sự tham gia tình nguyện của hơn 200 họa sĩ trở thành điểm du lịch gây bất ngờ hấp dẫn như triển lãm tròn ở Mạc Tư Khoa.

Mong một ngày tỉnh Điện Điên nối kết với một tỉnh ở Pháp để tình hữu nghị giữa hai nước sẽ càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt về du lịch. Những chuyến đi từ Paris đến Điện Biên dù rất xa, nhưng khát vọng cùng sự tò mò lịch sử của hai dân tộc chắc chắn sẽ thu hút không chỉ người Pháp mà cả nhiều du khách thế giới. Điên Biên Phủ đã được ghi trong lịch sử quân sự của thế giới lừng danh với đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Điên Biên Phủ không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mà là điểm du lịch đầy hấp dẫn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem