Xuất khẩu cá tra sang các nước CPTPP tăng 123% trong tháng 7

29/08/2022 19:07 GMT+7
Tháng 7/2022, xuất khẩu cá tra sang các nước thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vẫn giữ mức tăng trưởng 3 con số 123%, đạt trên 31 triệu USD.

Tính chung, 7 tháng năm 2022, khối thị trường CPTPP tiêu thụ hơn 13% tổng xuất khẩu cá tra của Việt Nam với giá trị 211,4 triệu USD, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2021.

Về thị trường nhập khẩu, trừ New Zealand không tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam, các thị trường còn lại đều tăng mạnh nhập khẩu cá tra Việt. Cụ thể, 7 tháng năm nay, xuất khẩu cá tra sang Canada tăng đột phá nhất, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 40 triệu USD, chiếm tỷ trọng 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam. Trong đó, 92% sản phẩm cá tra xuất khẩu sang thị trường này là cá phile/cắt khúc đông lạnh, sản phẩm cá nguyên con đông lạnh chỉ chiế hơn 6%, còn lại là cá tra chế biến.

Ngoài ra, xuất khẩu cá tra sang các thị trường Australia, Singapore, Malaysia và Chile đều tăng trưởng 3 con số trong tháng 7, với tỷ lệ tăng từ 108 - 166% so với cùng kỳ. Trong tháng 7, Nhật Bản cũng tăng 66% nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Những thị trường trên đều chiếm từ 1,3 - 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.

Xuất khẩu cá tra sang các nước CPTPP tăng 123% trong tháng 7 - Ảnh 1.

Tháng 7/2022, xuất khẩu cá tra sang các nước thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vẫn giữ mức tăng trưởng 3 con số 123%, đạt trên 31 triệu USD.

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu, nhìn chung trong các thị trường thuộc khối CPTPP, cá tra xuất khẩu sang Canada vẫn có giá trung bình cao nhất. Giá trung bình cá tra phile đông lạnh xuất khẩu sang Canada trong tháng 7 đạt 3,34 USD/kg, giảm nhẹ so với mức trung bình 3,66 USD/kg trong tháng 6. Dù Mexico đứng đầu khối về nhập khẩu cá tra Việt Nam, nhưng giá trung bình xuất khẩu sang thị trường này chỉ đạt trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt 2,8 USD/kg. 

Ngoài ra, Australia cũng là thị trường hấp dẫn với các doanh nghiệp cá tra Việt Nam với giá trung bình nhập khẩu tương đối cao, đạt 3,26 USD/kg trong 6 tháng đầu năm và 3,3 USD/kg trong tháng 7/2022.

Trong khi xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng sang nhiều thị trường gặp bất ổn vì biến động tiền tệ và cước vận tải quá cao, thì CPTPP lại ít bị tác động bởi những thách thức trên. Thuế nhập khẩu 0% theo hiệp định CPTPP và sự lựa chọn của người tiêu dùng chuyển sang loài cá có giá vừa phải như cá tra, là những yếu tố giúp xuất khẩu cá tra sang các nước CPTPP giữ được tăng trưởng đầy lạc quan từ đầu năm đến nay và vẫn có thể giữ đà tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm.

Trong CPTPP, các nước thành viên CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình. 

Các mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực khi xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản. Nhiều mặt hàng thủy sản trước chưa được cam kết xóa bỏ thuế quan trong hiệp định Việt Nam – Nhật Bản và ASEAN – Nhật Bản sẽ được hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Nhật Bản, trong đó một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ... sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Cá tra, cá basa là mặt hàng thủy sản duy nhất xuất khẩu lớn sang Mê-hi-cô sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Được biết, theo Tổng cục Hải quan, tháng 7/2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 943,6 triệu USD, tăng 11,4% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 6,64 tỷ USD, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu thủy sản tháng 7/2022 tăng trưởng chậm lại, kim ngạch xuất khẩu về mức dưới 1 tỷ USD, sau khi liên tục đạt trên mức này trong 4 tháng trước đó. 

Xuất khẩu thủy sản trong tháng 7/2022 tăng trưởng chậm lại khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm mạnh, tháng giảm thứ 2 liên tiếp, đạt 164 triệu USD, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm 2021 (tháng 6/202 giảm 10,86%). Tuy nhiên, tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ vẫn tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh do tồn kho tại thị trường này ở mức cao sau khi các công ty đẩy mạnh nhập khẩu trong các tháng đầu năm. Bên cạnh đó, mặt hàng tôm của Việt Nam còn phải cạnh tranh gay gắt với tôm Ấn Độ và Ecuador khi giá bán bình quân tôm thẻ chân trắng của Việt Nam cao hơn. Xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ cũng đã chậm lại do nhu cầu tiêu dùng tại thị trường bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao. 

Trong khi xuất khẩu sang các thị trường lớn tiếp theo như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada… tiếp tục tăng. 

Trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục chậm lại, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, do tồn kho tại các thị trưởng cao và tác động của lạm phát. Xuất khẩu có khả năng phục hồi kể từ tháng 9/2022 khi nhu cầu chuẩn bị nguồn hàng cho mùa lễ hội cuối năm tại các thị trường tăng lên.

Xuất khẩu cá tra sang các nước CPTPP tăng 123% trong tháng 7 - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục