Xâm mặn sớm, sản xuất nông nghiệp đình trệ

Thứ năm, ngày 10/03/2011 17:33 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tình trạng nước biển xâm nhập sớm vào đất liền những tháng đầu năm, đã và đang gây thiệt hại nặng cho ngành thủy sản tỉnh Bến Tre.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Văn Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản (Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre) cho biết: Nước biển đã xâm nhập sâu vào nội địa tỉnh Bến Tre trên 60km với độ mặn 4%o. "3 huyện Thạnh Phú, Ba Tra và Bình Đại chịu nhiều tác động nhất của xâm nhập mặn, đến giờ nông dân vẫn chưa thả giống tôm được, khiến cho nguồn nguyên liệu đã thiếu nay càng khan hiếm hơn" - ông Nguyễn Văn Dũng lo lắng.

img

Vùng nuôi tôm của xã Thạnh Phước bỏ trắng vì ngập mặn.

Có mặt tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại - nơi cách bờ biển khoảng 10km, là một vùng nuôi tôm biển khá mạnh của tỉnh, chúng tôi chứng kiến một không khí im lìm. Hầu hết hoạt động sản xuất của nông dân vùng này đang ngưng trệ. Ông Nguyễn Thành Công - Trưởng ban quản lý vùng nuôi tôm của xã cho biết: Mọi năm đến thời điểm này cả xã bận rộn trong việc thả giống cho vụ tôm mới. Thế nhưng năm nay đến giờ vẫn chưa thả được, dù đã trễ gần một tháng so với lịch đề ra (16.2), do nước mặn xâm nhập cao. Độ mặn trong nước đã lên đến 40%o, gấp đôi độ mặn thích hợp cho tôm, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, làm tôm chậm lớn, và làm tăng gánh nặng chi phí cho người nuôi.

img Cách đây vài năm, người nuôi quảng canh chỉ mất khoảng 3- 4 tháng để tôm lớn đạt cỡ 30-40 con/kg, nhưng nay phải mất đến 6 tháng do mặn xâm nhập. Thậm chí tôm cũng không lớn nổi, trước 40 con/kg, giờ phải 50 - 60 con /kg, lợi nhuận mất gần 50%. img

Theo người dân địa phương, cùng với độ mặn tăng rất rõ, mực nước biển cũng đã cao hơn trung bình năm trước khoảng 10cm. Ông Nguyễn Văn Dũng thông tin thêm, năm 2010 mặn xâm nhập đã gây thiệt hại cho ngành thuỷ sản của tỉnh hàng chục tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, dự báo năm nay tình hình xâm mặn sẽ còn tệ hơn. Đánh giá của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Bến Tre, nước mặn sẽ còn tràn vào hệ thống sông rạch cách cửa sông 70km, sâu hơn các năm trước 20km.

Trước tình hình này nhiều người nuôi tôm công nghiệp đã phải bỏ từ nuôi 2 vụ/năm xuống còn 1 vụ. "Họ phải bỏ bớt vụ tôm chính vụ để chuyển sang nuôi nghịch vụ để giảm thiểu chi phí do tác động của nước biển dâng, mặn xâm nhập và thời tiết khắc nghiệt hơn so với sức chịu đựng của sinh vật" - ông Phạm Văn Lành - Trưởng trại thực nghiệm CADET Bình Đại (Trung tâm Khuyến ngư Bến Tre) thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem