Vượt Trung Quốc, Việt Nam cung cấp nhiều nhất một sản phẩm thế mạnh cho Mỹ, tham vọng thu 18 tỷ USD

K.Nguyên Thứ hai, ngày 09/05/2022 09:27 AM (GMT+7)
Sức mua tăng cao từ thị trường Mỹ đã giúp xuất khẩu gỗ tiếp tục lập kỷ lục trong 4 tháng đầu năm 2022, đạt kim ngạch tới 5,48 tỷ USD.
Bình luận 0

Mỹ mua nhiều nhất, xuất khẩu gỗ lại lập kỷ lục

Sức mua tăng cao từ thị trường Mỹ đã giúp xuất khẩu gỗ tiếp tục lập kỷ lục trong 4 tháng đầu năm 2022.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4/2022 ước tính đạt 1,5 tỷ USD, tăng 7,3% so với tháng 4/2021. 

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 5,48 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021. 

Tính riêng sản phẩm gỗ xuất khẩu, trị giá xuất khẩu trong tháng 4/2022 ước đạt 1,13 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng 4/2021; trong 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 4,14 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong quý I/2022, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, với tỷ trọng chiếm 68,52% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022 - chiếm 79,3% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. 

Vượt Trung Quốc, Việt Nam cung cấp nhiều nhất một sản phẩm thế mạnh cho Mỹ, tham vọng thu 18 tỷ USD - Ảnh 1.

Sức mua tăng cao từ thị trường Mỹ đã giúp xuất khẩu gỗ tiếp tục lập kỷ lục trong 4 tháng đầu năm 2022, đạt kim ngạch tới 5,48 tỷ USD. Trong ảnh: Chế biến gỗ tại Công ty Lâm Việt (Đồng Nai). Ảnh: Cao Cẩm.

Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Mỹ kể từ năm 2020. Trong năm 2021, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam đạt 10,4 tỷ USD, tăng 28,1% so với năm 2020. Tính đến 2 tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ đạt 4,8 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu nhiều nhất tới khu vực châu Mỹ trong quý I/2022, đạt 2,2 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021. 

Tỷ trọng xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ tới khu vực châu Mỹ chiếm 80,5% tổng trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ. Tiếp theo là khu vực châu Á, châu Âu, châu Đại Dương và châu Phi. 

Mặt hàng gỗ ván và ván sàn là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2 trong quý I/2022, đạt 499,8 triệu USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2021. Mặt hàng gỗ ván và ván sàn xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường châu Á đạt 249,2 triệu USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2021; tiếp theo là thị trường châu Mỹ đạt 217,7 triệu USD, tăng 34,2%; châu Âu đạt 26,1 triệu USD, tăng 25,2%...

Tiếp theo mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu trong quý I/2022 đạt 459,2 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021. Mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu chủ yếu tới thị trường châu Á, trị giá xuất khẩu dăm gỗ tới thị trường này chiếm 99,7% tổng trị giá xuất khẩu. Còn lại tỷ trọng nhỏ là xuất khẩu tới thị trường châu Âu.

Thị trường EU cũng đang tăng tốc nhập khẩu đồ gỗ từ Việt Na,. Theo số liệu thống kê từ Eurostat, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ EU năm 2021 đạt 24,5 tỷ USD tăng 19,4% so với năm 2020. Trong đó trị giá nhập khẩu từ Việt Nam đạt 531,8 triệu USD, tăng 14,7% so với năm 2020.

Tiếp đà tăng trưởng trong năm 2021, sang tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU tiếp tục tăng trưởng, đạt 2,1 tỷ USD, tăng 19,1% so với tháng 1/2021.

Dư địa lớn để xuất khẩu gỗ sang Mỹ

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), mặt hàng gỗ được đánh giá là ngành hàng phục hồi sản xuất và xuất khẩu nhanh nhất. 

Ngành hàng xuất khẩu gỗ Việt Nam phấn đấu trong năm 2022 đạt chỉ tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD, trong đó Bình Dương chiếm khoảng 50% do hội tụ nhiều doanh nghiệp lớn. 

Hiện nay Mỹ và châu Âu chiếm 80% thị phần xuất khẩu của Việt Nam và còn dư địa rất lớn để phát triển. Các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam vẫn tập trung vào các thị trường mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu sang thị trường EU. 

Mặc dù cuộc chiến Nga – Ukraine ngày càng gia tăng, cùng với đại dịch Covid-19 chưa thể chấm dứt, ngành gỗ Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn về sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cung gỗ từ Nga vào Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch nhập khẩu, đồng thời Nga chưa phải là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. 

Mặt khác giá vận tải biển, chi phí logistics đang tăng cao dẫn đến giá thành sản phẩm gỗ xuất khẩu của  Việt Nam gặp khó khăn. 

Chính phủ Việt Nam nỗ lực cùng các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện để có các cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, đất đai và ứng dụng các khoa học tiên tiến vào sản xuất để tiến tới chủ động phần lớn nguồn nguyên liệu gỗ cho chế biến.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem