Vướng mắc sau 3 năm triển khai Luật Trồng trọt: Cục Trồng trọt nói gì?

Minh Huệ (thực hiện) Thứ sáu, ngày 16/12/2022 12:31 PM (GMT+7)
Trao đổi với PV Báo NTNN, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, các doanh nghiệp “kêu” khó, nhưng mới chỉ là nhìn ở góc độ lợi ích, phạm trù của doanh nghiệp mà chưa đánh giá rộng hơn.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Như Cường khẳng định: Phía cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống, nhưng phải đảm bảo quyền lợi cho bà con nông dân và cơ quan quản lý nhà nước phải thực thi, quản lý được.

Thưa ông, một số ý kiến cho rằng sau 3 năm triển khai Luật Trồng trọt đã nảy sinh vướng mắc, bất cập. Ở góc độ cơ quan quản lý, ông có thể cho biết quá trình triển khai gặp những khó khăn, vướng mắc gì?  

Luật Trồng trọt 2018 đã được ban hành theo đúng trình tự thủ tục, xin ý kiến chuyên gia, tổ chức rất nhiều hội thảo hội nghị góp ý… và được Quốc hội thông qua. Phải khẳng định Luật đã bao trùm lợi ích quốc gia, lợi ích người dân và phù hợp với điều kiện thực tế nước ta cũng như xu thế thế giới.

Đang quản lí theo kiểu cũ, bây giờ đổi mới quản lý thì sẽ có những vướng mắc lúng túng nhất định. Đối với những giống cây trồng không quan trọng, không nằm trong nhóm cây trồng chính thì cơ chế rất cởi mở, các đơn vị doanh nghiệp tự công bố thông tin, tự chịu trách nhiệm sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp. Chỉ khi giống cây trồng đó gây ra ảnh hưởng đến sản xuất thì cơ quan quản lý mới vào cuộc, có ý kiến. Còn với cây trồng chính, ảnh hưởng tới đời sống dân sinh, an ninh lương thực thì chắc chắn phải quản lí chặt chẽ.

Vướng mắc sau 3 năm triển khai Luật Trồng trọt: Cục Trồng trọt nói gì? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT). Ảnh: Nguyễn Chương

Tuy nhiên, có những cái không phù hợp trong phạm vi của Cục Trồng trọt thì chúng tôi đã xin điều chỉnh. Ví dụ như một số tiêu chuẩn trong công nhận giống lúa, khi chúng tôi xin góp ý thì không mấy đơn vị để ý quan tâm, kể cả doanh nghiệp. Đến khi ban hành thực hiện, từ cuối năm 2021 chúng tôi đã nhận thấy một số điểm không phù hợp và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với sản xuất.

Thực tế, Luật Trồng trọt ban hành đã góp phần đổi mới công tác quản lý. Tuy nhiên bao giờ pháp luật cũng có độ trễ nhất định so với thực tế cuộc sống, phải qua thời gian thực hiện, đánh giá ở nhiều góc độ và nhìn ở tầm vĩ mô, nếu có những vấn đề gì chưa phù hợp thì chúng ta sẽ đề xuất, kiến nghị sửa đổi.

Chúng tôi cũng đề nghị trong quá trình bổ sung, điều chỉnh TCVN 13381-1:2021, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ, góp ý thiết thực để tránh việc vừa ban hành đã đòi sửa. 

Có ý kiến cho rằng, đối với những giống đã được công nhận rồi thì không nhất thiết phải khảo nghiệm, công nhận lại nữa cho tốn kém, mất thời gian?

Ví dụ như đối với khảo nghiệm VCU, việc công nhận lại là hoàn toàn phù hợp. Bởi qua thời gian, giống cây trồng thường xuyên biến đổi, các chủng vi sinh vật sau 5 năm cũng đã biến đổi rất nhiều thì chúng ta phải có những đánh giá lại về khả năng sinh trưởng, chống chịu sâu bệnh của giống đó. 

Trên cơ sở đánh giá lại, chúng ta sẽ khẳng định được giống nào tốt cho sản xuất. Thứ 2, chúng ta sẽ đánh giá được mức tác động của sinh vật gây hại đối với giống cây trồng đó để có định hướng quản lý, chỉ đạo sản xuất hiệu quả.

Không có thông tin, mù mờ về các loại giống thì cơ quan nhà nước làm sao quản lý được? Thực tế Luật Trồng trọt 2018 quy định rất rõ ràng, minh bạch.

Ví dụ trước đây các giống rau là được phép "automatic" sản xuất, kinh doanh, nhưng bây giờ doanh nghiệp sẽ phải tự công bố thông tin về chất lượng, quy trình canh tác, chống chịu sâu bệnh và phải tự chịu trách nhiệm về các thông tin đó. Nghĩa là TCVN sẽ quy định rất rõ thông qua các chỉ tiêu, định lượng, nhằm tạo sự minh bạch, tránh được sự quản lý tùy tiện, cảm tính. 

3 năm triển khai Luật Trồng trọt: Doanh nghiệp như “ngồi trên lửa” - Ảnh 1.

Mô hình khảo nghiệm giống lúa mới TBR 97 tại huyện Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Minh Ngọc

Ngày 31/12/2022 là thời hạn cuối để công nhận lại giống cây trồng theo Luật Trồng trọt, vậy việc công nhận, gia hạn lưu hành cho các đơn vị đang được thực hiện thế nào thưa ông?

Từ năm 2019 đến 2020, Cục Trồng trọt đã phối hợp với các cơ quan tổ chức rất nhiều hội nghị hướng dẫn triển khai; rất nhiều tỉnh đã mời cán bộ của Cục về phổ biến chứ không phải chúng tôi không nhắc gì. Riêng trong năm 2022, đã 2 lần Cục gửi văn bản cho các doanh nghiệp, địa phương đốc thúc thực hiện, nhưng rất ít đơn vị quan tâm. Đến khi sát ngày rồi mới nêu ý kiến, phản ánh.

Xin cảm ơn ông!

Quá tốn công sức và tiền bạc

PGS - TS Nguyễn Thị Trâm cho rằng: Thực tế sản xuất cho thấy, sau khi có quyết định công nhận chính thức 1 giống lúa mới, tác giả giống phải làm nhiều mô hình trình diễn tại nhiều địa phương trong vùng ít nhất 3 - 5 năm để nhiều nông dân tiếp cận, đánh giá, trồng thử và lựa chọn. Sau 5 - 7 năm, giống tốt mới có thể phát triển rộng. Thời gian lan tỏa của giống đạt đỉnh cao thường kéo dài khoảng từ năm thứ 7 đến năm thứ 14 - 15. Nếu 10 năm đã hết hạn lưu hành thì năm thứ 8 sau khi ký quyết định lưu hành, tác giả đã phải gửi khảo nghiệm để công nhận lại, tại sao luật phải làm khó cho sản xuất như vậy? Như vậy, sẽ quá tốn công sức và tiền bạc cho việc khảo nghiệm.

Chồng chéo với Luật Sở hữu trí tuệ?

Còn theo bà Vũ Thị Oanh - cán bộ pháp chế Tập đoàn ThaiBinh Seed: Theo quy định của Luật Trồng trọt, tổ chức, cá nhân phải thực hiện tiếp thủ tục công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành. Rõ ràng đối với mỗi một giống cây trồng đưa vào sản xuất, kinh doanh thì tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng đó phải làm thêm thủ tục xin quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành với giống đó. Quy định này không khác nào bảo hộ lại một lần nữa đối với giống cây trồng, nhưng việc bảo hộ lại này không tương thích với Luật Sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12 và Luật số 42/2019/QH14 quy định thời gian bảo hộ với giống cây trồng tại khoản 2 Điều 169 như sau: "Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết 25 năm đối với giống cây thân gỗ và cây nho; đến hết 20 năm đối với các giống cây trồng khác".

Nhưng Luật Trồng trọt năm 2018 quy định tại khoản 2, Điều 15 như sau: "Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hằng năm có thời hạn là 10 năm, giống cây trồng lâu năm có thời hạn là 20 năm và được gia hạn". Luật Trồng trọt cũng không quy định thời hạn được gia hạn lại là bao nhiêu.

"Thực tế có nhiều giống đã hết thời gian bảo hộ từ nhiều năm nay, được các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự do thì đến nay lại không đủ điều kiện, không được tiếp tục sản xuất kinh doanh các giống này nữa. Việc phải thực hiện thêm một giấy phép con cho hoạt động sản giống cây trồng sẽ gây tốn thời gian, làm tăng chi phí, làm tăng giá thành sản xuất." - bà Oanh chỉ rõ.

Thiên Hương (ghi)



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem