3 năm triển khai Luật Trồng trọt: Doanh nghiệp than khổ vì chồng chéo, xa rời thực tế

Minh Huệ Thứ tư, ngày 14/12/2022 19:44 PM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp... cho rằng cần điều chỉnh một số quy định của Luật Trồng trọt để quá trình thực hiện được thuận lợi, khả thi, phù hợp thực tiễn.
Bình luận 0

3 năm triển khai Luật Trồng trọt: Doanh nghiệp như "ngồi trên lửa"

Sáng nay 14/12, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo triển khai Luật Trồng trọt và một số văn bản hướng dẫn Luật Trồng trọt. 

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng Quảng Ninh cho biết, công ty đã được công nhận 14 giống lúa thuần phục vụ sản xuất. Qua 3 năm thực thi Luật Trồng trọt, công ty đã rà soát đánh giá lại bộ giống này và báo cáo Bộ NNPTNT, Cục Trồng trọt cấp lưu hành lại 5 giống lúa thuần là Khang dân 18, Q5, HT1, KC90 và nếp ĐT52. Công ty phải loại bỏ 4 giống ra khỏi sản xuất như ải 32, Lưỡng quảng 164, Khâm dục số 2... 

Bà Hồng cho rằng, trong bối cảnh có quá nhiều công ty giống ra đời nhưng thiếu năng lực nghiên cứu sản xuất, chỉ thuần tuý mua đi bán lại. Thậm chí, cũng là giống Khang dân 18, Q5 nhưng mỗi đơn vị chọn ra 1 dạng khác nhau, sau đó tự chứng nhận chất lượng giống, đưa ra thị trường mà không có sự giám sát, quản lý của tác giả cũng như cơ quan quản lý, dẫn đến vàng thau lẫn lộn. Hậu quả là giống đến tay nông dân không đảm bảo chất lượng. 

Tranh cãi về Luật Trồng trọt: Doanh nghiệp kêu khó vì chồng chéo, xa rời thực tế - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hồng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng Quảng Ninh cho rằng, thị trường giống cây trồng "vàng thau lẫn lộn". Ảnh: M.H

Do vậy, bà Hồng khẳng định việc thực thi Luật Trồng trọt sẽ tạo ra khí thế mới cho sản xuất, đảm bảo tính đồng nhất, ổn định, giá trị canh tác và giá trị giống. Đại diện cho cơ quan là tác giả các giống lúa nói trên, bà Hồng đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp liên hệ với công ty để có phương thức triển khai liên kết sản xuất, theo hướng: Công ty cung cấp giống gốc cho các tổ chức, doanh nghiệp liên kết sản xuất; Quản lý chất lượng giống theo hệ thống và vận hành dưới sự giám sát, quản lý của cơ quan trọng tài là Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống cây trồng quốc gia..., nhất là thống nhất ổn định cùng 1 giá sàn cho một loại giống trên toàn hệ thống.

Đề nghị trước khi đưa ra thị trường phải đảm bảo đầy đủ yêu cầu nhãn mác, giá cả, theo tiêu chuẩn quy định; đề xuất thống nhất giá sàn cho giống, xây dựng thị trường công bằng giữa nghiên cứu và kinh doanh để nông dân thực sự được hưởng lợi.

Trong khi đó, đại diện Chi cục Trồng trọt tỉnh Ninh Bình nêu ra một số vấn đề nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng đang vướng mắc hiện nay. Đó là các giống mới sản xuất năm 2022 thì kể cả chưa cấp phép lưu hành cũng đang hợp pháp, nhưng đến khi phân phối đến địa phương thì đã sang năm 2023 lại dẫn đến vi phạm. Nếu cơ quan chức năng không xử lí thì phạm luật, mà xử lí thì khó khăn cho doanh nghiệp. 

"Thứ hai, theo thống kê của chúng tôi, trong cơ cấu giống lúa tại địa bàn Ninh Bình có khoảng 75% giống lúa đặc sản, chất lượng cao, với 50% là giống LT2, Bắc Thơm số 7. Hai giống lúa này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giống lúa chất lượng cao nhưng lại chưa có quyết định lưu hành, do đó chúng tôi không dám đưa vào các chương trình hỗ trợ tiến bộ kỹ thuật mới, giống mới cho bà con. Và dù không đưa vào, thì thực tế bà con nông dân ở Ninh Bình vẫn đang trồng các giống lúa này" - đại diện Chi cục Trồng trọt tỉnh Ninh Bình nêu. 

Tranh cãi về Luật Trồng trọt: Doanh nghiệp kêu khó vì chồng chéo, xa rời thực tế - Ảnh 2.

Các thành viên Ban Chủ toạ giải đáp băn khoăn, thắc mắc của đại biểu.

Một số ý kiến đại biểu cũng cho biết, khó khăn nhất hiện nay khi thực hiện theo Luật Trồng trọt, đó là chi phí để công nhận lưu hành đối với một giống mới quá cao; phải khảo nghiệm ở rất nhiều vùng sinh thái, tốn nhiều công sức, chi phí với hàng chục mẫu... Những doanh nghiệp lớn có nguồn lực tài chính lớn có thể đáp ứng, nhưng với những doanh nghiệp nhỏ thì quả thực sẽ rất khó khăn. 

Đại diện Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng, theo TCVN 13381-1:2021, điểm sâu bệnh với 3 đối tượng là rầy nâu, đạo ôn và bạc lá phải đạt điểm (lần lượt) là 5; 5 và 7 trở xuống, đây là mức cao quá, các doanh nghiệp khó có thể đáp ứng.

Do tiêu chuẩn đưa ra chưa sát, phức tạp nên 2 năm gần đây chưa công nhận được giống lúa, giống ngô nào theo Luật Trồng trọt. Luật ra đời là để mang lại lợi ích cho sản xuất, cho nông dân, doanh nghiệp, viện nghiên cứu..., tại sao khi có luật mới rồi mà không công nhận được giống nào thì phải xem xét lại.

Một vấn đề khác cũng cần điều chỉnh là giống cũ đã công nhận rồi, sau 10, 20 năm phải công nhận lại thì điều này rất vô lý vì giống này đã là giống quốc gia, toàn xã hội sử dụng, bây giờ lại yêu cầu chủ thể đăng ký lại là không hợp lý.

Ông Trần Xuân Định - Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam cho biết: Nhiều đơn vị đang như "ngồi trên đống lửa", bởi không biết sẽ sản xuất kinh doanh kiểu gì khi mà những giống trước đây được sản xuất và bán bình thường thì giờ "đã quá 10 năm", nếu sản xuất, kinh doanh sẽ vi phạm luật. 

"Hay như với các giống rau, các doanh nghiệp cũng rất đau đầu và lúng túng không biết làm thế nào, vì các giống rau không phải là cây trồng chính. Theo Pháp lệnh Giống cây trồng 2004 và Quyết định số 95/2007/QĐ-BNNPTNT, nhóm cây này (cây ăn quả, rau, hoa màu…) mặc nhiên được sản xuất, kinh doanh và các doanh nghiệp nhập khẩu được thông quan dễ dàng. Có lẽ chính vì nhờ điều này mà ngành rau quả của chúng ta phát triển vượt bậc, giúp nông dân giàu lên, xuất khẩu thu về hàng tỷ USD. Nhưng bây giờ, theo Luật Trồng trọt, nếu chưa tự công bố lưu hành thì hải quan sẽ không cho thông quan" - ông Định nói. 

3 năm triển khai Luật Trồng trọt: Doanh nghiệp than khổ vì chồng chéo, xa rời thực tế - Ảnh 4.

Theo Pháp lệnh Giống cây trồng 2004 và Quyết định số 95/2007/QĐ-BNNPTNT, nhóm cây ăn quả, rau, hoa màu… mặc nhiên được sản xuất, kinh doanh.

Chồng chéo với Luật Sở hữu trí tuệ?

Phát biểu tại Hội thảo, bà Vũ Thị Oanh – Cán bộ Pháp chế Tập đoàn ThaiBinh Seed phân tích: Theo quy định của Luật Trồng trọt, tổ chức, cá nhân phải thực hiện tiếp thủ tục công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành. Rõ ràng đối với mỗi một giống cây trồng đưa vào sản xuất, kinh doanh thì tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng đó phải làm thêm thủ tục xin quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành với giống đó. Quy định này không khác nào bảo hộ lại một lần nữa đối với giống cây trồng, nhưng việc bảo hộ lại này cũng không tương thích với Luật Sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, Quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12 và Luật số 42/2019/QH14 quy định thời gian bảo hộ với giống cây trồng tại khoản 2 Điều 169 như sau: "Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết 25 năm đối với giống cây thân gỗ và cây nho; đến hết 20 năm đối với các giống cây trồng khác".

Nhưng Luật Trồng trọt năm 2018 quy định tại khoản 2, Điều 15 như sau: "Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hằng năm có thời hạn là 10 năm, giống cây trồng lâu năm có thời hạn là 20 năm và được gia hạn".

Luật Trồng trọt năm 2018 không quy định thời hạn được gia hạn lại là bao nhiêu. Nhưng có thể thấy hệ luỵ của quy định này là khiến các giống đã hết thời gian bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ vẫn được bảo hộ theo Luật Trồng trọt năm 2018.

"Và thực tiễn có nhiều giống đã hết thời gian bảo hộ từ nhiều năm nay, được các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự do từ nhiều năm, thì đến nay lại không đủ điều kiện và không được tiếp tục sản xuất kinh doanh các giống này nữa. Việc phải thực hiện thêm một giấy phép con cho hoạt động sản giống cây trồng sẽ gây tốn thời gian, làm tăng chi phí, làm tăng giá thành sản xuất. Dẫn đến việc tiếp cận của người dân với các giống mới sẽ lâu và khó khăn hơn" - bà Oanh chỉ rõ. 

3 năm triển khai Luật Trồng trọt: Doanh nghiệp than khổ vì chồng chéo, xa rời thực tế - Ảnh 5.

Các đại biểu dự Hội thảo triển khai Luật Trồng trọt và một số văn bản hướng dẫn luật trồng trọt. Ảnh: M.H

Ông Mai Văn Đức – Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Nam Định cũng kiến nghị: "Cần có trọng tài để định xem đơn vị nào được khai thác các giống đã được lưu hành từ lâu, các giống toàn dân, giống địa phương. Đối với các giống cây trồng dạng này, hoặc giống nhập ngoại thì không thể hành xử như giống đã được bảo hộ. Ví dụ như các giống lúa cổ truyền như nếp cái hoa vàng, tám thơm, dự hương, séng cù, nếp bể, nếp dâu, nếp cau và hàng trăm giống ngô, lạc... Công nhận lưu hành lại hay gia hạn đối với những giống này như thế nào, vì thực chất không có chủ sở hữu?". 

Theo ông Đức, nếu chiểu theo Điều 13 Luật Trồng trọt thì thậm chí còn có thể vi phạm, vì cấp lưu hành đồng thời với việc bảo hộ. Do đó, trong lúc kiến nghị sửa luật cần phải có giải pháp tạm thời, làm thế nào chúng ta quy định bản quyền giống cây trồng giống như bản quyền các bài hát?...



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem