Nông thôn mới ở làng dân tộc Cơ Tu của Đà Nẵng “lên đời” nhờ mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới

Trần Hậu Chủ nhật, ngày 20/11/2022 12:39 PM (GMT+7)
Thời gian qua, với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước mà đời sống, nông thôn mới của người đồng bào dân tộc Cơ Tu (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) đã cải thiện rõ rệt, thu nhập của người dân ổn định, nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Bình luận 0

Sức sống nông thôn mới của làng Cơ Tu hôm nay

Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 27km về phía Tây, có một ngôi làng Cơ Tu cảnh sắc yên bình, con người thân thiện đang ngày một thêm trù phú. Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu, tập trung tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Được biết, người đồng bào dân tộc Cơ Tu trước kia sinh sống ở vùng núi sâu của xã Ba (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam). Sau năm 1986 được sự vận động của chính quyền địa phương thì họ tập trung về thôn Phú Túc định cư. Hiện nay thôn Phú Túc có 134 hộ, với 517 nhân khẩu người dân tộc Cơ Tu.

Đà Nẵng: Làng dân tộc Cơ Tu “lên đời” nhờ các mô hình kinh tế - Ảnh 1.

Được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước mà người đồng bào dân tộc Cơ Tu (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) đã có cuộc sống ổn định, thoát nghèo bền vững, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Ảnh: Trần Hậu.

Song hành cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, làng dân tộc Cơ Tu đã đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh, góp phần không nhỏ vào sự "thay da đổi thịt" của quê hương.

Đà Nẵng: Làng dân tộc Cơ Tu “lên đời” nhờ các mô hình kinh tế - Ảnh 2.

Anh Lê Văn Hoàng (người đồng bào Cơ Tu) thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm nhờ nuôi heo rừng lai. Ảnh: Trần Hậu.

Về làng Cơ Tư hôm nay, ngoài hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang thì đời sống người dân ở đây ngày càng sung túc. Điểm sáng là các mô hình kinh tế mới, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Điển hình như mô hình nuôi heo rừng lai của anh Lê Văn Hoàng (43 tuổi), từ năm 2015 anh nuôi thử 4 con và sau nhân rộng lên hơn 400 con heo, với 2 trang trại (mỗi trang trại rộng 10.000m2) tại thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) và huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam).

Đà Nẵng: Làng dân tộc Cơ Tu “lên đời” nhờ các mô hình kinh tế - Ảnh 3.

Mô hình nuôi heo rừng lai của anh Hoàng là mô hình điểm của địa phương. Ảnh: Trần Hậu.

Anh Hoàng vui vẻ nói: "Tôi nghỉ việc tại UBND xã Hòa Phú để dốc hết tâm huyết phát triển mô hình nuôi heo rừng lai. Đây là giống heo được lai từ heo mẹ là heo rừng lai thả rông và heo bố là heo rừng bản địa. Vì thế con giống lai tạo có sức đề kháng cao, chịu được thời tiết khắc nghiệt, thích nghi với mọi loại địa hình, dễ nuôi và không tốn nhiều thức ăn, ít tốn công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế lại cao".

Người dân tộc Cơ Tu xưa nay nuôi heo rừng bản địa cho thả rông, heo có bản tính hoang dã và hung dữ, phá vườn tược, có thể tấn công con người.

Đà Nẵng: Làng dân tộc Cơ Tu “lên đời” nhờ các mô hình kinh tế - Ảnh 5.

Dự định 2 năm nữa, vườn cây sinh thái và homestay du lịch của anh Hoàng sẽ đem lại thu nhập cao. Ảnh: Trần Hậu.

Cho nên khi bắt đầu nuôi phải chú trọng tạo môi trường phù hợp với tập tính của chúng, từ từ thuần hóa. Việc nuôi bán thả rông, kết hợp nuôi nhốt chuồng và chăn thả ngoài vườn có vòng rào sẽ tạo dựng môi trường sinh sống thuận lợi nhất cho đàn heo phát triển.

Heo rừng lai ăn rau củ quả, chuối băm, hèm bia, cám gạo, lá rừng…. Trung bình nuôi 7 tháng heo đạt khoảng 30kg được xuất bán. 

Đà Nẵng: Làng dân tộc Cơ Tu “lên đời” nhờ các mô hình kinh tế - Ảnh 6.

Ngoài làm kinh tế giỏi, trang trại kinh tế tổng hợp của anh Hoàng còn giải quyết 5 lao động thường xuyên, với mức lương hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Trần Hậu.

Đà Nẵng: Làng dân tộc Cơ Tu “lên đời” nhờ các mô hình kinh tế - Ảnh 7.

Chất lượng thịt heo rừng thơm ngon, săn chắc, có giá trị dinh dưỡng cao nên thị trường nhiều nơi rất ưa chuộng. Chính vì thế giá heo rừng lai rất cao, đạt 220.000-250.000 đồng/kg heo hơi, heo giống khoảng 3 triệu đồng/con.

Heo rừng lai dễ mắc bệnh tiêu chảy và đau bụng. Cách tốt nhất để phòng ngừa là áp dụng biện pháp nuôi an toàn sinh học, xử lý chất thải bằng hầm Biogas, sát khuẩn chuồng thường xuyên, tẩy giun, sán định kỳ và cho heo ăn thức ăn sạch.

Đà Nẵng: Làng dân tộc Cơ Tu “lên đời” nhờ các mô hình kinh tế - Ảnh 8.

Anh Hoàng đang chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình. Ảnh: Trần Hậu.

Anh Hoàng hồ hởi chia sẻ: "Từ việc nuôi heo rừng lai mà trung bình mỗi năm tôi thu lãi hơn 200 triệu đồng, vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình. Ngoài ra tôi còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi để cùng bà con làm kinh tế giỏi".

Với ý tưởng trồng vườn cây sinh thái, xây dựng điểm vui chơi giải trí, homestay du lịch, anh Hoàng cho trồng nhiều loại cây ăn quả như sầu riêng, dừa, mít, chuối để tạo cảnh quan và gia tăng thu nhập. Dự định trong 2 năm tới, ý tưởng của anh sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động, hứa hẹn trở thành điểm đến thú vị cho nhiều du khách.

Nhiều giải pháp giảm nghèo, tiêu chí nông thôn mới

Trong công cuộc vận động người Cơ Tu chấp hành tốt các quy định, pháp luật của Nhà nước, thì trưởng làng Lê Văn Nghĩa là người có vai trò quan trọng với tiếng nói được người dân nể trọng. 

Đà Nẵng: Làng dân tộc Cơ Tu “lên đời” nhờ các mô hình kinh tế - Ảnh 9.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đã giúp cho đời sống của người dân xã Hòa Phú nói chung và người đồng bào dân tộc Cơ Tu nói riêng đổi thay từng ngày. Ảnh: Trần Hậu.

Ông là người kết nối và truyền đạt rất hiệu quả các chủ trương, chính sách, tạo sự đoàn kết vững mạnh. Đồng thời cũng là người luôn tâm huyết giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của người đồng bào Cơ Tu.

Nằm trên tuyến quốc lộ 14G, cơ sở sản xuất rượu cần Phú Túc của ông Lê Văn Nghĩa (68 tuổi) như được "sống lại" sau nhiều năm bị mai một, thất truyền. 

Đà Nẵng: Làng dân tộc Cơ Tu “lên đời” nhờ các mô hình kinh tế - Ảnh 10.

Ông Lê Văn Nghĩa là người “giữ lửa” cho nghề nấu rượu cần truyền thống của người đồng bào Cơ Tu. Ảnh: Trần Hậu.

Đối với người đồng bào Cơ Tu, rượu cần là thức uống truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ lớn, trong mâm cỗ ngày Tết dâng lên ông bà, tổ tiên. Vì thế ở Phú Túc, nghề nấu rượu cần là nghề truyền thống được lưu giữ qua nhiều thế hệ.

Ông Nghĩa cho hay, để làm được rượu ngon thì phải chọn nếp rẫy ngon, an toàn, nguồn nước sạch. Men làm rượu được lấy ở nơi có uy tín và chọn trấu sạch, không nát. 

Đà Nẵng: Làng dân tộc Cơ Tu “lên đời” nhờ các mô hình kinh tế - Ảnh 11.

Rượu cần Phú Túc có vị thơm ngon, cay nồng, là đặc sản núi rừng thu hút nhiều du khách. Ảnh: Trần Hậu.

Nếp được ngâm tối thiểu 12 tiếng và vuốt sạch, sau đó hong chung cả nếp và trấu đã được rửa sạch. Cuối cùng, đem hỗn hợp này ra trải nguội và trộn men, ủ từ 12 - 24 tiếng, sau đó cho vào ché ủ tiếp ít nhất 3 - 18 tháng mới uống được.

Đà Nẵng: Làng dân tộc Cơ Tu “lên đời” nhờ các mô hình kinh tế - Ảnh 12.

Rượu cần Phú Túc trong Lễ hội Văn hóa của người Cơ Tu. Ảnh: Tiên Sa.

Khi đã đúc kết được công thức chuẩn, ông bắt tay vào xây dựng cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu cần. Từ đó, thương hiệu Rượu cần Phú Túc được nhiều người biết đến là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, mang hương vị cay nồng, dân dã đặc trưng của núi rừng. Giá bán hiện nay, tùy theo thể tích mà mỗi ché rượu có giá từ 300.000-500.000 đồng.

Chia sẻ về mong muốn của mình, ông Nghĩa tâm sự: "Từ nghề nấu rượu cần truyền thống mà tôi cải thiện kinh tế gia đình, tạo việc làm cho 3 lao động cũng là người Cơ Tu. Hơn hết tôi rất muốn chia sẻ kinh nghiệm và công thức nấu rượu cần để cùng dân làng phát triển làng nghề truyền thống, khôi phục và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu, nâng cao mức sống".

Đà Nẵng: Làng dân tộc Cơ Tu “lên đời” nhờ các mô hình kinh tế - Ảnh 13.

Bà Trần Thị Liên đã xây dựng được mô hình kinh tế trồng rừng và chăn nuôi bò thịt đem lại thu nhập ổn định. Gia đình bà Liên hiện đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. Ảnh: Trần Hậu.

Ngoài mô hình kinh tế của anh Hoàng, ông Nghĩa, thì việc nuôi bò của hộ gia đình bà Trần Thị Liên (59 tuổi) cũng đem lại hiệu quả đáng mừng. Được chính quyền địa phương hỗ trợ 1 con bò giống để phát triển kinh tế, vợ chồng bà cần cù chăm sóc, nuôi dưỡng và đến nay nhân rộng số lượng đàn lên 10 con bò. Nhờ đó, thu nhập của gia đình nhiều năm nay được cải thiện, kinh tế ổn định và nuôi 3 đứa con ăn học tử tế, dựng vợ gả chồng….

Từ sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, làng Cơ Tu ở thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) đang phát huy hiệu quả các chương trình, mô hình kinh tế, đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm cho đồng bào, xóa đói giảm nghèo….

Ông Nguyễn Văn Bửu – Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) cho biết, thời gian qua địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để người đồng bào Cơ Tu phát triển kinh tế, với những việc làm cụ thể đó là liên kết với các trung tâm đào tạo việc làm đào tạo nghề cho người đồng bào, hỗ trợ cây – con giống, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất nhằm tạo sinh kế. Đặc biệt là xây dựng các mô hình kinh tế mới, điển hình như chăn nuôi bò thịt, nuôi heo rừng lai, trồng cây ăn quả, du lịch cộng đồng…, từ đó đã giúp cho người dân ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững, nhiều hộ vươn lên làm giàu.

"Hiện chính quyền địa phương đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan ban, ngành, hội đoàn thể hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho người đồng bào Cơ Tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập…", ông Bửu nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem