Về Lai Châu xem bà con xã nghèo làm nông thôn mới

Tuấn Hùng Thứ ba, ngày 18/10/2022 10:06 AM (GMT+7)
Vượt khó xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền và người dân xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, Lai Châu đã và đang nỗ lực chung tay thực hiện các tiêu chí…
Bình luận 0

Clip: Xây dựng nông thôn mới ở xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, Lai Châu.

Xã nghèo Nùng Nàng làm nông thôn mới

Trong chuyến công tác tìm hiểu về kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới, chúng tôi ghé thăm xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường (Lai Châu). Nằm cách thành phố Lai Châu chưa đầy 4km, Nùng Nàng có 7 bản với hơn 600 hộ và hơn 3.000 nhân khẩu, trong đó 99% là đồng bào dân tộc Mông.

Rót chén chè xanh mời khách trong căn phòng làm việc khang trang, ông Ngô Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng bồi hồi nhớ lại: Cách nay hơn chục năm, Nùng Nàng bắt tay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong muôn vàn gian khó.

Gian nan xây dựng nông thôn mới ở xã vùng khó Lai Châu - Ảnh 2.

Trước đây, người dân xã Nùng Nàng lưu giữ nhiều hủ tục lạc hậu. Từ khi chung tay xây dựng nông thôn mới, các hủ tục đã dần được xoá bỏ, bà con đã biết phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Ảnh Bảo Anh.

Ngày đó, Nùng Nàng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tam Đường, cơ sở hạ tầng thấp kém, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống của người dân bấp bênh, nạn tảo hôn diễn ra phổ biến...

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như một luồng gió mới làm thay da đổi thịt cho xã nghèo Nùng Nàng. Xác định để thành công xây dựng nông thôn mới, giữ vị trí quan trọng là người dân, bởi đây là lực lượng nòng cốt, là chủ thể trong suốt quá trình xây dựng nông thôn mới.

Một mặt xã tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của chương trình. Một mặt xã ưu tiên huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu.

"Để nâng cao đời sống cho người dân, chúng tôi vận động bà con thay đổi phương thức sản xuất, đưa cây, con giống mới có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng và chăn nuôi. Nhờ đó, thu nhập của người dân ngày một tăng lên, đời sống vật chất tinh thần của bà con từng bước được cải thiện", ông Sỹ hồ hởi nói.

Đời sống được nâng cao một bước, người dân dần nắm rõ lợi ích khi tham gia xây dựng nông thôn mới. Phong trào hiến đất, góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới lan toả sâu rộng ở các bản. Người có uy tín, già làng, trưởng bản, đảng viên đi đầu trong các phong trào, xây dựng các mô hình kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hoá.

Gian nan xây dựng nông thôn mới ở xã vùng khó Lai Châu - Ảnh 3.

Từ sự tuyên truyền vận động trong xây dựng nông thôn mới, người dân xã Nùng Nàng đã mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, chăn nuôi, nhờ đó từng bước nâng cao thu nhập. Ảnh Bảo Anh

Nhờ nỗ lực không ngừng, tháng 2/2019, các cấp chính quyền và người dân Nùng Nàng vui mừng, phấn khởi đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới. Hơn 6 năm quyết tâm xây dựng nông thôn mới, diện mạo bộ mặt nông thôn của xã Nùng Nàng đã có nhiều thay đổi rõ rệt.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, xóa đói giảm nghèo.

Gian nan xây dựng nông thôn mới ở xã vùng khó Lai Châu - Ảnh 4.

Xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền đã tăng cường vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh Bảo Anh

Trước đó, người dân Nùng Nàng không dám ước mơ có trường chuẩn quốc gia để con em đi học, thì nay đã có; 8/8 bản đã có nhà văn hóa, thành lập được 1 HTX; 8/8 bản đã xây dựng lò đốt rác, thu nhập bình quân đạt 29,09 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 19,8%.

Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của các cấp chính quyền và người dân nơi đây khi biết khơi dậy tinh thần đoàn kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới

Qua câu chuyện với ông Sỹ, chúng tôi cảm nhận thêm, tuy đạt xã nông thôn mới, nhưng các cấp chính quyền xã Nùng Nàng vẫn luôn xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên thực hiện.

Vì vậy, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức về xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân, từ đó tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Gian nan xây dựng nông thôn mới ở xã vùng khó Lai Châu - Ảnh 5.

Chung tay xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn xã Nùng Nàng đổi thay rõ rệt, điện đường trường trạm được đầu tư đồng bộ, an sinh xã hội được nâng cao. Ảnh Bảo Anh

Chia sẻ với chúng tôi, anh Sùng A Páo, bản Xì Miền Khan, xã Nùng Nàng cho biết: Trước khi làm nông thôn mới, đường sá đi lại khó khăn chúng tôi đi làm nương rất khó, các con của chúng tôi đi học rất vất vả...

Nhưng nay khác rồi, công trình gì cũng có, có nhà văn hoá, có đường bê tông, có điện... các con được học ở ngôi trường sạch đẹp, khang trang. Gia đình tôi và bà con ai cũng phấn khởi, chúng thường xuyên động viên nhau xây dựng nông thôn mới.

Qua hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Nùng Nàng đã đạt được những kết quả tích cực, cơ sở hạ tầng như: Hệ thống điện, đường giao thông, trường học được quan tâm đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Gian nan xây dựng nông thôn mới ở xã vùng khó Lai Châu - Ảnh 6.

Giao thông thuận tiện giúp bà con giao thương và phát triển sản xuất, qua đó góp phần chung sức xây dựng nông thôn mới. Ảnh Bảo Anh.

Được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay, người dân đã mạnh dạn thay đổi tư duy phát triển kinh tế, nhờ vậy thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng, năm 2022 mức thu nhập bình quân đạt 37 triệu đồng/người/năm.

Nhiều công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã như: trường học, đường giao thông, kênh mương nội đồng được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất của nhân dân. Nhờ đó phong trào xây dựng nông thôn mới ở Nùng Nàng được lan toả mạnh mẽ, người dân hồ hởi cùng chính quyền quyết tâm xây dựng nông thôn mới.

Được biết, trong 9 tháng vừa qua xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân rà soát, bổ sung 29 cột, bóng điện bằng bóng năng lượng mặt trời chiếu sáng trục đường bản, khu dân cư. Vận động nhân dân hiến 7.250m2 đất, đóng góp trên 170 triệu đồng để mở 2.620m nền đường nội đồng.

Tổ chức duy tu, bảo dưỡng đường liên xã Bản Giang - Nùng Nàng, khởi công xây dựng công trình Trường Tiểu học Nùng Nàng với tổng số vốn 7,2 tỷ đồng. Thành lập, duy trì hoạt động có hiệu quả 03 tổ hợp tác…

Gian nan xây dựng nông thôn mới ở xã vùng khó Lai Châu - Ảnh 7.

Chung tay xây dựng nông thôn mới, người dân có điều kiện tiếp cận nhiều hơn tới các nguồn vốn mở rộng sản xuất, nhiều mô hình kinh tế mới được bà con mạnh dạn đầu tư phát triển. Ảnh Bảo Anh

Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Ngô Văn Sỹ cho biết: Thời gian tới, xã tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt. Trong đó chúng tôi ưu tiên triển khai thực hiện tốt kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn bản Lao Tỷ Phùng.

"Chúng tôi xác định sẽ còn rất nhiều việc phải làm để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, nhất là các tiêu chí mới đạt ở mức tối thiểu. Để không trễ hẹn với kế hoạch đề ra trong xây dựng nông thôn mới, thời gian tới xã tiếp tục chú trọng phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân. 

Chuyển đổi cơ cấu ngành nghề và các mô hình chăn nuôi, trồng trọt để đảm bảo chất lượng, năng suất sản phẩm cũng như tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn. Lấy điều kiện kinh tế làm tiền đề để nâng cao hơn nữa các tiêu chí", ông Sỹ nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem