Về 200.000 USD và câu nói "Tớ cảm ơn" của ông Chu Ngọc Anh

Đức Hiển Thứ hai, ngày 21/08/2023 14:02 PM (GMT+7)
Số tiền 200.000 USD Phan Quốc Việt đưa cho ông Chu Ngọc Anh được xác định là “vì vụ lợi”, quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 219 Bộ luật hình sự. Thế nhưng, vì lý do "nhận tiền rồi để quên đến khi chuyển nhiệm sở mới phát hiện ra", ông Chu Ngọc Anh thoát tội Nhận hối lộ.
Bình luận 0

Trong vụ án liên quan tới "các chuyến bay giải cứu", Phạm Trung Kiên - Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế có đến 253 lần nhận tổng số 42,6 tỷ đồng, trong đó 228 lần qua chuyển khoản. Khai trước toà, Kiên nói nhận thức đây là quà cảm ơn của doanh nghiệp. Kiên bị truy tố về tội Nhận hối lộ với khung hình phạt cao nhất là tử hình, nhưng do đã khắc phục toàn bộ nên được giảm còn chung thân.

Trong vụ án liên quan tới kit test của Công ty Việt Á, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh đã nhận 200.000 USD của Việt Á. Theo hồ sơ vụ án, số tiền này do Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á chỉ đạo Hồ Thị Thanh Thảo, thủ quỹ của công ty rút tiền. 

Sau đó Việt mang tiền từ TP.HCM ra Hà Nội đưa cho ông Chu Ngọc Anh để cảm ơn việc ông này đã tạo điều kiện cho Công ty Việt Á tham gia Đề tài nghiên cứu, chế tạo kit test (xét nghiệm) và không đề xuất biện pháp thu hồi khi Công ty Việt Á sử dụng kit xét nghiệm là kết quả nghiên cứu đề tài thuộc sở hữu của Nhà nước để lập hồ sơ đăng ký, được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, sản xuất kinh doanh trái pháp luật.

Với vai trò Bộ trưởng Bộ KH&CN, bị can Chu Ngọc Anh biết rõ việc mình làm xâm hại quyền sở hữu, quản lý tài sản của Nhà nước mà Bộ KH&CN là đại diện chủ sở hữu. Ông này còn để cho Bộ KH&CN tổ chức họp báo, ra thông cáo báo chí, trực tiếp ký Quyết định khen thưởng, ký Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ khen thưởng cho Công ty Việt Á...

Không những thế, Chu Ngọc Anh còn chỉ đạo ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN ký công văn gửi UBND TP.HCM đề nghị giúp Công ty Việt Á được tặng Huân chương Lao động hạng Ba không đúng đối tượng, công trạng, thành tích để hỗ trợ truyền thông, quảng bá hình ảnh, tạo điều kiện cho Công ty Việt Á biến kit xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước thành sản phẩm thương mại thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, giúp Công ty Việt Á sản xuất, kinh doanh, thu lợi bất chính, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Số tiền 200.000 USD Phan Quốc Việt đưa cho ông Chu Ngọc Anh được xác định là “vì vụ lợi”, quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 219 Bộ luật hình sự. Thế nhưng, vì lý do "nhận tiền rồi để quên đến khi chuyển nhiệm sở mới phát hiện ra", ông Chu Ngọc Anh thoát tội Nhận hối lộ.

Nếu bị truy tố về tội Nhận hối lộ, ông Chu Ngọc Anh sẽ bị áp mức cao nhất là tử hình theo khoản 4 Điều 354, Bộ luật hình sự vì có đến 2 yếu tố quy định tại điều luật này, là Nhận hối lộ trên 1 tỷ đồng và gây thiệt hại từ 5 tỷ đồng trở lên.

Vấn đề gây tranh cãi ở đây là khoảng hở mênh mông của luật: Đâu là tiền cảm ơn và đâu là tiền hối lộ "trả sau" được bên đưa lẫn bên nhận ngầm hiểu, dù không chứng minh được giữa họ có thoả thuận trước?

Một túi quà có phong bì thật dày toàn USD mà quan chức nhận từ doanh nghiệp, dù không có thoả thuận, liệu quan chức đó có thể vô tư khi quyết định những vấn đề liên quan đến việc làm ăn của doanh nghiệp đó?

Môt túi quà dày nặng trị giá bằng nhiều tháng, thậm chí nhiều năm tiền lương mà cấp trên nhận từ cấp dưới, liệu có tác động đến sự vô tư của cấp trên khi quyết định sắp xếp, bổ nhiệm chức vụ cho người tặng quà?

Pháp luật chưa chặt chẽ và thiếu chi tiết trong việc quy định các hành vi cấu thành tội nhận hối lộ. Khoảng hở này khiến người ta gọi tên các khoản hối lộ trả trước hoặc trả sau là "tiền quan hệ". Khoản tiền ấy khác xa bản chất cảm ơn xã giao như cách người ta gọi tên nó. Nó cũng bó buộc cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm.

Là cán bộ lãnh đạo, nhận thức xã hội của các bị cáo đã thuộc mức cao trong xã hội. Nên sẽ khó thuyết phục công chúng tin rằng một bộ trưởng lại không nhận thức được bản chất các khoản quà biếu kếch xù kia là khoản hối lộ. 

Tương tự như thế, ở phía người đưa tiền, khó có thể nói rằng họ không phân biệt được những cái phong bì trị giá bằng nhiều gia sản mà một gia đình tích cóp cả đời với món quà cám ơn một quan chức vì đã "chí công vô tư và nhiệt tình" với việc làm ăn của doanh nghiệp.

Nếu bạn không đóng tiền cước điện thoại, bạn sẽ bị ngắt sóng. Nên dù có là thuê bao trả sau, thì khi thanh toán tiền, bạn vẫn ý thức được đấy là tiền cước phí. Những phong bì chục vạn đô, triệu đô mà doanh nghiệp gửi cho quan chức có quyền quyết định việc làm ăn của mình, dù gọi tên là gì, dù đưa sau khi việc đã thành công, đó vẫn là tiền hối lộ. 

Chỉ khác là, nó được trả sau mà thôi!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem