Bộ Chính trị ban hành Quy định 114: Không để tồn tại "gia tộc quyền lực"

Quốc Phong Thứ sáu, ngày 21/07/2023 13:30 PM (GMT+7)
Đã có những trường hợp người ta không hề sợ sự dị nghị của dư luận xã hội. Một số cán bộ có chức có quyền cao trong hệ thống chính trị đã bất chấp, vun vén cá nhân đưa người thân của mình lên quá nhanh và ngồi ở những vị trí quan trọng đồng nghĩa với "nhạy cảm", "hấp dẫn" nhất trong bộ máy.
Bình luận 0

Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai vừa ký Quy định 114 . Quy định này nhằm thuận lợi hơn khi xử lý vi phạm đối với những vi phạm kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, cũng như hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ... Cũng theo đó, kể từ 11/7/2023, khi đã có Quy định 114 thì Bộ Chính trị yêu cầu không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan. 

Tôi nghĩ, đó là một quy định rất cần thiết  trong lúc này. Mục đích là để tránh việc người ta đưa người nhà lên làm lãnh đạo ở những chức danh nhạy cảm mà vẫn khăng khăng nói là đâu có gì sai, vẫn "đúng quy trình"… Và hạn chế tối đa việc hình thành những "gia tộc quyền lực"

Cụ thể là từ nay, tổ chức sẽ không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời là thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự Đảng, đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Đó là ở 13 lĩnh vực như nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch- đầu tư, tài nguyên- môi trường , quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở T.Ư  hoặc cùng cấp ở một địa phương.  

Trong thực tiễn của hàng chục năm trước (và gần đây cũng vẫn còn tuy đã có tiến bộ hơn) xung quanh việc bổ nhiệm người nhà  vào vị trí lãnh đạo một cách thần tốc, thậm chí vượt cấp thật đáng buồn . Người ta không hề sợ sự dị nghị của dư luận xã hội. Một số cán bộ có chức có quyền cao trong hệ thống chính trị đã bất chấp, vun vén cá nhân đưa người thân của mình lên quá nhanh và ngồi ở những vị trí quan trọng đồng nghĩa với "nhạy cảm", "hấp dẫn" nhất trong bộ máy. 

Tôi chợt nhớ đến chuyện của gia đình cố Bộ trưởng Tài chính Hoàng Quy (1926-2009). Ông là một cán bộ mẫu mực của Đảng trong việc dùng người tài mà không dùng người thân, rất đáng trân trọng và cảm phục. 

 Ông Hoàng Quy ngay sau năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp - năm 1947 đã giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Lào Cai. Điều đó đã cho thấy bề dày công tác của ông thật lớn. Thế nhưng con đường quan lộ của ông đến cuối đời thì vẫn" nguyễn y vân" (1987 làm Bộ trưởng Tài chính và đã làm cho đến hết nhiệm kỳ- 1992 ). Vậy mà lòng ông thì luôn thanh thản.  

Ông Hoàng Quy về làm Bộ trưởng Tài chính cũng là giai đoạn đất nước khủng hoảng tài chính do lạm phát cao đến mức phi mã cỡ 3 con số. Năm 1986, tỷ lệ lạm phát lên đến 774,7% khiến kinh tế rối loạn. Siêu lạm phát này vẫn tiếp diễn trong 2 năm sau đó (năm 1987: 323,1%; năm 1988: 393%). Phải mãi đến năm 1989, lạm phát mới xuống dưới 100% và Việt Nam mới thoát khỏi lạm phát...

Ông đã có công (cho dù việc đó chúng ta gọi là "trí tuệ tập thể" của cả BCH Trung ương Đảng ta)  góp một phần không nhỏ vào việc kiềm chế và đẩy lùi lạm phát, giữ ổn định tiền tệ quốc gia...

Trước đó, ông là Bộ trưởng, phó Chủ nhiệm thứ nhất Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (UBKHNN), là cộng sự đắc lực của phó Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ông Kiệt kiêm Chủ nhiệm UBKHNN.

Ông Hoàng Quy cũng từng là Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai đầu tiên ( Bí thư lâm thời năm 1947) khi mới 21 tuổi, là một trong hai người trẻ nhất được Bác Hồ và T.Ư cử về làm bí thư 2 tỉnh miền núi Tây Bắc khi ấy đang rất khó khăn. Rồi đến năm 1951 là Bí thư Tỉnh ủy chính thức. Khi ông về tỉnh Vĩnh Phú làm Bí thư Tỉnh ủy là do được chính cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - tác giả của chủ trương "Khoán hộ" nổi tiếng cân nhắc, giới thiệu làm người kế nhiệm mình (1977).

Nói điều này để thấy ông có bề dày cống hiến với đất nước, thế nhưng cuộc sống đời thường của ông thì thật thanh liêm, giản dị. Trong công việc thì tận tụy, sáng tạo, toàn tâm phụng sự đất nước. 

Tôi được biết, trong một lần tân Bộ trưởng Tài chính khi đó là ông Đinh Tiến Dũng có đến thăm, chúc tết gia đình cố Bộ trưởng Hoàng Quy, ông Dũng bữa đó có hỏi bà quả phụ Hoàng Quy rằng, con cháu ruột thịt của hai bác hiện có ai đang công tác ở Bộ Tài chính không ạ? Câu trả lời của cụ bà Bảo Tuệ là "gia đình tôi không có một ai làm ở Bộ đó cả, Bộ trưởng ạ!"

Ông bà Hoàng Quy - Bảo Tuệ có với nhau 6 người con, không một ai trong số các con và cháu của ông bà làm ở Bộ Tài chính đã đành, nhưng ngay cả người thân của 2 gia đình ông và bà cũng không.  Xin được"mở ngoặc"nói thêm: Bên ông Hoàng Quy có 11 anh chị em ruột; phía phu nhân của ông, bà Nguyễn Thị Bảo Tuệ là chị cả trong gia đình có 14 anh chị em ruột (không kể dâu rể). 

Lúc đương chức, ông Hoàng Quy thường nhắc nhở người trong nhà mỗi dịp giỗ, Tết gặp nhau rằng, nếu có người trong đại gia đình mình mà hoàn cảnh gặp khó khăn thì chúng ta nên nghĩ rồi bày cho người đó cách vượt qua khó khăn. Nhưng "đừng bao giờ giúp để có vị trí và quyền lực trong cơ quan nhà nước bởi như thế dễ làm hỏng gia đình và gây bất lợi cho xã hội "... - ông Hoàng Quy dứt khoát như vậy và luôn xem đó như một phong cách sống ở đời mình .

Khi ông Hoàng Quy là Ủy viên T.Ư Đảng khóa 5, là Bộ trưởng, phó Chủ nhiệm thứ nhất UBKHNN (1983) thì cũng cùng nhiệm kỳ với ông Võ Văn Kiệt vừa được Quốc hội bầu làm phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm UBKHNN. Một hôm, ông Võ Văn Kiệt thăm gia đình người cộng sự thân thiết của mình - vì họ đã chơi với nhau từ thời cùng tham dự Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ II ở Chiến khu Việt Bắc, rồi sau đó, họ còn có sợi dây quan hệ rất đặc biệt khác nữa. 

Khi được chứng kiến gia cảnh của đồng chí mình, một cán bộ cao cấp rồi mà sao thanh bạch, chẳng có thứ gì đáng giá, ông Kiệt rất day dứt. Vốn là con người  thẳng thắn và chân tình, ông đã có ý kiến ngay với Văn phòng UBKHNN bố trí cho ông Hoàng Quy mượn một chiếc ti vi 14 inch trắng đen và một chiếc tủ lạnh để sử dụng - những thứ tiện nghi mà lẽ ra cỡ như ông Hoàng Quy thì rất đáng phải có nó từ lâu...

Cố bộ trưởng Hoàng Quy không vì người thân mà nâng đỡ, đưa vào làm việc ở những đơn vị thuộc Bộ do mình phụ trách. Ngược lại, với cộng sự có phẩm chất và năng lực, ông luôn để ý phát hiện ra rồi lưu tâm đào tạo, bồi dưỡng rất tận tình họ. Trong số đó, đã có vị từng là Chánh Văn phòng bộ (thời của Bộ trưởng Hoàng Quy) và sự nghiệp sau đó đã phát triển đến tầm "tứ trụ" chính là ông Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội. 

Nhìn lại và tham khảo, học tập những tinh hoa của thế hệ tiền bối cách mạng nước nhà, chúng ta nhận thức rằng sự công tâm và tầm nhìn chiến lược về công tác cán bộ luôn góp phần cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ xa xưa đã đặc biệt quan tâm đến việc cá nhân nắm quyền lực. Người từng rất nhiều lần nhấn mạnh rằng, "cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Theo Người, quyền lực có được sử dụng đúng hay không phụ thuộc rất lớn vào cán bộ, mà để có cán bộ tốt, trước hết phải thực hiện tốt công tác cán bộ.  

Người cũng luôn lưu ý với người có quyền lực trong xã hội, bất kể họ ở vị trí nào.  Người luôn nhắc nhở, không phải làm cán bộ để "thăng quan phát tài", để làm "quan cách mạng", mà để làm người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân... 

Thấm nhuần tư tưởng  ấy, chúng ta tin rằng, những quy định như Quy định 114 của Bộ Chính trị ngày càng phát huy hiệu lực, đẩy lùi những khe hở có thể dẫn đến tiêu cực. Mà nếu có tiêu cực trong bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo thì cần xem đó như những mầm mống của một nguy cơ khiến bộ máy công quyền mất dần sức chiến đấu, xa dân và sẽ dần dần  không vì quyền lợi của dân nữa. Nó cực kỳ nguy hiểm cho chế độ ta...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem