Điện Biên Phủ 70 năm nhìn lại: Sự cởi mở từ trong lòng nước Pháp

Nguyễn Mỹ Linh (từ Paris, Pháp) Thứ ba, ngày 07/05/2024 11:33 AM (GMT+7)
Liệu có thể có những ký ức chung cho một câu chuyện lịch sử? Liệu có một cái nhìn chung cho cả người đã từng thắng và kẻ đã từng thua...? Lịch sử không cho bất cứ ai cơ hội quay lại, chỉ cho người ta cơ hội tiến về phía trước, một cách tốt nhất, trong hoà bình!
Bình luận 0

Tôi rất nhớ cảm giác ngồi chờ một ông cụ 94 tuổi tìm cho đúng từ để nói về nỗi buồn và nhớ đồng đội đã nhảy dù xuống chảo lửa Điện Biên Phủ, những người thiếu may mắn hơn ông đã bỏ xác tại nơi ấy.

Trong căn nhà của ông, Jacques Allaire - một quân nhân nổi tiếng của Pháp vì tinh thần chiến đấu, người đã có mặt tại hầu hết các chiến trường của Pháp ở các nước thuộc địa cũ, kỷ vật của Việt Nam rất nhiều, nhưng kỷ vật được ông đóng khung trang trọng lại là bức thư của vị chỉ huy Bigeard viết cho ông vào chiều ngày 7/5/1954 "Gửi Allaire - Hạ súng vào 17h30, đừng bắn nữa. Không treo cờ trắng. Hẹn gặp lại. Tội nghiệp các chàng trai của tôi".

Jacques Allaire đọc đoạn thư này cho tôi nghe, như để thanh minh rằng việc ông đầu hàng, hạ súng là theo mệnh lệnh chứ nếu không có lệnh ấy, ông sẽ không buông súng.

Tôi hỏi "Ông không thấy mình may mắn ư? Nếu không có lệnh ấy thì giờ này ông không thể ngồi đây với tôi và kể chuyện này ?".

Điện Biên Phủ 70 năm nhìn lại: Sự cởi mở từ trong lòng nước Pháp- Ảnh 1.

Đúng 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” phấp phới tung bay trên nóc hầm tướng Đờ-cát. Ảnh: AFP

Tất nhiên là ông không trả lời, chỉ thở dài. Với một người đàn ông như Jacques, người có một chân hơi bị teo do di chứng của bại liệt nhưng chỉ mơ ước thành quân nhân, đã từng chiến đấu cho Pháp trong thế chiến thứ hai để chống phát xít Đức, đã từng bằng mọi giá, giả mạo giấy tờ y tế để được gia nhập quân đội Pháp và đến Đông Dương, đấy không thể là một câu hỏi cho ông cảm giác dễ chịu.

Tờ thư này đối với Jacques Allaire nó thiêng liêng như một bảo bối. Ông kể với tôi rằng, khi bị Việt Minh bắt, ông đã cho tờ thư lệnh này vào một chiếc bao nilon rồi giấu nó trong người. Thật may là tờ thư có tính an ủi cho tinh thần quân nhân của Jacques, sau nhiều tháng cùng ông ở trại cải tạo, đã theo ông về Pháp vào tháng 9/1954.

Thế mới biết, trong tinh thần và trái tim những người lính Pháp đã bại trận tại Điện Biên Phủ và Đông Dương, việc nhắc, nhớ và ghi nhận rằng Pháp bại trận là điều khó khăn.

Jacques bảo "Chả dễ chịu gì khi là tù binh". Tất nhiên rồi, lại là tù binh cho một đất nước bé nhỏ, mới thoát kiếp nô lệ của dân tộc ông chưa tròn một thập kỷ. Điện Biên Phủ và cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương được lãng quên khá lâu.

Điện Biên Phủ 70 năm nhìn lại: Sự cởi mở từ trong lòng nước Pháp- Ảnh 2.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Ảnh: TTXVN

Nước Pháp chìm đắm vào cuộc chiến với Algerie rồi lại đắm tiếp vào những hệ luỵ từ cuộc thua trận tại Algerie, Đông Dương và nỗi xấu hổ từ nó tạm gác sang bên. 

Việc tạm gác Đông Dương sang một bên đã để lại nỗi tổn thương tâm lý khá dài cho cộng đồng người Việt, con lai và cựu binh Pháp trở về từ Đông Dương.

Họ bị quên!

Nước Pháp vừa cố tình quên. Vừa không đủ năng lực kinh tài để nhớ về một nơi mà nhiều năm sau này họ vẫn không thích dùng từ "thua trận", không muốn nhìn nhận rằng đối thủ của họ giỏi dù Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn được người Pháp nhắc đến như một thiên tài quân sự.

Tiến sĩ sử học Pháp Francois Guillemot phân tích tâm lý của người Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ rằng "Họ vừa muốn từ chối ghi nhận, vừa mê đắm ngưỡng mộ Võ Nguyên Giáp, tâm lý này khá gây tò mò. Tiếc rằng vì thế mà hai bên đã không đi đến được một thoả thuận chung, để tránh được cuộc chiến".

Dù nước Pháp đã từng bị tâm lý này chi phối một giai đoạn dài, dài đến mức thế hệ người Pháp sinh sau Điện Biên Phủ biết về nó một cách khá mờ nhạt, trường phổ thông cũng không dành nhiều học phần cho cuộc chiến của Pháp ở Đông Dương thì có một điều thú vị là không ít tài liệu của các nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu Pháp đã bạch hoá, cởi bỏ dần từng lớp mặc cảm của người Pháp để soi rọi vào thế kỷ khai thác thuộc địa của Pháp ở Đông Dương và sự thảm bại của Pháp ở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Điện Biên Phủ 70 năm nhìn lại: Sự cởi mở từ trong lòng nước Pháp- Ảnh 4.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa lần cuối cùng trước khi phát lệnh nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Cũng phải ghi nhận rằng, sau nhiều thập kỷ, nhờ vào các công trình nghiên cứu này, với nhiều góc độ khác nhau từ lịch sử, lịch sử quân sự, văn hoá mà Việt Nam và Pháp có mối liên hệ thân tình hơn.

Dường như sự độc lập trong công việc của các nhà nghiên cứu đã giúp cho Điện Biên Phủ và cuộc chiến của Pháp ở Đông Dương được nhắc nhở trở lại bằng nhiều hình thức, không chỉ là "sự sỉ nhục" như nhà văn, nhà báo Lucien Bodard đã từng gọi trong cuốn sách "Cuộc chiến tranh Đông Dương" mà nó được mổ xẻ kỹ hơn, dưới nhiều góc độ và công bằng.

Cũng phải khách quan mà nói rằng đây là thành quả của tinh thần độc lập của các nhà khoa học xã hội Pháp.

Thật đáng ngạc nhiên khi chứng kiến sự nhiệt thành của nhà sử học Alain Ruscio khi bỏ nhiều tháng ngày trong cuộc đời mình để nghiên cứu về "Cụ Hồ", hay Pierre Journoud không chỉ tìm tòi về Đông Dương hay Điện Biên Phủ mà cả về Biển Đông. 

Thậm chí là Ivan Cadeau, một quân nhân bộ phận lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp, sau 70 năm của chiến dịch Điện Biên Phủ - vẫn miệt mài tìm kiếm từ những văn bản mật còn lại từ cuộc chiến để tiếp cận những sự thật có thể còn bị bỏ sót.

Phải chăng sự quyến rũ của Đông Dương vẫn còn? Hay chiến thắng của quân đội Việt Nam tại Điện Biên Phủ lại khởi lên một tâm lý như Tiến sĩ Francois Guillemot đã phân tích "Vừa muốn chối từ vừa bị mê đắm" để lục lọi, lý giải, phân tích – dù đã qua 70 năm.

Năm nay Pháp dành nhiều bài, nhiều quyệt san để nói về chiến thắng Điện Biên Phủ của Quân đội nhân dân Việt Nam, dù từ "Chiến Thắng" không được in nhưng từ "Thất thủ" đã bớt phần e ngại!

Đây có thể coi là một sự mới mẻ trong ứng xử của Pháp với lịch sử của chính mình nhưng đồng thời cũng đánh dấu một sự cởi mở hơn dành cho đối phương cũ nay đã trở thành bạn.

Điện Biên Phủ 70 năm nhìn lại: Sự cởi mở từ trong lòng nước Pháp- Ảnh 6.

Tác giả bài viết - Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh hiện là PV của VTV thường trú tại Paris, Pháp. Ảnh: DV

Liệu có thể có những ký ức chung cho một câu chuyện lịch sử? Có một lịch sử chung cho cả người đã từng thắng và kẻ đã từng thua? Tiến sĩ Ivan Cadeau cho rằng "Hoàn toàn có thể có được những bước tiến mới cho công việc nghiên cứu khi các nhà lịch sử của Việt Nam và Pháp cho nhau cơ hội tiếp cận, soi rọi, chia sẻ thông tin để cùng hướng về tương lai mới".

Những ngày vừa qua, báo chí Pháp đưa tin về việc Pháp tiến hành hồi hương 6 bộ hài cốt của binh sĩ Pháp đã tử trận tại Việt Nam. Đây chỉ là con số ít ỏi nhưng nó đánh dấu cho nỗ lực của cả Việt Nam và Pháp, sau một quãng lịch sử dài.

Cũng như thế, báo cũng để trên trang nhất bài viết về chuyến thăm Việt Nam và chiến trường Điện Biên Phủ của Bộ trưởng Quân đội Pháp, về việc Pháp ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông... 

Đọc những dòng này tôi lại nghĩ đến ông Jacques Allaire, tôi cứ tự hỏi nếu giờ ông còn sống, tôi đến thăm - ông có còn đọc cho tôi nghe lệnh ngừng bắn để thấy rằng mình thực sự không nằm trong nguyên nhân của việc Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ 70 năm trước.

Ông không còn cơ hội làm việc ấy nữa, nhưng nếu ông còn sống tôi sẽ ngăn ông không phải làm việc ấy. 

Lịch sử không cho bất cứ ai cơ hội quay lại, chỉ cho người ta cơ hội tiến về phía trước, một cách tốt nhất, trong hoà bình!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem