Tuyên Quang: Nuôi toàn cá đặc sản trên hồ Na Hang, nông dân nơi đây "sống khỏe" giữa dịch Covid-19

Thiên Hương Thứ sáu, ngày 17/09/2021 06:00 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, huyện Na Hang (Tuyên Quang) có nhiều chính sách khuyến khích các hộ dân quanh vùng hồ Na Hang triển khai mô hình nuôi cá lồng để tận dụng diện tích mặt hồ vùng ven bờ. Điều này vừa giúp bà con làm giàu từ nuôi trồng thủy sản, vừa thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái.
Bình luận 0

Nuôi cá lồng thu tiền tỷ

Được sự hỗ trợ về mặt bằng, kỹ thuật làm lồng cá, nuôi cá trên mặt hồ, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân đã bắt tay nuôi cá lồng ở vùng ven bờ, gần với bến thuyền du lịch của hồ Na Hang. 

Các hộ nuôi cá đã tận dụng tối đa những lợi thế ở hồ Na Hang để nuôi các loại cá da trơn đặc sản như cá lăng, cá chiên, cá ngạnh, cá bỗng…, kết hợp nuôi các loại cá nước ngọt truyền thống như trắm, chép, rô phi, diêu hồng...

Vì nước hồ trong xanh tự nhiên nên cá ít khi bị dịch bệnh, lớn nhanh, thịt cá chắc và ngọt, được thị trường gần xa ưa chuộng. Những năm gần đây sản phẩm cá lồng của bà con được đưa vào phục vụ phát triển du lịch sinh thái và tham gia Chương trình OCOP của tỉnh.

Gia đình anh Trương Tuấn Minh (ở tổ 2, khu Thác Mơ, thị trấn Na Hang), nuôi cá lồng hơn 7 năm nay, với các loại cá lăng, cá quả, cá bỗng, cá chép…

Anh Minh cho biết, hiện nay gia đình anh có 20 lồng cá, cung cấp ra thị trường 40 tấn cá/năm. Nuôi cá trên hồ được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính khi triển khai làm hồ sơ nuôi trồng cũng như những thủ tục liên quan đến vốn vay.

Những năm trước, giá cá lăng đạt bình quân 80.000 đồng/kg, cá bỗng 250.000 đồng/kg, cá chép 70.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình anh Minh có doanh thu 2,5 tỷ đồng. Trừ các khoản chi phí đầu tư giống, thức ăn, công chăm sóc, anh lãi 700 triệu đồng/năm.

Bí quyết “sống khỏe” với nghề nuôi cá trên hồ  Na Hang - Ảnh 1.

Công nhân đang cho cá ăn tại trang trại nuôi cá của gia đình anh Trịnh Văn Hà. Ảnh: T.L

Theo Phòng NNPTNT huyện Na Hang, với diện tích hơn 8.000ha mặt nước, trung bình mỗi năm sản lượng nuôi thủy sản trên lòng hồ Na Hang đạt hơn 700 tấn; sản lượng hơn 300 tấn...

Hay như gia đình anh Trịnh Văn Hà, từ một thương lái thu mua cá và bán thức ăn chăn nuôi, nhận thấy có thể gắn bó lâu dài với nghề nuôi cá lồng, vợ chồng anh đã dồn vốn nuôi 50 lồng cá. Sản lượng mỗi lồng trung bình 2,5 - 3 tấn cá, chủ yếu là cá lăng, cá ngạnh, trắm, rô phi.

Anh Hà cho biết: "Nhờ môi trường nước tại hồ thuận lợi, không bị ô nhiễm, nuôi cá lăng hay cá rô phi rất ít khi bị bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, có lứa cá đạt tới 90% nên người nuôi cá có lãi khá. Năm ngoái, gia đình tôi xuất bán ra thị trường khoảng 50-60 tấn cá các loại, riêng doanh thu từ cá lăng đạt 2 tỷ đồng, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 200-300 triệu đồng".

Bí quyết "sống khỏe" trong dịch Covid-19

Anh Trịnh Văn Hà cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người nuôi cá lồng đang gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. 

Cùng với đó, từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng tới 9-10 lần, trong khi giá cá giảm 10.000 - 20.000 đồng/kg so với năm ngoái, khiến hàng loạt hộ nuôi cá lâm cảnh thua lỗ. Bình thường, mỗi ngày gia đình anh Hà cho cá ăn hết 1 tấn cám, thì nay liên tục phải cắt giảm.

"Tại Na Hang, nhiều hộ nuôi cá đã phải bỏ nghề. Hầu hết đó là những hộ nuôi quy mô nhỏ, dưới 10 lồng. Khó khăn kéo dài khiến họ không thể cầm cự được nữa, phải bán cả cá lẫn lồng để cắt lỗ, chuyển sang làm nghề khác. Trước đây tôi luôn bán cá lăng với giá trên 100.000 đồng/kg, nay giảm xuống dưới 80.000 đồng/kg. May mà tôi chăn nuôi quy mô lớn nên đang hoà vốn" - anh Hà nói.

Vừa là người nuôi cá, vừa là đại lý cung ứng cám của Công ty TNHH De Heus Việt Nam cho bà con trên địa bàn, anh Hà cho biết các đại lý cũng gặp khó khăn khi sản lượng cám tiêu thụ giảm tới 30% so với khi không có dịch bệnh. 

"Giá cám tăng như hiện nay là tình trạng chung. Bản thân tôi ngoài bán cám cũng là hộ chăn nuôi nên rất hiểu nỗi khổ của bà con. Chúng tôi chấp nhận giảm lợi nhuận, khoanh nợ dài hạn cho khách hàng" - anh Hà cho biết.

Chia sẻ về bí quyết duy trì nghề nuôi cá lồng trong bối cảnh dịch Covid-19, anh Hà nói: "Những hộ không cầm cự được chủ yếu do chăn nuôi nhỏ lẻ, không có khách hàng thường xuyên. Gia đình tôi có nhiều lồng, lồng nọ gối lồng kia nên có cá bán liên tục. Thức ăn cho cá tôi chọn loại cám có thương hiệu, uy tín của De Heus nên cá lớn nhanh, khoẻ mạnh, tỷ lệ hao hụt thấp, thịt cá săn chắc, thơm ngon nên thương lái rất thích mua. Bên cạnh đó, tôi không nuôi tập trung vào 1 loại cá mà kết hợp nuôi nhiều loại, để khi giá cá này giảm thì có sản phẩm khác kéo lại".

Theo Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang, tại huyện huyện Na Hang hiện có trên 900 lồng cá, trong đó có 3 doanh nghiệp lớn tham gia nuôi cá trên vùng lòng hồ. 

Công ty TNHH Lâm sản và dịch vụ Long Giang và Công ty TNHH Nhật Nam đã đầu tư các lồng cá có kích thước, thể tích lớn, liên kết với nhau bằng khung thép chắc chắn, có nhà lạnh chứa thức ăn dự trữ cho cá, đội ngũ nhân viên nuôi trồng có trình độ, kỹ thuật cao.

 Với hình thức chăn nuôi tập trung, sản xuất lớn theo quy mô công nghệ hiện đại nên 2 đơn vị trên đã được Bộ NNPTNT công bố là 2 trong số 69 địa chỉ cung cấp "thực phẩm sạch" trên toàn quốc. 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem