Từ vụ heo bị đầu độc: Có hàng sạch cho Tây ăn, còn ta sao ăn "bẩn"

Thứ ba, ngày 17/10/2017 06:12 AM (GMT+7)
Từ vụ heo bị đầu độc bằng thuốc an thần, nghĩ đến các sản phẩm xuất khẩu đang phải đáp ứng đủ thứ tiêu chuẩn của quốc tế mà thấy chạnh lòng…
Bình luận 0

Khó với người

Cách nay gần một tháng, trùng với thời điểm ngành chăn nuôi Việt Nam lần đầu đón nhận thông tin hết sức khả quan xuất khẩu được thịt gà sang Nhật, một số đơn vị kinh doanh thịt gà nội địa cũng phát hiện nguyên liệu của họ còn tồn dư kháng sinh Doxy. Một cán bộ kỹ thuật cho biết, trước đó khoảng một tuần, hai trại gà trong hệ thống gia công của công ty được cho uống kháng sinh Doxy phòng trừ bệnh hô hấp. Thời gian cách ly theo quy định là bảy ngày, nhưng không hiểu vì sao, trước khi giết mổ họ lấy mẫu test vẫn phát hiện còn tồn dư kháng sinh. Để đảm bảo an toàn sức khoẻ người dùng, công ty đã yêu cầu hai chủ trại phải lưu gà tại chuồng, nuôi thêm ba ngày nữa cho kháng sinh đào thải hết mới tiến hành bắt. “Ngay khi phát hiện, chúng tôi liền tổ chức cuộc họp mở rộng, có sự tham gia của tất cả những người liên quan để xác định trách nhiệm, tìm ra giải pháp khắc phục cho các lứa gà tiếp theo”, vị cán bộ tâm sự.

img

Thực phẩm xuất đi chịu nhiều điều kiện để bảo đảm “sạch”, những thứ trả về và hàng tiêu thụ trong nước thì bất kể…

Cũng vì lý do Doxy đó mà hồi đầu tháng 9.2017, ông Nguyễn Minh Kha, chủ trại gà duy nhất được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tiết lộ, phải trải qua mười ngày mất ăn, mất ngủ, hồi hộp, cho đến khi phía Nhật thông báo lô hàng đạt kết quả an toàn, ông Kha và nhà xuất khẩu mới thở phào nhẹ nhõm.

Không chỉ có thịt gà, hầu hết các mặt hàng nông thuỷ sản xuất khẩu vào Nhật Bản, châu Âu, Mỹ hay bất cứ một quốc gia nào khác cũng chịu sự quản lý nghiêm ngặt về mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi xuất khẩu, hàng hoá nông sản của Việt Nam phải đáp ứng hàng trăm tiêu chuẩn khắt khe, tuy vậy, nếu các nước kiểm tra không đạt, vẫn buộc phải tiêu huỷ hoặc trả lại.

Dễ với… nội địa

Đó là câu chuyện về hàng xuất khẩu, còn sản xuất cho tiêu thụ trong nước thì sao? Có thể khẳng định ngay rằng, người tiêu dùng Việt Nam đang phải sử dụng nhiều loại thực phẩm có quá nhiều nguy cơ mất an toàn.

Trở lại câu chuyện gà còn tồn dư kháng sinh, nếu nguồn thịt gà không xuất khẩu mà chỉ tiêu thụ nội địa, liệu doanh nghiệp có làm tới cùng cho an toàn hay không? Hiện nay, các trang trại nuôi gà thịt, gà đẻ, nuôi cút đẻ trứng… để cung cấp nội địa vẫn thường xuyên sử dụng các loại kháng sinh ngừa bệnh, nhưng cho đến nay, các cơ quan chức năng “chưa lần nào tiến hành điều tra, xét nghiệm xem mức độ an toàn của sản phẩm tới đâu”.

Cách nay vài năm, một trang trại nuôi cút lấy trứng xuất khẩu sang Nhật Bản, cũng từng bị trả về nhiều container vì bị phát hiện tồn dư kháng sinh. Con cá tra cũng đang chống chọi với vấn nạn tồn dư thuốc trừ sâu tại thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp xuất khẩu trứng vịt muối sang Hong Kong, Singapore thường xuyên phải nhận lại các lô hàng của chính mình khi bị đối tác phát hiện có chất độc sudan. Vậy mà, có lần khoảng giữa năm 2015, trong cuộc họp liên quan đến chăn nuôi, một doanh nghiệp còn “thật thà” khai trước nhiều người, trong đó có cựu bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát rằng, khi hàng bị trả về sẽ được “đem đi xét nghiệm lại” rồi bán cho các cơ sở chế biến làm nhân bánh! Kể cũng lạ, tội ác sờ sờ trước mắt mà không bị pháp luật trừng phạt!

Rồi đến vụ hàng ngàn con heo chích thuốc an thần. Dư luận đặt câu hỏi, nếu số heo này sản xuất ra để xuất khẩu đi Nhật, Mỹ hay thị trường EU, liệu thương lái, doanh nghiệp có chích thuốc không? Chắc chắn là không, họ thừa biết sẽ rất khó qua mặt các cơ quan kiểm tra nước ngoài. Nếu chích thuốc, rủi ro hàng bị trả về, không những thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín, cơ hội làm ăn. Do đó, chỉ có sản xuất ra để bán nội địa, họ mới vô tâm làm bậy như vậy.

Luật lỏng và cái tâm của người kinh doanh

Việt Nam không thiếu các biện pháp chế tài các hành vi vi phạm liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ Nông nghiệp có sẵn luật Thú y, quy định chi tiết, kèm theo mức độ xử phạt các hành vi liên quan đến bơm, chích thuốc cấm vào vật nuôi. Bộ Y tế cũng có luật riêng liên quan đến quản lý thực phẩm. Vậy mà, cả xã hội vẫn bất an với miếng ăn hàng ngày. Luật pháp còn nhiều kẽ hở, như chưa đưa ra được điều kiện kinh doanh miếng thịt. Miếng thịt vẫn để buôn bán tự do như các mặt hàng khác. Hoặc, chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe, thậm chí xử lý hình sự hành vi bơm, chích thuốc độc hại vào vật nuôi. Hay, bộ phận cán bộ lĩnh vực chưa làm tròn trách nhiệm, thậm chí thoả hiệp, ăn tiền, tiếp tay cho hành vi vi phạm.

Còn với người kinh doanh, dường như đang không từ bỏ một thủ đoạn nào để đạt được mục đích lợi nhuận. Con heo hay gia cầm ngay từ lúc còn non đã được chích vắcxin, kháng sinh vô tội vạ. Quá trình nuôi lấy thịt lại càng được bơm chích nhiều hơn, đến cả việc sử dụng thuốc tăng trọng salbutamol, clenbuterol… độc hại. Khi đưa vào giết mổ, khâu cuối cùng trong vòng đời chăn nuôi, con vật vẫn bị đầu độc bằng thuốc an thần, đó là chưa kể, miếng thịt làm ra còn bị tiểu thương sử dụng hàn the để bảo quản…

Tại sao người tiêu dùng Việt Nam bị đối xử như vậy? 

Bảo Anh (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem