Tại sao phải ăn thực phẩm bẩn:Chỉ 10% yên tâm với miếng ăn mỗi ngày

Hà Linh (ghi) Thứ bảy, ngày 10/06/2017 18:45 PM (GMT+7)
Đa số người dân đều không yên tâm với thực phẩm đi mua, theo kết quả điều tra dư luận xã hội về an toàn thực phẩm do Văn phòng Quốc hội tiến hành cho thấy, chỉ có 10% người được hỏi rất yên tâm với thực phẩm sử dụng hằng ngày, trong khi có tới 59% chưa yên tâm và 27% khẳng định không yên tâm.
Bình luận 0

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) đã phát biểu như trên tại phiên thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toànthực phẩm giai đoạn 2011-2016 diễn ra ngày 5.6 vừa qua, Dân Việt xin đăng lại phần phát biểu này.

img

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang).

Qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ, báo cáo kết quả giám sát của đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016, về cơ bản tôi thống nhất với các nội dung của báo cáo đã phản ánh. Trong khuôn khổ thời gian có hạn, tôi xin phép trình bày ba nội dung có liên quan đến gợi ý của Tổng thư ký Quốc hội, về thực trạng tình hình quản lý nhà nước và một số kiến nghị.

Về thực trạng an toàn thực phẩm, có thể nói vấn đề thực phẩm không an toàn đây không phải là vấn đề mới phát sinh mà đã được lên tiếng từ nhiều năm nay. Từ năm 2009 Quốc hội khóa XII đã thực hiện giám sát tối cao về an toàn thực phẩm và ban hành một nghị quyết riêng về vấn đề này, đó là Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đến nay tuy đã có những chuyển biến nhất định trong kiểm soát an toàn thực phẩm, xong chuyển biến còn chậm và tình trạng thiếu an toàn thực phẩm vẫn đang xảy ra khá phổ biến ở nước ta, đang là vấn đề rất lớn gây bức xúc cho toàn xã hội. Đa số người dân đều không yên tâm với thực phẩm đi mua, theo kết quả điều tra dư luận xã hội về an toàn thực phẩm do Văn phòng Quốc hội tiến hành cho thấy, chỉ có 10% người được hỏi rất yên tâm với thực phẩm sử dụng hằng ngày, trong khi có tới 59% chưa yên tâm và 27% khẳng định không yên tâm.

Theo báo cáo của Chính phủ trong giai đoạn 2011 - 2016 đã kiểm tra theo kế hoạch trên 3 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có trên 20% số cơ sở vi phạm  pháp luật về an toàn thực phẩm. Các hành vi và hiện tượng vi phạm về an toàn thực phẩm thường thấy đó là bán thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hạn sử dụng, sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật không đúng quy định, sử dụng hóa chất bị cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, v.v...

img

Giết mổ lợn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cũng theo Báo cáo của Chính phủ giai đoạn 2011-2016 có 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm, với 30.395 người mắc, 164 người chết. Theo tôi đây chỉ là phần nổi của tảng băng ngộ độc thực phẩm. Vì thực tế xảy ra với mỗi cá nhân, mỗi gia đình, tôi tin chắc rằng hàng năm chúng ta có hàng chục triệu ca tiêu chảy liên quan tới thực phẩm và người dân tự xử lý không được các cơ sở y tế ghi nhận. Bên cạnh đó còn hàng loạt bệnh tật nguy hiểm khác phát sinh từ việc tích tụ chất bẩn, chất độc hàng ngày thông qua thực phẩm không an toàn. Trong bối cảnh chung sống với thực phẩm không an toàn, một bộ phận dân cư có điều kiện tự trồng rau, nuôi heo, nuôi gà theo kiểu tự cung, tự cấp, đa số phó mặc sức khỏe, tính mạng cho số phận may rủi. Phòng bệnh hơn trị bệnh, khi phòng bệnh không được thì người dân bất an đó là điều đương nhiên. Để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm tôi thống nhất với nhận định trong báo cáo đánh giá của Đoàn giám sát của Quốc hội khi cho rằng trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Thứ hai, về thực hiện quản lý nhà nước. Nói chung các cơ quan chức năng đã nỗ lực thực hiện trách nhiệm của mình, đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm quy định hướng dẫn, tổ chức thực hiện, bộ máy tổ chức, trang thiết bị kỹ thuật từng bước được tăng cường, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đã được coi trọng, nhất là trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm trong các dịp lễ tết. Tôi đánh giá cao các nỗ lực quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong thời gian hơn 1 năm gần đây. Tuy nhiên, thực tế trong giai đoạn vừa qua công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, trong đó nổi lên những hạn chế lớn sau đây:

Thứ nhất, việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này còn hiện tượng cắt khúc, phân đoạn trong chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, tạo nhiều khoảng trống chưa được xử lý có hiệu quả, cuối cùng vẫn là thực phẩm không an toàn và người dân phải chịu hậu quả. Phòng, chống thực phẩm không an toàn cần có một cơ quan thực sự giữ vai trò nhạc trưởng điều hành, phối hợp giữa các cơ quan có liên quan.

Thứ hai, lực lượng làm công tác an toàn thực phẩm, nhất là lực lượng thanh tra chuyên  ngành từ trung ương đến địa phương còn thiếu, có trường hợp còn hạn chế về chuyên môn, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của công việc.

Thứ ba, kinh phí cho hoạt động về quản lý an toàn thực phẩm trong giai đoạn vừa qua còn rất hạn chế so với yêu cầu, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí chi cho công tác này còn phân tán ở nhiều công việc, nhiều bộ phận, nhiều cấp khác nhau và chưa thực sự ưu tiên nội dung chi cho hợp lý.

Thứ tư, về thiết bị kỹ thuật phục vụ trong công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm chưa được đầu tư đồng bộ hiện đại để đáp ứng yêu cầu công việc chuyên môn theo phân cấp quản lý hiện nay.

Thứ năm, công tác tuyên truyền triển khai thực hiện còn mang tính phong trào theo đợt, nhất là cơ sở.

Về các giải pháp kiến nghị về cơ bản tôi thống nhất với các giải pháp mà Chính phủ và đoàn giám sát của Quốc hội đã đề xuất, trong đó có các giải pháp về thể chế, chính sách, giải pháp về tổ chức thực hiện, đặc biệt các đề xuất giải pháp củng cố lại tổ chức bộ máy theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả tập trung đầu mối, bảo đảm cấp đủ ngân sách nhà nước cho công tác an toàn thực phẩm theo dự toán. Đặc biệt là cho phép sử dụng 100% tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cho công tác an toàn thực phẩm cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Tôi cho rằng đây là các giải pháp mang tính đột phá để bảo đảm an toàn thực phẩm và tin tưởng các đề xuất giải pháp này sẽ sớm được triển khai thực hiện. Ngoài các giải pháp lớn mà Chính phủ và đoàn giám sát Quốc hội đề xuất, tôi xin kiến nghị thực hiện thêm một số giải pháp sau:

Một là, thiết lập đường dây nóng với số dễ nhớ kiểu 113, 115 để nhân dân phản ánh các vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Hai, kiểm soát chặt chất xả thải từ các cơ sở sản xuất, đặc biệt từ các khu sản xuất tập trung, khu công nghiệp vì nhiều thực phẩm nhiễm bẩn do nguồn nước cung cấp cho vật nuôi cây trồng không được xử lý an toàn.

Ba, các tỉnh, thành phố nghiêm túc xem xét tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, tức là 100% hộ gia đình và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trong việc công nhận xã nông thôn mới và phải coi đây là tiêu chí cứng không cho nợ.

Bốn, hiện nay hầu hết các thôn, làng, bản đều có hương ước, quy ước của mình và đây là cơ chế tự quản có hiệu quả để xử lý các vấn đề của cộng đồng. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nên hướng dẫn các thôn làng đưa các nội dung về bảo đảm an toàn thực phẩm vào các hương ước, quy ước này. Một khi người dân đồng thuận, tự nguyện đưa nội dung này vào các hương ước, quy ước của mình thì họ sẽ đề ra cơ chế bảo đảm thực hiện, chắc chắn góp phần thúc đẩy bảo đảm an toàn thực phẩm, loại bỏ hiện tượng mỗi gia đình có 2 luống rau, 2 chuồng lợn, 2 chuồng gà phân biệt để dùng cho gia đình hay để bán.

Năm, có cơ chế chính sách phù hợp để huy động tốt hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, đặc biệt là Hội liên hiệp phụ nữ, vì phụ nữ là người có vai trò rất quan trọng trong việc trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ tại cộng đồng cũng như bảo đảm an toàn thực phẩm bữa cơm hàng ngày trong gia đình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem