Trưng bày thú vật

Việt Hoàng Chủ nhật, ngày 23/07/2023 10:37 AM (GMT+7)
Ở vườn thú Hà Nội, con gái tôi suýt khóc khi nhìn chú voi bị xích chân: Có lẽ do bị xích bằng dây sắt đã quá nhiều năm, sợi xích đã "ăn" hằn sâu vào bàn chân voi khiến nó đau đớn, buồn bực nhưng cũng chỉ biết lộng lộn, đôi khi gầm rú trong bất lực.
Bình luận 0

Tôi cho con gái đi vườn thú Hà Nội, con bé rất háo hức và chạy lăng xăng khắp nơi. Nhưng khi tới nơi nhốt hai con voi to lớn, con bé khựng lại và nhìn trân trân vào sợi dây xích sắt dưới chân những con voi khốn khổ. Con bé hỏi bằng giọng mũi, sắp khóc, bố ơi, sao bạn voi lại bị xích thế này? 

Thái độ và câu hỏi của con khiến tôi lặng đi nhiều giây, không biết giải thích với con thế nào cho hợp lý. Rõ ràng, mục đích của chuyến đi nghe có vẻ rất khoa học, hợp lý, đó là giúp con mở mang tầm mắt, biết con hổ, con voi, cá sấu, hà mã… ở ngoài đời thực trông như thế nào, ăn uống, chạy nhảy ra sao.

Nhưng sau cùng, tôi và chắc nhiều bậc phụ huynh sẽ phải đối mặt với câu hỏi rất lớn của con trẻ, như trên.   

Trở lại với chuyện chú voi bị xích chân, có lẽ do bị xích bằng dây sắt đã quá nhiều năm, sợi xích đã "ăn" hằn sâu vào bàn chân voi khiến nó đau đớn, buồn bực nhưng cũng chỉ biết lộng lộn, đôi khi gầm rú trong bất lực. 

Tôi có chia sẻ câu chuyện về con voi khốn khổ này lên trang Faceboook của mình và nhận được sự đồng tình của hàng ngàn người khác. Hàng trăm phụ huynh cho biết, chính họ cũng thấy ám ảnh với cảnh sống khổ sở của những con thú tại đây. 

Chúng ta thường dạy, tuyên truyền cho trẻ em rất nhiều về việc bảo vệ môi trường, bảo vệ muông thú, thiên nhiên. Mục đích hoạt động của vườn thú Hà Nội cũng rất rõ ràng, đó là phục vụ khách đến tham quan, học tập, vui chơi giải trí cũng như góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. 

Trưng bày thú vật - Ảnh 2.

Sợi xích ở chân con voi trong Vườn thú Hà Nội. Ảnh: FBNV.

Vậy câu hỏi đặt ngược lại, trẻ em sẽ học được điều gì từ vườn thú như Hà Nội đang có? Chúng học được cách nuôi nhốt thú vật để vui chơi, giải trí, làm thú vui ư? Hay học được về thói quen, hành vi, bản tính… của thú vật khi bị nhốt? Hoặc là những thứ to tát hơn, là dạy trẻ em, tuyên truyền cho người dân về đa dạng, bảo tồn sinh học? 

Tôi cho rằng, trẻ em – chúng ta sẽ chẳng học được điều gì từ những mô hình nuôi nhốt chật chội, bức bí như tại đây. Có chăng, thú vật chỉ trở thành món đồ trưng bày biết di chuyển, động đậy, kêu, tỏa mùi hôi… để trẻ em xem chứ không đem lại bất kỳ bài học nào hữu ích. 

Vườn thú Thủ Lệ với mô hình nuôi nhốt, xích là một sản phẩm, cách làm của thời kỳ cũ, và cách "trưng bày" đó đã giam cầm hàng trăm con thú từ vài chục năm qua. 

Tới nay, vườn thú Thủ Lệ không trở nên rộng rãi, khang trang hơn mà thậm chí còn co hẹp lại rất nhiều bởi những công trình khác phục vụ nhu cầu chơi của trẻ em, thậm chí cả nhu cầu giải trí của người lớn. 

Nếu gọi đây là vườn thú e rằng hơi khiên cưỡng, không chính xác. 

Theo những thông tin tôi tìm hiểu, ở khu vực Đông Nam Á, nhiều quốc gia đã đầu tư những không gian lớn cho các vườn thú mở và safari, ví dụ như Thái Lan có Khao Kheow Open Zoo (809 ha) và Safari World Bangkok (264 ha); Singapore có Singapore Zoo (28 ha) và Night Safari (40 ha); Malaysia có Negara Zoo (45 ha), Indonesia có Taman Safari (170 ha)... Safari Phú Quốc (380 ha) là đại diện tiêu biểu nhất của Việt Nam.

Và gần như không ở đâu trên thế giới còn tồn tại những vườn thú "công lập" trưng bày thú vật theo cách nuôi nhốt, xích như tại Thủ Lệ.  

Tháng 2 vừa qua, Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội - đơn vị được UBND thành phố giao quản lý, vận hành Công viên Thủ Lệ đã đề xuất UBND thành phố cho mở rộng Vườn thú Hà Nội.

Theo đơn vị này, Vườn thú Hà Nội đang duy trì 37 khu chuồng nuôi, tổng diện tích nền chuồng, sân bãi là 13.778m2; Chăm sóc, nuôi dưỡng 88 loài, gồm 585 cá thể. Trong đó, lớp thú có 208 cá thể, lớp bò sát 22 cá thể, lớp chim 356 cá thể. Nhìn chung, các cá thể thuộc lớp thú có giá trị trưng bày cao, song đến nay một số loài đã nhiều tuổi, cận huyết và mất cân bằng cơ cấu đàn. 

Trong số 88 loài đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Vườn thú Hà Nội, có 32 loài thuộc dạng đặc hữu, quý hiếm, như: Hổ Đông Dương, hổ Amua, hổ Bengal, sư tử, báo gấm, hươu cao cổ, hà mã, linh dương, gấu ngựa, nai... Trung bình hằng năm, Vườn thú Hà Nội đón hơn 2 triệu lượt khách đến tham quan.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ khách đến tham quan, học tập, vui chơi giải trí cũng như góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện Kế hoạch cải tạo, xây dựng mới các công viên, vườn hoa giai đoạn 2021-2025 của UBND thành phố, Vườn thú Hà Nội đang đề xuất UBND thành phố mở rộng vườn thú theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.

Theo đó, mở rộng Vườn thú Hà Nội khu vực cổng chính (đường Bưởi) và khu vực phía Tây (đường Kim Mã - Cầu Giấy); Xây dựng các cổng phía đường Kim Mã và đường Bưởi theo quy hoạch, kết hợp xây dựng bãi đỗ xe thông minh phía đường Kim Mã.

Công ty cũng đề xuất tăng từ 37 khu chuồng lên 42 khu chuồng trại và được tiếp tục sưu tầm, trao đổi, mua thêm một số loài động vật trong nước thuộc Hiệp hội Vườn thú Việt Nam và các tổ chức, vườn thú nước ngoài như: Tê giác, tinh tinh, rái cá, linh miêu, chuột túi... nhằm làm phong phú đàn động vật phục vụ trưng bày, bảo đảm cơ cấu đàn để nhân giống, bảo tồn nguồn gen quý hiếm.

Vâng, khi đọc và sắp xếp những thông tin sau đây: Mỗi năm vườn thú đón 2 triệu lượt khách thăm quan, các cá thể thuộc lớp thú có giá trị trưng bày cao, một số loài đã nhiều tuổi, cận huyết và mất cân bằng cơ cấu đàn; Đề xuất mở rộng; Kết hợp xây dựng bãi xe thông minh, bảo tồn nguồn gen quý hiếm… bạn có thể tìm ra được sự hợp lý, khoa học hay không? 

Tôi thì thấy rõ những điểm mâu thuẫn, bất cập và cả sự bất nhẫn. Bây giờ là một thời đại khác, và chúng ta, một Thủ đô Văn hiến, một đất nước Văn hiến không thể tiếp tục duy trì mô hình nuôi, nhốt, xích thú vật giữa thủ đô để trưng bày, học tập và bảo tồn sinh học. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem