Tổng thống Putin khó thoát bẫy tự giăng, nước Nga nguy cơ trở thành quốc gia thất bại

Huỳnh Dũng Thứ hai, ngày 16/01/2023 08:35 AM (GMT+7)
Dù năm 2023 có mang lại điều gì đi chăng nữa, có vẻ như khó có thể giúp Tổng thống Putin thoát khỏi cái bẫy mà ông đã tạo ra cho chính mình và nước Nga. Và nước Nga có thể không tồn tại được trong thập kỷ tới, nguy cơ trở thành một quốc gia thất bại khi theo đuổi cuộc chiến tốn kém ở Ukraine.
Bình luận 0

Nga công bố mức thâm hụt ngân sách hơn 47 tỷ USD cho năm 2022, cao thứ hai trong thời kỳ hậu Xô Viết

Căng thẳng trước nhu cầu tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của mình, chính phủ Nga vừa cho biết họ đã công bố mức thâm hụt ngân sách hơn 47 tỷ USD vào năm 2022, mức cao thứ hai kể từ khi Liên Xô cũ tan rã.

Thâm hụt tài chính của Nga năm 2022 lên tới 3,3 nghìn tỷ rúp vào năm 2022, (47,45 tỷ USD), chiếm tương đương 2,3% GDP, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov phát biểu trên truyền hình, sau cuộc họp với chính phủ.

Mọi người đi ngang qua những đồ trang trí Giáng sinh và năm mới có hình những quả cầu tuyết tại công viên Zaryadye ở trung tâm Mátxcơva, gần Điện Kremlin ở Mátxcơva.(Ảnh: @NATALIA KOLESNIKOVA/AFP/ Getty Images).

Mọi người đi ngang qua những đồ trang trí Giáng sinh và năm mới có hình những quả cầu tuyết tại công viên Zaryadye ở trung tâm Mátxcơva, gần Điện Kremlin ở Mátxcơva.(Ảnh: @NATALIA KOLESNIKOVA/AFP/ Getty Images).

Tại cuộc họp, các quan chức chính phủ Nga cũng đã trình bày tình hình kinh tế là tích cực, với Mikhail Mishustin, thủ tướng Nga nói rằng: "về tổng thể, những chỉ số đó không tệ". Không đề cập cụ thể đến cuộc chiến, ông Silanov, bộ trưởng tài chính cho biết: "Bất chấp tình hình địa chính trị, các hạn chế và lệnh trừng phạt, chúng tôi đã hoàn thành tất cả các mục tiêu theo kế hoạch của mình".

Tuy nhiên, mức thâm hụt được công bố cho năm 2022 chỉ đứng thứ hai trong lịch sử hậu Xô Viết của Nga so với mức được báo cáo cho năm 2020, năm mà đại dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng.

Chính phủ Nga đã không công bố chi tiết chi tiêu cụ thể của mình vào năm 2022, nhưng người ta cho rằng phần lớn sự gia tăng có thể là do tăng chi tiêu quân sự. Chính phủ buộc phải tài trợ cho khoản thâm hụt bằng cách phát hành trái phiếu và sử dụng tiền từ các quỹ khẩn cấp.

Tình trạng thâm hụt cao cũng có thể tiếp tục xảy ra trong năm nay, khi Nga có kế hoạch tăng chi tiêu quân sự lên 1/3, và doanh thu từ dầu mỏ của Moscow dự kiến sẽ bị áp lực bởi giá dầu áp trần, buộc các thương nhân Nga phải bán dầu thô với giá chiết khấu cao hơn.

Ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine, nhiều chuyên gia đã dự đoán về sự sụp đổ thảm khốc của nền kinh tế nước này do các lệnh trừng phạt của phương Tây và các biện pháp hạn chế khác. Ảnh: @AFP.

Ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine, nhiều chuyên gia đã dự đoán về sự sụp đổ thảm khốc của nền kinh tế nước này do các lệnh trừng phạt của phương Tây và các biện pháp hạn chế khác. Ảnh: @AFP.

Doanh nghiệp thế giới xa lánh Nga trong cuộc chiến Ukraine

Các nhà phân tích địa chính trị đồng ý rằng, Nga đã tự làm hại mình bằng cách theo đuổi các lợi ích lãnh thổ ở Ukraine, khiến nhiều thành viên của cộng đồng chính trị, thương mại và kinh doanh quốc tế xa lánh. Vì thế mà Nga ngày càng dựa vào các quốc gia như Iran và Triều Tiên để có quan hệ đối tác và vũ khí.

Moscow cũng đã mất phần lớn thị phần của mình trong cơ sở khách hàng năng lượng châu Âu do tự kiểm duyệt và các biện pháp trừng phạt. Nhiều quan chức, tổ chức và ngành công nghiệp của Nga hiện đang hoạt động dưới sự hạn chế của phương Tây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đã đánh giá sai cuộc chiến tại Ukraine, cho rằng các lực lượng và chính quyền Kiev sẽ nhanh chóng sụp đổ. Thay vào đó, sự kháng cự của Ukraine đã khiến Moscow phải chịu nhiều thất bại trên chiến trường, mặc dù quân đội Nga vẫn chiếm đóng một vùng lãnh thổ ở phía đông và nam Ukraine.

Putin không thể thoát khỏi cái bẫy tự giăng ra, Nga nguy cơ trở thành quốc gia thất bại trong thập kỷ tới - Ảnh 3.

Một chiếc xe tăng Nga bị trúng tên lửa chống tăng trên cánh đồng vào ngày 22 tháng 12 năm 2022 ở Izyum, Ukraine. Ảnh: @Pierre Crom.

Sự kết hợp của cuộc chiến tại Ukraine của Nga và hàng loạt lệnh trừng phạt sau đó của phương Tây đã gây ra một cuộc di cư ồ ạt của các công ty khỏi Moscow.

Cuộc chiến cũng đã khiến danh sách các công ty xa lánh Moscow đang tăng lên nhanh chóng, với các công ty đua nhau cắt đứt quan hệ khi các chính phủ nước ngoài tăng cường trừng phạt kinh tế.

"Lịch sử sẽ phán xét họ phù hợp"

Đối với một số người, việc cắt đứt quan hệ với Nga đánh dấu sự kết thúc hơn ba thập kỷ đầu tư vào nước này sau sự sụp đổ của Liên Xô cũ vào năm 1991. Tình hình ở Ukraine đã khiến nhiều người kết luận rằng rủi ro tài chính và uy tín của việc tiếp tục hoạt động ở Nga hiện nay là quá lớn.

Phát biểu với phóng viên Hadley Gamble của CNBC trong một cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố: "Thế giới sẽ phán xét họ một cách phù hợp. Và lịch sử sẽ phán xét họ theo cách đó", Kuleba nói.

Ngay cả sau các lệnh trừng phạt, nền kinh tế Nga có thể trả giá cho chiến tranh

Các nhà kinh tế cho rằng lệnh trừng phạt đã giáng một đòn mạnh vào ngành dầu khí và toàn bộ nền kinh tế của Nga, mà xương sống là ngành năng lượng.

Mikhail Krutikhin, một nhà phân tích dầu khí gốc Nga có trụ sở tại Thụy Điển, nói với blogger chính trị Ukraine Olena Kyryk rằng, sản lượng dầu của Nga dự kiến sẽ giảm một nửa vào năm 2023, trong khi nguồn thu ngân sách của Nga dự kiến sẽ giảm 30%.

Hiện tại, dường như việc giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu và các lệnh trừng phạt dầu mỏ sẽ dẫn đến sự sụp đổ kinh tế ở Nga".

Khói bốc lên sau vụ pháo kích ở Soledar, nơi diễn ra các trận giao tranh ác liệt với lực lượng Nga ở vùng Donetsk của Ukraine. Ảnh: @Chip Roman/AP.

Khói bốc lên sau vụ pháo kích ở Soledar, nơi diễn ra các trận giao tranh ác liệt với lực lượng Nga ở vùng Donetsk của Ukraine. Ảnh: @Chip Roman/AP.

"Việc giảm doanh thu thuế từ lĩnh vực dầu khí sẽ khiến chính phủ rút tiền từ Quỹ tài sản quốc gia và làm tăng thâm hụt hàng năm của ngân sách liên bang vào thời điểm chính phủ cũng đang tìm kiếm tiền để theo đuổi cuộc chiến ở Ukraine".

Ông lập luận rằng chi phí chiến tranh và các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ "có tác động kinh tế đối với Nga, mà điều này có thể sẽ được cảm nhận ở mức độ lớn hơn nhiều trong tương lai trung hạn so với trong ngắn hạn". Ông nói rằng nhập khẩu và đầu tư đã giảm, và ngân hàng trung ương của Nga sẽ phải in thêm tiền, dẫn đến tỷ lệ lạm phát cao hơn.

"Nếu nền kinh tế Nga tiếp tục được điều hành một cách khôn ngoan thì sẽ không có sự sụp đổ", Sergei Sazonov, một triết gia chính trị gốc Nga tại Đại học Tartu của Estonia, nói với Kyiv Independent. "Nhưng bất kỳ chính phủ nào cũng có thể phá hủy nền kinh tế bằng cách đưa ra những quyết định ngu ngốc", ông nói thêm.

Nga có khả năng xây dựng nền kinh tế thời chiến

Oleg Sukhov là một phóng viên chính trị tại Kyiv Independent khẳng định, khi Nga đang tiến hành cuộc chiến chống lại Ukraine, nước này cũng tìm cách quân sự hóa nền kinh tế của mình để thúc đẩy nỗ lực chiến tranh. Putin đã nhiều lần chỉ đạo tổ hợp công nghiệp quân sự đẩy mạnh sản xuất.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cho đến nay, vẫn chưa rõ liệu Nga có tăng đáng kể việc sản xuất vũ khí hay không, vì có rất ít thông tin.

Oleg Sukhov lập luận rằng Nga có khả năng xây dựng nền kinh tế thời chiến. Ông cho biết nước này có thể sản xuất một số tên lửa và bắt đầu sản xuất máy bay không người lái quân sự.

Oleg Sukhov cho rằng việc quân sự hóa nền kinh tế sẽ không ở quy mô của Thế chiến II, khi toàn bộ ngành công nghiệp được chuyển đổi để cung cấp sản phẩm cho cỗ máy chiến tranh.

Oleg Sukhov cho biết Liên Xô cũ có một nền kinh tế kế hoạch được quân sự hóa ngay từ đầu và quá trình công nghiệp hóa của nước này nhằm mục đích tạo ra một cỗ máy chiến tranh mạnh mẽ. Ngược lại, với nền kinh tế thị trường phức tạp hơn của Nga như ở hiện tại thì khó huy động hơn cho các mục đích quân sự như cách hiện nay, ông nói thêm.

8 dấu hiệu nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn sâu sắc

Paul Goble là một chuyên gia lâu năm về các vấn đề sắc tộc và tôn giáo ở Á-Âu. Gần đây nhất, ông là giám đốc nghiên cứu và xuất bản tại Học viện Ngoại giao Azerbaijan. Trong bài viết mới nhất, ông khẳng định, Chính phủ Nga và những người ủng hộ luôn tìm cách thể hiện tốt nhất mọi việc, bao gồm cả tình hình kinh tế của đất nước trong năm qua. Họ trích dẫn nhiều số liệu kinh tế vĩ mô để chứng minh rằng mọi thứ không tệ như nhiều người nói. Nhưng đối với những người Nga bình thường, cuộc sống đang trở nên tồi tệ hơn. Dẫn chứng dưới đây sẽ  đưa ra 8 dấu hiệu cho thấy điều này.

Một số dấu hiệu trong số này là rõ ràng nhưng một số khác thì gián tiếp hơn. Tuy nhiên, khi kết hợp lại với nhau, chúng vẽ nên bức tranh về một nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn nghiêm trọng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến của Putin ở Ukraine, những khó khăn đang gây ra những hậu quả sâu sắc đối với người Nga và cách họ thực sự sống.

1..Các nhà hàng hiện tại đang đóng cửa và những nhà hàng mới không mở cửa, và người Nga đang chuyển việc mua hàng của họ từ các quán cà phê đắt tiền hơn sang các nhà hàng thức ăn nhanh, mặc dù ngay cả lĩnh vực đó cũng bị ảnh hưởng khi thu nhập tiếp tục giảm (kommersant.ru/doc/5733166  và  kommersant. ru/doc/5747372).

2. Ngày càng có nhiều người Nga làm việc trong thời gian ngắn ngủi hơn trong ngày khi các công ty cố gắng tránh sa thải họ. Hiện tượng này đặc biệt đúng ở các thành phố lớn như Moscow.

3. Các công ty Nga năm 2022 trả tiền thưởng ngày càng ít hơn so với năm trước đó (press.rabota.ru/v-etom-godu-vyplachivat-novogodnie-premii-budut-v-2-raza-rezhe-chem-v-proshlom).

4. Người Nga lại đang tăng mức tiêu thụ vodka, đảo ngược xu hướng của thập kỷ trước và ngày càng nhấn chìm nỗi buồn của họ trong rượu mạnh (brokerkf.ru/doc/ideas/Flash_note_BELU_03102022.pdf ).

5. Các nhà môi giới đã buộc phải cắt giảm một nửa phí dịch vụ của họ do nhu cầu về bất động sản giảm (kommersant.ru/doc/5722152).

6. Ngày càng ít người Nga đến các trung tâm mua sắm, thay vào đó họ chọn mua từ những người bán hàng rong ( iz.ru/1433547/2022-11-30/poseshchaemost-ttc-v-rossii-snizilas-na-15 -30  và  kommersant.ru/doc/5572560).

7. Kinh doanh quảng cáo trên truyền hình đã sụp đổ. Nếu một năm trước, các nhà quảng cáo sẵn sàng mua tới 90% thời gian được phép bán hàng của họ trên truyền hình. Giờ đây, họ chỉ mua 63% thời gian đó (rbc.ru/technology_and_media/12/07/2022/62cc24769a794743ec866d31).

8. Hàng triệu người Nga trước đây từng cố gắng đầu tư vào thị trường chứng khoán nay đã rút tiền ra và nhìn nhận các nhà môi giới ngày càng tiêu cực khi giá cả đã sụt giảm.

Các biện pháp trừng phạt đang loại bỏ Nga khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Ảnh: ©FT Montage/Bloomberg.

Các biện pháp trừng phạt đang loại bỏ Nga khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Ảnh: ©FT Montage/Bloomberg.

Vài ngày trước Giáng sinh năm 2022, Vladimir Putin đã bay tới Minsk để hội đàm với tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Có nhiều suy đoán rằng cuộc họp sẽ đưa ra một thông báo đầy kịch tính, có lẽ về sự tham gia trực tiếp của các lực lượng vũ trang Belarus trong cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.

Nhưng nó đã kết thúc với cùng một loại cam kết mơ hồ về quan hệ kinh tế, chính trị và quân sự mà hai nước đã tuyên bố nhiều lần trong 25 năm qua.

Belarus thường được mô tả là đồng minh thân cận nhất của Nga và Lukashenko phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của Nga cho sự sống còn chính trị của mình. Tuy nhiên, bất chấp nhu cầu giúp đỡ khẩn cấp của Nga, Lukashenko cho đến nay vẫn từ chối gửi quân tới Ukraine, chắc chắn là vì nguy cơ bất ổn trong nước và mối đe dọa đối với quyền lực của ông.

Tháng trước, trong một chuyến công du nước ngoài hiếm hoi khác, Putin đã  bị tổng thống Armenia (một quốc gia có lịch sử thân thiết khác) hắt hủi, người cũng công khai chỉ trích sự kém hiệu quả của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Nga thống trị. Cuộc họp được nhiều người coi là sự phản ánh ảnh hưởng đang bị thu hẹp của Moscow trong khu vực quan trọng đối với bản sắc cường quốc (tự xác định) của họ.

Hai ngày sau chuyến đi dường như vô nghĩa của Putin tới Belarus, Tổng thống Ukraine Zelensky đã bay tới Washington để gặp Biden và phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Cả hai sự kiện đều đóng vai trò là bằng chứng mạnh mẽ về việc tiếp tục hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine, được nhấn mạnh bởi việc Nhà Trắng thông báo về một gói viện trợ quân sự khổng lồ khác. Lần đầu tiên, điều này bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, nhằm giúp bảo vệ chống lại các cuộc tấn công tàn khốc của Nga vào cơ sở hạ tầng của Ukraine. Bài phát biểu của Zelensky trước Quốc hội đã mang lại cho ông một nền tảng toàn cầu lan truyền thông điệp của ông rằng, cuộc chiến của Ukraine là một phần của sự bảo vệ rộng lớn hơn chống lại sự xâm lược và chủ nghĩa độc tài, và sự hỗ trợ của Hoa Kỳ "không phải là từ thiện, mà là đầu tư vào an ninh toàn cầu". Hai ngày sau, Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ trị giá 45 tỷ USD cho Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đọc bài phát biểu năm mới tới toàn quốc tại trụ sở của Quân khu phía Nam ở Rostov-on-Don vào ngày 31 tháng 12 năm 2022. Ảnh: @Mikhail Klimentyev/AFP.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đọc bài phát biểu năm mới tới toàn quốc tại trụ sở của Quân khu phía Nam ở Rostov-on-Don vào ngày 31 tháng 12 năm 2022. Ảnh: @Mikhail Klimentyev/AFP.

Những chuyến đi này cho thấy chỉ hơn 10 tháng chiến tranh đã thay đổi đáng kể danh tiếng của các tổng thống và vị thế của đất nước họ như thế nào. Zelensky có lẽ là nhà lãnh đạo được ngưỡng mộ nhất trên thế giới. Ukraine, giống như tổng thống của mình, đã trở thành một biểu tượng của sự chống lại sự xâm lược. Ukraine cũng hiện là một quốc gia ứng cử viên của EU, và đang nhận được sự hỗ trợ và quan tâm ngoại giao của phương Tây.

Putin bắt đầu cuộc chiến với tham vọng loại bỏ Zelensky, thu hút Ukraine vào một dự án thuộc địa nhằm củng cố "thế giới Nga" và buộc những gì ông cho là phương Tây đang suy tàn và hèn nhát phải đặt lại bản đồ chiến lược của châu Âu vào giữa những năm 1990. Trong mỗi khía cạnh, đó là một thất bại nặng nề. Và bằng cách phát động một cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ, không có sức mạnh ngoại giao hoặc khả năng quân sự để giành chiến thắng, Điện Kremlin đã phơi bày những giới hạn về khả năng gây ảnh hưởng của mình ngay cả với những quốc gia nằm trong quỹ đạo của mình, và làm nghiêng đáng kể quy mô của mối quan hệ Nga-Trung.

Nó đã hủy hoại mối quan hệ năng lượng cực kỳ quan trọng với châu Âu. Và giờ đây, vị thế quốc tế của Putin chưa bao giờ bất ổn như hiện tại.

Chiến tranh cũng đã hủy hoại uy tín của lực lượng vũ trang Nga, lực lượng mà Putin đã chi hàng tỷ đô la để cải cách và hiện đại hóa trong những năm gần đây. Khi nó được phát động vào tháng 2 năm 2022, tưởng chừng cuộc xâm lược được dự định kéo dài trong vài ngày, nhưng tới hôm nay, Điện Kremlin hiện đang ở trong mùa đông của một năm mới, với rất ít dấu hiệu cho thấy họ có đủ nhân lực, thiết bị hoặc chiến lược để đảo ngược cuộc phản công của Ukraine. Quy mô của những vấn đề này, và sự thành công phi thường của cuộc kháng chiến ở Kyiv, có nghĩa là thất bại quân sự dường như có nhiều khả năng xảy ra hơn là chiến thắng với Nga. Ngay cả những khu vực dưới sự kiểm soát của Nga kể từ năm 2014 giờ cũng có vẻ dễ bị tổn thương, với việc Putin hạn chế đưa ra những lời đe dọa hạt nhân mơ hồ để cố gắng ngăn chặn viện trợ của phương Tây cho Ukraine nhằm giúp giải phóng họ.

Quyết định tấn công Ukraine của Putin vào tháng 2 năm ngoái có vẻ như là một trong những thất bại chính trị và quân sự lớn nhất trong lịch sử gần đây. Thật khó để tưởng tượng một thảm họa toàn diện hơn cho ông ấy và cho nước Nga. Điều đáng lo ngại nhất đối với ông ấy là khó khăn không kém để xem làm thế nào để đảo ngược nó, hoặc nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy có thể phục hồi như thế nào. Dù năm 2023 có mang lại điều gì đi chăng nữa, có vẻ như khó có thể giúp Putin thoát khỏi cái bẫy mà ông đã tạo ra cho chính mình và cho nước Nga.

Nga có nguy cơ trở thành một quốc gia thất bại trong 10 năm tới

Khi Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft của Hội đồng Đại Tây Dương đã khảo sát 167 chiến lược gia toàn cầu và các học viên về những động lực tiềm năng lớn nhất của sự thay đổi trong thập kỷ tới, kết quả cho thấy nước Nga như chúng ta biết hiện nay có thể không tồn tại được trong thập kỷ tới, và có nguy cơ trở thành một quốc gia thất bại khi theo đuổi cuộc chiến tốn kém ở Ukraine.

Gần một nửa các chuyên gia chính sách đối ngoại hàng đầu cho rằng, Nga sẽ trở thành một quốc gia thất bại hoặc tan rã vào năm 2033, trong khi đại đa số cho rằng Trung Quốc sẽ cố gắng chiếm lấy Đài Loan bằng vũ lực, theo một cuộc khảo sát mới của Hội đồng Đại Tây Dương chỉ ra một thập kỷ khủng hoảng toàn cầu sắp tới.

46% trong số 167 chuyên gia trả lời nhóm cố vấn cho biết sự thất bại hoặc tan rã của Nga có thể xảy ra trong 10 năm tới. Trong một câu hỏi riêng, 40% chỉ ra rằng Nga là quốc gia mà họ tiên đoán rằng sẽ tan rã vì những lý do bao gồm "cách mạng, nội chiến hoặc tan rã chính trị" trong thời gian đó.

Theo Hội đồng Đại Tây Dương, một trong những điều đáng ngạc nhiên nhất của cuộc thăm dò là những người được hỏi đã chỉ ra khả năng Nga sụp đổ trong thập kỷ tới. Điều này "cho thấy cuộc chiến của Điện Kremlin chống lại Ukraine có thể gây ra những biến động có hậu quả nghiêm trọng ở một cường quốc sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất hành tinh", tổ chức tư vấn Mỹ lưu ý thêm.

Huỳnh Dũng- Theo Kyivindependent/Theglobeandmail/Eurasiareview/Publicnewstime/Prospectmagazine/Nytimes/CNBC

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem