“Tôi khắc sâu lời dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách xử lý bạo loạn, ly khai ở Tây Nguyên”

Lương Kết (thực hiện) Thứ sáu, ngày 20/08/2021 07:00 AM (GMT+7)
Theo Thượng tướng Võ Tiến Trung, ông có 2 lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đó đều là những ký ức không thể nào quên. Đặc biệt trong lần gặp gỡ thứ hai, Đại tướng đã có lời căn dặn sâu sắc về cách xử lý vấn đề bạo loạn, ly khai ở Tây Nguyên.
Bình luận 0

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 -25/8/2021), chúng tôi có trao đổi với Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng về nhân vật lịch sử này.

Thượng tướng Võ Tiến Trung cho biết: Năm 1966, mới 12 tuổi, tôi đã vào chiến khu tham gia chiến đấu. Vì ở tuổi thiếu niên nên nhận thức còn đơn giản, tôi biết Bác Hồ là vị lãnh tụ thiên tài, là niềm của nhân dân cả nước, còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chỉ huy Quân đội. Sau này, tôi được đào tạo trở thành sỹ quan mới hiểu được công lao to lớn, đạo đức sáng ngời và tài thao lược quân sự của Đại tướng.

“Tôi khắc sâu lời dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách xử lý bạo loạn, ly khai  ở Tây Nguyên” - Ảnh 1.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Võ Tiến Trung, ảnh chụp ngày 14/3/2004. Ảnh NVCC.

Trong quá trình chiến đấu và công tác, ông có kỷ niệm sâu sắc nào với Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

- Năm 1970, khi được ra miền Bắc, tôi được Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đưa cùng Đoàn dũng sĩ miền Nam vào gặp Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp để kể chuyện đánh giặc.

Đại tướng dành cả buổi sáng để nghe các dũng sĩ trong đó có tôi kể chuyện. Đến lượt mình kể, tôi không ngờ một vị Đại tướng lại hỏi rất chi tiết, ông hỏi hành động của chúng ta thế nào, hành động của Mỹ khi bị đánh ra sao…Đại tướng hỏi rất chi tiết để nắm bản chất của địch, từ đó hiểu phương pháp tác chiến của chúng và đề ra đối sách cho chúng ta.

Lần thứ hai, tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp là năm 2004. Khi đó, tôi đang học tại Học viện Quốc phòng, ông đã cho người gọi tôi đến nhà. Vì sao Đại tướng cho gọi?. Vì tôi đang là Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5, phụ trách Sở chỉ huy tiền phương của Quân khu tại các tỉnh Tây Nguyên, cũng thời gian này đang xảy ra vụ bạo loạn ở Tây Nguyên. Đại tướng cho gọi tôi tới để hỏi tình hình và cách xử lý việc bạo loạn, ly khai ở Tây Nguyên.

Tôi báo cáo khá dài và Đại tướng lắng nghe rất chăm chú, sau một hồi suy nghĩ khá lâu Đại tướng mới nói: Đồng chí về trong đó nói với Đảng bộ Quân khu 5, Đảng bộ các tỉnh ở Tây Nguyên là đừng bao giờ gọi những người dân chạy vào rừng theo Fulro Ðề-ga hoặc đang hoạt động Fulro là địch. Vì đó là nhân dân của ta, do dân trí của họ thấp, chúng ta có sai lầm trong phương pháp quản lý nên để địch dụ dỗ, lôi kéo. Chúng ta cần tìm cách chỉ cho những người dân lầm lạc đó thấy được việc làm sai và vận động họ trở về.

Đại tướng dặn thêm: Cần phải chăm lo đời sống cho đồng bào, đặc biệt là đất sản xuất cho người dân.

“Tôi khắc sâu lời dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách xử lý bạo loạn, ly khai  ở Tây Nguyên” - Ảnh 3.

Đại tướng trò chuyện với các cựu chiến binh từng tham gia trận Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu.

Thấu hiểu quan điểm chỉ dẫn của Đại tướng, cùng với kinh nghiệm trong thời gian hoạt động ở Tây Nguyên, khi về tôi đã viết cuốn sách "Những giải pháp chủ yếu chống bạo loạn, lật đổ, ly khai ở Tây Nguyên". Cuốn sách góp phần nhỏ giúp cho Đảng bộ, chính quyền và lực lượng vũ trang Quân khu 5 trong việc ổn định tình hình Tây Nguyên từ đó cho đến nay.

Ngoài lời dặn đó, trong buổi gặp, Đại tướng còn nói với tôi rất nhiều vấn đề, từ phương pháp vận động quần chúng, cách xử lý với địch, phương pháp tổ chức chính quyền cơ sở thế nào để gần dân, nắm bắt tâm tư của dân, tránh quan liêu, hách dịch; giải pháp để người dân tộc với người Kinh phối hợp chặt chẽ với nhau; việc bố trí hài hòa người dân tộc và người Kinh trong bộ máy lãnh đạo…

Qua câu chuyện của Thượng tướng và trong thực tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn được ví là vị Đại tướng của nhân dân, theo ông tính nhân dân được thể hiện sâu sắc như thế nào trong sự nghiệp của Đại tướng?

- Tính nhân dân trong tư tưởng và hành động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất rõ ràng. Thứ nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đại tướng đã xây dựng quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, tất cả đều vì nhân dân.

Thứ hai, xuyên suốt trong quá trình làm cách mạng, Đại tướng luôn luôn dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Đường lối chiến tranh của Đại tướng là chiến tranh nhân dân. Trên thế giới khi người ta đọc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì thấy điều nổi bật đó chính là chiến tranh nhân dân. Những nước nhỏ muốn giải phóng dân tộc trước sự xâm lược của Đế quốc lớn, muốn bảo vệ tổ quốc đều phải dựa vào dân.

Thứ ba, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn gắn bó với chiến sĩ, gắn bó với đội ngũ cán bộ cấp dưới, gắn bó với nhân dân, không bao giờ xa rời nhân dân.

Thứ tư, suốt cuộc đời, Đại tướng luôn phục vụ nhân dân, lấy việc phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, trung thành với Đảng là mục tiêu cao nhất và xuyên suốt. Trong cuộc đời, dù gặp những lúc khó khăn, trải qua những thăng trầm nhưng mục tiêu phục vụ nhân dân của Đại tướng không thay đổi.

“Tôi khắc sâu lời dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách xử lý bạo loạn, ly khai  ở Tây Nguyên” - Ảnh 5.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần thăm Bộ đội Trường Sơn. Ảnh Tư liệu.

Là nhà nghiên cứu khoa học quân sự, ông thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại những di sản lớn thế nào trong xây dựng Quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân để bảo vệ Tổ quốc?

- Có thể nói di sản của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại là vô cùng lớn lao. Thứ nhất, như đã nói ở trên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đại tướng đã xây dựng Quân đội của chúng ta là quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

Thứ hai, Đại tướng luôn quán triệt, quân đội chúng ta muốn trở thành quân đội của nhân dân, trung thành với nhân dân, trung thành với Tổ quốc thì quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện về mọi mặt của Đảng CSVN. Suốt quá trình chỉ huy của mình chưa bao giờ Đại tướng tách rời sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang.

Di sản thứ ba là những bài viết, những cuốn sách, hồi ký, bút tích của Đại tướng khi nói về chiến tranh nhân dân. Trong những tác phẩm đó chứa đựng những bài học lớn .Trên thế giới có nhiều tướng lĩnh của các nước coi các tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "sách gối đầu giường".

“Tôi khắc sâu lời dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách xử lý bạo loạn, ly khai  ở Tây Nguyên” - Ảnh 6.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần về thăm Điện Biên Phủ năm 1994. Ảnh Tư liệu.

Di sản thứ tư Đại tướng để lại, đó là bài học trong các chiến dịch lớn do ông trực tiếp chỉ huy. Từ các chiến dịch này đã tạo ra những nghệ thuật quân sự vô cùng độc đáo, nâng nghệ thuật quân sự Việt Nam phát triển lên đỉnh cao. Điều đặc biệt là nghệ thuật quân sự đó đều xuất phát từ chiến tranh nhân dân, dựa vào dân để đánh giặc.

Di sản thứ năm của Đại tướng mà ít người nhắc tới, đó là đạo đức. Chúng ta phát động học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đại tướng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã để lại tấm gương về đạo đức sáng ngời. Trong mọi tình huống, cho dù gặp khó khăn, có những lúc thăng trầm nhưng Đại tướng vẫn trung thành với Đảng, với nhân dân, luôn luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân.

“Tôi khắc sâu lời dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách xử lý bạo loạn, ly khai  ở Tây Nguyên” - Ảnh 7.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giữa) trên một con tàu hải quân tháng 3/1973. (Ảnh Tư liệu).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên đưa ra những đề xuất về chiến lược biển toàn diện, vấn đề này đến nay càng thấy rõ giá trị, thưa Thượng tướng?

- Trong những năm chiến tranh, chúng ta chưa nghĩ nhiều đến biển, đảo nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có tư duy rất sớm về chiến lược biển.

Ngày 29/3/1975, khi quân ta mới giải phóng Đà Nằng, Đại tướng đã mật lệnh cho Quân khu 5, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ đội đặc công nhanh chóng đưa lực lượng ra giải phóng quần đảo Trường Sa. Nếu như chúng ta không kịp giải phóng quần đảo Trường Sa mà chỉ tập trung lực lượng chiến đấu giải phóng miền Nam ở trong đất liền thì sẽ mất thời cơ. Nên nhớ vào năm 1974, lợi dụng tình hình, Trung Quốc đã đưa quân xâm chiến đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rồi Phó Thủ tướng kể cả lúc nghỉ hưu, Đại tướng đã đóng góp nhiều công lao cho việc xây dựng chiến lược biển. Đại tướng nhận thấy vai trò và tiềm năng của biển, ngoài nguồn tài nguyên dồi dào để nuôi sống và phát triển đất nước, biển có tầm chiến lược để bảo vệ Tổ quốc.

Đại tướng đề xuất vấn đề xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, tổ chức lực lượng để bảo vệ biển, đảo. Đặc biệt, Đại tướng đã đề xuất phương án sử dụng quân đội phối hợp với các địa phương có biển tham gia xây dựng kinh tế biển.

“Tôi khắc sâu lời dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách xử lý bạo loạn, ly khai  ở Tây Nguyên” - Ảnh 9.

Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng (Ảnh Đ.X).

Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh có xếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong 10 vị tướng xuất sắc nhất của thế giới, đây là điều vinh dự không chỉ cá nhân Đại tướng mà của dân tộc Việt Nam, thưa Thượng tướng?

- Đúng như vậy. Có thể nói trước năm 1954, thế giới không biết tới Việt Nam chúng ta, họ vẫn nghĩ chúng ta là thuộc địa của Pháp.

Sau kháng chiến chống Pháp, chúng ta tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng ta có 2 vị tướng thiên tài được Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh bầu chọn, đó là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hưng Đạo Vương là người đã lãnh đạo quân dân ta đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông ở thế XIII, đây là đế quốc hùng mạnh nhất thế giới lúc đó. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người chỉ huy đánh thắng hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ trong thế kỷ XX. Tất nhiên để đánh thắng 2 để quốc đó, chúng ta còn có Đảng lãnh đạo, toàn dân đoàn kết, nhưng vai trò cá nhân của Đại tướng rất lớn lao.

Có thể nói, việc đánh giá các tướng tài trên thế giới của Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh không mang tính chất chính trị, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt nước lớn, nước nhỏ, mà đánh giá trên cơ sở khoa học. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vượt qua nhiều tướng lĩnh trên thế giới để vào danh sách 10 vị tướng tài của nhân loại do Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh bầu chọn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều tác phẩm quân sự có giá trị nghiên cứu cao như: "Khu giải phóng" (1946), "Đội quân giải phóng" (1947), "Chiến tranh giải phóng và quân đội nhân dân, ba giai đoạn chiến lược" (1950), "Điện Biên Phủ" (1964), "Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng" (1970), "Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân" (1972), "Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc" (1979), "Tư tưởng Hồ Chí Minh và Con đường cách mạng Việt Nam" (2000)…

Xin cảm ơn Thượng tướng (!).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem