Tỉnh Quảng Bình có vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu phù hợp gắn với phát triển sản phẩm OCOP

Trần Anh Thứ hai, ngày 29/08/2022 08:14 AM (GMT+7)
Đó là chia sẻ của ông Mai Xuân Hạp- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình với phóng viên trước thềm Diễn đàn “OCOP - Động lực phát triển kinh tế nông thôn Quảng Bình” diễn ra ngày 29/8.
Bình luận 0

Hình thành vùng nguyên liệu về nông sản, dược liệu phù hợp gắn với phát triển sản phẩm OCOP

Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Mai Xuân Hạp - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) Quảng Bình, cho biết: Đến hết năm 2021, toàn tỉnh Quảng Bình có 94 sản phẩm OCOP, trong đó có 5 sản phẩm OCOP 4 sao và 89 sản phẩm OCOP 3 sao. Có 63 chủ thể kinh tế có sản phẩm OCOP được công nhận, gồm 14 doanh nghiệp, 38 Hợp tác xã và 11 hộ kinh doanh cá thể.

Theo ông Mai Xuân Hạp, trên địa bàn tỉnh này đã hình thành một số vùng nguyên liệu về nông sản, dược liệu phù hợp gắn với phát triển sản phẩm OCOP như vùng nguyên liệu về cà gai leo, tinh dầu sả, nấm tại huyện Bố Trạch; vùng nguyên liệu nông sản ớt, tiêu tại huyện Lệ Thuỷ, tỏi sạch tại thị xã Ba Đồn, khoai gieo tại huyện Quảng Ninh, lạc tại huyện Quảng Trạch, mật ong tại huyện Tuyên Hoá…

Quảng Bình đã hình thành vùng nguyên liệu về nông sản, dược liệu phù hợp gắn với phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Ông Mai Xuân Hạp - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình. Ảnh: DV

Đối với tỉnh Quảng Bình, trong 6 nhóm sản phẩm OCOP thì ưu tiên phát triển 02 nhóm gồm: Nhóm thực phẩm (các mặt hàng chế biến từ nông, thuỷ sản) và nhóm dược liệu.

Trong quá trình triển khai chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các Sở ngành liên quan để hỗ trợ các chủ thể kinh tế trong triển khai phương án sản xuất kinh doanh, hoàn thiện hồ sơ đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Hàng năm khi tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP sẽ thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với thành viên là các Sở, ngành liên quan.

Mức độ tự nguyện tham gia chương trình OCOP của các chủ thể kinh tế tăng theo hàng năm. Khi mới bắt đầu triển khai chương trình OCOP năm 2019 chỉ có 26 chủ thể kinh tế đăng ký tham gia thì đến đầu năm 2022 đã tăng lên 88 chủ thể kinh tế.

Tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chương trình OCOP trong năm 2022 là 11 doanh nghiệp, chiếm 12,5%.

Kinh phí hỗ trợ cho các sản phẩm OCOP được công nhận theo từng hạng sao còn hạn chế 

Ông Mai Xuân Hạp cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chưa có chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu.

So với các địa phương khác, kinh phí hỗ trợ cho các sản phẩm OCOP được công nhận theo từng hạng sao còn hạn chế. Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động lồng ghép các nguồn kinh phí để hỗ trợ các chủ thể kinh tế một số nội dung chủ yếu gồm: Thuê tư vấn hỗ trợ chủ thể kinh tế triển khai chu trình OCOP trong năm đầu triển khai; In ấn tập san tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu cho các sản phẩm OCOP được công nhận...

Quảng Bình đã hình thành vùng nguyên liệu về nông sản, dược liệu phù hợp gắn với phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Diễn đàn “OCOP - Động lực phát triển kinh tế nông thôn Quảng Bình” dự kiến diễn ra ngày 29/8.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ để tư vấn, hướng dẫn các chủ thể kinh tế đăng ký nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ; hướng dẫn thiết kế bao bì, nhãn mác phù hợp, đúng quy định theo Nghị định 43/2017 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hoá; Hỗ trợ một số chủ thể kinh tế xây dựng tem QR code, truy xuất nguồn gốc thông qua nguồn vốn chính sách nông nghiệp hàng năm. 

Về xúc tiến thương mại, ngoài các sự kiện hội chợ do ngành Công thương tổ chức, Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên hỗ trợ các chủ thể kinh tế tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ở trong nước (riêng trong năm 2022 đã tham gia 02 lượt tại tỉnh Sơn La và thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến trong tháng 9 sẽ tham gia 01 hội chợ tại Hà Nội).

Hiện, đã có một số sản phẩm OCOP được bày bàn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở trong tỉnh như Coopmart Quảng Bình, cửa hàng nông sản sạch Đông Dương, rau sạch An Nông. Ngoài ra trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Sở Thông tin truyền thông, Sở Công thương để đưa 52/94 sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch thương mại điện tử như quangbinhtrade.vn; postmart.vn; voso.vn; và sẽ tích cực hỗ trợ đưa các sản phẩm còn lại lên các sàn giao dịch thương mại điện tử theo Kế hoạch chuyển đổi số của ngành nông nghiệp và PTNT (phấn đấu 100% sản phẩm OCOP được đưa lên sàn giao dịch TMĐT)

Ngoài các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại đã được nêu trên, trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ hỗ trợ xây dựng một số điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở cấp huyện, dự kiến triển khai trong Quý III và Quý IV/2022. 

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục rà soát, lựa chọn một số sản phẩm có tiềm năng để tích cực hỗ trợ các nội dung về vùng nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng như ISO, HACCP để phấn đấu đạt.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem