Tình cờ thấy cặp chim tiền tỷ ở kho lúa cũ, anh nông dân Tiền Giang làm nên cơ nghiệp tiền tỷ

Trần Đáng Thứ hai, ngày 31/10/2022 13:01 PM (GMT+7)
Tình cờ phát hiện cặp chim yến làm tổ trong kho lúa cũ, anh Bùi Băng Sơn (xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã cải tạo kho lúa cũ thành nhà nuôi yến để thu tiền tỷ.
Bình luận 0

Hiện, mỗi tháng anh Bùi Băng Sơn (xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) thu 3 tỷ đồng nhờ bán sản phẩm tổ yến (yến sào) từ 100 nhà nuôi yến của mình ở ĐBSCL.

Nhờ cải tạo kho lúa cũ thành nhà nuôi yến, anh nông dân Tiền Giang thu 3 tỷ đồng mỗi tháng - Ảnh 1.

Kho lúa cũ được anh anh Bùi Băng Sơn (xã Đạo Thạnh, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) cải tạo thành nhà nuôi yến. Ảnh: Trần Đáng

Từ 1 đến 20 nhà nuôi chim yến

Anh Sơn kể, năm 2017, anh cùng người bạn góp vốn mua nhà kho lúa cũ rộng 1.500m2 tại xã Phú Cường (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) để ương cá giống.

Sau khi phát hiện tổ yến trong nhà kho, anh đã đem tổ yến đi kiểm định. Kết quả, tổ yến thu được ở trong nhà kho có chứa 18 loại axit amin và hơn 30 nguyên tố vi lượng. 

Đặc biệt, anh Sơn rất mừng khi kết quả kiểm định cho hay, dưỡng chất axit sialic có trong tổ yến không thua kém tổ yến ở những nơi nuôi yến nổi tiếng trong nước.

Phát hiện điều này, anh Sơn bắt đầu học hỏi kinh nghiệm nuôi chim yến, kiến thức, kỹ thuật chăm sóc chim yến, thu hoạch tổ yến... từ những người đã nuôi yến. Thậm chí, thấy chưa đủ, anh Sơn còn "chịu chơi" bỏ tiền bạc, thời gian ra nước ngoài học nghề nuôi yến.  

Từ con số 0, chỉ sau 6 năm, anh Sơn đã xây dựng được hệ thống nhà nuôi yến với 20 nhà ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre với diện tích khoảng 20.000m2.  Sản lượng tổ yến thu hoạch mỗi tháng gần 50kg.

Nhờ cải tạo kho lúa cũ thành nhà nuôi yến, anh nông dân Tiền Giang thu 3 tỷ đồng mỗi tháng - Ảnh 3.

Anh Bùi Băng Sơn (xã Đạo Thạnh, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) giới thiệu sản phẩm yến sào với khách hàng từ công ty nuôi yến của mình. Ảnh: Trần Đáng

Không những thế, anh Sơn còn liên kết sản xuất và tiêu thụ với trên 100 hộ nuôi yến trong khu vực ĐBSCL, thu mua sản phẩm mỗi tháng trên 100kg yến cho các hộ nuôi. Để phát triển mô hình sản xuất yến theo chuỗi giá trị, anh Sơn đã xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ tổ yến.

Đồng thời, anh Sơn đã thành lập Công ty TNHH thương mại dịch vụ Trí Sơn để chuyên nghiệp hóa nghề nuôi yến và tiêu thụ sản phẩm. 

Anh Sơn đã đầu tư xưởng sản xuất với các linh kiện, máy móc hiện đại nhằm gia tăng giá trị của tổ yến, như: dây chuyền sản xuất yến hũ với công suất 70.000 hũ/ngày, sản phẩm tinh chế từ tổ yến đều đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018, HACCP.

Theo anh Sơn, với khí hậu nhiệt đới ổn định cùng hệ sinh thái đa dạng, ĐBSCL đã tạo môi trường thuận lợi cho chim yến kéo nhau về làm tổ và nhân đàn rất nhanh. 

"ĐBSCL chính là nơi có đầy đủ các điều kiện tự nhiên giúp chim yến phát triển tốt với sự đa dạng từ cánh đồng lúa, vườn cây ăn trái, kênh mương đến các khu rừng tràm, rừng bảo tồn, … đan xen nhau, cung cấp một nguồn thức ăn là côn trùng bay vô cùng phong phú và dồi dào", anh Sơn chia sẻ.

Nuôi yến để gắn sao sản phẩm OCOP cho tổ yến

Nhờ cải tạo kho lúa cũ thành nhà nuôi yến, anh nông dân Tiền Giang thu 3 tỷ đồng mỗi tháng - Ảnh 4.

Từ nuôi yến anh Bùi Băng Sơn (xã Đạo Thạnh, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) đã sản xuất hơn 40 sản phẩm. Ảnh: Trong khu vực sơ chế tổ yến của công ty Trí Sơn. Ảnh: Trần Đáng

Đến thời điểm này, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Trí Sơn đã sản xuất hơn 40 sản phẩm từ tổ yến có giá trị, như: yến tinh chế, yến sấy thăng hoa, hũ yến chưng sẵn, sữa chua, bánh lăng yến, nước yến thảo dược, rượu yến... 

Trong số các sản phẩm yến sào của doanh nghiệp đã có 18 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP  3 – 4 sao. 5 sản phẩm khác đang chờ công nhận, xếp hạng. Sản phẩm yến sào của anh Sơn đã được chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Anh Sơn cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu cho ra nhiều sản phẩm mới dạng yến tinh, yến hóa lỏng, thu nhận dưỡng chất từ tổ yến bằng công nghệ enzyme. 

Qua đó, làm đa dạng các sản phẩm từ tổ yến phục vụ thị trường toàn quốc cũng như xuất khẩu ra thị trường quốc tế, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho 500 lao động ở địa phương.

 "Chúng tôi tập trung nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ để cho ra các sản phẩm tối ưu hóa các chất dinh dưỡng, tạo ra sản phẩm khác biệt có lợi nhất cho sức khỏe người tiêu dùng. Từ đó xúc tiến thương mại trong nước và xuất khẩu", anh Sơn thổ lộ.

Nhờ cải tạo kho lúa cũ thành nhà nuôi yến, anh nông dân Tiền Giang thu 3 tỷ đồng mỗi tháng - Ảnh 5.

Hệ thống nhà nuôi yến của anh Bùi Băng Sơn (xã Đạo Thạnh, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang). Ảnh: Trần Đáng

Ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang) cho biết, các sản phẩm yến sào Trí Sơn không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn rất độc đáo. Nhiều sản phẩm đạt sản phẩm OCOP của tỉnh Tiền Giang.

Tiền Giang có mô hình nuôi chim yến thương phẩm phát triển mạnh với trên 1.500 nhà yến, tập trung ở thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây, TP Mỹ Tho… Không chỉ có lợi thế về điều kiện tự nhiên, Tiền Giang còn có quần đàn chim yến nuôi trong nhà lớn nhất nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem