Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi là điểm nhấn nổi bật của Hội Nông dân tỉnh An Giang

Hồng Cẩm thực hiện Chủ nhật, ngày 30/07/2023 10:15 AM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Văn Nhiên, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang cho biết, trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân An Giang đã thực hiện đạt 100% chỉ tiêu thi đua, trong đó, nhiều chỉ tiêu thi đua đạt trên 100%...
Bình luận 0

Ông Nguyễn Văn Nhiên cho biết: Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh An Giang sẽ diễn ra tại TP Long Xuyên (từ ngày 1/8 đến ngày 2/8), với chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển", hướng đến chào mừng Kỷ niệm 135 ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng. 

Đại hội là cơ sở để đánh giá kết quả đạt được của Ban Chấp hành (BCH) nhiệm kỳ 2018-2023, đồng thời, đề ra phương hướng nhiệm vụ thực hiện giai đoạn 2023-2028, trong đó, phấn đấu đến năm 2028 thu nhập của nông dân An Giang bằng bình quân các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

Là đơn vị đầu tiên khu vực ĐBSCL tổ chức Đại hội đại biểu Hội Nông dân cấp tỉnh, thành phố, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh An Giang lần thứ X (nhiệm kỳ 2023-2028), đề ra phương hướng nhiệm vụ phấn đấu đến năm 2028 thu nhập của nông dân An Giang bằng bình quân các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

Phấn đấu đến năm 2028 thu nhập của nông dân An Giang bằng bình quân các tỉnh trong khu vực ĐBSCL - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Nhiên - Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang. Ảnh: Hồng Cẩm

Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh An Giang lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023 được triển khai thực hiện trong trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do thiên tai, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng, chiến sự Nga – Ucraina… đã phần nào gây ảnh hưởng đến hoạt động Hội và phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang. 

Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết - sáng tạo, Ban Thường vụ Hội nông dân tỉnh An Giang đã khắc phục những khó khăn, hạn chế, phấn đấu đạt và vượt 11/11 chỉ tiêu Nghị quyết đại hội lần thứ IX đã đề ra.

-Ông cho biết đánh giá thế nào về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh An Giang lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023?

Phải thừa nhận rằng, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh An Giang lần thứ IX trong bối cảnh có nhiều khó khăn do thiên tai, đại dịch Covid-19 và chiến sự Nga - Ucraina…. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phối hợp của UBND tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy và các ban, ngành, đoàn thể, cùng với sự nỗ lực của cán bộ các cấp Hội Nông dân tỉnh An Giang, đơn vị đã thực hiện đạt và vượt nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng mà Nghị quyết đại hội lần thứ IX đã đề ra.

Phấn đấu đến năm 2028 thu nhập của nông dân An Giang bằng bình quân các tỉnh trong khu vực ĐBSCL - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Nhiên thăm mô hình nuôi trùn quế tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: Hồng Cẩm

Theo dự thảo báo cáo văn kiện trình đại hội, có 8/11 chỉ tiêu đạt 100%, 3/11 chỉ tiêu vượt từ 110 - 150%; đạt và vượt 14 chỉ tiêu thi đua do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giao, trong đó có 5/14 chỉ tiêu vượt từ 110 - 190% .

Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh An Giang đã thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị với nhiều kết quả nổi bật, cụ thể, đã kết nạp mới 49.013 hội viên (tăng 108,92% so với chỉ tiêu Trung ương giao)...

Hàng năm có trên 110.000 hộ đăng ký hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (ND SXKDG) các cấp. Tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt cao, gần 42 tỷ đồng; phối hợp tổ chức 1.094 lớp dạy nghề với 31.293 học viên tham gia; thành lập mới 528 tổ hợp tác, 267 câu lạc bộ nông dân; củng cố, vận động thành lập mới được 102 hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ sửa chữa, cất mới trên 350 căn nhà cho hộ nghèo; vận động trên 99% hội viên nông dân tham gia bảo hiểm y tế…

-Thưa ông, trong những chỉ tiêu đạt được nói trên, ông đánh giá cao những chỉ tiêu nào? Vì sao?

- Một lần nữa, tôi khẳng định và đánh giá cao những kết quả đạt được tại Nghị quyết Đại hội lần thứ IX, kết quả nêu trên, chính là sự kết tinh của tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chung sức, đồng lòng và tinh thần vượt khó của cán bộ, hội viên hội nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh.

Trong 11 chỉ tiêu Nghị quyết đã thực hiện đạt và vượt, tôi đánh giá cao chỉ tiêu "Số hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi". Đó là chỉ số đo lường kết quả thực hiện hiệu quả phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", hoạt động hiệu quả sẽ thu hút ngày càng nhiều hội viên nông dân tích cực tham gia, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc, đồng thời, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Phấn đấu đến năm 2028 thu nhập của nông dân An Giang bằng bình quân các tỉnh trong khu vực ĐBSCL - Ảnh 3.

Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", của hội Nông dân tỉnh An Giang hoạt động hiệu quả sẽ thu hút ngày càng nhiều hội viên nông dân tích cực tham gia. Ảnh: Hồng Cẩm

Theo dự thảo văn kiện, hàng năm, toàn tỉnh có trên 93.000 hộ đạt danh hiệu hộ ND SXKDG giỏi các cấp, đạt 100% chỉ tiêu Đại hội đề ra. Trong nhiệm kỳ, đã tổ chức 2 lần Đại hội tuyên dương "Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" lần thứ XVIII, lần thứ XIX, trên 180.000 lượt nông dân được công nhận danh hiệu hộ ND SXKDG 4 cấp. Chất lượng ND SXKDG tăng lên đáng kể qua từng năm, được thể hiện qua tổng doanh thu theo ngành nghề và thu nhập bình quân nông dân giỏi tăng 32% so với Đại hội nhiệm kỳ trước.

Qua tổng kết hoạt động phong trào ND SXKDG giai đoạn 2018-2023, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, doanh nhân nông thôn, hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tích cực tham gia hoạt động an sinh - xã hội ở nông thôn. Từ đó, ngày càng phát huy tốt truyền thống "lá lành đùm lá rách", trong nhiệm kỳ có 35.278 lượt hộ nghèo được hướng dẫn tạo việc làm, ổn định cuộc sống.

-Qua thực hiện 11 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, với Hội Nông dân tỉnh An Giang, ông thấy còn điều gì khó khăn?

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động hội và phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế, xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan diễn ra thường xuyên trong suốt nhiệm kỳ. Tuy nhiên, qua dự thảo báo cáo trình đại hội, Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2018-2023, cũng đã rút ra một số hạn chế, cụ thể:

Đó là công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho hội viên nông dân một số nơi tuy có đổi mới nhưng tính bền vững chưa cao, chất lượng hoạt động của một số chi, tổ hội còn hạn chế, tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt chưa đều. Đồng thời, hoạt động của Ban Chỉ đạo Kết luận 61 các cấp chưa đều, chưa chủ động phối hợp với các ngành trong việc xây dựng các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.

Phấn đấu đến năm 2028 thu nhập của nông dân An Giang bằng bình quân các tỉnh trong khu vực ĐBSCL - Ảnh 4.

Hội Nông dân cùng lãnh đạo địa phương thăm mô hình trồng nhãn xuồng tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ảnh: Hồng Cẩm

Song song đó, việc thực hiện Nghị quyết số 04, 05, 06 của BCH Trung ương Hội về xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh có nơi đạt kết quả chưa cao...Việc nắm bắt tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là tâm tư, nguyện vọng của nông dân còn chậm; cán bộ hội có chủ động, tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất và đời sống của hội viên nông dân, tuy nhiên, có lúc còn chưa kịp thời…

-Từ những kết quả đạt được cũng như phân tích nguyên nhân hạn chế, yếu kém, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh An Giang đúc kết những bài học kinh nghiệm gì trong quá trình thực hiện Nghị quyết?

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh An Giang lần thứ IX (nhiệm kỳ 2018 - 2023), Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh An Giang rút ra 4 bài học kinh nghiệm.

Một là, nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối, quan điểm đổi mới của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nhiệm vụ chính trị của Hội. Chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng để có chủ trương lãnh đạo cụ thể, tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương đối với hoạt động Hội các cấp, chủ động phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, kịp thời đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động và hoạt động của các cơ sở Hội phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác Hội và phong trào nông dân trong từng thời điểm phải phù hợp với tình hình thực tế, phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân.

Ba là, cán bộ Hội là nhân tố quyết định, do đó phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp về tư tưởng, chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phấn đấu đến năm 2028 thu nhập của nông dân An Giang bằng bình quân các tỉnh trong khu vực ĐBSCL - Ảnh 5.

Các ban ngành thăm mô hình hội viên nông dân trồng nho làm du lịch tại huyện Chợ Mới. Ảnh: Hồng Cẩm

Bốn là, nêu cao tinh thần trách nhiệm của tập thể BCH, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện cần nghiên cứu chọn các khâu đột phá và tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng khâu chọn điểm chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm; phát hiện nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác Hội và phong trào nông dân, trong sản xuất - kinh doanh hiệu quả.

-Với tinh thần "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển", Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh An Giang lần thứ X xác định phương hướng, mục tiêu chung của nhiệm kỳ 2023-2028 là gì?

Với tinh thần "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển", Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh An Giang lần thứ X xác định phương hướng chung của nhiệm kỳ 5 năm (2023-2028), cụ thể: Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về "Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản An Giang"; phát huy vai trò ND SXKDG.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tiến bộ, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ trong sản xuất và quảng bá sản phẩm; tạo chuyển biến rõ nét trong việc hình thành mô hình sản xuất-sản phẩm-tiêu thụ về nông nghiệp mang tính đặc thù từng địa phương cùng liên kết các huyện, tỉnh trong khu vực...

Thông qua công tác Hội và phong trào nông dân, các cấp Hội Nông dân tỉnh An Giang tham gia thực hiện mục tiêu từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, nâng cao vai trò, vị trí tổ chức Hội trong tập hợp, tổ chức nông dân xây dựng nông thôn mới, xây dựng Hội vững mạnh toàn diện.

Với quan điểm, phương hướng đã nêu, Đại hội hướng đến thực hiện mục tiêu xây dựng tổ chức Hội Nông dân tỉnh An Giang trong sạch, vững mạnh toàn diện; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Hội các cấp có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; phát huy tinh thần khởi nghiệp của nông dân, nhất là lực lượng doanh nhân nông thôn, hợp tác sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh sản phẩm, xây dựng nông thôn mới.

Phấn đấu đến 2028, thu nhập nông dân của tỉnh An Giang bằng bình quân các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long; góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và các nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem