Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn gợi mở 5 vấn đề tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang

Thu Hà - Khương Lực Thứ sáu, ngày 28/07/2023 17:04 PM (GMT+7)
Dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng...
Bình luận 0

 Phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang ngày 28/7, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh trước những đòi hỏi trách nhiệm của tổ chức Hội Nông dân góp phần thực hiện đất nước hùng cường mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra; trước mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thời kỳ hội nhập kinh tế, ngoài những kết quả đạt được trong công tác Hội và phong trào nông dân cả nước nói chung và Bắc Giang nói riêng, Hội Nông dân các cấp cần góp phần giải quyết 5 hạn chế và thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Đồng chí Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang phải trở thành cầu nối, tạo dựng niềm tin giữa những người nông dân, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với doanh nghiệp, HTX, nhà khoa học để tạo nên một mối liên kết bền vững trong phát triển nông nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, đồng chí Lương Quốc Đoàn – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tích trong công tác Hội và phong trào nông dân mà Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn gợi mở 5 vấn đề tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang- Ảnh 1.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Phạm Hưng.

Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự chỉ đạo kịp thời của Ban Thường vụ Trung ương Hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ đảng, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự chủ động, nỗ lực cố gắng của cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, rất phấn khởi. 

Các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang có nhiều đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, hội viên, nông dân; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn gợi mở 5 vấn đề tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang- Ảnh 2.

Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn trao tặng Cờ thi đua của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Phạm Hưng.

Bên cạnh đó, các cấp Hội tích cực hưởng ứng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua của nông dân, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững; tích cực tham gia phong trào "cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau"; tham gia thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19…

Các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã tăng cường tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân, tín dụng ngân hàng, phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Điểm nổi bật, các cấp Hội Nông dân đã xây dựng các đề án, dự án tạo nguồn lực đồng hành, hỗ trợ để giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

13/13 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh khóa IX và của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giao đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Từ thực tiễn của phong trào đã xuất hiện nhiều tổ chức Hội xuất sắc, nhiều cán bộ Hội tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với công tác Hội và phong trào nông dân; nhiều hội viên nông dân tiêu biểu, xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh và các phong trào thi đua yêu nước được biểu dương, tôn vinh; nhiều cách làm mới, mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả được nhân rộng.

Nổi bật là: Nguồn vốn quỹ HTND tỉnh Bắc Giang đạt trên 69 tỷ đồng, tăng 14 tỷ đồng; dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 1.863 tỷ đồng (tăng 562 tỷ đồng); Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT dư nợ trên 2.900 tỷ đồng (tăng 473 tỷ đồng). 

Toàn tỉnh có 553.000 lượt hội viên đang ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi; hằng năm có hơn 428.600 lượt hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tỷ lệ bình quân đạt 77,5%. Hội Nông dân các cấp đã xây dựng mới 22 sản phẩm OCOP, hỗ trợ củng cố được 20 sản phẩm. 

Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã vận động hội viên nông dân hiến trên 5.000m2 đất, đóng góp trên 51 tỷ đồng, trên 5.000 ngày công lao động, bê tông hoá trên 3.770 km đường giao thông nông thôn, kiên cố, sửa chữa trên 1.000km kênh mương nội đồng..

"Những kết quả trong công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ qua đã khẳng định hoạt động của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã đi vào thực chất, thiết thực, hiệu quả; đóng góp tích cực, quan trọng vào thành tựu chung của công tác Hội và phong trào nông dân cả nước, góp phần xứng đáng và công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương"-Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn gợi mở 5 vấn đề tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang- Ảnh 3.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang Dương Văn Thái tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành khóa mới Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: Phạm Hưng

Theo Chủ tịch Lương Quốc Đoàn, bên cạnh những thành tựu đáng phấn khởi, trước những đòi hỏi trách nhiệm của tổ chức Hội Nông dân góp phần thực hiện đất nước hùng cường mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra; trước mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thời kỳ hội nhập kinh tế thì ngoài những kết quả đạt được trong công tác Hội và phong trào nông dân cả nước nói chung và Bắc Giang nói riêng, Hội Nông dân các cấp cần góp phần giải quyết 5 hạn chế. 

Đó là: Trong khi nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế quốc dân, nhưng đời sống của cư dân nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, kết quả xoá đói giảm nghèo ở nông thôn chưa bền vững, nông dân vẫn khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội. 

Thứ 2: Chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn còn thấp, phần lớn nông dân chưa được đào tạo nghề, năng suất lao động thấp, tỷ lệ thiếu việc làm cao. Do đó, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới chưa được phát huy.

Thứ 3: Trong quan hệ sản xuất, người nông dân luôn đứng ở vị trí yếu thế, hầu như chưa đưa ra các quyết định trong chuỗi sản xuất. Trong đó, thách thức trong sản xuất nông nghiệp là rất gay gắt, mức độ rủi ro cao do dịch bệnh, lũ lụt, giá vật tư đầu vào nông nghiệp tăng nhanh hơn giá nông sản gây nhiều khó khăn cho nông dân. 

Thứ 4: Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; đổi mới các thức sản xuất trong nông dân còn chậm, năng suất, chất lượng, giá trị nhiều mặt hàng nông sản còn thấp; liên kết 4 nhà chưa chặt chẽ, tỷ lệ cơ giới hoá, khoa học trong sản xuất và chế biến nông sản còn thấp; xu thế gia công trong nông nghiệp ngày càng rõ. 

Bên cạnh đó, phát triển nông thôn thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội còn nhiều hạn chế, môi trường ngày càng ô nhiễm, dự báo thị trường và thiên tai còn nhiều bất cập. Các vấn đề việc làm và thu nhập đất đai, dân chủ ở cơ sở và đạo đức phong cách của một số cán bộ… có lúc, có nơi đã gây tâm lý bức xúc cho người nông dân. 

Thứ 5: Vấn đề chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hoá hiện đang là thách thức lớn trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn nhìn chung vẫn là nhỏ lẻ, thiếu tính quy hoạch, liên kết, hợp tác trong chuỗi sản xuất. 

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn gợi mở 5 vấn đề tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang- Ảnh 4.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang Dương Văn Thái thăm các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang tại Đại hội. Ảnh: Phạm Hưng.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, những vấn đề đó là tình trạng chung của nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta cần quan tâm giải quyết, trong đó có tỉnh Bắc Giang. 

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đánh giá cao báo cáo của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang khóa IX trình Đại hội đã lĩnh hội, quán triệt toàn diện những tư tưởng, quan điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".  

 Trong nhiệm kỳ mới 2023 – 2028, để phát huy những kết quả đạt được, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đã gợi mở 6 nhiệm vụ trọng tâm để các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang thực hiện trong nhiệm kỳ mới.

Thứ nhất: 

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền vận động, để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, của Hội Nông dân Việt Nam đến với đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân một cách thiết thực, hiệu quả nhất; khơi dậy khát vọng, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới

Thứ 2: 

Tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hoạt động, trong đó tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đảm bảo đủ số lượng, có năng lực về chuyên môn, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân trong tình hình mới, nhất là cần ưu tiên quan tâm đến đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở, chi Hội. 

Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cần đổi mới phương pháp tập hợp hội viên trên cơ sở gắn với quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên nông dân; lấy lợi ích chính đáng và giải quyết những khó khăn, bức xúc của nông dân làm nội dung hoạt động của Hội. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông qua việc tập trung củng cố tổ Hội nông dân nghề nghiệp, chi Hội nông dân nghề nghiệp đã có; đẩy mạnh xây dựng tổ Hội nông dân nghề nghiệp, chi Hội nông dân nghề nghiệp mới.

Thứ 3: 

Tập trung nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp tổ chức các Phong trào thi đua yêu nước; trong đó, trọng tâm là nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cần tranh những thủ lợi thế của tỉnh, tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào; thể hiện rõ hơn vai trò của tổ chức Hội trong hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác trong sản xuất kinh doanh, nòng cốt là các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi phải là phong trào mũi nhọn, hàng đầu, cần thường xuyên tổ chức cho hội viên nông dân thăm quan học tập, trao đổi kinh nghiệm cách làm ăn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 

Tổ chức Hội Nông dân các cấp phải trở thành cầu nối, tạo dựng niềm tin giữa những người nông dân, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với doanh nghiệp, với hợp tác xã, với nhà khoa học để tạo nên một mối liên kết bền vững trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Thứ 4: 

Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần chủ động tăng cường và đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh, phát triển các hình thức kinh tế tập thể. Cần nâng cao năng lực, phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Giang trong hoạt động hỗ trợ nông dân.

Thứ 5: 

Các cấp Hội trong tỉnh cần tích cực, chủ động thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, làm cầu nối quan trọng giữa Đảng với nông dân…

Thứ 6: Cần phải nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang. Trong đó, đề cao sự đóng góp của các cá nhân các uỷ viên Ban Chấp hành, nhất là các uỷ viên là đại diện các sở, ban, ngành, các doanh nhân trong việc lãnh đạo đao công tác Hội và phong trào nông dân khoá tới. 

Nhân dịp này, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam mong muốn và trân trọng đề nghị các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện hơn nữa để công tác Hội và phong trào nông dân Bắc Giang phát triển mạnh mẽ, đóng góp chung vào kết quả công tác Hội và phong trào nông dân cả nước; thực hiện khát vọng bứt phá, đổi mới sáng tạo, xây dựng tỉnh Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc, đến năm 2025 nằm trong nhóm 15 tỉnh đứng đầu cả nước về quy mô GRDP, có tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem