Tiết lộ khoản chi khủng cho cuộc chiến ở Ukraine khiến nền kinh tế Nga "tê liệt nghiêm trọng"

Huỳnh Dũng Thứ bảy, ngày 03/12/2022 08:46 AM (GMT+7)
Trong hơn 9 tháng qua, Nga đã chi hơn 82 tỷ USD cho cuộc chiến, chiếm 1/4 ngân sách hàng năm của nước này. Nước Nga có thể không kéo dài mãi tình trạng này vào năm tới. Thậm chí, nền kinh tế Nga thiếu lao động cũng phải trả giá cho sự kêu gọi quân ngũ của Putin.
Bình luận 0

Điện Kremlin đã tốn chi phí bao nhiêu trong cuộc chiến tại Ukraine tính tới thời điểm hiện tại?

Ilan Berman là Phó chủ tịch cấp cao của Hội đồng chính sách đối ngoại Hoa Kỳ tại Washington, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp các phân tích chuyên môn cho những người hoạch định hoặc có ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, và hỗ trợ các nhà lãnh đạo thế giới xây dựng nền dân chủ và nền kinh tế thị trường. Trong nhận định mới nhất, Ilan Berman đã đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy cuộc chiến ở Ukraine đã tốn kém như thế nào đối với Nga.

Nền kinh tế thiếu lao động của Nga cũng phải trả giá cho sự kêu gọi quân ngũ của Putin. Ảnh: @AFP.

Nền kinh tế Nga thiếu lao động cũng phải trả giá cho sự kêu gọi quân ngũ của Putin. Ảnh: @AFP.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vào cuối tháng 2, rất nhiều cuộc phân tích đã tập trung vào tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với nền kinh tế ốm yếu của Nga, cũng như những hậu quả thực tế của những gì đã trở thành một cuộc di cư thực sự của các công ty quốc tế rời khỏi nước này. Tuy nhiên, phần lớn vẫn chưa được trả lời là câu hỏi về việc liệu Điện Kremlin đã tốn chi phí bao nhiêu trong cuộc chiến này tính tới thời điểm hiện tại.

Bây giờ chúng ta đã có câu trả lời, nhờ thống kê từ Forbes Ukraine. Theo phân tích gần đây được công bố bởi tạp chí tài chính nổi tiếng này, Nga đã chi khoảng hơn 82 tỷ USD trong 9 tháng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến chống lại Ukraine.

Cụ thể, theo dữ liệu được Forbes Ukraine tổng hợp từ các ước tính của quân đội Ukraine, Moscow đã phân bổ gần 29 tỷ USD để hỗ trợ quân đội, chi gần 16 tỷ USD trả lương cho binh lính và chi hơn 9 tỷ USD để đền bù cho gia đình các quân nhân thiệt mạng trong cuộc chiến, cùng 7,7 tỷ USD khác đã được dùng để hỗ trợ gia đình của những người bị thương trong chiến sự, trong khi tổn thất lớn về thiết bị quân sự của quân đội Nga trên đất Ukraine đã khiến nhà nước này phải trả thêm gần 21 tỷ USD.

Xe tăng chiến đấu T-80 của Nga. Nhiếp ảnh gia: Kirill Kudryavtsev/AFP/Getty Images.

Xe tăng chiến đấu T-80 của Nga. Nhiếp ảnh gia: Kirill Kudryavtsev/AFP/Getty Images.

Tên lửa, đạn pháo và đạn dược

Mục chi tiêu chính của quân đội trong chiến sự này là đạn dược cung cấp cho quân đội. Theo nhiều ước tính khác nhau, Nga đã sử dụng từ 10.000 đến 50.000 quả đạn pháo mỗi ngày trong cuộc chiến này. Trận chiến có cường độ cao nhất của hàng ngũ pháo binh Nga xảy ra vào tháng 5-7. Nhưng mức sử dụng này rõ ràng là không liên tục, bởi với sự ra đời của hệ thống HIMARS của Ukraine thường xuyên phá hủy các kho đạn dược, cường độ hoạt động của đội pháo binh Nga đã giảm đi rõ rệt.

Giá trung bình của một quả đạn pháo cỡ nòng của Liên Xô là khoảng 1.000 USD. Vì vậy, Nga có thể đã chi hơn 5,5 tỷ USD chỉ riêng cho việc cung cấp đạn pháo, nhưng nếu trước đây đó là đạn dược được sản xuất tại Liên bang Nga, thì hiện tại, nguồn cung vũ khí này có thể sớm đến từ Triều Tiên, có thể mọi thứ đang được thảo luận tích cực.

Khói bốc lên từ một nhà máy lọc dầu sau một cuộc tấn công bên ngoài thành phố Lysychansk ở miền đông Ukraine vào tháng 5. Ảnh: AFP/Getty Images.

Khói bốc lên từ một nhà máy lọc dầu sau một cuộc tấn công bên ngoài thành phố Lysychansk ở miền đông Ukraine vào tháng 5. Ảnh: AFP/Getty Images.

Rõ ràng, Nga đã không chuẩn bị cho một cuộc chiến dài như vậy, và kho dự trữ đạn dược, cũng như khả năng sản xuất của họ không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của chính họ. Nga cũng đã bắn hơn 4.000 tên lửa vào Ukraine. Chi phí trung bình của một tên lửa Nga là 3 triệu USD, riêng khoảng này, Nga có thể đã tiêu tốn khoảng 12 tỷ USD. 

Ngoài ra, hàng ngàn tấn đạn dược cho vũ khí nhỏ, quần áo, bảo vệ binh lính, nhiên liệu, phụ tùng thay thế, thực phẩm và thuốc men là cần thiết để duy trì quân đội. 

Tổn thất thiết bị

Tổn thất lớn nhất về trang thiết bị là xe tăng và máy bay chiến đấu. Nga mất 278 máy bay chiến đấu và 261 máy bay trực thăng. Tổng thiệt hại của ngành hàng không quân sự Nga tương đương với số tiền lên tới 8 tỷ USD.

Có thể thấy, chi phí chiến sự đối với Moscow ngày càng tăng, nguồn lực của chính họ thì đang dần cạn kiệt. Các tên lửa mới được huy động từ Iran và một thỏa thuận có thể có về việc cung cấp tên lửa từ Triều Tiên, nhưng tất cả những điều này làm cho cuộc chiến trở nên tốn kém hơn đối với Điện Kremlin. Năm tới, "hóa đơn chiến tranh" có thể trở nên quá cao.

Điều đó có nghĩa là gì trong điều kiện thực tế?

Như Tạp chí Forbes đã chỉ ra, thu chi ngân sách của Nga năm ngoái lên tới 340 tỷ USD. Nói cách khác, với con số 82 tỷ USD thì Điện Kremlin đã chi khoảng 1/4 trong mức tổng thu chi ngân sách 340 tỷ USD vào năm 2021 của mình chỉ để nuôi dưỡng kế hoạch chiến sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hơn nữa, những chi phí đó có thể sẽ tiếp tục gia tăng. Trong bối cảnh nhiều thất bại trên chiến trường trong những tuần gần đây, Nga đang ngày càng tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước ngoài. Để củng cố nỗ lực chiến sự đang bị động của mình, họ đã bắt đầu tìm kiếm quân tiếp viện và khí tài quân sự mới từ các quốc gia khác như Syria và Iran.

Trong khi đó, ở trong nước, chính phủ của Putin đang tuyệt vọng tìm kiếm sự giúp đỡ từ nước ngoài để giữ cho các lĩnh vực trong nước bị tê liệt do lệnh trừng phạt của phương Tây tiếp tục tồn tại.

Các thành viên lực lượng đổ bộ đường không Nga xếp hàng trước khi lên máy bay vận tải Ilyushin Il-76 trong cuộc tập trận tại sân bay quân sự ở cảng Biển Azov của Taganrog, Nga ngày 22 tháng 4 năm 2021. Ảnh chụp bằng máy bay không người lái. Ảnh: @REUTERS/Stringer.

Các thành viên lực lượng đổ bộ đường không Nga xếp hàng trước khi lên máy bay vận tải Ilyushin Il-76 trong cuộc tập trận tại sân bay quân sự ở cảng Biển Azov của Taganrog, Nga ngày 22 tháng 4 năm 2021. Ảnh chụp bằng máy bay không người lái. Ảnh: @REUTERS/Stringer.

Trong khi đó, sức mua của Nga ngày càng giảm.Như  Forbes đã chỉ ra, vào mùa xuân qua, Nga đã thu về hơn 1 tỷ USD mỗi ngày từ việc bán dầu và khí đốt ở nước ngoài - số tiền quá đủ để duy trì cuộc xâm lược quân sự chống lại Ukraine. Tuy nhiên, hiện nay, doanh thu của Điện Kremlin từ việc bán năng lượng nước ngoài đang giảm dần.

Vào tháng 9, nó chạm mức thấp nhất trong 14 tháng qua, đó là kết quả là có nhiều yếu tố khác nhau, từ việc phương Tây leo thang các biện pháp trừng phạt, đến việc người tiêu dùng châu Âu từ chối năng lượng của Nga (điều này đã buộc Moscow phải bán dầu với giá chiết khấu cao trên thị trường châu Á), đến việc thu hồi các dự án năng lượng của các công ty khí đốt tự nhiên do nhà nước Nga kiểm soát, trong đó có cả gã khổng lồ khí đốt Gazprom. Kết quả là đã giảm gần 13% số tiền chảy vào kho bạc của Điện Kremlin. Tất cả những điều đó làm cho hóa đơn ước tính 10 tỷ USD hàng tháng cho cuộc chiến Ukraine trở nên khó khăn hơn đáng kể đối với Moscow.

Cuộc chiến ở Ukraine đã biến Nga thành một kẻ bị quốc tế bỏ rơi và đẩy lùi hàng thập kỷ tiến bộ về kinh tế và chiến lược sau Chiến tranh Lạnh đối với nhà nước này

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý một điều rằng, không điều nào trong số này đảm bảo rằng nỗ lực chiến tranh của Nga sẽ sớm tan thành mây khói. Tổng thống Nga đã nói rõ rằng, ông vẫn cam kết với kế hoạch chiến sự đặc biệt của mình, mặc dù cuộc chiến ở Ukraine đã biến đất nước của ông thành một kẻ bị quốc tế bỏ rơi và đẩy lùi hàng thập kỷ tiến bộ về kinh tế và chiến lược sau Chiến tranh Lạnh đối với nhà nước này.

Đạn dược của Nga bị bỏ lại nằm trong một ngôi làng ở ngoại ô Izium, Ukraine. Ảnh: @AFP.

Đạn dược của Nga bị bỏ lại nằm trong một ngôi làng ở ngoại ô Izium, Ukraine. Ảnh: @AFP.

Hơn nữa, Moscow vẫn còn một số tiền còn lại để chi tiêu vào chiến sự; bởi tính đến mùa thu năm nay, trong ước tính Nga có gần 549 tỷ USD dự trữ ngoại hối thì khoảng một nửa trong số đó đã bị đóng băng bởi các nước thân thiện với Ukraine. Nhưng Nga có thể sử dụng phần lớn phần còn lại để tiếp tục thúc đẩy cuộc tấn công quân sự của mình, nếu cần thiết.

Xét về tất cả những điều này, cuộc cá cược của Putin rõ ràng là đầy sự quyết tâm. Trên thực tế, dường như ông ấy đang đánh cược sự thịnh vượng của đất nước mình vào trong đó. Nhưng cũng khó đoán việc sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine sẽ cạn kiệt trước khi nguồn lực của Nga cạn kiệt hay không.

Một chiếc xe tăng Nga bị bỏ hoang nằm trong thảm thực vật tại một ngôi làng ở ngoại ô Izium, Ukraine. Ảnh: @Juan Barreto/AFP/Getty.

Một chiếc xe tăng Nga bị bỏ hoang nằm trong thảm thực vật tại một ngôi làng ở ngoại ô Izium, Ukraine. Ảnh: @Juan Barreto/AFP/Getty.

Nền kinh tế Nga thiếu lao động phải trả giá cho việc kêu gọi quân ngũ của Putin

Lệnh kêu gọi nam giới tham chiến ở Ukraine đã khiến lao động ở Nga trở nên khan hiếm đến mức toàn bộ ngành công nghiệp lâm vào cảnh túng quẫn. Hai tháng sau khi Điện Kremlin tuyên bố huy động vào cuối tháng 9, tình trạng cạn kiệt kỷ lục về lực lượng lao động đang nhanh chóng lan rộng khắp một quốc gia vốn đang gặp khó khăn do dân số già đi và thu hẹp, đồng thời với tỷ lệ thất nghiệp gần mức thấp nhất từ trước đến nay.

Một nghiên cứu của Viện Gaidar ở Moscow vào tháng 11 cho thấy, có tới 1/3 ngành công nghiệp Nga có thể phải đối mặt với tình trạng thâm hụt nhân sự, và nó sẽ sớm trở thành cuộc khủng hoảng nguồn nhân lực nghiêm trọng nhất ở Nga kể từ năm 1993.

Quang cảnh chung cảng ở Vladivostok, Nga ngày 5 tháng 9 năm 2022. Ảnh: @REUTERS/Vladimir Soldatkin.

Quang cảnh chung cảng ở Vladivostok, Nga ngày 5 tháng 9 năm 2022. Ảnh: @REUTERS/Vladimir Soldatkin.

Irina Khmelevskaya, trưởng bộ phận tuyển dụng cho biết Agrokomplex, một công ty nông nghiệp lớn ở miền nam, hiện đang phải vật lộn để tìm kiếm các công nhân lái máy kéo và các công nhân khác, bên cạnh các chuyên gia trong các lĩnh vực như nông học vốn đã khó tìm từ lâu. Cô nói, việc huy động quân sự của Putin là một phần nguyên nhân.

Việc huy động 300.000 nam giới, kết hợp với làn sóng di cư thậm chí còn lớn hơn mà cuộc chiến gây ra, nó sẽ làm giảm 2% lực lượng lao động nam. Có nhiều mối đe dọa chỉ ra rằng, tình trạng thiếu lao động cuối cùng sẽ gây ra áp lực lạm phát và khiến Ngân hàng Trung ương Nga tạm dừng cắt giảm lãi suất.

Tình trạng thiếu lao động có thể trở thành một lỗ hổng lớn khi Nga đứng trước nguy cơ suy thoái có thể kéo dài sang năm tới

Tại Novosibirsk, thành phố đông dân nhất của Siberia, các quan chức cho biết họ chỉ có thể bố trí một nửa số nhân viên cần thiết để dọn tuyết trên đường phố với rất nhiều lực lượng lao động thời vụ từ nông thôn bị cuốn vào cuộc huy động quân sự vừa qua. Hơn 200 tù nhân sẽ được tuyển dụng tại nhà sản xuất xe tăng quốc doanh Uralvagonzavod.

Quân nhân dự bị trong đợt huy động một phần của Nga tham dự buổi lễ xuất quân ở Sevastopol, Crimea, vào ngày 27 tháng 9. Ảnh: @STRINGER/AFP/ GETTY IMAGES.

Quân nhân dự bị trong đợt huy động một phần của Nga tham dự buổi lễ xuất quân ở Sevastopol, Crimea, vào ngày 27 tháng 9. Ảnh: @STRINGER/AFP/ GETTY IMAGES.

1/3 các công ty đã mất một số nhân viên trong cuộc kêu gọi quân ngũ này, với gần 1/5 nói rằng, họ chưa thể thay thế sự thiếu hụt lao động, một cuộc khảo sát vào tháng 11 cho thấy. Trong số các công ty xây dựng cơ sở hạ tầng Nga, đại đa số đang gặp phải tình trạng thiếu lao động có trình độ cao ngày càng tăng, và dự đoán tình trạng thiếu hụt sẽ trở nên tồi tệ hơn trong các quý tới, theo một báo cáo.

Tình trạng thiếu lao động có thể trở thành một lỗ hổng lớn khi Nga đứng trước nguy cơ suy thoái có thể kéo dài sang năm tới, đặc biệt là khi các bộ phận khác của nền kinh tế chịu áp lực từ lệnh trừng phạt do Mỹ và các đồng minh áp đặt. Gần một nửa số công ty được Viện Gaidar khảo sát cho biết, tình trạng thiếu nhân viên sẽ khiến họ không thể tăng sản lượng ngay cả khi có đủ nhu cầu.

Evgeny Kogan, giáo sư tại Trường Đại học Kinh tế Moscow, cho biết: "Nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn đã gây ra tình trạng dòng vốn và chất xám chảy ra khỏi đất nước rất nghiêm trọng, gây tổn hại cho nhiều lĩnh vực".

Huỳnh Dũng- Theo Yahoo/Thehill/Forbes.ua

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem