Thủ tục công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023

Thùy Anh Thứ tư, ngày 26/04/2023 11:44 AM (GMT+7)
Định kỳ hàng năm, các địa phương rà soát, thống kê và bình xét công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo để lấy số liệu phục vụ cho công tác giảm nghèo giai đoạn mới.
Bình luận 0

Các bước bình xét, công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo

Theo hướng dẫn tại Quyết định 406/QĐ-LĐTBXH ngày 03/4/2023, thủ tục công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hằng năm nhằm phục vụ công tác giảm nghèo bền vững cụ thể như sau.

- Bước 1: Hộ gia đình có Giấy đề nghị rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 24/2021/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 gửi Ủy ban nhân dân cấp xã theo hình thức nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến.

- Bước 2: Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã chủ trì, phối hợp với thôn, tổ dân phố, bản, buôn, khóm, ấp và rà soát viên lập danh sách hộ gia đình cần rà soát, lập danh sách hộ gia đình cần rà soát trên cơ sở Giấy đề nghị rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại Bước 1 và hộ gia đình thuộc danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã đang quản lý tại thời điểm rà soát.

- Bước 3: Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã chủ trì, phối hợp với trưởng thôn và rà soát viên thu thập thông tin hộ gia đình, tính điểm, tổng hợp và phân loại hộ gia đình.

- Bước 4: Tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát

+ Thành phần cuộc họp: Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã, công chức được giao nhiệm vụ làm công tác giảm nghèo cấp xã, Trưởng thôn (chủ trì họp), Bí thư Chi bộ thôn, đoàn thể, rà soát viên và một số đại diện hộ gia đình qua rà soát, hộ gia đình khác; mời đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã giám sát.

hộ nghèo, hộ cận nghèo

Quy trình bình xét hộ nghèo, cận nghèo trãi qua nhiều bước. Ảnh: NT

+ Nội dung cuộc họp: Lấy ý kiến thống nhất của ít nhất 50% tổng số người tham dự cuộc họp về kết quả đánh giá, tính điểm đối với các hộ gia đình qua rà soát. Trường hợp ý kiến thống nhất dưới 50%, thực hiện rà soát lại tại Bước 2 và tổ chức họp dân lại tại Bước 3 này.

+ Kết quả cuộc họp được lập thành 2 biên bản, có chữ ký của chủ trì, thư ký cuộc họp và đại diện các hộ dân (1 bản lưu ở thôn, 1 bản gửi Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã).

- Bước 5: Niêm yết, thông báo công khai

+ Niêm yết công khai kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã; thông báo qua đài truyền thanh cấp xã (nếu có) trong thời gian 03 ngày làm việc.

+ Trong thời gian niêm yết, thông báo công khai, trường hợp có khiếu nại của người dân, Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã tổ chức phúc tra kết quả rà soát theo đúng quy trình rà soát trong thời gian không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 03 ngày làm việc.

+ Hết thời gian niêm yết công khai và phúc tra (nếu có), Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo (sau khi rà soát).

- Bước 6: Báo cáo, xin ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo bằng văn bản, gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

+ Trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có ý kiến trả lời bằng văn bản.

- Bước 7: Công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và cấp Giấy chứng nhận cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Mẫu số 3 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 24/2021/QĐ-TTg.

Các nguyên tắc khi bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo 

Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, hộ nghèo phải là hộ đảm bảo 3 tiêu chí đo lường về cả thu nhập và mức độ thiếu hụt xã hội cơ bản; dịch vụ xã hội cơ bản.

Về tiêu chí thu nhập: Khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng; Khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng.

Về tiêu chí mức độ thiếu hụt xã hội cơ bản: Hộ nghèo phải đảm bảo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ), gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.

Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Về tiêu chí dịch vụ xã hội cơ bản, chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và ngưỡng thiếu hụt quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này".

Như vậy, dựa trên tiêu chí thu nhập và tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản để được công nhận là hộ nghèo theo quy định nêu trên.

Quy định chi tiết về dịch vụ xã hội cơ bản, chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và ngưỡng thiếu hụt chị có thể tham khảo tại Phụ lục được ban hành kèm theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP.

Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo được quy định như thế nào?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP:

Hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

giảm nghèo hộ cận nghèo, hộ nghèo

So với giai đoạn trước, chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2022 -2023 được nâng lên cả ở tiêu chí thu nhập và các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Ảnh: NT.

Chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Chuẩn hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng.

Ở khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo, chuẩn hộ có mức sống trung bình quy định tại Khoản 2 Điều này là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác giai đoạn 2022 - 2025."

Khoản 1 Điều 5 Thông tư 17/2016/TT-BLĐTBXH, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 14/2018/TT-BLĐTBXH có quy định bổ sung các trường hợp hộ nghèo phát sinh theo năm.

Theo đó, với những trường hợp hộ gia đình trên địa bàn phát sinh khó khăn đột xuất trong năm cần được xét duyệt, bổ sung vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để có thể tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước.

Quy trình thực hiện như quy trình trên, sau đó nộp đơn xin xét duyệt. Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Ban giảm nghèo cấp xã lập danh sách các hộ gia đình có giấy đề nghị và tổ chức thẩm định. Báo cáo kết quả thẩm định và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận danh sách hộ nghèo.

Thời gian thẩm định, xét duyệt và ban hành Quyết định công nhận danh sách hộ nghèo phát sinh không quá 7 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận giấy đề nghị của chị. Trường hợp không ban hành Quyết định công nhận thì chị được nêu rõ lý do.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem