Thị trường bất động sản chờ lực đẩy nhờ nguồn vốn từ người Việt ở nước ngoài

Gia Linh Thứ ba, ngày 07/05/2024 09:24 AM (GMT+7)
Các chuyên gia đánh giá trong bối cảnh khan hiếm nguồn vốn, doanh nghiệp bất động sản đang rất "khát tiền", dòng vốn của người Việt ở nước ngoài đổ về sẽ là trợ lực quan trọng giúp thị trường sớm phục hồi.
Bình luận 0

Thị trường bất động sản chờ trợ lực mới

Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới. Trong đó, vấn đề đáng chú ý là mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều, đây sẽ là cơ hội tốt để kích cầu thị trường bất động sản.

Ông Lê Bảo Long - Giám đốc Chiến lược của Batdongsan.com.vn cho biết một trong những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất là người Việt Nam ở nước ngoài. Theo thống kê, khoảng 15-20% số tiền kiều hối được đầu tư trực tiếp vào bất động sản. 

Những thay đổi trong luật tạo khung pháp lý chính thống và nhiều chính sách linh hoạt hơn, quy định người gốc Việt Nam ở nước ngoài được chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở (trước đây chỉ cho thuê, ủy quyền quản lý nhà không sử dụng). Điều này sẽ mở rộng hơn cơ hội thu hút nguồn vốn từ nước ngoài vào thị trường bất động sản.

Thị trường bất động sản chờ lực đẩy nhờ nguồn vốn từ người Việt ở nước ngoài- Ảnh 1.

Mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều sẽ tạo cơ hội tốt để kích cầu thị trường bất động sản. Ảnh: Gia Linh

Theo đó, thời gian quan, số lượng người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài ngày càng gia tăng. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết hiện nay có khoảng 6 triệu người Việt sinh sống và làm việc tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ngoài ra, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thống kê còn khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Với số lượng người Việt sinh sống tại nước ngoài đông đảo cùng xu hướng tăng mạnh theo từng năm, lượng kiều hối của người Việt trong 10 năm trở lại đây luôn duy trì vị trí trong Top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong Top 3 khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Lũy kế từ năm 1993 đến hết 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân trong cùng kỳ. Đáng chú ý, năm 2023, lượng kiều hối đổ về cả nước ước đạt 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước. Tính riêng TP.HCM, năm 2023, 8,9 tỷ USD kiều hối đã đổ về địa phương này. Đặc biệt, ước tính mỗi năm có tới 25% lượng kiều hối được đưa vào thị trường địa ốc.

Nhiều phân khúc bất động sản chờ được rót vốn

Các chuyên gia của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá trong bối cảnh khan hiếm nguồn vốn, doanh nghiệp bất động sản đang rất "khát tiền", dòng kiều hối sẽ là trợ lực quan trọng giúp thị trường phục hồi. Theo đó, thời gian qua, thị trường bất động sản lâm vào cảnh thiếu hụt dòng vốn.

Thị trường bất động sản chờ lực đẩy nhờ nguồn vốn từ người Việt ở nước ngoài- Ảnh 3.

Thị trường bất động sản đang khát nguồn vốn. Ảnh: Gia Linh

Nhiều doanh nghiệp phải chật vật tìm cách tồn tại thông qua việc đa dạng nguồn vốn, không phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng vay ngân hàng. Có nhiều hình thức đã được 1 số doanh nghiệp áp dụng như M&A bất động sản, thông qua các quỹ đầu tư… Và một trong những dòng vốn đóng vai trò quan trọng đó là kiều hối.

Lãnh đạo VARS cho biết dòng tiền kiều hối đổ về Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu tập trung ở các phân khúc đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, hoặc nhu cầu ở thực như căn hộ ở khu vực trung tâm các đô thị và khu vực lân cận, sản phẩm có thể khai thác vận hành cho thuê; phân khúc biệt thự cao cấp cho nhu cầu để ở, sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng với những tiện ích đa dạng phục vụ nghỉ dưỡng, cho thuê.

Các sản phẩm bất động sản được đánh giá là thanh khoản khó, kén khách sẽ là phân khúc ưa thích, phù hợp với khả năng chi trả của người Việt ở nước ngoài. Đây sẽ là trợ lực quan trọng, góp phần "phá băng" cho thị trường bất động sản khi thời gian qua, thị trường chủ yếu tăng nhiệt ở phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở bình dân. 

Thị trường bất động sản chờ lực đẩy nhờ nguồn vốn từ người Việt ở nước ngoài- Ảnh 4.

Dòng tiền của người Việt ở nước ngoài đổ về được xem là đòn bẩy quan trọng với nhiều phân khúc bất động sản. Ảnh: Gia Linh

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhà đầu tư thắt chặt dòng tiền thì các phân khúc cao cấp rất khó có cơ hội tiếp cận được nhiều khách hàng. Vì vậy, việc thu hút dòng tiền kiều hối được xem là đòn bẩy quan trọng, khơi thông thị trường.

Chia sẻ với báo chí, TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế cho rằng thời gian trước đây, những người Việt ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam sẽ có nhiều hạn chế, không nhận được quyền lợi trong việc sở hữu bất động sản. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024 đã có nhiều thay đổi, tạo điều kiện cho người Việt ở nước ngoài. Điều này được đánh giá là phù hợp với xu hướng mở cửa thị trường, thu hút dòng vốn FDI, mang lại nhiều cơ hội đầu tư hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem