Thi công "ẩu" ở dự án 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu: Cảnh báo hủy hoại rừng (Bài 2)

Nhóm Phóng viên Thứ tư, ngày 15/05/2024 06:56 AM (GMT+7)
ĐTM của dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu yêu cầu ngăn đất chảy tràn khu vực xung quanh; sau khi đổ bê tông, toàn bộ lượng đất đào tập trung vào móng để đầm nén, làm kè gia cố móng không đổ thải ra bên ngoài. Nhưng thực tế lại khác, nhiều điểm thi công để đất thải đổ tràn ảnh hưởng cả rừng đặc dụng.
Bình luận 0

Một số vị trí thi công móng cột dự án đường dây 500kV mạch 3 xảy ra tình trạng treo "bom đất" trên đỉnh núi, lưng đồi

Không thực hiện đúng ĐTM được phê duyệt?

Như bài viết trước Báo điện tử Dân Việt đã phản ánh, quá trình thi công Dự án Đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu ở một số vị trí móng cột có lượng đất đá dư thừa rất lớn, nhà thầu thi công để xảy ra tình trạng đổ thải tràn lan ngay cạnh chân công trình. Việc làm này dẫn đến hủy hoại rừng (trong đó có nhiều diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) thực hiện không đúng ĐTM đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Đồng thời, có nguy cơ gây nên hiện tượng sạt lở đất xuống khu dân cư và các vùng thấp khi xảy ra mưa lũ. Đặc biệt, khi mùa mưa đang tới gần.

Thi công

Trụ cột đã được thi công xong tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, máy móc, thiết bị đã được nhà thầu chuyển đi nơi khác, còn lại là đất, đá thải tràn xuống theo triền đồi. Ảnh: Dân Việt chụp ngày 9/5/2024.

Theo tài liệu Dân Việt có được, ĐTM của dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt thẩm định tại Quyết định số 3842/QĐ-BTNMT ngày 14/12/2023. Theo đó, khối lượng đất đào tại các vị trí móng trụ được lưu chứa trong phạm vi chiếm đất tạm thời liền kề diện tích chiếm đất vĩnh viễn của móng.

Khu vực chứa đất đào bố trí bờ bao cao hơn cốt nền san lấp 0,3 m nhằm ngăn đất hữu cơ lưu chứa chảy tràn khu vực xung quanh. Sau khi hoàn thành công tác đổ bê tông, toàn bộ lượng đất đào được tập trung vào móng để đầm nén, làm kè gia cố móng không đổ thải ra bên ngoài. 

Ngoài ra, ĐTM của Dự án cũng chỉ rõ tại các nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường của dự án. Cụ thể, lượng đất đá dư thừa (nếu có) được thu gom và đổ thải tại 05 bãi đổ thải với tổng diện tích 4,23 ha.

Theo đó, vị trí 01 tại xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An: diện tích 0,23 ha, dung tích chứa 5.750 m3; vị trí 02 tại xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An: diện tích 0,20 ha, dung tích chứa 5.000 m3; vị trí 03 tại xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An: diện tích 0,60 ha, dung tích chứa 15.000 m3; vị trí 04 tại xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An: diện tích 2,40 ha, dung tích chứa 60.000 m3; vị trí 05 tại xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An: diện tích 0,80 ha, dung tích chứa 20.000 m3. 

Thi công

Xã Thương Tân Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An được bố trí 3 vị trí đổ thải. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy nhà thầu thi công không thực hiện đúng như ĐTM của dự án đã được phê duyệt.

Trong ĐTM cũng nêu rõ phương án đổ thải, các lớp đất đá đổ thải được lu lèn chặt để ngăn sạt lở và bị nước mưa cuốn trôi. Kết thúc đổ thải san gạt bề mặt bãi thải cho bằng phẳng, tạo độ dốc thoát tự nhiên và bàn giao cho chủ sử dụng đất, địa phương quản lý, sử dụng.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của Nhóm phóng viên Báo điện tử Dân Việt những ngày đầu tháng 5/2024 cho thấy, hiện trạng các khu vực bãi thải theo như ĐTM đều đang là đất trống. Khu vực đổ thải với địa hình trũng, thấp do Ủy ban nhân dân các xã và hộ dân quản lý.

Tại những điểm PV ghi nhận, đất, đá đào ra được đổ thẳng ra xung quanh chân cột, tràn xuống sườn đồi, khe núi. 

Chính quyền một số địa phương cũng xác nhận các nhà thầu chưa chuyển đất, đá thải đi đổ đúng bãi thải theo quy định. Phóng viên cũng đến các điểm đổ thải ghi trong ĐTM của Dự án tìm hiểu cho thấy những gì chứng kiến và chính quyền địa phương nói là có cơ sở.

Thi công

Một trụ điện đang thi công tại xã Nam Kim. Theo đại diện chính quyền xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cho biết sau khi kiểm tra thực tế hiện trường thi công đã có những kiến nghị đến cấp trên chỉ đạo nhà thầu thi công có biện pháp khắc phục nguy cơ sạt lở đất. Ảnh: Dân Việt

Dự án đường dây 500 kV mạch 3 gồm 4 dự án thành phần: Đường dây 500 kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu; đường dây 500 kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa; đường dây 500 kV nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Nam Định I – Thanh Hóa và NMNĐ Nam Định I – Phố Nối. Chủ đầu tư Dự án là Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia, thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).

Toàn Dự án có chiều dài khoảng 519 km, đi qua địa bàn 211 xã, phường, của 43 huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh gồm Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên với tổng số 1.177 móng cột, tổng mức đầu tư khoảng 22.300 tỷ đồng.


Vi phạm hiện rõ giữa rừng đặc dụng

Việc đổ thải không đúng nơi quy định đã khiến nhiều diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất của người dân bị ảnh hưởng. Trong quá trình kiểm tra, giám sát nhà thầu thi công các móng và trụ cột thuộc địa phận rừng do đơn vị quản lý, Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn đã phát hiện nhiều vi phạm.

Cụ thể, Ban quản lý rừng đặc dụng huyện Nam Đàn đã có Văn bản báo cáo cấp trên là Sở NNPT&NT tỉnh Nghệ An và Đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án các công trình điện miền Trung.

Báo cáo nêu rõ, riêng tại xã Thượng Tân Lộc, các vị trí T312, T313, T314, T315, T316, T317, T318, T319, T320 có khối lượng đất đá múc ra quá nhiều, đổ lên diện tích rừng nằm ngoài diện tích thu hồi đất trên các móng trụ do đơn vị Ban quản lý rừng đặc dụng huyện Nam Đàn quản lý.

Thi công

Móng cột đang thi công trên địa bàn xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An gây ảnh hưởng đến rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, nhiều cây rừng bị chết do đất, đá vùi lấp. Ảnh: Dân Việt

Cũng trong báo cáo số 38/RĐD.KT-QLBVR ngày 20/3/2024 về việc thi công dự án đường dây 500KV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu (đoạn qua huyện Nam Đàn) của Ban quản lý rừng đặc dụng huyện Nam Đàn cho thấy tại xã Nam Kim có các móng trụ T300. T301, T302; xã Khánh Sơn có các móng trụ T304, T305, T306, T307; thị trấn Nam Đàn có các móng trụ T329, T330, T331, T338, T339 và T332, T333 thuộc xã Nam Thái cũng có khối lượng đất đá múc ra quá nhiều, đổ lên diện tích rừng nằm ngoài diện tích thu hồi đất trên các móng trụ.

Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng 11,22 ha đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên và chuyển mục đích sử dụng của 8,5612 ha rừng đặc dụng là rừng trồng; 27,6984 ha rừng phòng hộ (gồm:18,6504 ha rừng tự nhiên và 9,048 ha rừng trồng) và 2,3356 ha rừng tự nhiên thuộc rừng sản xuất là yếu tố nhạy cảm về môi trường theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Đậu Đình Hùng, Trưởng Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An) cho biết: "Nhiều trụ cột qua nhiều địa hình thuộc phần diện tích do Ban quản lý rừng đặc dụng quản lý. Chúng tôi đang cho anh em đi kiểm tra, một số cây bị ảnh hưởng do đất trào ra, nhưng do đơn vị thi công đang làm nên chưa có thông tin cụ thể".

Khi Phóng viên cung cấp thông tin diện tích đất được chuyển đổi làm trụ điện ít nhưng đơn vị thi công đào, đổ thải ra lớn, ông Hùng cho rằng "cái đó không đáng kể, trong cuộc họp với đơn vị thi công họ cam kết sẽ trả lại mặt bằng". 

Đó là câu trả lời của ông Hùng. Vậy nhưng, theo ĐTM của Dự án có riêng một mục về "Giảm thiểu tác động do việc chuyển mục đích sử dụng rừng".

Cụ thể, ĐTM nêu: Chỉ được triển khai thi công tại các vị trí có rừng sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng các quy định pháp luật hiện hành; Chỉ được triển khai làm đường tạm tại các vị trí có rừng sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép tác động vào rừng theo đúng các quy định hiện hành.

Thi công

Việc thi công đường công vụ qua diện tích rừng đặc dụng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng của nhà thầu đã làm ảnh hưởng đến rừng đặc dụng. Ảnh: Dân Việt

Đồng thời, Chủ đầu tư có trách nhiệm lập phương án trồng rừng thay thế trình Ủy ban nhân dân các tỉnh xem xét chấp thuận và thực hiện phương án trồng rừng thay thế với diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng để thực hiện Dự án theo đúng quy định tại Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn thành lập tổ giám sát bảo vệ rừng trong quá trình thi công dự án, thường xuyên giám sát và kiểm tra tại hiện trường thi công, ngăn chặn các hành vi chặt phá cây rừng, khai thác gỗ và các lâm sản ngoài gỗ trái phép. Đặc biệt, Chủ dự án phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Còn nữa...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem