Thái Nguyên: Cây ăn quả, cây gia vị…dần thế chân cây thuốc lá, nông dân thoát nghèo, vươn lên khấm khá

Thành Lân Thứ hai, ngày 24/10/2022 12:32 PM (GMT+7)
Một trong những giải pháp quan trọng để kéo giảm tình trạng người hút thuốc lá như hiện nay là làm giảm nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất thuốc lá. Nhiều địa phương đang tích cực giảm dần, thay thế diện tích cây thuốc lá bằng các cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao.
Bình luận 0

Chọn trồng cây dược liệu, rau an toàn…

Thực tế, cây thuốc lá là một trong những cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân; là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế ở các địa phương trồng thuốc lá. Vì vậy, để giảm cây thuốc lá thì cần hỗ trợ người dân chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi khác. 

 Thời gian qua, Bộ NNPTNT đã phối hợp với UBND các tỉnh chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn của chương trình, dự án như chương trình 30a, 135, chương trình 134, 132, nước sạch - vệ sinh môi trường và chương trình xóa đói giảm nghèo, đã tạo nguồn lực đáng kể nhằm phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến các loại cây công nghiệp, cây ăn quả… Qua đó góp phần giúp nông dân nhiều địa phương giảm hoặc bỏ trồng cây thuốc lá để nuôi trồng cây, con khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Lãnh đạo Phòng NNPTNT Võ Nhai (Thái Nguyên) cho biết: Từ năm 2014, huyện Võ Nhai đã quyết định đưa cây thuốc lá ra khỏi danh sách cây trồng trong sản xuất nông nghiệp. Ngay sau khi diện tích cây thuốc lá giảm, huyện đã hỗ trợ người dân trồng khoai tây theo Dự án bao tiêu sản phẩm với diện tích hơn 10ha nhưng do đất đã trồng thuốc lá nên khi trồng khoai tây thường bị chết, hiệu quả kinh tế đem lại không cao. 

Hiện nay, huyện đã quy hoạch hơn chục ha đất tại các xóm Cây Hồng và Là Dương (xã Lâu Thượng) để trồng rau an toàn và triển khai trồng cây dược liệu, như: gừng, nghệ, đinh lăng (mô hình trồng cây dược liệu đã thành công và đem lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Phú Thượng). Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích những cây trồng này nhằm thay thế hoàn toàn cây thuốc lá.

Cây ăn quả, cây gia vị… dần thế chân cây thuốc lá - Ảnh 1.

Cây na được lựa chọn để thay thế dần cây thuốc lá ở huyện Chi Lăng, Lạng Sơn. Ảnh: T.Q

Cùng với chuyển đổi cây trồng, Sở NNPTNT Cao Bằng cũng tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tích cực nghiên cứu xây dựng Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 với tổng số lao động dự kiến được đào tạo là 15.000 học viên với khoảng 28 ngành nghề nông thôn khác nhau để thay thế các ngành, nghề trong đó có trồng thuốc lá nguyên liệu.

Tại tỉnh Cao Bằng, những năm gần đây doanh thu từ thuốc lá nguyên liệu trên trên địa bàn toàn tỉnh đạt từ 220 tỷ - 250 tỷ đồng/năm. Trước xu thế nhiều người bỏ hút thuốc lá, kéo theo giảm nhu cầu sản lượng thuốc lá nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy, làm giảm diện tích canh tác, ngành NNPTNT đã nắm bắt tình hình và tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Cao Bằng có những định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp có giá trị kinh tế, phù hợp với mục tiêu xây dựng vùng nông nghiệp thông minh phát triển các loại cây đặc sản đặc hữu theo hướng hàng hóa gắn với chế biến.

Tại các huyện Hòa An, Hà Quảng hiện là vùng nguyên liệu thuốc lá của tỉnh Cao Bằng, tỉnh định hướng sẽ phát triển các loại cây gia vị như gừng nghệ, ớt hữu cơ hướng tới xuất khẩu, đồng thời triển khai một số loại cây trồng thế mạnh của địa phương có giá trị kinh tế cao như: Cam, quýt tại Hòa An, hạt dẻ tại Trùng Khánh, lê tại Nguyên Bình, Thạch An...

Trồng 800ha, na cho 280 tỷ, thuốc lá chỉ 80 tỷ đồng/năm

Tại Lạng Sơn, cây thuốc lá được trồng chủ yếu tại 5 huyện Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Quan và Bình Gia với tổng diện tích khoảng hơn 2.100ha.  Dự báo nhu cầu thuốc lá nguyên liệu giảm dần thời gian tới, UBND tỉnh và ngành nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các địa phương có ít diện tích trồng cây thuốc lá như Hữu Lũng, Bình Gia, Văn Quan xây dựng các phương án chuyển đổi diện tích trồng cây thuốc lá sang các loại cây trồng khác như: huyện Chi Lăng có hướng chuyển đổi sang trồng cây na; thực hiện chuyển đổi diện tích trồng cây thuốc lá kém hiệu quả, khó khăn về nguồn nước sang mở rộng diện tích cây có múi với quy mô 20ha...

Cây ăn quả, cây gia vị… dần thế chân cây thuốc lá - Ảnh 3.

Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ tại xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh:Hoàng Nguyên

Ông Vi Nông Trường - Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết, dự kiến cây na - một cây trồng thế mạnh của tỉnh Lạng Sơn sẽ được thí điểm thay thế cho cây thuốc lá tại thị trấn Đồng Mô và 4 xã Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình trong thời gian 4 năm  (2022 - 2025). Số liệu khảo sát của UBND tỉnh Lạng Sơn cho thấy, trên địa bàn huyện Chi Lăng, với quy mô diện tích trồng cây na 800ha, giá trị ước tính đạt 280 tỷ đồng/năm. Đối với cây trồng thuốc lá tại Chi Lăng, cũng với quy mô 800ha, giá trị ước tính chỉ đạt 70 tỷ đồng/năm.

Còn huyện Bình Gia (Lạng Sơn) thời gian qua đang triển khai tuyên truyền các hộ dân chuyển đổi dần các vùng trồng cây thuốc lá sang trồng loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn như rau, cây ăn quả… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem