Chuyên gia lâm nghiệp bày cách bắt thứ cây trồng bạt ngàn trên rừng "nhả vàng"

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 09/04/2022 10:39 AM (GMT+7)
Theo ông Triệu Văn Lực, Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT), qua khảo sát một số diện tích trồng keo của người dân huyện Nam Trà My (Quảng Nam) thì thấy, nhiều diện tích keo trồng không đúng kỹ thuật, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.
Bình luận 0

Nhiều diện tích trồng keo chưa đúng kỹ thuật

Qua khảo sát một số diện tích trồng leo ở xã Trà Vân (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), ông Triệu Văn Lực, Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT) cho biết, đa số người dân ở đây trồng keo tai tượng là chủ yếu.

"Nhiều diện tích keo sinh trưởng kém, theo nhận định của cơ quan chuyên môn là do công tác giống chưa được tuyển chọn tốt, trồng, chăm sóc không đúng kỹ thuật, mật độ quá dày, với những diện tích rừng trồng keo như thế này thì có để 5 - 6 năm mới khai thác hiệu quả cũng không cao" - ông Lực nhận định.

Ông Lực cho biết, hiện Bộ NNPTNT đã xác định được tập đoàn giống cây lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp cũng đã tham mưu cho Bộ NNPTNT ban hành văn bản xác định các giống cây lâm nghiệp chủ yếu cho 8 vùng sinh thái chủ lực. 

"Quan trọng là các cơ quan chuyên môn phải hướng dẫn người dân chọn cây giống đạt chuẩn; trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, đúng mật độ, với cây keo là khoảng 3.300 cây/ha, trồng rừng gỗ lớn là 1.600 cây/ha, những năm đầu bà con có thể trồng xen với những cây nông nghiệp ngắn ngày như mì (sắn) để tăng thu nhập - ông Lực nói.

Đối với một số thông tin cho rằng, trồng keo mang lại hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí còn gián tiếp gây tình trạng sạt lở đất, ông Lực cho rằng, nhận định này là không chính xác.

Bởi keo là cây họ đậu, có bộ rễ phát triển, có nốt sần cố định đạm, keo là cây sinh trưởng nhanh, lá xanh quanh năm, lá rụng có thể tạo lớp mùn cho đất nên keo có tác dụng che phủ đất, tăng che phủ rừng, góp phần chống xói mòn đất. 

Gỗ keo cũng là nguồn nguyên liệu quan trọng cho chế biến gỗ, góp phần mang lại giá trị xuất khẩu gỗ đạt gần 16 tỷ USD trong năm 2021.

"Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các địa phương, người trồng rừng phải trồng keo ở những điều kiện lập địa phù hợp, trồng đúng kỹ thuật, mật độ" - ông Lực khẳng định.

Giúp cây keo... “nhả vàng” - Ảnh 1.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Yên Lập (Phú Thọ) kiểm tra rừng trồng keo chuyển hóa gỗ lớn của người dân xã Đồng Lạc. Ảnh: Nguyễn Liên – Khánh Trang

Hiện, diện tích rừng trồng keo trên cả nước đã đạt trên 2,2 triệu ha, chiếm khoảng 60% tổng diện tích 3,69 triệu ha rừng trồng sản xuất của cả nước.

Trồng keo thế nào cho đúng?

Theo PGS-TS Phí Hồng Hải, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, trong rừng trồng, giống là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định năng suất và chất lượng rừng trồng. Giống đã góp phần tăng năng suất trung bình của rừng trồng keo ở nước ta từ 10m3/ha/năm lên 17-19m3/ha/năm trong những năm gần đây. Đến nay Bộ NNPTNT đã công nhận hàng chục giống cho các loài keo.

"Các tổ chức và cá nhân trồng rừng keo cần lưu ý sử dụng đúng giống phù hợp với điều kiện lập địa của mình và nên sử dụng giống cây mô để trồng rừng mang lại hiệu quả cao. Các cơ quan quản lý cũng cần quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây lâm nghiệp và có chính sách hỗ trợ hơn nữa để phát triển rừng trồng bằng giống nuôi cây mô" - ông Hải đề xuất.

Cũng theo ông Hải, một yếu tố khác ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng rừng là các biện pháp kỹ thuật thâm canh rừng trồng. 

Với mật độ dày, rừng trồng thường có đường kính nhỏ, thảm thực vật dưới tán rừng sẽ không thể phát triển, làm giảm khả năng giữ nước, chống xói mòn và cũng có thể gây ra hiện tượng sạt lở đất ở những lập địa có độ dốc cao. Việc phát dọn sạch thực bì và đốt trước khi trồng rừng hiện cũng rất phổ biến ở nhiều địa phương, dẫn tới ô nhiễm môi trường, tăng xói mòn đất, về lâu dài sẽ làm suy thoái đất đai canh tác.

Do vậy, để phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rừng keo, chuyên gia ngành lâm nghiệp khuyến cáo, cần chọn đúng lập địa cho cây keo. Vùng thường xuyên có gió xoáy và gió bão trên cấp 8 không phù hợp cho các loài keo. 

Sử dụng giống phù hợp cho từng điều kiên lập địa, sử dụng cây giống chất lượng tốt; nên ưu tiên sử dụng giống từ nuôi cấy mô tế bào. Thực hiện tốt việc quản lý lập địa. Đó là hạn chế đốt vật liệu hữu cơ sau khai thác.

Sử dụng phân bón hợp lý cho rừng trồng keo. Trồng đúng mật độ: 1.300-1.600 cây/ha là hợp lý; không nên trồng dày quá. 

Áp dụng tỉa thân, tỉa cành, tỉa thưa đúng kỹ thuật để tạo rừng gỗ lớn có chất lượng cao. Tăng luân kỳ kinh doanh rừng, hợp lý nhất từ 7-12 năm để đạt được hiệu quả kinh tế cao, tạo gỗ lớn, tăng khả năng cải thiện môi trường của rừng keo. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem