Con sông dài 82km ở Quảng Ninh như chiếc lông chim khổng lồ, lưu lượng nước chênh lệch tới 1.000 lần

Thứ ba, ngày 05/09/2023 05:24 AM (GMT+7)
Có người nhìn con sông Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) như một chiếc lông chim khổng lồ, như một bản tình ca của núi rừng, là sự hoà điệu của thiên nhiên tạo ra một không gian yên bình cho những tâm hồn con người bình dị, chân thành.
Bình luận 0

Sông Tiên Yên bắt nguồn từ đỉnh Cao Ba Lanh chảy theo hướng Bắc sang Trung Quốc, sau đó chuyển hướng Tây Tây Nam đổ vào xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu. 

Đến đây, con sông chạy theo hướng Tây Nam, phân chia đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Con sông dài 82km ở Quảng Ninh như chiếc lông chim khổng lồ, lưu lượng nước chênh lệch tới 1.000 lần - Ảnh 1.

Sông Tiên Yên đoạn chảy qua Phong Dụ. Ảnh: Cấn Đình Loan

Làm duyên với núi rừng

Đến Hoành Mô thì đổi hướng Bắc - Nam, chảy qua thị trấn Bình Liêu, hợp với một nhánh sông nữa đổ vào và chảy xuôi xuống huyện Tiên Yên. 

Con sông dài 82km ở Quảng Ninh như chiếc lông chim khổng lồ, lưu lượng nước chênh lệch tới 1.000 lần - Ảnh 2.

Sông Phố Cũ đoạn chảy qua Yên Than. Ảnh: Cấn Đình Loan.

Con sông Tiên Yên là đứa con của núi rừng, đứa con của mảnh đất đầy mới mẻ và thử thách, mới từ địa hình địa mạo. 

Phía Bắc là vùng đồi núi trùng điệp là đoạn cuối của Cánh cung Đông Triều. Phía Đông Tiên Yên là dãy Thông Châu và Pạc Sủi ngàn năm róc rách tiếng suối reo. 

Dưới chân Pạc Sủi thơm ngát hương quế, hồ Khe Táu trữ tình là thung lũng Đại Dực với những bản làng người Sán Chỉ.

Người Sán Chỉ ở trên đỉnh Thông Châu mê hát sóong cọ. Tiếng hát như suối róc rách dưới thung lũng, như cây rừng xào xạc trên đỉnh Thông Châu. Tiếng hát của thác là thanh âm của núi rừng. Còn tiếng hát của người Sán Chỉ thì thúc giục người ta mở đường, xuôi thuyền độc mộc trên sông mà làm ăn, giao thương buôn bán. 

Trong hành trình rong ruổi của mình, sông Tiên Yên như làm duyên với núi rừng. Từ Bình Liêu xuống Tiên Yên con sông này lúc bên trái, lúc bên phải. Sông Tiên Yên có tổng chiều dài khoảng 82km. 

Trong đó, đoạn từ Cao Ba Lanh - Trung Quốc - Đồng Văn dài 14km. Đoạn từ Hoành Mô đến thị trấn Tiên Yên dài 58km. Đoạn từ Tiên Yên đến cảng Mũi Chùa dài 10km.

Núi rừng cũng đã tạo ra hai chi lưu của con sông Tiên Yên. Một dòng từ Cao Ba Lanh huyện Bình Liêu chảy xuống. Một dòng từ núi rừng Đình Lập chảy về sông Phố Cũ nay gọi là sông Khe Tiên. Thị trấn Tiên Yên nằm trọn trong vùng hợp lưu của hai nhánh sông này. 

Cũng chính vì địa hình chia cắt như thế nên xa xưa giao thông chủ yếu ở Tiên Yên là đường thủy. Sự ngặt nghèo về giao thông đã khiến mảnh đất này trở nên hiểm trở, được sử cũ gọi là đất "ô châu ác địa" nơi lưu đày những người có tội, những quan lại bị thất sủng.

Con sông dài 82km ở Quảng Ninh như chiếc lông chim khổng lồ, lưu lượng nước chênh lệch tới 1.000 lần - Ảnh 3.

Dòng sông Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) đoạn chảy qua trung tâm thị trấn. Ảnh: Cấn Đình Loan.

Con sông anh dũng

Nhưng từ đầu thế kỷ 20, câu chuyện đã khác. Khi hệ thống giao thông được nối liền, Tiên Yên đã dần chiếm lĩnh vị trí cửa ngõ miền Đông, có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự quốc phòng.

Nhận thức được vị trí chiến lược của Tiên Yên nên ngay khi đặt ách cai trị, thực dân Pháp đã cho xây dựng hệ thống đồn bốt dày đặc, nhà tù ở gần sông Phố Cũ, hệ thống quân cảng ở Mũi Chùa còn gọi là cảng Pa-Gốt. 

Trên quãng sông từ cảng Pa-Gốt vào đến Tiên Yên, thường xuyên có lính Pháp đi thuyền máy tuần tra. Nhiều cơ sở cách mạng bị khủng bố, nhiều cán bộ của ta hy sinh trên con sông này.

Dù có khủng bố thì thực dân Pháp không khuất phục được người Tiên Yên. Những ngày đầu đặt chân lên Tiên Yên, thực dân Pháp đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Tháng 9 năm 1945, đoàn quân Đệ tứ chiến khu Đông Triều kéo về giải phóng Tiên Yên đi qua Mũi Chùa tiến vào thị trấn. 

Đoàn quân gồm 2 trung đội được trang bị đầy đủ vũ khí đi trên thuyền Cray- xắc do Đại đội Ký Con thu được sau trận thủy chiến ở Hòn Gai, cùng 20 ca nô và thuyền bọc sắt tiến vào Tiên Yên. Nhận được tin, thanh niên xã Tiên Lãng dùng thuyền ra đón. Hàng trăm bà con nhân dân tập trung dọc bờ sông cho đến tới tận thác Cối để đón đoàn quân giải phóng.

Quân Tưởng chiếm đóng Đồn Cao cũng chỉ dám ngăn cản một cách yếu ớt. Bà con nhân dân công khai chào đón tặng quà cho quân giải phóng ngay bên bờ sông Tiên Yên với từng đoàn thuyền rợp bóng cờ hoa biểu ngữ. Chưa bao giờ sông Tiên Yên lại mừng vui đến vậy.

Tháng 5/1949, tổ chiến đấu gồm 3 người là Lê Thông, Lê Bảy và Đinh Thẩm đã quyết định đánh thẳng vào trung tâm hậu cần của Pháp tại Khe Tù. 

Đây là nơi hầu hết khí tài, quân lương, nhiên liệu, phương tiện của Pháp tập trung được bảo vệ nghiêm ngặt để cung cấp đi khắp vùng Đông Bắc. Toàn bộ hệ thống được bảo vệ cẩn mật, bao vây bằng đồn bốt, tháp canh, hàng rào dây thép gai và các đội tuần tra cơ động. 

Thế nhưng, có những gia đình ngư dân anh dũng ở Tiên Lãng đã mưu trí lừa lính Pháp tiêu diệt được một vài tên dưới đáy sông sâu. Lại có những chuyện lính Tây đen giác ngộ cách mạng chống lệnh của chỉ huy nên đã bị phạt ngâm mình xuống dòng sông Tiên Yên trong giá rét v.v...

Một đêm tháng 5/1949, có 7 chiếc xà lan neo đậu trên sông Tiên Yên chờ bốc hàng lên kho giáp với kho xăng. Toàn bộ súng đạn xăng dầu quân trang quân dụng còn nguyên trên xà lan chưa bốc lên bờ. Một lính Pháp yêu nước đã được giác ngộ làm nội ứng cho ta lẻn xuống đặt mìn hẹn giờ. 

Đêm về, khi cả thị trấn Tiên Yên còn chìm trong giấc ngủ say thì một tiếng nổ rung chuyển núi đồi kèm theo cột lửa khổng lồ bốc lên như trùm lấy lòng chảo Tiên Yên. 7 xà lan cùng hàng loạt hàng hóa trên kho của Pháp chìm trong biển lửa.

Những gì còn sót lại trôi nổi trên sông thì đều bị chiến sĩ cảm tử của ta bắn chìm. Người Pháp ở Tiên Yên vô cùng hoảng loạn. Chiến công này vang dội cả nước. Văn kiện Đảng bộ Liên khu Việt Bắc tập V trang 224 cũng ghi chép về sự kiện này. 

Từ cuối tháng 3/1950 trở đi, dân quân tự vệ tăng cường kiểm soát và cắt đứt đường dây vận chuyển hàng hóa vũ khí của Pháp trên sông Tiên Yên. Dân quân đã đánh đắm phà Đồng Và, đón lõng đánh chìm nhiều ca nô, sà lan chở hàng tiếp tế, binh lính. Những bè gỗ chống lò người Pháp chở qua Tiên Yên về Cẩm Phả, Hòn Gai cũng bị phá vỡ.

Kết nối giao thương

Cũng chính nhờ vị trí giao thoa, hợp lưu của sông nước như thế nên từ rất sớm Tiên Yên đã trở thành một điểm thương mại quan trọng. 

Đây là nơi mà các sản vật núi rừng Đông Bắc được tập kết, chuyển tới thương cảng Vân Đồn. Ngược lại, Tiên Yên cũng là nơi chuyển giao thủy hải sản giàu có của vùng biển Đông Bắc cho các tỉnh núi rừng Cao- Bắc- Lạng. 

Đầu thế kỷ trước, khi đi lại còn khó khăn, ở Tiên Yên đã có hai bến phà nối liền thông thương giữa thị trấn Tiên Yên với Tiên Lãng tại bến Châu và với Khe Tù tại bến Khe Tù. 

Tuy đó chỉ là bến phà kéo tay nhưng cũng đã được coi là sự mở mang cần thiết để thị trấn thoát khỏi sự cô lập từ hai con sông Phố Cũ và sông Tiên Yên đối với các khu vực miền Đông và miền Tây của tỉnh Hải Ninh xưa, nối liền các trục đường chiến lược từ Hòn Gai, Lạng Sơn, Bình Liêu, Đầm Hà và Móng Cái.

Bến Châu trở thành bến đỗ của các loại tàu thuyền để tỏa đi khắp nơi. Từ đây, các loại tàu khách tàu hàng có thể đi Móng Cái, Đầm Hà, Hòn Gai, Hải Phòng. Riêng thời Pháp, có tới 6 tàu chở khách loại nhỏ thường xuyên chạy tuyến Tiên Yên-Hải Phòng đỗ tại Bến Châu.

Ở Tiên Yên, mỗi khi nhỡ độ đường, tôi lại thường tá túc trong nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh Cấn Đình Loan. Nhà ông Cấn Đình Loan quay cửa ra sông. 

Ông Loan mải mê chụp Tiên Yên, gần như cả đời chỉ chụp nơi này mà chưa hết. Thậm chí, có cái đập tràn và con sông Phố Cũ trước nhà thôi ông chụp hàng trăm "pô" rồi vẫn còn muốn chụp. Những giải thưởng nhiếp ảnh ông có được cũng từ con sông êm đềm trước của hiên nhà mà ra.

Sông sinh ra làng mạc, đồng ruộng và sinh ra cả phố. Không phải tự dưng mà người Tiên Yên đặt cho một nhánh sông là Phố Cũ. Bây giờ người ta đổi tên nhánh sông Phố Cũ thành sông Khe Tiên. Nhưng mặc cho mọi người gọi thế nào ông Cấn Đình Loan vẫn thích gọi trấn lỵ Tiên Yên là Phố Cũ, theo tên con sông.

Đắm đuối nhìn con sông trôi chảy, ông Loan vẫn thấy sông thật lạ. Sông có độ dốc lớn, lưu lượng và lưu tốc rất khác biệt giữa hai mùa. Mùa đông, sông cạn trơ ghềnh đá. Mùa hạ đến sông lại ào ào thác lũ. Nước sông dâng rất nhanh. 

Theo một khảo sát gần đây, mùa đông lưu lượng nước chỉ là 1,45 m3/giây thì mùa mưa lên đến 1.500 m3/giây, chênh lệch nhau đến 1.000 lần. 

Dù nước lũ có lớn đến mấy, ông Loan cũng chưa bao giờ thấy hai bên bờ sông bị bào mòn. Sông chỉ có bồi mà không lở. Có lẽ do cấu tạo địa chất, do chất đất hai bên bờ sông làm cho con sông quá bền vững.

Con sông dài 82km ở Quảng Ninh như chiếc lông chim khổng lồ, lưu lượng nước chênh lệch tới 1.000 lần - Ảnh 4.

Thuyền bè neo đậu trên sông Tiên Yên.

Dù mưa lũ có thế nào cũng không làm con sông đổi dòng giống như dù cuộc sống có khắc nghiệt kiểu gì cũng không làm lòng người Tiên Yên thay lòng đổi dạ. 

Phố Tiên Yên có dòng sông chảy qua, từ thượng nguồn xuống mang theo tiếng sáo, tiếng kèn lá gọi bạn tình của chàng trai người Sán Chỉ. 

Vào mùa, bờ sông nở rực hoa đỗ quyên, hoa kim ngân. Nhiều con đường, tuyến phố, hàng cây, những ngôi biệt thự là chứng nhân lịch sử, in đậm trong ký ức mỗi người. Chiều về trẻ con ra đập tràn tắm mát. Người già thưởng trà hai bên đường.

Sông Tiên Yên và sông Phố Cũ gặp nhau ở thôn Thác Bưởi xã Tiên Lãng. Từ Thác Bưởi, sông chảy qua Thác Cối ra Mũi Chùa vào vụng Vạn Hoa. 

Cùng với sông Ka Long, sông Ba Chẽ và sông Bạch Đằng thì sông Tiên Yên được coi là một trong bốn con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh. 

Nếu nhìn từ trên cao xuống, con sông Tiên Yên có hình dạng đặc biệt hệt như chiếc lông chim khổng lồ. Nếu con sông hình chiếc lông chim thì vùng đất này phải như dáng hình đại bàng tung cánh. Đó là cái sải cánh vươn cao của những ước mơ lớn, khát vọng lớn.

Phạm Học (Báo Quảng Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem