Sơn La: “Thủ lĩnh nông dân” bản Hua Đán có 25ha đất trồng đủ thứ cây ăn quả, riêng trồng nhãn thu về 2 tỷ/năm

Thu Hà Thứ bảy, ngày 04/09/2021 06:26 AM (GMT+7)
Từ người làm thuê, song với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng, đến nay anh Nguyễn Văn Binh - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân bản Hua Đán, xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã gây dựng trang trại cây ăn quả rộng 25ha trồng nhãn, xoài, mận.... cho thu nhập 4 tỷ đồng/năm.
Bình luận 0

Trồng nhãn thu tiền tỷ

Thời điểm này đang vào vụ nhãn chín rộ, anh Nguyễn Văn Binh cùng người làm tất bật thu hoạch nhãn.

Dáng người nhỏ nhắn, đậm chất nông dân của anh Binh như lọt thỏm giữa vườn nhãn rộng thênh thang đang trĩu quả của mình. Nhanh thoăn thoắt anh phân công công việc cụ thể cho từng tốp người làm: tốp này hái nhãn, còn tốp này đóng gói, tốp kia thì vận chuyển. Vườn rộng nhãn rộng cả chục ha, công việc nhiều nhưng mọi người phối hợp với nhau rất ăn ý và nhịp nhàng.

Sơn La: “Thủ lĩnh nông dân” bản Hua Đán có 25ha đất trồng đủ thứ cây ăn quả, riêng trồng nhãn thu về 2 tỷ/năm - Ảnh 1.

Hiện tại, gia đình anh Binh đã trồng được 25ha cây ăn quả, trong đó riêng nhãn có 10 ha đã cho thu hoạch. Ảnh:NVCC

Cầm trên tay chùm nhãn nặng trĩu, quả nào quả ấy to mọng nom rất thích mắt, anh Binh liền gọi video call khoe với PV Báo Điện tử Dân Việt. Anh Binh phấn khởi nói: "Nhãn năm nay được mùa nên sai trĩu quả. Tuy ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá nhãn có thấp hơn mọi năm nhưng bước đầu gia đình anh vẫn tiêu thụ nhãn khá thuận lợi. Hiện giá nhãn dao động 15.000 - 17.000 đồng/kg".

Sơn La: “Thủ lĩnh nông dân” bản Hua Đán có 25ha đất trồng đủ thứ cây ăn quả, riêng trồng nhãn thu về 2 tỷ/năm - Ảnh 2.

Vườn nhãn sai trĩu quả của gia đình anh Binh. Ảnh NVCC

Với tay lau mồ hôi trên trán, anh Binh kể về quy trình trồng nhãn vất vả và nhiều tâm huyết: "Chăm cây nhãn cũng như chăm em bé vậy, phải cẩn thận từ việc chăm bón, vào gốc và đặc biệt phải cắt tỉa rất nhiều lần mới ra được những chùm nhãn đẹp có chất lượng cao".

Anh Binh vốn quê ở thôn Phú Hòa, xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Do nhà nghèo, đông anh em nên năm 18 tuổi, anh Binh đã đi làm thuê mướn khắp trong và ngoài tỉnh để phụ giúp gia đình.

Đến năm 1991, anh lên Sơn La làm thuê tại huyện Yên Châu và nhận thấy đất đai ở bản Hua Đán màu mỡ, phù hợp với nhiều loại cây trồng nên quyết định lập nghiệp ở đây.

Khi khởi nghiệp, anh Binh thuê đất ở của người dân trong bản để trồng đỗ, ngô, mận hậu, mơ theo hướng "lấy ngắn nuôi dài" và tích lũy được vốn đầu tư mua 5ha mua đất.

Thấy cây nhãn phù hợp điều kiện khí hậu ở mảnh đất Hua Đán, năm 1997, anh Binh đã về quê lấy giống nhãn Hưng Yên lên trồng trên diện tích 2ha và trồng thêm xoài, ngô.

Anh Binh nhớ lại: "Những năm 1999-2000, gia đình tôi đã thu hoạch được hơn cả trăm tấn hạt ngô. Tuy nhiên, thời điểm đó giao thông chưa thuận tiện, việc vận chuyển hàng hoá còn nhiều khó khăn. Gia đình tôi mạnh dạn vay tiền san ủi mặt bằng làm kho và lò sấy khô, mua xe ô tô để chở hàng nông sản của gia đình và mua sản phẩm nông nghiệp của bà con trong bản.

Sơn La: “Thủ lĩnh nông dân” bản Hua Đán có 25ha đất trồng đủ thứ cây ăn quả, riêng trồng nhãn thu về 2 tỷ/năm - Ảnh 4.

Từ mô hình trồng cây ăn quả, gia đình anh Binh đã tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 44 lao động mùa vụ. Lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: NVCC

Năm 2009, hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, anh Binh đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng ngô sang trồng các loại cây ăn quả như nhãn ghép Hưng Yên, vải, xoài Đài Loan, mận hậu, bưởi da xanh, bưởi diễn, bơ... có giá trị kinh tế cao.

Hiện tại, gia đình anh đã trồng được 25ha cây ăn quả, trong đó riêng nhãn có 10 ha đã cho thu hoạch. Từ năm 2018 đến nay, trung bình anh Binh thu từ 150 - 250 tấn nhãn/vụ. Hàng năm từ mô hình trồng cây ăn quả, gia đình anh Binh đã có thu nhập 3,8 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí sản xuất hết 1,9 tỷ đồng, lợi nhuận hàng năm thu được gần 2 tỷ đồng.

Từ mô hình trồng cây ăn quả, gia đình anh Binh đã tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 44 lao động mùa vụ. Lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

"Thủ lĩnh nông dân" của bản Hua Đán

Cùng với phát triển mô hình trồng cây ăn quả, gia đình anh Binh còn đầu tư mở xưởng thu mua, sơ chế nông sản cho bà con trong bản và vùng lân cận; kinh doanh vật tư nông nghiệp như đầu tư phân bón, cây giống…; kinh doanh dịch vụ xe ô tô vận tải, máy xúc máy ủi.

Từ trồng cây ăn quả và kinh doanh dịch vụ, năm 2020, tổng thu nhập của gia đình anh Binh đạt hơn 5 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 2,7 tỷ đồng.

Sơn La: “Thủ lĩnh nông dân” bản Hua Đán có 25ha đất trồng đủ thứ cây ăn quả, riêng trồng nhãn thu về 2 tỷ/năm - Ảnh 5.

Anh Binh phấn khởi nói: "Nhãn năm nay được mùa nên sai trĩu quả. Tuy ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá nhãn có thấp hơn mọi năm nhưng bước đầu gia đình anh vẫn tiêu thụ nhãn khá thuận lợi".

Nói được, làm được, anh Binh được bà con tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân của bản Hua Đán. 18 năm nay, anh Binh luôn nhiệt tình, gương mẫu đi đầu trong công tác Hội; tích cực tuyên truyền hội viên thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua do các cấp Hội phát động.

Trong các buổi sinh hoạt chi hội, anh Binh luôn tận tình trao đổi, hướng dẫn bà con cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Binh chia sẻ: Ở bản Hua Đán có 216 hộ, trên 1.000 nhân khẩu; trong đó, hơn 80% là người dân tộc Xinh Mun, trình độ dân trí thấp, việc tuyên truyền để người dân làm theo cũng rất khó khăn, bởi người dân thường trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước.

Sơn La: “Thủ lĩnh nông dân” bản Hua Đán có 25ha đất trồng đủ thứ cây ăn quả, riêng trồng nhãn thu về 2 tỷ/năm - Ảnh 6.

Vụ nhãn năm nay, dự kiến anh Binh thu hoạch đượctrên 250 tấn nhãn. Ảnh: NVCC

Trên cương vị "thủ lĩnh" nông dân của bản Hua Đán, anh Binh đã quyết tâm góp sức làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong bản. Anh đã chủ động "cầm tay chỉ việc" hướng dẫn bà con kinh nghiệm sản xuất.

Nhờ vậy đã có trên 85% hội viên nông dân chuyển đổi hơn 100ha ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng nhãn, xoài. Từ các mô hình kinh tế hiệu quả đã giúp tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của bản giảm dần qua từng năm. Từ 100% hộ nghèo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở bản giảm còn trên 50%.

Bản Hua Đán có 10 hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tiêu biểu như các hội viên: Lò Văn Mừng, Nguyễn Văn Thuật, Nguyễn Văn Khánh, Vì Văn Hưng, Lò Thị Đích...

Ông Vì Văn Phẫu, Trưởng bản Hua Đán, nhận xét: Là người dưới xuôi lên đây khai hoang lập nghiệp, không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Binh còn có công rất lớn trong thay đổi tư duy sản xuất cho bà con và giúp đỡ các hộ dân khó khăn của bản về vốn, giống phát triển sản xuất; hỗ trợ tu sửa các phần mộ liệt sỹ của bản; thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ tiền cho các cụ cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn vào dịp lễ, tết. Vì thế mà anh Binh luôn được bà con trong bản rất tin tưởng, yêu mến...

Phấn khởi nói về người cán bộ Hội của mình, ông Nguyễn Văn Điện - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu đánh giá: "Anh Nguyễn Văn Binh là cán bộ hội tâm huyết, nhiệt tình và trách nhiệm; tạo được niềm tin, sự đồng thuận, đoàn kết của hội viên hội viên. Nhờ vậy, nhiều phong trào thi đua của Hội cấp trên được chi hội triển khai sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực. Nhiều năm liền, Chi hội Nông dân bản Hua Đán đạt danh hiệu Chi hội vững mạnh toàn diện".

Với những thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân, anh Nguyễn Văn Binh - Chi hội trưởng Chi hội nông dân bản Hua Đán xã Tú Nang (Yên Châu, Sơn La) đã được các cấp Hội Nông dân công nhận, tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, năm 2020 tại Đại hội thi đua yêu nước Hội Nông dân Việt Nam, Chi hội trưởng nông dân Nguyễn Văn Binh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân giai đoạn 2015-2020".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem