Siêu máy bay ném bom XB-70 Valkyrie của Mỹ: Đắt gấp 3 lần tàu sân bay

V.T.Đ Thứ năm, ngày 17/03/2022 18:31 PM (GMT+7)
Thập niên 1960, một chiếc máy bay ném bom ra mắt và trở thành máy bay ném bom chiến lược bay nhanh nhất thế giới. Theo chi phí sản xuất của thời kỳ đó thì nó còn đắt đỏ hơn cả một tàu sân bay. Chúng ta đang nói đến ở đây là chiếc máy bay XB-70 Valkyrie của Mỹ.
Bình luận 0

XB-70 là máy bay ném bom chiến lược do công ty hàng không North American nghiên cứu phát triển. Nó bay lần đầu tiên năm 1964, có thể đạt tốc độ mach 3 (gấp 3 lần tốc độ âm thanh) và trần bay cao nhất lên tới 21500m. XB-70 dài 59,74m, cao 9,14m, sải cánh 32m, trọng lượng cất cánh tối đa 249,4 tấn; lượng dầu mang theo tối đa 136 tấn.

Siêu máy bay ném bom XB-70 Valkyrie của Mỹ: Đắt gấp 3 lần tàu sân bay  - Ảnh 1.

Siêu máy bay ném bom XB-70 Valkyrie của Mỹ.

Chiếc máy bay này sử dụng thiết kế đầu mỏ vịt, đuôi bằng, cánh tam giác lớn. Khi bay với tốc độ cao, nhiệt độ sinh ra có thể lên tới 400 độ C, nếu sử dụng hợp kim nhôm thì không thể chịu được nhiệt. Để giải quyết vấn đề nhiệt độ cao người ta đã phải chọn kim loại titan khó xử lý. Vào thời điểm đó, hợp kim titan là vật liệu rất đắt đỏ, lại thêm công nghệ gia công titan chưa thành thục cho nên có thể nói rằng các kỹ sư đã tìm rất nhiều cách mới có thể đưa chất liệu này lên thân chiếc XB-70.

Việc chế tạo XB-70 sử dụng rất nhiều các kỹ thuật mới nhất của thời đó, có thể nói đây là kết tinh của công nghệ cao, chẳng hạn khả năng cất cánh khẩn cấp là một đặc điểm đặc sắc nhất của nó. So sánh với chiếc SR-71, cũng là một máy bay đạt tới vận tốc mach 3, nhưng trước khi cất cánh cần phải làm nóng máy, phi công còn phải mặc quần áo tăng áp, có thể nói là phải có một loạt công tác chuẩn bị.

Về lý thuyết, XB-70 thực sự vô cùng ưu tú, nhưng khi bay lần đầu nó lại xuất hiện sự cố. Khi hạ cánh, càng đáp bên trái bị bốc cháy. Sau khi khắc phục lỗi này, chiếc thứ hai mang tên XB-70A đã nhanh chóng bước vào giai đoạn bay thử nghiệm.

Trong quá trình bay thử nghiệm, chiếc XB-70 đã có lần liên tục bay với tốc độ mach 3 trong quãng đường 3840 km với thời gian 33 phút, đạt được mục tiêu đề ra, chứng thực được ý tưởng thiết kế.

Mặc dù vậy, sự vui mừng chưa được bao lâu thì trong một lần bay theo đội hình biên đội để chụp ảnh trên không, XB-70A và một chiếc F-104N bay cùng, vì cự ly quá gần đã dẫn tới va chạm. Chiếc F-104N phát nổ còn cánh đuôi đứng bên trái của XB-70A bị va chạm dẫn tới không thể điều khiển được nữa nên cuối cùng bị rơi.

Sự cố này có thể gọi là tổn thất nghiêm trọng bởi vì chi phí chế tạo một chiếc XB-70A lúc đó lên tới 700 triệu USD. Bởi vì chi phí đóng một tàu sân bay lớp Kitty Hawk thời đó chỉ khoảng 260 triệu USD. Như vậy giá thành một chiếc XB-70 đã gần gấp 3 lần giá một tàu sân bay. Đó là còn chưa kể tổn thất về phi công.

Thiết kế của XB-70 có thể nói là hướng tới một máy bay ném bom chiến lược cao cấp. Nếu mọi sự thuận lợi thì chiếc máy bay này sẽ trở thành một "quốc bảo". Tuy nhiên, vì xảy ra sự cố nói trên nên đã đẩy nhanh quá trình "khai tử" của dự án XB-70. Đây rõ ràng là một sự việc ứng với câu nói chưa thành nghề đã tử nạn, nhưng dựa trên các thông số kỹ thuật thì đến nay cũng chưa có máy bay ném bom chiến lược nào có thể so sánh với XB-70 về tốc độ. Ở các khía cạnh khác, XB-70 cũng còn nhiều ưu thế.

Nhưng xét đến sự phát triển của thời đại, thì việc đào thải của XB-70 cũng là điều tất nhiên, chỉ có điều sự cố rơi máy bay đã khiến quá trình đào thải này diễn ra nhanh hơn. Ví dụ như sự thay đổi của Mỹ đối với chiến lược hạt nhân cũng như quá trình phát triển tên lửa đạn đạo đều khiến cho XB-70 mất dần ý nghĩa tồn tại.

Vào thời đó, Liên Xô đã có tên lửa đạn đạo liên lục địa với tầm bắn có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Đứng trước tình huống lãnh thổ phải đối mặt với khả năng bị đòn tấn công hạt nhân này, tự nhiên Mỹ phải thay đổi về chiến lược hạt nhân không thể dựa vào máy bay ném bom tầm xa.

Hơn nữa, mạng lưới phòng không của Liên Xô khi đó cũng đã được tăng cường mạnh mẽ nên tỉ lệ các máy bay ném bom có thể thực hiện tấn công thành công bị hạ xuống thấp. Do các tên lửa đạn đạo có khả năng thực hiện đòn tấn công đơn giản hơn cho nên XB-70 không còn ý nghĩa tồn tại và người ta không còn muốn tốn thêm chi phí đắt đỏ để chế tạo nó nữa. Bởi vậy, nguyên mẫu thứ 3 của chiếc XB-70 mới chỉ chế tạo được một nửa thì bị tuyên bố huỷ bỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem