Vì sao dàn chiến hạm Đức từng "tự sát" tập thể tại cảng Scapa Flow?

Thứ tư, ngày 09/03/2022 20:30 PM (GMT+7)
Đức tự đánh đắm hạm đội mạnh nhất của mình tại cảng Scapa Flow nhằm ngăn tàu chiến rơi vào tay đối phương khi Thế chiến I kết thúc.
Bình luận 0

Ngày 11/11/1918, sau hơn 4 năm giao tranh với 9 triệu binh sĩ thiệt mạng và 21 triệu người bị thương, Thế chiến I kết thúc bằng hiệp định đình chiến giữa Đức và phe Đồng minh.

Hải quân Đức hầu như không tham chiến trong Thế chiến I do bị Anh phong tỏa cảng, nên lực lượng của họ gần như còn nguyên vẹn vào thời điểm kết thúc chiến tranh. Các nước Đồng minh yêu cầu Hạm đội Biển khơi, lực lượng hiện đại và uy lực nhất của Đức, phải tập kết ở một cảng trung lập để bảo đảm nước này tuân thủ tiến trình hòa bình.

Tuy nhiên, không có cảng trung lập nào đồng ý tiếp nhận nên 70 tàu chiến uy lực nhất của Đức được chuyển đến Scapa Flow, cảng tự nhiên và là nơi đóng quân của một hạm đội Anh tại quần đảo Orkney. 4 chiến hạm khác của Đức sau đó hội quân cùng nhóm tàu này.

Vì sao dàn chiến hạm Đức từng "tự sát" tập thể tại cảng Scapa Flow? - Ảnh 1.

Nhóm tuần dương hạm Đức tiến vào cảng Scapa Flow tháng 11/1918. Ảnh: Royal Navy.

Ngày 21/11/1918, quyền quản lý hạm đội Đức được bàn giao cho Anh trước sự chứng kiến của hàng nghìn binh sĩ trên hàng trăm tàu chiến của cả hai phe. Hơn 190 tàu Đồng minh trước đó hộ tống 70 chiến hạm Đức đến Scapa Flow, biến đây trở thành sự kiện tập trung lực lượng hải quân lớn nhất lịch sử nhân loại. Nòng pháo trên các tàu chiến Đức đều bị bịt kín để ngăn bất cứ hành động tự phát nào.

Nhưng sau khi đến Scapa Flow, hạm đội Đức phải nằm chờ mỏi mòn trong nhiều tháng. Sĩ khí thủy thủ đoàn các tàu đã xuống thấp trong chiến tranh, càng tồi tệ hơn khi phải ở trên các con tàu với khẩu phần ăn hạn chế trong lãnh thổ Anh. Đúng lúc đó, chỉ huy nhóm chiến hạm Đức nhận được mệnh lệnh bảo vệ tàu bằng mọi giá và ngăn chúng rơi vào tay đối phương.

Đức dường như tin rằng hạm đội sẽ được hoàn trả cho đất nước, trong khi Anh muốn rã sắt vụn toàn bộ 74 tàu, còn các nước Đồng minh muốn phân chia chúng như chiến lợi phẩm. Khi các cuộc đàm phán ở Pháp cho thấy Đức sẽ không được lấy lại được tàu chiến, đô đốc Ludwig von Reuter, chỉ huy Hạm đội Biển khơi của Đức, đã lên kế hoạch "tự sát" cho hạm đội của mình.

Von Reuter biết hạn chót để Đức ký hiệp ước hòa bình là ngày 21/6/1919. Khi thấy phần lớn hạm đội Anh tại Scapa Flow rời cảng lúc 10h30 hôm đó, đô đốc von Reuters đã cho phát thông điệp "Khổ 11; xác nhận" tới toàn hạm đội.

Bức điện này tưởng như vô hại, nhưng lại là tín hiệu khởi động kế hoạch tự đánh đắm toàn bộ 74 tàu chiến Đức trước sự ngỡ ngàng của binh sĩ Anh.

Sau mệnh lệnh bí mật của von Reuter, các thủy thủ Đức đồng loạt mở van để nước biển tràn vào tàu. Dàn chiến hạm Đức từ từ chìm xuống biển, trong khi các thủy thủ Đức thượng cờ lần đầu tiên kể từ khi tàu chiến của họ cập cảng Anh. Binh sĩ Anh tại cảng vội vã báo động, trong khi hạm đội Anh gấp rút quay lại Scapa Flow để ứng phó.

Vì sao dàn chiến hạm Đức từng "tự sát" tập thể tại cảng Scapa Flow? - Ảnh 2.

Thiết giáp hạm Bayern chìm dần xuống nước ngày 21/6/1919. Ảnh: Royal Navy.

"Một nửa hạm đội Đức đã biến mất. Trên mặt nước là mớ hỗn độn gồm thuyền, xuồng đệm hơi, bàn ghế và con người. Bayern, thiết giáp hạm lớn nhất của Đức, dựng đứng mũi trước khi chìm xuống đáy biển", thiếu úy hải quân Anh Edward Hugh Markham David viết trong thư kể lại cảnh tượng này.

Đô đốc von Reuter sau đó lên soái hạm Anh và tuyên bố đầu hàng. "Tôi không còn gì khác", ông nói.

Thủy thủ Anh nhanh chóng đổ bộ lên các tàu Đức chưa chìm để khóa van và bơm nước ra ngoài. Họ được lệnh tiêu diệt bất cứ lính Đức nào cản trở nỗ lực cứu tàu. 9 lính Đức thiệt mạng trong thời gian này và vẫn nhiều tranh cãi về việc liệu họ có thực sự chống cự lính Anh hay không.

Một số thủy thủ Anh suýt chết đuối nhưng đã cứu được 22 tàu Đức, trong khi 52 chiếc khác chìm xuống đáy biển. Đây là tổn thất hải quân lớn nhất trong một ngày trong lịch sử nhân loại, dù thời tiết hôm đó rất đẹp và không có cuộc giao tranh nào.

Một số tàu đã được trục vớt trong vài chục năm sau, nhưng còn nhiều chiếc nằm lại dưới đáy biển và trở thành điểm thu hút các thợ lặn ngày nay.

Duy Sơn (Theo WATM) (Theo VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem