Quảng Ngãi: Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả từ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Đồng Xuân Thứ năm, ngày 15/12/2022 11:56 AM (GMT+7)
Thời gian qua, tại Quảng Ngãi, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng tích cực. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, phong trào này ngày càng đóng góp phần to lớn, quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Bình luận 0

Những "bông hoa đẹp" điển hình tiêu biểu

Điều đáng ghi nhận là từ phong trào thi đua này đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân trẻ, có trình độ, tri thức cao và có niềm đam mê với nông nghiệp, nông thôn nên mạnh dạn vay vốn đầu tư công nghệ vào phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản đảm bảo tiêu chuẩn đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước.

Điển hình như anh Lê Thái Cường (36 tuổi) ở thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức là một tấm gương nông dân tiêu biểu, điển hình về ý chí vượt khó, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Anh Cường tốt nghiệp Đại học kinh tế Đà Nẵng, đã đi làm một vài nơi nhưng với mức lương không mấy hấp dẫn nên anh Cường quyết tâm về quê khôi phục nghề làm bánh tráng truyền thống từ ông, cha để lại thành cơ sở sản xuất theo quy mô lớn hơn.

Quảng Ngãi: Nở rộ những “bông hoa đẹp” nhờ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi - Ảnh 1.

Trại nấm linh chi của anh Lê Giang Phong – Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất nấm Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Đồng Xuân.

Từ một nghề sản xuất thủ công nhỏ của hộ gia đình, anh Cường đã mạnh dạn vay vốn đầu tư công nghệ thành dây chuyền sản xuất bánh tráng tự động khép kín hiện đại, mỗi ngày Cơ sở bánh tráng Huy Cường sản xuất từ 400 – 500kg gạo, doanh thu mỗi tháng khoảng hơn 400 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động ở địa phương, với mức lương từ 6.000.000 – 6.500.000 đồng/người/tháng.

Hiện tại sản phẩm bánh tráng Huy Cường đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và có mặt rộng khắp từ các chợ đến các cửa hàng tạp hóa trong và ngoài tỉnh.

Những nông dân điển hình, tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2017 – 2022 đều là những "bông hoa đẹp", là những nhà nông năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường, đi đầu trong ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh, có các giải pháp áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo quản, chế biến phù hợp với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Liên kết sản xuất tạo chuỗi giá trị

Một trong những mô hình kinh tế hợp tác xã tiêu biểu, năng động, liên kết trong hoạt động sản xuất và điều hành phải kể đến đó là Hợp tác xã sản xuất nấm Đức Nhuận (huyện Mộ Đức), thu hút nhiều thành viên tham gia. Mỗi ngày trại nấm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 100kg nấm tươi các loại: nấm đầu khỉ, nấm sò,…

Bên cạnh đó, Hợp tác xã sản xuất nấm Đức Nhuận còn nghiên cứu, chế biến các loại sản phẩm từ nấm dược liệu và nấm ăn với các mặt hàng đa dạng, chất lượng như: rượu nấm linh chi, trà thảo dược linh chi, nấm lương khô sợi (tẩm, ướp gia vị làm thức ăn nhanh), hạt nêm nấm,… đã có mặt trên khắp các thị trường siêu thị, chợ, cửa hàng trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, Hợp tác xã sản xuất nấm Đức Nhuận có 6 loại sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao; 5 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và chiếm lĩnh thị trường nông nghiệp số trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Shoppe, Vỏ Sò, Saely.

Quảng Ngãi: Nở rộ những “bông hoa đẹp” nhờ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi - Ảnh 2.

Trang trại nuôi gà gia công và vườn cây ăn quả của gia đình ông Phan Xuân Tâm ở xã Bình Khương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đồng Xuân.

"Kể từ khi được gắn sao OCOP và có mặt trên sàn giao dịch điện tử nên doanh thu bán hàng của hợp tác xã vượt 30% so với trước. Trong 3 năm trở lại đây, doanh thu của hợp tác xã lến đến hơn 3,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động ở địa phương với thu nhập bình quân của mỗi tổ viên trong hợp tác xã từ 10 – 15 triệu đồng/người/tháng…", anh Lê Giang Phong, Chủ nhiệm hợp tác xã cho biết.

Hay như ông nông dân Phan Xuân Tâm ở xã Bình Khương, huyện Bình Sơn thì lại biết liên kết với doanh nghiệp để phát triển mô hình kinh tế trang trại tổng hợp hiệu quả. Với diện tích hơn 4ha đất trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gà theo chuỗi liên kết tuần hoàn, hữu cơ.

Ông Tâm đầu tư vốn xây dựng dãy chuồng kiên cố rộng hơn 1.200m2 để thả nuôi 12.000 con gà thịt theo hình thức nuôi gia công cho công ty phân phối thức ăn gia súc, gia cầm ở Đồng Nai. Phía công ty đầu tư con giống, thức ăn và hỗ trợ kỹ thuật, ông Tâm chăm sóc đến khi xuất chuồng, mỗi con gà ông Tâm thu lãi 20.000đồng, tính ra mỗi lứa gà ông có lợi nhuận hơn 100 triệu đồng, mỗi năm trang trại ông xuất chuồng từ 3 – 4 lứa.

Từ nguồn phân thải ra của chăn nuôi gà, ông Tâm đem ủ dùng bón cho vườn cây ăn quả như: bưởi da xanh, bơ, sầu riêng và nhiều loại rau, màu khác. Nhờ nguồn phân hữu cơ này mà các loại trái cây, hoa màu ở vườn nhà ông Tâm luôn xanh tươi, phát triển tốt, cho quả sai và chất lượng ngọt, ngon hơn với cách trồng cây bón phân hóa học.

Vì thế mà thương lái đến tận nhà thu mua với giá tương đối cao hơn ở thị trường. Từ trang trại trồng trọt kết hợp với nuôi gà, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình ông Tâm thu lãi hơn 400 triệu đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem