Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp: Cải cách hành chính bắt đầu từ con người và cũng vì con người

Anh Thơ (thực hiện) Thứ hai, ngày 22/11/2021 16:29 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, Tổng cục xác định cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp là một trong những khâu đột phá.
Bình luận 0
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp: Cải cách hành chính bắt đầu từ con người và cũng vì con người - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, Tổng cục xác định cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp là một trong những khâu đột phá.

Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác cải cách hành chính và một cửa quốc gia mà Tổng cục Lâm nghiệp đã triển khai trong thời gian qua?

- Cải cách hành chính không chỉ là yêu cầu nhiệm vụ, mà đã trở thành hành động đem lại kết quả trên thực tiễn của ngành lâm nghiệp.

Chúng tôi đã tập trung toàn diện vào 6 lĩnh vực cải cách hành chính, trong đó, những lĩnh vực ghi được nhiều dấu ấn là cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hoá nền hành chính.

Đến nay, hệ thống pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp đã cơ bản đầy đủ, tạo hành lang pháp lý quan trọng, đảm bảo sự phát triển lâu bền của ngành. 

Nhiều cơ chế chính sách đang tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình xã hội hóa, quốc tế hóa của ngành.

Thủ tục hành chính được tinh giản sâu. Từ 153 thủ tục hành chính (năm 2015), còn 123 thủ tục hành chính (2017). 

Đến nay chỉ còn 40 thủ tục hành chính (20 ở cấp Trung ương, 16 ở cấp tỉnh và 4 ở cấp huyện), bằng 1/3 so với thời điểm trước khi Luật Lâm nghiệp được ban hành. 

Trong năm 2022, tiếp tục phân cấp ít nhất 4 thủ tục hành chính ở cấp Trung ương cho cấp tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, Tổng cục Lâm nghiệp luôn được xếp trong tốp đầu về kết quả cải cách hành chính.

Lĩnh vực lâm nghiệp cũng đang thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua nhiều kênh khác nhau, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, như: tiếp nhận trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ bưu chính công ích; đặc biệt là việc khuyến khích các doanh nghiệp, người dân thực hiện nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng, như qua Cổng dịch vụ công của Bộ NNPTNT và một cửa quốc gia.

Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng được thực hiện mạnh mẽ với việc ứng dụng chữ ký số và các phần mềm trong xử lý văn bản, cập nhật thông tin số liệu quản lý ngành xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. 

Ứng dụng công nghệ trong cảnh báo, phát hiện sớm lửa rừng cũng như theo dõi diễn biến rừng, nâng cao độ chính xác, minh bạch về thông tin.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp: Cải cách hành chính bắt đầu từ con người và cũng vì con người - Ảnh 2.

Việc đẩy mạnh cải cách hành chính sẽ tạo chuyển biến về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thu hút nguồn lực cho phát triển ngành lâm nghiệp. Trong ảnh: Mô hình trồng rừng gỗ lớn ở Tuyên Quang. Ảnh: CTV.

Việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh đã có những đóng góp như thế nào cho hoạt động của các doanh nghiệp, người dân, thưa ông?

Tổng cục Lâm nghiệp xác định cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp là một trong những khâu đột phá nhằm giải quyết điểm nghẽn, tạo chuyển biến về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thu hút nguồn lực cho phát triển ngành lâm nghiệp. Có thể nhận thấy trên các mặt sau:

Giảm thời gian, giảm hồ sơ, tiết kiệm chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Chẳng hạn ở lĩnh vực CITES, số lượng giấy phép cấp qua hệ thống một cửa quốc gia hiện nay đạt 17,3% (giấy phép điện tử), còn lại là qua bộ phận một cửa của Tổng cục Lâm nghiệp. Điều này mang lại lợi ích và sự hài lòng cao cho tổ chức, cá nhân.

Tăng khả năng tiếp cận và cơ hội lựa chọn loại hình thủ tục hành chính phù hợp với điều kiện của tổ chức, cá nhân. 

Việc thực hiện đồng bộ, đồng thời hệ thống một cửa, cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đã phát huy tác dụng lớn trong việc tạo ra sự hỗ trợ này.

Hỗ trợ khâu giám sát, phản ánh và theo dõi tiến độ về việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan có thẩm quyền, qua đó tạo sự minh bạch, tin tưởng.

Là một đơn vị được đánh giá thực hiện mạnh mẽ công tác cải cách hành chính của Bộ, Tổng cục Lâm nghiệp đã có giải pháp gì, thưa ông?

Là đơn vị thuộc Bộ, Tổng cục Lâm nghiệp luôn xác định tinh thần và thái độ làm việc tận tụy; cán bộ phải tốt, cải cách hành chính mới thành công. cải cách hành chính bắt đầu từ con người và cũng vì con người. 

Chúng tôi đã bám sát các tiêu chí chấm điểm cải cách hành chính, tổ chức chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc, bảo đảm chất lượng và thời gian đối với các nhiệm vụ, kế hoạch công tác cải cách hành chính theo kế hoạch của Bộ và Tổng cục.

Phân công nhiệm vụ cụ thể đến các đơn vị thuộc Tổng cục trong việc thực hiện và theo dõi tiến độ, có giải pháp thúc đẩy hoàn thành đối với từng tiêu chí, tiêu chí thành phần của bộ chỉ số cải cách hành chính.

Đã chuẩn bị cơ bản đầy đủ về cơ sở vật chất và trang thiết bị cho việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. 

Đến nay, hệ thống phần mềm xử lý văn bản điện tử đã cho phép ứng dụng triệt để chữ ký số, tiếp nhận và phát hành văn bản trên phần mềm điện tử; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính cơ bản đáp ứng các yêu cầu.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ ưu tiên giải pháp gì để thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, thưa ông?

Chúng tôi sẽ bám sát Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình cải cách hành chính của Bộ để tổ chức triển khai, thực hiện. 

Cải thiện về thể chế và năng lực cán bộ là trọng tâm. Sự năng động của hệ thống và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp chỉ có được trên nền tảng của thể chế trong sạch vững mạnh, sự chuyên cần và tâm huyết của cán bộ.

Song song đó, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ xây dựng, tích hợp và vận hành "hệ thống phần mềm Lâm nghiệp quốc gia". 

Đây là một hệ thống lớn, tổng thể, toàn diện, gồm nhiều phân hệ như: phân hệ cấp phép cho xuất khẩu gỗ, đồ gỗ; phân hệ cấp giấy phép CITES; phân hệ phân loại doanh nghiệp; phân hệ theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; phân hệ quản trị tổ chức, cán bộ, văn bản; phân hệ khoa học công nghệ; phân hệ về hội nhập và hợp tác quốc tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem