Nữ cán bộ hưu trí tận dụng rác thải làm phân bón trồng rau sạch

Châu Mỹ Thứ hai, ngày 13/06/2022 07:00 AM (GMT+7)
Giữa những ngày nắng nóng đỉnh điểm, ngôi nhà ba tầng của cô Thanh vẫn xanh mát nhờ đủ loại rau xanh phủ kín hai tầng sân thượng và quanh các ban công. Đây đều là thành quả "nuôi trồng tự nhiên" nhờ phương pháp tận dụng rác thải thực vật để ủ phân của nữ cán bộ hưu trí.
Bình luận 0

Trồng rau để thỏa nỗi nhớ quê

Sống một mình cùng người giúp việc tại một căn nhà ba tầng lầu trong khu trung tâm quận 8, TP.HCM, mỗi ngày của cô Thanh, nữ cán bộ hưu trí hơn 70 tuổi thường bắt đầu bằng việc thắp nhang dọn dẹp bàn thờ rồi đi bộ ra khu chợ gần nhà gom rau củ mà thương lái bỏ lại... về làm phân bón. Sau đó cô dành toàn bộ thời gian cho các hoạt động cộng đồng trong vai trò phụ trách hội phụ nữ của khu phố nơi mình sinh sống, hoặc lên chùa gần nhà làm công quả.

Ngôi nhà ba tầng lầu của cô Thanh có hai mặt tiền giáp đường nội bộ lớn trong khu dân cư nên cô dành một phần mặt tiền lầu trệt cho thuê. Từ lan can lầu hai cho đến tầng thượng lầu 3, cô dành toàn bộ để trồng rau, trái. Từ những cây rau thơm nhỏ xinh như húng, ngò thơm, ngò gai đến rau ăn như cải, rau ngót, rau muống, mướp đắng, bầu, bí... tới ổi, lá vối... Khu vườn treo này không chỉ cung cấp rau sạch cho gia đình cô và gia đình ba người con mà còn thành món quà cô dành tặng bạn bè hàng xóm.

Vốn là người Bắc, theo chồng vào Nam công tác, cô Thanh sở hữu vườn rau rộng khi còn sinh sống tại Quy Nhơn. Khi con cái vào TP.HCM học tập và lập nghiệp, cô cùng chồng chuyển vào thành phố để hỗ trợ các con. Ngoài việc tham gia công tác xã hội, người phụ nữ nhiều năng lượng này vẫn đau đáu nhớ mảnh vườn quê, ao ước được xới đất, bón phân, bắt sâu trong một vườn rau xanh mát do chính tay mình tạo dựng.

Nữ cán bộ hưu trí tận dụng rác thải làm phân bón trồng rau sạch - Ảnh 1.

Vườn rau sạch nhà cô Thanh. Ảnh: Châu Mỹ

Nghĩ là làm, ban đầu cô gom góp xin bạn bè thùng xốp và mua đất, xin giống gửi từ miền Bắc vào để trồng rau.

"Hồi mới bắt đầu, cô mua thùng xốp rồi đi xin, gom góp của bạn bè, nhưng cảm thấy chưa thực sự thỏa mãn, lúc đó, cô nhớ, chừng được 20 - 30 thùng. Ban đầu, cô trồng trên sân thượng, sau thấy thời gian rảnh nhiều, cô cứ nhân dần lên, bất cứ chỗ nào có không gian trống, từ lan can, hành lang tới sân thượng, cô đều tận dụng để trồng", cô Thanh chia sẻ.

Vốn là cán bộ ngành nông nghiệp, cô Thanh không xa lạ gì với các biện pháp trồng rau sạch an toàn. Ban đầu, cô nối dây và vòi nước từ phòng tắm lầu 2 ra khu vực sân thượng cùng tầng, thậm chí kéo cả dây lên sân thượng lầu trên cùng để tưới rau. Sau nhiều lần quan sát, thấy mẹ đi lại vất vả, nguy hiểm và cách làm này không hiệu quả, lại gây ướt, bẩn và trơn trượt sàn nhà, con trai nuôi cô Thanh - vốn là một giảng viên Kỹ thuật bậc Đại học, bèn thiết kế cho mẹ hệ thống tưới tự động tại lầu 2 và lầu 3.

"Còn những rau, trái, cây cỏ ở hành lang, hay lan can quanh nhà, để mẹ tôi tưới thủ công, đi lại vận động cho giãn gân cốt. Chứ leo lên leo xuống cầu thang ngoài trời để lên tầng trên cùng, tôi thấy nguy hiểm vô cùng", con dâu cô Thanh cho biết.

Nữ cán bộ hưu trí tận dụng rác thải làm phân bón trồng rau sạch - Ảnh 2.

Vườn rau sạch tại tầng 2 và tầng 3 căn nhà, nhìn từ trên cao. Ảnh: Châu Mỹ

Theo đuổi phương pháp trồng rau sạch, ban đầu cô Thanh dành phần lớn thời gian buổi tối khuya và sáng sớm, lọ mọ mang đèn pin lên hai vườn rau trên sân thượng, tự tay bắt từng con sâu. Sau cùng, cô giã tỏi, gừng chắt lấy nước, hòa vào nước pha loãng để phun lên lá cây, còn phần bã thì trộn lẫn với phần đất dưới gốc...nhằm hạn chế tối đa sâu bọ.

Thấm thoắt, qua hơn 5 năm, từ 20 thùng xốp ban đầu, hiện cô Thanh sở hữu một "vườn treo" xanh mát phủ kín ba tầng lầu. Quá trình ủ phân, bón phân hữu cơ cho vườn rau của cô Thanh đã truyền cảm hứng cho phụ nữ trong khu phố học theo.

Tận dụng rác thải động thực vật làm phân bón cho rau

Ban đầu, cô Thanh chỉ tận dụng gốc rau, vỏ trái cây... những rác thải thực vật trong nhà, băm nhỏ, rồi cho vào thùng xốp, ủ tầm hai tháng để có được một mẻ phân hữu cơ bón cho vườn rau.

"Sau đó, tôi đi chợ và thấy họ vất những bịch rau hư, vỏ trái cây đã gọt, ruột cá, đầu cá... đầy chợ. Tôi vừa thấy xót xa vừa thấy lãng phí. Mỗi chiếc túi nilon có khi vài chục năm sau cũng chưa phân hủy được, rau hư thì ruồi, muỗi, dĩn bay đậu đầy trên đó, nhất là dịp cuối tuần, khi các chị vệ sinh môi trường chưa kịp dọn. Tôi bèn nhặt cả về, giặt sạch túi nilon, phơi lên rồi dùng lại. Rau hư, vỏ trái cây, vỏ trứng, đầu cá, ruột cá họ vất đi... tôi rửa sạch, thái nhỏ, tãi ra phơi khô rồi mới ủ phân. Các làm này rút ngắn được thời gian hai tháng như trước kia thành có một tháng như bây giờ", cô Thanh cho biết.

Nữ cán bộ hưu trí tận dụng rác thải làm phân bón trồng rau sạch - Ảnh 4.

Cô Thanh và cháu nội đang thái rau hư, rau nát nhặt từ chợ về. Phía trên dây phơi là các bịch nilon cô đã giặt sạch để tái sử dụng. Ảnh: Châu Mỹ

Trong hơn 5 năm trồng rau, cô không nhớ mình đã "tiêu thụ" bao nhiêu bịch rác thải động, thực vật ở khu chợ gần nhà. Thi thoảng, dịp cuối tuần, các cháu nội, ngoại tới chơi cũng theo cô ra chợ xin rau thừa và vỏ trái cây, rồi về phụ bà thái, phơi, ủ... Tỉ mẩn dạy các cháu giặt lại bao nilon, thái rau làm phân, cô Thanh nhận được trái ngọt, không chỉ là vườn rau sạch ba tầng ăn quanh năm không hết mà còn được cháu gái học làm theo. Cô bé lớp 5 từng tự làm một video bằng tiếng Anh dự thi, lấy chủ đề "cách làm phân hữu cơ từ rác thải thực vật" của bà nội - làm đề tài thảo luận với bạn bè quốc tế.

Các con cô Thanh, ban đầu ủng hộ cha mẹ trồng rau nhưng khi cô mở rộng diện tích, họ đều không vui vì thấy mẹ vất vả. Sau, nhận thấy giá trị tinh thần mà công việc này mang lại cho mẹ và cho cộng đồng, các con cô tạm yên tâm để mẹ theo đuổi đam mê.

Nữ cán bộ hưu trí tận dụng rác thải làm phân bón trồng rau sạch - Ảnh 5.

Cô Thanh cắt rau cải canh, chuẩn bị nấu món người chồng quá cố yêu thích để thắp hương cho ông.

"Bố mẹ mình khi còn ở Quy Nhơn, có một mảnh vườn nhỏ, vừa trồng rau, vừa nuôi heo, gà... tăng gia sản xuất nuôi ba chị em mình ăn học. Khi vào TP.HCM, ông bà vẫn muốn giữ nếp cũ nên tụi mình cũng chiều để ông bà khuây khỏa. Nhưng khi bà nhân rộng vườn rau lên thì mình cũng khá lo, may có anh con nuôi bà làm giúp cho hệ thống tưới tự động. Sau khi ông mất, nhận thấy việc bà làm có nhiều ý nghĩa, anh chị em mình cũng hạnh phúc, yên tâm khi không ở gần bà", anh Định, con trai út cô Thanh cho biết.

Thấy cách làm của cô Thanh vừa góp phần bảo vệ môi trường, làm sạch khu phố, vừa tiết kiệm, bà con hàng xóm lân cận và cả các phường khác đều học theo. Tới nay, cô Thanh bận rộn hơn khi vừa đi chùa, vừa làm công tác hội, vừa hỗ trợ các hội viên phụ nữ trong khu phố phát triển vườn rau giống như mình.

"Cô Thanh sống tích cực, suy nghĩ tích cực, luôn có những sáng kiến bất ngờ mà lớp trẻ chúng tôi học theo trong sự kính nể. Vườn rau của cô là một ví dụ, nhờ cô truyền cảm hứng mà ở khu phố, giờ có rất nhiều cụ hưu trí tìm được niềm vui, niềm đam mê tuổi già", chị Xuân - cán bộ Hội phụ nữ quận 8, TP.HCM - cho biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem