Nông dân Bình Định khốn đốn nhìn lúa ngã rạp đồng do mưa lớn bất thường

Thăng Bình Thứ sáu, ngày 26/08/2022 12:50 PM (GMT+7)
Thời gian qua, ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, tiếp đến mưa lớn, nhiều diện tích lúa hè thu ở Bình Định ngã rạp đồng, khiến nông dân lâm cảnh lao đao. Thời tiết năm nay tại địa phương này diễn biến bất thường hiếm thấy.
Bình luận 0

Lúa ngã rạp đồng sau một đêm

Những ngày qua, trên địa bàn thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định trời bất ngờ đổ mưa dữ dội. 

Chỉ sau 1 đêm, nông dân ra đồng ngậm ngùi nhìn ruộng lúa đã chín đỏ, bông lúa nặng trĩu hạt, thậm chí cả những thửa ruộng lúa mới chín tới nằm ngã nằm rạp trên mặt ruộng.

Tại cánh đồng sản xuất lúa giống của HTX Nông nghiệp Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định), nhiều diện tích lúa vừa chín bị ngã đổ đã được nông dân thu hoạch thủ công, lúa vừa gặt xong còn trải trên mặt ruộng, trên bờ ruộng để phơi nắng. Lúa đổ ngã liên hoàn nhiều thửa ruộng gần nhau trên cánh đồng sản xuất lúa giống dự báo nông dân lại có thêm 1 vụ mùa thất thu. 

Nông dân Bình Định khốn đốn nhìn lúa ngã rạp đồng do mưa lớn bất thường  - Ảnh 1.

Vụ đông xuân 2021 - 2022 vừa qua, mưa lớn bất thường xảy ra vào cuối vụ đã nhấn chìm hàng chục ngàn ha lúa đã chín chưa kịp thu hoạch của Bình Định. Ảnh: TB.

Ông Trần Tăng Long - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hưng cho biết: "May là vụ hè thu này HTX chúng tôi chỉ sản xuất có 25ha lúa giống. Mưa lớn ròng rã suốt 1 tiếng đồng hồ vào chiều 14/8 đã khiến nhiều diện tích bị ngã đổ".

Việc sản xuất vụ hè thu năm nay tại tỉnh Bình Định gặp nhiều thuận lợi, nhất là lượng nước trong các hồ chứa rất dồi dào, đảm bảo cấp đủ nước cho sản xuất, nhất là trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. 

Đặc biệt, phù hợp với định hướng của ngành nông nghiệp Bình Định là tập trung sản xuất tối đa các diện tích có thể, nhằm bù đắp phần thiệt hại do thời tiết trong vụ đông xuân vừa qua.

Tuy nhiên, những cơn mưa vào cuối vụ hè thu đã khiến các địa phương hiện đang tập trung thu hoạch lúa nhằm tránh thiệt hại. 

Nông dân Bình Định khốn đốn nhìn lúa ngã rạp đồng do mưa lớn bất thường  - Ảnh 2.

Lúa ngã rạp đồng sau khi mưa lớn, khiến nông dân tại tỉnh Bình Định lâm cảnh khốn đốn. Ảnh: TB.

Theo ông Phạm Quang Ân - Phó Trưởng phòng Phòng NNPTNT huyện Tuy Phước, do ảnh hưởng của đợt mưa tuần qua một số diện tích lúa bị ngã đổ, trong đó có nhiều chân ruộng lúa còn xanh. 

Ngành chức năng huyện Tuy Phước kiểm tra tình hình lúa, dự báo khí tượng thủy văn để thông tin đầy đủ, kịp thời cho bà con khẩn trương thu hoạch. Với những chân ruộng ngã đổ hoặc có nguy cơ ngã đổ phải chằng chống để kéo giảm thiệt hại.

Ông Kiều Văn Cang - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định cho biết, những đợt mưa lớn trong thời gian qua đã làm lúa ngã đổ 1 ít diện tích tại huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, nhưng nhờ lúa không bị ngập nên nông dân có thể gặt thủ công để cứu năng suất. 

"Để đảm bảo thu hoạch lúa vụ hè thu đúng tiến độ, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định cử cán bộ bám đồng, nắm tình hình để kịp thời hỗ trợ người dân. Đồng thời, chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân theo dõi dự báo thời tiết để chủ động các phương án cứu lúa; huy động tối đa phương tiện, máy móc, nhân lực tập trung thu hoạch lúa vụ hè thu để chuẩn bị  xuống giống vụ mùa phù hợp với từng địa phương", ông Cang nói.

Chủ động dịch chuyển thời vụ để tránh rủi ro

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Định, những năm gần đây thời tiết trên địa bàn tỉnh này ngày càng diễn biến bất thường. Để các mùa vụ trong năm không bị thiên tai gây thiệt hại, ngành nông nghiệp Bình Định đã liên tục dịch chuyển khung thời vụ để "né" rủi ro.

Nông dân Bình Định khốn đốn nhìn lúa ngã rạp đồng do mưa lớn bất thường  - Ảnh 3.

Đám lúa còn xanh, nông dân chưa kịp thu hoạch cũng bị đổ ngã. Ảnh: TB.

Theo đó, tỉnh Bình Định luôn có khung lịch thời vụ gieo sạ trước các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam từ 7-10 ngày. Đối với vụ đông xuân, trước đây, Bình Định lên lịch gieo sạ bắt đầu từ ngày 10/12 hàng năm. 

Sau đó, lịch gieo sạ vụ đông xuân ở Bình Định dịch chuyển sớm hơn, bắt đầu xuống giống từ ngày 5/12 đến ngày 15/12, sau đó lại dịch chuyển muộn hơn, từ ngày 10/12 đến ngày 25/12. 

Trong vụ đông xuân, khung thời vụ được ngành chức năng Bình Định dịch chuyển tùy theo tình hình thời tiết, trời có mưa hay không mưa. Chân ruộng sản xuất 3 vụ/năm thường được gieo sạ sớm, từ ngày 15/11 đến đầu tháng 12 hàng năm. Chân ruộng sản xuất 2 vụ/năm được ngành chức năng cho khung thời vụ khá dài, gieo sạ từ ngày 5/12 đến ngày 25/12. 

Khung lịch thời vụ gieo sạ vụ đông xuân hàng năm ở Bình Định được bố trí để tránh bị lũ làm trôi mất giống vào đầu vụ và đến lúc lúa trổ, cây lúa không gặp lạnh.

Vụ thu ở Bình Định chủ yếu được gieo sạ vào đầu tháng 5. Trước đây, vụ thu ở đây được gieo sạ từ ngày 10/5 đến ngày 15/5, nhưng năm nay phải làm sớm, từ ngày 1/5 đã gieo sạ để tránh mưa lũ vào cuối vụ, bởi thời tiết ngày càng diễn biến bất thường. Thậm chí có năm nếu nguồn nước trong các hồ chứa dồi dào thì gieo sạ càng sớm càng tốt.  

Nông dân Bình Định khốn đốn nhìn lúa ngã rạp đồng do mưa lớn bất thường  - Ảnh 4.

Nông dân tỉnh Bình Định ra đồng thu hoạch lúa. Ảnh: TB.

Đối với vụ hè hàng năm, tỉnh Bình Định chủ trương lúa đông xuân thu hoạch đến đâu là gieo sạ vụ hè đến đó, để tận dụng nước tưới cho lúa trong vụ đông xuân còn ướt trên nền ruộng nhằm tiết kiệm nước trong mùa khô.

"Quan trọng nhất trong vụ thu là làm sao để khi lúa trỗ không gặp nắng nóng và cuối vụ không gặp mưa lũ bất thường. Bình Định đã tính toán kỹ là vậy mà vụ đông xuân 2021-2022 mưa lũ bất thường đã gây hại hàng chục ngàn ha lúa sắp chín, cuối vụ hè thu năm 2022 vừa qua cũng bị mưa bất thường xảy ra làm ngã đổ 1 số diện tích đã chín. Chưa có năm nào thời tiết bất thường như năm nay, đã cuối vụ hè thu mà nước trong các hồ chứa vẫn còn đầy", lãnh đạo Sở NNPTNT Bình Định cho hay.

Diễn biến bất thường hiếm có

Theo ông Lương Ngọc Lũy - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Bình Định, thời tiết trong mấy năm gần đây có diễn biến bất thường nhất từ năm 1976 đến nay. 

Trong năm 2022, từ tháng 1 đến tháng 7, thời tiết ở Bình Định chịu ảnh hưởng rìa phía Nam áp cao lạnh lục địa và đới gió Đông Bắc hoạt động từ trung bình đến mạnh; từ giữa tháng 4 Bình Định chịu ảnh hưởng rìa phía Nam rãnh áp thấp, rìa Đông Nam áp thấp nóng phía Tây và gió mùa Tây Nam hoạt động. Trên cao là rìa Tây Nam hoàn lưu áp cao cận nhiệt đới nên trên địa bàn Bình Định xảy ra 5 đợt mưa lớn diện rộng.

Nông dân Bình Định khốn đốn nhìn lúa ngã rạp đồng do mưa lớn bất thường  - Ảnh 5.

Nông dân ngày càng đối mặt với rủi ro do thời tiết, khí hậu ngày càng dị thường. Ảnh: TB.

Tổng lượng mưa 7 tháng đầu năm 2022 phổ biến từ 597mm-1002mm, cao hơn trung bình nhiều năm so cùng kỳ là từ 220mm-344mm, đạt 133%-182% lượng mưa trung bình nhiều năm so cùng kỳ. Tổng số ngày mưa từ 67-98 ngày. 

Đặc biệt, tại Bình Định nắng nóng xuất hiện từ giữa tháng 5/2022. Tổng số ngày nắng nóng trong 7 tháng đầu năm 2022 tại TP.Quy Nhơn có 15 ngày, thị xã An Nhơn 33 ngày, thị xã Hoài Nhơn 26 ngày.

Nông dân Bình Định khốn đốn nhìn lúa ngã rạp đồng do mưa lớn bất thường  - Ảnh 6.

Xót xa nhìn lúa đổ ngã giữa cánh đồng ở Bình Định. Ảnh: TB.

Theo nhận định của ông Lương Ngọc Lũy - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Bình Định, trong 2 năm vừa qua, trong mùa nắng nóng, tại thị xã Hoài Nhơn xảy ra 2 đợt nắng nóng, có nhiệt độ cao nhất đạt giá trị lịch sử tính từ năm 1976 đến nay.

"Trong năm 2021, trên địa bàn Bình Định nắng nóng xảy ra rất gay gắt, năm 2022 thì lại ít nắng nóng, trời hay mưa, nhiệt độ thấp. Năm 2022, do ảnh hưởng La Lina trong mùa nắng nóng mà trên địa bàn Bình Định có lượng mưa nhiều, nắng nóng ít, nhiệt độ thấp hơn trung bình nhiều năm. Điều này chứng tỏ do ảnh hưởng biến đổi khí hậu mà diễn biến của thời tiết ngày càng bất thường, đây là thách thức lớn cho sản xuất nông nghiệp", ông Lương Ngọc Lũy nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem