Những xóm du cư mùa nước nổi: Bắt 7 ký cá lóc, mất lọp liên tục

Thứ tư, ngày 31/10/2018 06:30 AM (GMT+7)
Có lẽ không còn bình dị được hơn nữa đối với cuộc sống của những người dân xóm lọp cá lóc Vàm Cỏ Tây (huyện Mộc Hóa, Long An). Họ sống quây quần cùng nhau. Năm, bảy gia đình từ nơi khác chuyển đến cất lên những căn nhà, lều, ghe nhỏ xíu tạm bợ cạnh nhánh sông. Điều kiện sống thiếu thốn bởi phải xài nước sông, đèn dầu. Do vậy, trẻ con nơi đây phần lớn là thất học.
Bình luận 0

XÓM LỌP VÀM CỎ TÂY

Vợ chồng ngồi trong chiếc trại tạm bợ, ông Lương Văn Be (62 tuổi) cho biết: Vợ chồng quê ở xã Phú Xuân (huyện Phú Tân, An Giang). Do gia đình không đất vườn và là hộ nghèo nên cách nay 15 năm, cứ mùa nước nổi là lên vùng Mộc Hóa, tỉnh An Giang để đặt lọp cá lóc.

Mùa nước năm nay, vợ chồng vay 10 triệu đồng và bỏ công làm được 300 cái lọp, rồi thuê ghe chở luôn chiếc vỏ lãi lên nhà ông Tám Chiến (xã Bình Phong Thạnh) định cư. Để hạn chế chi phí ông cùng 5 người khác hùn lại thuê ghe kéo đi.

img

Một góc xóm lọp cá lóc Vàm Cỏ Tây.

“Vợ chồng lớn tuổi rồi làm gì cũng không ai mướn nên phải đeo theo cái nghề này kiếm cơm. Đặt tuy có cực mà được cái tự do, muốn nghỉ là nghỉ. Dù vậy sống ở xứ người buồn lắm vì 6 – 7 tháng mới về quê.

Địa điểm đặt là những cánh đồng tràm, mỗi ngày cũng kiếm được 3 – 5kg cá lóc (70 ngàn đồng/kg). Thế nhưng mất 2 – 3 cái lọp coi như ngày đó làm không công. Nghề hạ bạc này thấy vậy chứ ăn trước trả sau, xong vụ về trả nợ và hết nợ lại tiếp tục vay để ăn”.

img

Người dân đổ lọp dọc theo cánh rừng tràm.

Sống trong chiếc trại chưa đầy chục mét vuông được cất tạm bợ nên thường xuyên bị “Quận Gió” đánh thức. Bà Dương Thị Bé (vợ ông Be) kể: “Cách nay 1 tuần, trận dông lốc làm căn lều bị tốc mái, đồ đạc ướt sạch phải đi mua bạt về căng lại. Những lần như vậy vợ chồng thức trắng mấy hôm”.

Cách trại ông Be vài bước chân là chiếc trẹt của gia đình anh Dương Văn Lai. Anh này cho biết: “Mọi năm tháng này giàn lọp 120 cái sẽ bắt được từ 18 – 20kg cá lóc. Tuy nhiên năm nay có nước không có cá, giàn lọp chỉ đổ được 6 – 7kg. Việc lượng cá hạn chế do nạn xúc ròng ròng (cá lóc con). Mỗi người đi xúc được cả chục ký/ngày.

img

Anh Lai với chiến lợi phẩm của mình.

Ngoài việc thất thu nguồn cá còn bị mất lọp, nếu có phát hiện cũng không dám nói. Mỗi lần mất chúng tôi tự ai ủi: “Mất nữa đi cho khỏe bản thân tao”, bởi nếu chửi thề đến mỏi miệng cũng không hết”. Theo lời anh Lai, dân ở vùng Đồng Tháp Mười rất ít người biết làm lọp, đặt cá lóc dẫn đến tình trạng mất ngư cụ diễn ra thường xuyên. Việc gia đình chọn sống trong chiếc trẹt bởi có thể di chuyển đi nơi khác.

Qua tìm anh Lai uống nước trà, anh Lê Văn Trung hài hước: “Ngày nào không đi đồng là không mất lọp, còn đi là ít 2 cái, nhiều là 7 cái. Đầu vụ làm được 400 cái nhưng đến nay chỉ còn lại 300 cái”.

img

Nhiều đứa trẻ xóm du cư nghỉ học từ rất sớm.

Trước đây, anh Trung sống bằng nghề làm ruộng nhưng từ ngày lập gia đình đã học cha vợ làm nghề lọp cá lóc. Cứ 4 giờ sáng là vợ chồng anh thức dậy nấu cơm, chuẩn bị đồ nghề rồi sang những cánh đồng tràm để đặt lọp. Do chịu khó đi đồng xa và học hỏi nên lượng cá bắt được cũng nhiều hơn so với những hộ khác.

“Sống xứ người buồn lắm vì không đi đâu được cả, còn ở quê chiều anh em còn quây quần lại trò chuyện, uống trà… Do vậy chưa được 8 giờ tối là đã vô mùng đi ngủ hết”.

Theo nhiều người dân xóm lọp, do việc sống xa xứ, hoàn cảnh khó khăn nên con cái của họ đa phần là không biết chữ hoặc học chưa hết cấp 1. Lớn lên, những đứa trẻ này tiếp tục cái nghề và cứ nối tiếp 2, 3 thế hệ và lại sống quanh quẩn trong những căn lều tạm bợ!

Hết.

Nguyễn Nhân (Báo Công an TP HCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem