“Nhặt sạn” du lịch ở di sản thế giới Cao nguyên đá Đồng Văn

Văn Hoàng Thứ năm, ngày 12/10/2023 09:35 AM (GMT+7)
Du lịch Hà Giang đang có bước tiến vượt bậc, đặc biệt là hoạt động du lịch ở Cao nguyên đá Đồng Văn. Nhưng có những “hạt sạn” cần sớm được nhặt để Cao nguyên đá Đồng Văn xứng đáng hơn với những gì du khách thế giới và trong nước kỳ vọng.
Bình luận 0

LTS: Không phủ nhận những tiềm năng, thế mạnh của hoạt động du lịch ở Di sản Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn mang lại cho tỉnh Hà Giang. Năm 2023 dự kiến tỉnh Hà Giang thu hút khoảng 3 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt hơn 5 nghìn tỉ đồng, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Hà Giang được công nhận là điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023; top 10 điểm đến tuyệt vời nhất Việt Nam năm 2023 do Tổ chức Giải thưởng du lịch Thế giới và các tờ báo, tạp chí hàng đầu thế giới đã bình chọn.

Nhưng sự phát triển nóng cũng làm phát sinh những "hạt sạn" trong hoạt động du lịch tại khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn. 

Phát triển "nóng", phát sinh hệ lụy (Bài 1)

Doanh thu du lịch của Hà Giang tăng hơn 7 lần chỉ sau 12 năm (2010 - 2023), đây là điều đáng mừng. Nhưng sự phát triển nóng của ngành du lịch Hà Giang cũng làm phát sinh những hệ lụy được ví như "hạt sạn trong bát cơm ngon" cần được nhặt gấp.

Du lịch Hà Giang phát triển "nóng"

Trao đổi với Dân Việt, lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết, thời gian qua ngành du lịch tỉnh Hà Giang đã có những khởi sắc và đạt nhiều thành tựu được cả thế giới công nhận. 

“Nhặt sạn” du lịch trên di sản thế giới ở Cao nguyên đá Đồng Văn - Ảnh 1.

Một góc nhỏ Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Văn Hoàng

Năm 2010 Cao nguyên đá chỉ đón 300.000 lượt khách, nhưng đến năm 2022 Hà Giang đón 2.268.000 lượt khách du lịch, gấp hơn 7 lần so với năm 2010. Doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 4.536 tỷ đồng.

Trong 9 tháng năm 2023, địa phương này đã đón 2.158.400 lượt du khách. Trong đó 218.080 lượt khách quốc tế (bao gồm khách mang hộ chiếu và giấy thông hành) khách nội địa là 1.940.320 lượt người; (tăng 35 % so với cùng kỳ năm 2022, đạt 86% kế hoạch năm), tổng thu từ du lịch ước đạt 5.072 tỷ đồng, tăng 58,6% so với cùng kỳ.

Năm 2022 Hà Giang vinh dự được đứng thứ 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới do Tạp chí New York Times (Mỹ) bình chọn. Tờ báo chuyên du lịch Canada The Trave bình chọn Hà Giang là một trong 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam.

“Nhặt sạn” du lịch trên di sản thế giới ở Cao nguyên đá Đồng Văn - Ảnh 2.

Cột KM0 tại thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang là một trong những điểm chụp ảnh được nhiều du khách yêu thích. Ảnh: Văn Hoàng

Đặc biệt, tại Lễ trao giải thưởng World Travel Awards 2023 (WTA) diễn ra đầu tháng 9/2023 vừa qua, Hà Giang đã được vinh danh là "Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á" năm 2023. Giải thưởng được biết đến như "giải Oscar của ngành du lịch thế giới".

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở VHTT&DL Hà Giang đã kiểm tra 89 cơ sở và 02 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn. Trong đó nhắc nhở 19 cơ sở, xử phạt 35 cơ sở và 02 cá nhân, thu nộp ngân sách nhà nước 104.250.000 đồng.

Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang phụ trách mảng du lịch nhấn mạnh: "Với những thành tích đã đạt được, là động lực để tỉnh Hà Giang tiếp tục tăng cường các giải pháp thực hiện đồng bộ, nâng tầm, khẳng định vị trí của địa phương trên bản đồ du lịch khu vực và quốc tế trong thời gian tới".

Nhưng sự phát triển nóng của ngành du lịch Hà Giang cũng làm phát sinh những hệ lụy được ví như "hạt sạn trong bát cơm ngon" cần được nhặt gấp. 

Trao đổi với PV Dân Việt, một thành viên của Hiệp hội Du lịch Hà Giang nhận xét: "Du lịch Hà Giang đang có xu hướng đi xuống về chất lượng dịch vụ". 

Ngay lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang cũng nhận định, ngành du lịch Hà Giang còn "nhiều vấn đề bất cập, nhiều vấn đề đặt ra cho sự phát triển bền vững". 

PV Báo Điện tử Dân Việt đã mục sở thị những vấn đề bất cập của hoạt động du lịch tại Cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang, phần nhiều là do hoạt động phát triển du lịch tự phát, mạnh ai nấy làm, nguy cơ phá vỡ không gian du lịch có một không hai của di sản thế giới này.

“Nhặt sạn” du lịch trên di sản thế giới ở Cao nguyên đá Đồng Văn - Ảnh 3.

Ngành du lịch phát triển mạnh ở Hà Giang những năm gần đây đã tạo nguồn thu mỗi năm nhiều ngàn tỷ đồng cho tỉnh. Ảnh chụp góc thành phố Hà Giang nhìn từ trên cao tháng 9/2023: Văn Hoàng

Đơn vị tổ chức du lịch tranh chấp lợi ích, du khách chịu thiệt

Giữa tháng 9/2023, nhóm PV Dân Việt lên cao nguyên đá Đồng Văn đúng lúc đơn vị vận chuyển khách tham quan hẻm Tu Sản - sông Nho Quế thông báo ngừng nhận khách du lịch đi thuyền trên sông Nho Quế. 

Cụ thể, tối 15/9/2023 HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Du lịch Tu Sản, đơn vị vận hành 51 thuyền chở khách du lịch trên sông Nho Quế bất ngờ có văn bản tạm dừng vận chuyển du khách. 

Nguyên nhân là do hợp đồng giữa HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Du lịch Tu Sản và Công ty Cổ phần thủy điện Nho Quế 1 hết hạn. Hai bên không tái ký bởi sự "ăn chia" chưa rõ ràng. Điều này xuất phát từ việc, mặt nước hồ Thủy điện và quyền bán vé giao cho Công ty thủy điện, trong khi đơn vị vận hành thuyền lại là HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Du lịch Tu Sản.

Ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Dân Việt, sự việc tạm ngừng vận chuyển khách thăm quan hẻm Tu Sản trong vòng một tuần, đã khiến hàng nghìn khách du lịch trong nước và quốc tế đến Hà Giang đành ngậm ngùi, tiếc nuối đứng ngắm sông Nho Quế và hẻm Tu Sản từ xa rồi rời Hà Giang mà không hẹn ngày trở lại.

Đến khi UBND huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) ban hành công văn yêu cầu HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Du lịch Tu Sản và Công ty Cổ phần thủy điện Nho Quế 1 thống nhất tiếp tục đưa hoạt động vận chuyển khách trong phạm vi lòng hồ thủy điện Nho Quế, hoạt động du lịch trên sông Nho Quế phục vụ du khách mới được nối lại vào ngày 21/9.

Một tuần ngừng hoạt động du lịch trên sông Nho Quế ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm của du khách đến Cao nguyên đá Đồng Văn, cũng như hình ảnh của ngành du lịch Hà Giang. 

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra mâu thuẫn giữa hai đơn vị kể trên. Tháng 2/2022, 47 hộ dân sinh sống và hoạt động kinh doanh dịch vụ tàu, thuyền chở khách trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 cũng đã tự ý dừng hoạt động.

“Nhặt sạn” du lịch trên di sản thế giới ở Cao nguyên đá Đồng Văn - Ảnh 4.

Thuyền chở khách du lịch trên sông Nho Quế dừng hoạt động vào giữa tháng 9 do chưa có sự thống nhất giữa các bên quản lý, vận hành. Ảnh chụp ngày 19/9/2023: Văn Hoàng

Bát nháo hoạt động du lịch tự phát ở Cao nguyên đá Đồng Văn

Cơ quan quản lý du lịch ở Hà Giang cũng đã ghi nhận, có nhiều đơn vị, cá nhân lách luật để tổ chức tour vận chuyển du khách trong nước, khách quốc tế…, dẫn đến chất lượng dịch vụ chưa tốt, chương trình chụp giật không có chiến lược lâu dài, không bài bản. 

Thậm chí, đã có những vụ tai nạn đã xảy ra do tổ chức tour du lịch không phép, thiếu an toàn, làm ảnh hưởng lớn đến các đơn vị lữ hành được cấp phép.

“Nhặt sạn” du lịch trên di sản thế giới ở Cao nguyên đá Đồng Văn - Ảnh 5.

Nhiều du khách đã tham gia vào các tour du lịch được tổ chức chui dẫn đến chất lượng phục vụ cũng như quyền lợi du khách chưa được đảm bảo. Ảnh: Văn Hoàng

Thậm chí, có người được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch cũng vi phạm. Cụ thể, ngày 6/4/2023 Chánh Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Hoàng Mạnh Cường là hướng dẫn viên du lịch số tiền 16,5 triệu đồng với hành vi hướng dẫn du lịch có thái độ thiếu văn minh đối với khách và hướng dẫn du lịch không đúng phạm vi hành nghề.

Một lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Hà Giang đánh giá: "Chất lượng du lịch Hà Giang đi xuống là vì các tour du lịch chui tổ chức không bài bản. Khi có khách sẽ đẩy giá thấp, khiến chất lượng dịch vụ phòng ngủ, ăn, uống bị giảm xuống theo. Bên cạnh đó, hướng dẫn viên du lịch chưa am hiểu, chưa nắm rõ kiến thức về văn hóa, dân tộc, lịch sử Hà Giang giới thiệu cho du khách chưa đúng".

Tháng 9/2020, Báo điện tử Dân Việt phản ánh về tòa nhà Panorama xây dựng trái phép trên đèo Mã Pí Lèng. Loạt bài phản ánh của báo Dân Việt đã được dư luận đồng tình cũng các chuyên gia lên tiếng, các cơ quan quản lý vào cuộc. Sau một thời gian kiểm tra, cơ quan chức năng địa phương tiếp tục để công trình tồn tại.

Còn ông Hoàng Văn Hoàn, Giám đốc Công ty Truyền thông và Dịch vụ Du lịch Gió Hà Giang bức xúc: "Chúng tôi phải bỏ ra nhiều công sức để xây dựng chương trình, đầu tư văn phòng, trang thiết bị từ áo, mũ, những vật dụng cần thiết nhất cho một chương trình tour du lịch, chúng tôi đóng thuế, tuyển nhân viên, tuyển SEO,… tốn rất nhiều tiền để làm. Còn đơn vị bán tour chui người ta không cần giấy phép, nhưng sử dụng mạng xã hội tư vấn khách như thường, thành ra chúng tôi mất nhiều khách".

Đó là những "hạt sạn" về phần mềm - ở mảng cung cấp dịch vụ cho du khách. Tiếp tục tìm hiểu, PV Dân Việt ghi nhận các hoạt động xây dựng cơ sở lưu trú không đúng quy hoạch, xây dựng trái phép giữa lòng di sản, ngang nhiên một cách đáng báo động.

Đón đọc Bài 2: Những công trình phục vụ du lịch vi phạm giữa lòng di sản

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem