Đường lậu ảnh hưởng đến 100.000 nông dân, Hiệp hội Mía đường Việt Nam gửi đơn cầu cứu khẩn cấp

Bình Minh Chủ nhật, ngày 31/07/2022 18:11 PM (GMT+7)
100.000 nông dân bị ảnh hưởng, 3.300 lao động mất việc, 16/41 nhà máy đường phải đóng cửa... Đó là những tác động do tình trạng nhập khẩu đường lậu theo một nhận định bằng văn bản của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA).
Bình luận 0

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) vừa có đơn cầu cứu khẩn cấp do ông Cao Anh Đương- Chủ tịch VSSA ký gửi đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tình trạng đường nhập lậu hoành hành trở lại từ đầu năm 2022 đến nay khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

100.000 nông dân bị ảnh hưởng phải chuyển nghề, hàng loạt nhà máy đóng cửa

Theo VSSA, đường nhập lậu khiến cho đường sản xuất trong nước khó tiêu thụ, lượng tồn kho, chi phí tài chính tăng đến mức doanh nghiệp phải bán dưới giá thành. Cho đến nay, vụ mía đã kết thúc nhưng rất nhiều nhà máy đang tồn kho đường không thể bán được và còn đang thiếu nợ tiền mía nguyên liệu của nông dân.

Điều này khiến cho vụ sản xuất 2021-2022, chỉ có 25/41 nhà máy đường hoạt động, 16 nhà máy đã buộc phải đóng cửa. Trong 25 nhà máy còn hoạt động, 17 nhà máy bị thua lỗ (chiếm gần 70%). Điều này khiến cho khoảng 3.300 người lao động đã bị mất việc làm và khoảng 100.000 hộ nông dân trồng mía phải chuyển sang cây trồng khác.

Về nguồn gốc và quy mô đường nhập lậu, VSSA cho biết, đến nay đã có thể khẳng định đường nhập lậu vào Việt Nam có nguồn gốc từ Thái Lan. Do bán phá giá và trợ cấp nên có giá rẻ (đã được Bộ Công Thương Việt Nam xác định và đánh thuế bổ sung đối với đường nhập khẩu chính ngạch là 47,64%– PV) được các trùm buôn lậu đưa từ Thái Lan sang Campuchia và Lào. Sau đó, đường lậu tiếp tục được đưa đến khu vực biên giới với Việt Nam và phối hợp với các đầu nậu buôn lậu Việt Nam để thâm nhập vào thị trường trong nước.

Đường lậu ảnh hưởng đến 100.000 nông dân, Hiệp hội Mía đường Việt Nam gửi đơn cầu cứu khẩn cấp - Ảnh 1.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, từ tháng 12/2021 đến nay, các hoạt động mua bán đường nhập lậu tăng đột biến tại các khu vực biên giới Tây Nam.

Từ tháng 12/2021 đến nay, các hoạt động mua bán đường nhập lậu tăng đột biến tại các khu vực biên giới Tây Nam khi biên giới được nới lỏng sau khi Covid-19 được kiểm soát.

Tại các thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các thành phố lớn, mạng lưới phân phối đường nhập lậu hầu như hoạt động công khai dưới hình thức đường đóng cây 12 kg và đường đóng túi 1kg của các cơ sở sang chiết đóng gói.

Đường Thái Lan xuất hiện tràn ngập trên thị trường với giá rất rẻ do không phải đóng thuế phòng vệ thương mại 47,64% như đối với đường nhập khẩu chính ngạch.

Cũng theo VSSA, trong tháng 6 và tháng 7/2022, nguồn cung đường từ nhập khẩu tiếp tục đưa đường vào thị trường thông qua nhập khẩu trực tiếp chính ngạch từ các nước ASEAN và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam với Campuchia, Lào đang tràn vào.

Hiện giá đường trắng nhập lậu vào nước ta chỉ ở mức 16.400-16.800 đồng/kg, tức là thấp hơn giá đường vàng trong nước. Cùng với đường từ vụ ép 2021-2022 và cả đường lỏng siro ngô tiếp tục được nhập khẩu, các nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng nên các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nhập khẩu đặc biệt là đường lậu tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường.

Tuy nhiên, tất cả các vụ việc phát hiện cho đến nay chỉ được xử lý hành chính và hầu như không có tác dụng răn đe do hoạt động này đem lại lợi nhuận rất lớn.

Kiểm soát, thanh tra tình trạng buôn lậu đường dọc tuyến biên giới Tây Nam

Do đó, VSSA kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước một số đề xuất khẩn cấp để ngăn chặn gian lận thương mại đường nhập lậu huỷ diệt ngành đường Việt Nam như sau:

Một, chỉ đạo các lực lượng chức năng tại các tỉnh biên giới Tây Nam giáp giới với Campuchia và Lào tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm trong nội địa để kịp thời phát hiện, đấu tranh đối với các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại đường nhập lậu, nhất là các đối tượng có vai trò chủ mưu, cầm đầu để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Các đối tượng đang thực hiện các hành vi gian lận thương mại này đều là các đối tượng đã có thâm niên thực hiện các hành vi phi pháp và cho đến nay đã hầu như lợi dụng được các kẽ hở pháp luật để vô hiệu hóa các nỗ lực của các cơ quan chức năng. Trong giai đoạn vừa qua các đối tượng này đã lộ diện và hầu như nằm trong số các doanh nghiệp nhập khẩu đường từ Campuchia và nhập khẩu đường từ Lào (danh sách đã gửi cho các cơ quan chức năng) đang có nghi vấn khai khống giá nhập khẩu, khối lượng nhập khẩu và rửa tiền.

Hai, chỉ đạo các Cục quản lý thị trường địa phương và các lực lượng chức năng tại các thị trường tiêu thụ, nhất là tại các thành phố lớn tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp, đại lý mặt hàng đường trong việc chấp hành các quy định về điều kiện nhập khẩu, lưu kho, vận chuyển, sản xuất, phân phối, lưu thông để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu. Hoạt động thương mại phân phối đường tại các thị trường tiêu thụ tương đối đặc thù và tập trung vào một số giới hạn các cơ sở kinh doanh có liên quan đến hoạt động của các đầu nậu phân phối đường lậu (danh sách các đối tượng này cũng đã gửi cho các cơ quan chức năng). 

Do đường là loại hàng hóa thực phẩm thiết yếu, nên các đối tượng đang thực hiện hành vi tiêu thụ đường nhập lậu tại các địa phương không khó để phát hiện. Các cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an kinh tế cần tiến hành ngay việc điều tra các hành vi phạm pháp để đưa ra pháp luật nghiêm trị một số đối tượng để răn đe.

Ba, chỉ đạo các lực lượng chức năng rà soát các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, bất cập để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, nhất là các quy định về công tác quản lý, chế tài xử lý đối với hành vi gian lận thương mại mặt hàng đường để bịt kín các kẽ hở pháp luật không để các đối tượng lợi dụng


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem