Nhân rộng các dự án nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng: Phát huy lợi thế vùng miền, tạo nguồn thực phẩm sẵn có

Huỳnh Xây - K.Lực Thứ hai, ngày 13/12/2021 12:38 PM (GMT+7)
Nhân rộng mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, ngăn chặn suy dinh dưỡng sẽ giúp đạt được ít nhất 12 trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), giúp tạo ra một thế giới lành mạnh, thịnh vượng, ổn định và không ai bị bỏ lại phía sau.
Bình luận 0

Trong 3 năm qua, nhiều mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng đã được triển khai thí điểm và nhân rộng ở các địa phương. 

Điểm nổi bật của các mô hình là tận dụng được lợi thế của địa phương để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp giàu dinh dưỡng, qua đó cải thiện bữa ăn trong gia đình và tăng thu nhập cho các hộ dân tham gia.

Nuôi gà lấy trứng và trồng rau giúp cải thiện bữa ăn

Trà Vinh là 1 trong 3 tỉnh (Trà Vinh, Lào Cai và Quãng Ngãi) được Bộ NNPTNT lựa chọn để xây dựng mô hình thí điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng thuộc Chương trình "Không còn nạn đói". Số hộ nghèo trên địa bàn huyện Trà Cú còn cao, đa số là người dân tộc Khmer, trong khi tỉnh không đủ ngân sách để hỗ trợ cho người dân.

Nhân rộng các dự án nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng (Bài 1): Phát huy lợi thế vùng miền, tạo nguồn thực phẩm sẵn có - Ảnh 1.

Người dân xã nghèo Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh nhận gà đẻ miễn phí đem về nuôi lấy trứng. Ảnh: Huỳnh Xây

Nhân rộng các dự án nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng (Bài 1): Phát huy lợi thế vùng miền, tạo nguồn thực phẩm sẵn có - Ảnh 2.

Đàn gà phát triển rất nhanh, người dân có thể thu hoạch trứng để cung cấp cho bữa ăn hàng ngày. Ảnh: P. Đông.

Với sự hỗ trợ của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT), trong năm 2020, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh phối hợp với Phòng NNPTNT huyện Trà Cú, Trung tâm Y tế huyện Trà Cú, UBND xã Tân Hiệp thực hiện mô hình "Nuôi gà đẻ trứng và trồng rau ăn lá" thuộc Chương trình "Không còn nạn đói".

Theo đó, có 50 hộ dân thuộc diện cận nghèo ở ấp Ba Trạch A, ấp Ba Trạch B và ấp Con Lọp thuộc xã nghèo Tân Hiệp (xã có đông đồng bào Khmer, cuộc sống của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp) nhận được gà về nuôi lấy trứng. Bình quân mỗi hộ dân được hỗ trợ 48 con gà 20 tuần tuổi. Ngoài việc hỗ trợ nuôi gà lấy trứng, mô hình còn hỗ trợ toàn bộ kinh phí để các hộ dân trồng cải ngọt.

Trước khi tham gia mô hình, các đơn vị liên quan đã tổ chức tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi gà và trồng rau ăn lá cho người dân. 

Kết quả, đa số hộ dân tham gia mô hình nắm chắc và vận dụng tốt kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phòng chống dịch bệnh trên gia cầm và cây trồng.

Đến nay, đàn gà phát triển tốt, đến giai đoạn sinh sản. Do đó, người dân thu hoạch trứng để cung cấp chp bữa ăn hàng ngày, số lượng trứng còn dư hộ dân bán đi để tăng thu nhập gia đình. Đối với rau ăn lá, người dân vận dụng khu đất trống để trồng, phục vụ tốt cho bữa ăn của gia đình.

Anh Thạch Thái Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết: Nông dân trong xã có nhiều kinh nghiệm nuôi gà đẻ trứng nên mô hình triển khai được thuận lợi. Trong quá trình nuôi, cán bộ xã thường xuyên theo dõi, hỗ trợ các hộ nuôi sao cho đạt kết quả tốt nhất có thể.

"Việc giao gà cho người dân nuôi đẻ trứng đã góp phần rất lớn giải quyết tình trạng thiếu hụt về thực phẩm thiết yếu cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và trẻ em tại xã" - anh Hòa nhấn mạnh.

Theo anh Hoà, dự án này không những tận dụng các lợi thế sẵn có mà còn góp phần rất lớn giải quyết tình trạng thiếu hụt về thực phẩm như thịt, trứng, các vitamin thiết yếu từ các loại rau xanh cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và trẻ em tại các ấp đặc biệt khó khăn của xã.

Anh Mai Thanh Điền - Phòng Cơ điện và Ngành nghề nông thôn thuộc Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, cán bộ trực tiếp tham gia triển khai mô hình cho biết, khi tham gia mô hình, ý thức vươn lên thoát nghèo của các hộ tham gia nói riêng và cộng đồng dân cư nói chung đã có chuyển biến tích cực. Từ đó, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững và giữ vững ổn định an ninh trật tự tại địa phương.

"Mô hình nuôi gà lấy trứng góp phần giúp các hộ có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng quanh năm. Giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm. Nâng cao ý thức tự chăm sóc, bảo vệ về dinh dưỡng của người dân" – anh Điều chia sẻ.

Nuôi ong lấy mật trên cao nguyên đá

Hữu Vinh là xã miền núi của huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Người dân trên địa bàn xã chủ yếu sinh sống dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi lợn gà, trâu bò, ong lấy mật... Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng nông thôn còn nhiều khó khăn, nhất là hệ thống giao liên thôn, thuỷ lợi nên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn cao (năm 2020 số hộ nghèo trên địa bàn xã là 38,61%).

Nhân rộng các dự án nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng (Bài 1): Phát huy lợi thế vùng miền, tạo nguồn thực phẩm sẵn có - Ảnh 4.

Người dân thôn Khai Hoang II, xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang thu hoạch mật ong bạc hà. Ảnh: P. Đông

Cuộc sống khó khăn, bữa ăn hằng ngày của các hộ dân rất đạm bạc, nên trẻ em bị thiếu chất ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ, khi trẻ sinh ra lại không được ăn uống đầy đủ chất nên sức đề kháng kém dẫn đến hay ốm vặt, suy nhược cơ thể, còi cọc, chậm lớn.

Qua điều tra địa bàn cho thấy, các chỉ số về thể trạng rất thấp, chiều cao bình quân của phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ là 153 cm, cân nặng trung bình là 44,8 kg. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 30%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi là 43,2%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể gầy còm là 3,2%.

Trên cơ sở khảo sát, tổng hợp và phân tích số liệu, để khai thác các lợi thế của địa phương, trong năm 2020 Chi cục Kinh tế hợp tác và PTNT Hà Giang đã triển khai dự án"Nuôi ong lấy mật" tại thôn Khai Hoang II, xã Hữu Vinh với 28 hộ nghèo và hộ cận nghèo tham gia.

Dựa vào lợi thế hoa bạc hà sẵn có trên những ruộng ngô vừa thu hoạch, mỗi hộ dân được hỗ trợ 10 thùng mật ong giống và tập huấn kỹ thuật nuôi, chăm sóc và thu hoạch mật ong theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm tăng năng suất từ 15-20% có với sản xuất truyền thống của người dân hiện nay.

Từ 10 thùng ong giống ban đầu, từ tháng thứ 2, người dân có thể tạo mũ chúa để nhân thêm đàn thành 20 thùng. Mật ong bạc hà là nguồn thực phẩm rất giàu dinh dưỡng và được ưa chuộng của con người, là loại thực phẩm có thị hiếu rất cao trên thị trường, dao động từ 350.000 - 400.000đ/lít.

Bình quân một tổ ong cho từ 12 - 16 lít mật/năm, ngoài ra ong còn cung cấp các phụ phẩm giàu dinh dưỡng như nhộng ong, phấn hoa… 

Theo tính toán, một năm mỗi hộ sẽ sản xuất được 300 lít mật ong bạc hà, tạo ra thu nhập khoảng 120 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí bán mật các hộ sẽ mua thêm các sản phẩm giàu dinh dưỡng khác để cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em và các thành viên trong gia đình.

Trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Giang Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Giang cho biết, đối với 4 huyện vùng cao Quản Bạ, Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang sẽ tập trung  vào các vật nuôi, cây trồng có thế mạnh của địa phương là: mật ong, lợn đen bản địa Lũng Pù (Mèo Vạc), bò và cây ăn quả ôn đới để đảm bảo dinh dưỡng cho các hộ dân trên địa bàn. 

 "Những vật nuôi, cây trồng này đã có sẵn vùng sản xuất, chăn nuôi. Bây giờ chỉ cần hỗ trợ bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào thì sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất tốt hơn; qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng được thị trường trong tỉnh và khách du lịch" – ông Nam khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem