Nhà nông “xót ruột” với giá thanh long, mít Thái

Mạnh Quân Thứ năm, ngày 06/02/2020 13:20 PM (GMT+7)
Do ảnh hưởng của dịch bệnh virus Corona, hạn chế giao thương nên xuất khẩu nông sản Việt Nam qua Trung Quốc đang bị ngừng trệ. Vì vậy, một số nông sản như mít Thái, thanh long... bị rớt giá mạnh, thậm chí thương lái không thu mua khiến nông dân như ngồi trên đống lửa.
Bình luận 0

Giá mít chạm “đáy”

Anh Nguyễn Thật (ngụ xã Láng Lớn, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) có 1,2ha trồng hơn 420 gốc mít Thái. Năm nay vườn mít của anh ước thu khoảng 40 tấn trái. Trước Tết Nguyên đán, thương lái thu mua mít với giá loại 1 là 40.000 đồng/kg; loại 2 là 30.000 đồng/kg; loại 3 giá 18.000 đồng/kg và hàng chợ giá 10.000 đồng/kg.

Nếu giá mít giữ ổn định như vậy, dự kiến anh Thật thu về khoảng trên 500 triệu đồng.

img

Người trồng mít Thái ở huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu lao đao vì giá mít rớt xuống thấp, thương lái thu mua nhỏ giọt.  Ảnh: M.Q

Dưa hấu “xuống đường”, giá rẻ như cho

Tại tỉnh Kon Tum, hàng trăm tấn dưa hấu thu hoạch xong không có thương lái đến thu mua đành phải “nằm đường” bán lẻ, với giá rẻ như bèo. Bà con nông dân chỉ mong muốn bán được quả nào hay quả đó, vớt vát phần nào vốn liếng đã bỏ ra.

Anh Nguyễn Văn Khải (ở xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) than thở, gia đình anh năm nay trồng 1ha dưa hấu, chăm sóc hơn 3 tháng trời với chi phí khoảng 120 triệu đồng.

Năm nay ít dịch bệnh, dưa được mùa, quả to, năng suất được 35 tấn nhưng giá rẻ lại không có người mua.

“Hàng ngày gia đình tôi phải thu hoạch từng xe tải nhỏ, chở đi nhiều nơi để bán lẻ, bán tháo cho người dân đi đường hoặc bỏ cho các điểm bán dưa. 35 tấn dưa với giá từ 2.000 - 4.000 đồng/kg thì không biết bán đến khi nào mới thu lại tiền vốn” - anh Khải cho biết.

Văn Hà

Thế nhưng, hiện nay giá mít Thái đột ngột rớt giá chỉ còn 7.000 đồng/kg, anh Thật nhiều lần gọi nhưng thương lái không vào vườn cắt nên anh phải tự tìm nơi tiêu thụ. Hiện vườn mít còn khoảng 5 tấn đến kỳ thu hoạch nhưng anh vẫn chưa tìm được mối nào để bán.

Tương tự, anh Phạm Quang Thanh (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) cũng đang “khóc dở” với vườn mít hơn 1ha đến kỳ thu hoạch mà không bán được. Trước tết thương lái cũng thu mua mít nhà anh giá cao nhất 40.000 đồng/kg, loại thấp nhất cũng được 10.000 đồng/kg.

Với 5 tấn mít, anh Thanh thu về hơn 50 triệu đồng. Hiện, vườn của anh có khoảng 5 tấn mít đến kỳ xuất bán nhưng thương lái chỉ thu mua “nhỏ giọt” những quả to đẹp với giá còn… 4.000 đồng/kg.

Theo người dân, ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra nên nhiều thương lái Trung Quốc đã ngừng mua mít Thái. Các thương lái là mối hàng lớn trước đây cũng “bặt vô âm tín”, khiến thương lái địa phương không dám mua hoặc mua cầm chừng với giá rất thấp.

Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có khoảng 541ha trồng mít, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 423ha. Huyện Châu Đức là địa phương trồng nhiều nhất với khoảng 348ha tập trung ở các xã như: Suối Rao, Suối Nghệ, Xà Bang, Nghĩa Thành…

Thanh long cũng lỗ nặng

Không chỉ mít Thái bị ảnh hưởng bởi dịch virus Corona mà người trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cũng “khóc đứng khóc ngồi” khi giá giảm sâu, trong khi nhiều nhà vườn đang bước vào vụ thu hoạch. Nguyên nhân do đối tác nhập khẩu phía Trung Quốc từ chối nhận đơn hàng, các cửa khẩu tạm ngừng thông quan hàng hóa.

Ông Nguyễn Văn Phúc (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) có gần 1ha thanh long ruột đỏ, ước gần 3 tấn trái đang đến kỳ thu hoạch. Nếu như không có dịch bệnh do virus Corona, việc xuất khẩu đi Trung Quốc thuận lợi thì trước đó từ 1 - 2 tuần là thương lái đã đến đặt cọc tiền cho gia đình ông. Tuy nhiên, đến giờ vẫn không có thương lái nào đến hỏi mua.

“Trước đó, chúng tôi bán thanh long với giá từ 35.000 - 45.000 đồng/kg. Với 1ha thanh long trái vụ, tôi tốn gần trăm triệu đồng chi phí đầu tư. Nay thương lái không mua, thanh long chín quá sẽ nứt hết vỏ, lúc đó chỉ còn cách cho dê, bò ăn” - ông Phúc buồn rầu nói.

Theo nhà vườn, vụ thanh long này là vụ chong đèn nên chi phí đầu tư mỗi kg mất hơn 10.000 đồng. Với giá bán hiện giảm còn 5.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ và 2.000 - 3.000 đồng/kg với thanh long ruột trắng, nhiều nhà vườn còn không có ai thu mua nên bà con nông dân đang lo sốt vó.

Ông Dương Thế Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bông Trang cho hay, lượng thanh long không bán được và có nguy cơ đổ bỏ ở địa phương là rất nhiều. Đặc thù của thanh long là không thể “neo” trái trên cây lâu. Trái thanh long chín quá gặp mưa nắng thất thường như hiện nay sẽ bị nứt vỏ. Các cành đỡ cũng sẽ héo do bị vắt kiệt sức nuôi trái, gây ảnh hưởng đến năng suất thanh long các vụ tiếp theo.

Ước tính, toàn huyện Xuyên Mộc có khoảng 900ha trồng thanh long, tập trung tại xã Bông Trang và Bưng Riềng, sản lượng hàng năm khoảng 1.800 tấn, chủ yếu xuất bán đi Trung Quốc.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Đức khuyến cáo người trồng mít nên giữ nguyên diện tích mít cần chăm sóc, chờ giá tăng trở lại. Không nên thấy giá mít rớt xuống thấp mà đã vội bỏ bê vườn hoặc chặt bỏ để chuyển qua trồng loại cây khác.

“Về lâu về dài, bà con nông dân cũng nên trồng mít, thanh long theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… để dễ dàng tiêu thụ đi các nước khác nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc” - ông Tuấn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem