Người có uy tín trong đồng bào DTTS gương mẫu, đi đầu trong tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới

Thiên Hương Thứ ba, ngày 12/12/2023 10:36 AM (GMT+7)
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nhiều người có uy tín là tấm gương sáng, có nhiều đóng góp tích cực cả về công sức, tiền của, ngày công lao động, hiến đất... cho địa phương để xây dựng trường học, nhà văn hóa, làm đường nông thôn mới...
Bình luận 0

Theo báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã gương mẫu, đi đầu và tích cực vận động nhân dân tham gia các hoạt động của cộng đồng, có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. 

Những "ngọn đuốc" ở nhiều bản làng

Trong ngôi nhà gỗ khang trang, ông Lò Văn Gióng, một trong những người có uy tín của xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) kể lại cho chúng tôi nghe những ngày ông cùng những người có uy tín trong bản đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là bà con dân bản Nậm Ngám A chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Ông Gióng chia sẻ: "Những năm trước đây, thanh niên trong bản đi làm ăn xa, nghe theo lời kẻ xấu, vượt biên để làm thuê. Nhìn con cháu sang nước bạn làm việc, bị bóc lột sức lao động mà lương chẳng được bao nhiêu, tôi thấy thương. Tôi đã vận động từng nhà, để không cho con cháu đi xuất cảnh trái phép, nhiều thanh niên đã nghe theo".

Người có uy tín - những "bông hoa" đẹp hiến hàng nghìn m2 tấc đất tấc vàng cho xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Ông Mùa A Vảng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông (người ngồi ngoài cùng bên phải) đến thăm và động viên các già làng, trưởng bản người có uy tín. Ảnh Vinh Duy.

Theo đó, ông Gióng đã tích cực phối hợp với lực lượng công an viên tại thôn, bản tổ chức tuyên truyền cho nhân dân nắm được các âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, không di cư, xuất cảnh trái phép… 

Trong những năm qua, ông Gióng đã cung cấp cho lực lượng công an nhiều nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công an xã nắm bắt các đối tượng tội phạm. Ngoài ra ông còn vận động 24 hộ hiến đất làm đường giao thông, xây dựng nhà bán trú, nhà bếp cho các trường học trên địa bàn xã Pú Nhi. 

Còn tại bản vùng cao Nậm Ngán C có già làng Hạng Chờ Sự, người được bà con dân bản ví như "ngọn đuốc" để bà con dân bản tin và nghe theo. Bắt đầu từ việc làm kinh tế gia đình, ông Sự đã làm gương để con cháu trong dòng họ và thôn bản noi theo. Từ việc trồng cỏ để chăn nuôi gia súc, đến việc tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia cầm, gia súc. Hay việc áp dụng khoa học vào sản xuất đều được ông Sự làm trước rồi tuyên truyền cho nhân dân cả bản làm theo. 

"Mình phải làm gương, bà con thấy hiệu quả họ sẽ học theo. Mình chỉ bảo tận tình, ai không biết sẽ bảo nhiều lần, đến khi họ biết làm thì thôi" ông Sự chia sẻ. Chỉ về khu ruộng lúa bên kia sườn núi, ông sự nói rằng trước đấy là nương canh tác bạc màu. Nhận thấy có thể khai hoang ruộng bậc thang và nương có bờ, ông đã vận động bà con khai hoang để trồng lúa nước có năng suất cao. Vì thế gần chục hec ta ruộng bậc thang đã được bà con khai hoang.

Theo ông Mùa A Vảng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông đánh giá: "Những người có uy tín của xã đều phát huy tốt vai trò của mình trong khu dân cư và có sức lan tỏa đối với cộng đồng. Nhiều người có uy tín của xã đồng thời là bí thư chi bộ hoặc trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận bản, gắn với trách nhiệm những vị trí ấy. Vì thế họ dễ quy tụ nhân dân và triển khai hiệu quả các công việc chung".

Người có uy tín hiến hàng nghìn m2 "tấc đất tấc vàng" cho xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Già làng Cư Chừ Tú (bên phải ảnh), bản Tìa Ló B, xã Noong U, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) đã có những đóng góp không nhỏ trong việc vận động người dân bản Tìa Ló B chung tay cùng địa phương phấn đấu xây dựng xã Nong U về đích nông thôn mới. Ảnh: Vinh Duy

Được nhân dân tín nhiệm bầu chọn là người có uy tín tiêu biểu, ông Thạch Miêne, dân tộc Khmer ở xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đã phát huy tốt vai trò người có uy tín tham gia giữ gìn an ninh trật tự xã hội, phòng chống tội phạm trên địa bàn xã.

Ông tích cực phối hợp chính quyền địa phương củng cố các tổ tự quản, bảo đảm tốt công tác nắm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

"Phát động phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", chúng tôi thường tranh thủ những dịp lễ, hội tại các chùa để vận động phật tử, vận động trong dòng họ theo từng đối tượng. Qua công tác vận động đã tạo được sự nhận thức tích cực trong đồng bào dân tộc, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao ý thức cảnh giác trong việc giữ gìn an ninh trật tự ở các ấp. Từ phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhân dân đã phát hiện và cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, giúp các ngành chức năng giải quyết kịp thời một số vụ việc về an ninh trật tự" - ông Thạch Miêne chia sẻ. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình, người có uy tín tiêu biểu thật sự là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền ở cơ sở với đồng bào dân tộc thiểu số. Người có uy tín thường xuyên giáo dục gia đình, người thân trong cộng đồng nơi cư trú không vi phạm pháp luật; phòng chống các tệ nạn xã hội; cảnh giác với mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc gây chia rẽ, mất đoàn kết.

Người có uy tín đi đầu trong xây dựng nông thôn mới

Theo báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, với mỗi bản làng của các dân tộc thiểu số, vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng hết sức quan trọng. Bằng sự uy tín, kinh nghiệm và hiểu biết, am hiểu phong tục tập quán và thực tiễn địa phương, thông qua các việc làm cụ thể, những người có uy tín đã gương mẫu thực hiện, tích cực tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng. 

Bên cạnh đó, những người có uy tín cũng luôn đi đầu, mạnh dạn tham gia phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa để bà con cùng tham khảo, làm theo. 

Người có uy tín hiến hàng nghìn m2 "tấc đất tấc vàng" cho xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Già làng Cư Chừ Tú ở bản Tìa Ló B, xã Noong U, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) thường xuyên đến các hộ dân trong bản, vận động bà con phát triển kinh tế. Ảnh Vinh Duy.

Đóng góp nhiều cho chương trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Lào Cai, tiêu biểu phải kể đến tấm gương của các ông Chào Láo Lở, Chào Xành Kiêm, người dân tộc Dao ở thôn Sùng Hoáng, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) đã hiến gần 1.500m2 đất cho địa phương xây dựng trường học. Ông Lò Đình Tuyến ở bản Nặm Pạu, xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã hiến tới 3.200m2 đất để địa phương xây dựng trường học... Bà Đặng Thị Phúc, thôn Làng Ẻn, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng vận động 78 hộ dân hiến trên 1.600 m² đất làm đường giao thông nông thôn... 

Không riêng gì địa bàn Lào Cai, mà ở hầu khắp các địa phương, nơi nào cũng có những tấm gương người có uy tín tiêu biểu, những "bông hoa" đẹp có nhiều đóng góp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ví dụ như bà Võ Thị Cất dân tộc Khmer, ấp Rạch Sên, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã vận động người dân hiến 2.000 m² đất xây dựng đường giao thông nông thôn; vận động các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng 2 căn nhà tình thương và 03 cây cầu nông thôn…

Ông Hồ Sìu Phúc, dân tộc Dao, người có uy tín ở thôn Nà Thống, xã Quảng An, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đã vận động 9 hộ hiến 4.000 m² đất để làm đường, rãnh thoát nước, kênh mương tưới tiêu trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ông Hồ Riềng, dân tộc Vân Kiều bản Lệt, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tự đầu tư ngăn đập giữ nước để trồng trên 1 ha lúa nước và vận động bà con xung quanh trồng 8 ha lúa nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại bản làng…

Trong thời điểm “tấc đất, tấc vàng” như hiện nay, việc vận động người dân tham gia hiến đất làm đường và các công trình công cộng quả thật không mấy dễ dàng. Thế nhưng tại Bắc Giang, nhiều gia đình không ngần ngại hiến hàng nghìn mét vuông đất, một phần nhờ sự gương mẫu, đi đầu của người có uy tín.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” đó, năm nay, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã Thanh Luận (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) được bố trí 9,4 tỷ đồng xây dựng 4 công trình, trong đó có 3 công trình đường giao thông với tổng chiều dài hơn 1,9 km. Vì các tuyến đường cũ nhỏ hẹp lại đi qua phần đất của người dân nên muốn mở rộng, trước hết địa phương phải vận động người dân đồng thuận hiến đất.

Theo đó, đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều lần đến tận thôn họp, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con. Nhờ cách vận động mềm dẻo nên được người dân đồng tình ủng hộ. Chỉ trong một tháng, cả xã có 35 hộ dân tình nguyện hiến đất, tài sản trên đất với tổng diện tích hơn 20.000m2 cùng hơn 3.000 cây keo, vải thiều, nhãn. 

Tiêu biểu như hộ ông Hoàng Văn Tiếp, thôn Gà hiến 4.000m2 đất vườn và 500 cây keo 2 năm tuổi; hộ ông Phạm Văn Hảo, thôn Gà hiến hơn 5.200m2 đất; bà Hoàng Thị Cảnh, thôn Thanh Hà hiến 400 m2…

Người có uy tín - những "bông hoa" đẹp hiến hàng nghìn m2 tấc đất tấc vàng cho xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Thi công đường qua thôn Thanh Hà, xã Thanh Luận (Sơn Động, Bắc Giang).

Tương tự, ở xã Lục Sơn (Lục Nam) - nơi có 55,8% dân số là người dân tộc thiểu số, phong trào hiến đất cũng lan tỏa đến khắp các ngõ xóm. Thống kê từ năm 2019 đến nay, 220 hộ trong xã đã hiến hơn 12.200m2 đất, hàng chục hộ tự nguyện phá dỡ tường rào, lùi một phần đất sản xuất để mở rộng đường. Tính riêng năm 2022, cả xã có 30 hộ hiến hơn 1.600m2 đất để thi công 2 km đường giao thông, 7 ngầm và cầu dân sinh.

Điển hình như bà Nguyễn Thị Tâm, thôn Hổ Lao hiến 418,1 m2 đất, chặt hơn chục cây nhãn, vải thiều, tạo điều kiện để xây dựng ngầm dân sinh suối Đầu Bè, giúp nắn thẳng đoạn đường đấu nối với ngầm, giảm nguy cơ tai nạn giao thông. Ông Bàn Văn Thắng, người có uy tín của đồng bào người Dao cùng 25 hộ dân thôn Đồng Vành 1 hiến đất để mở rộng trục đường chính của thôn. 

“Bàn tới bàn lui với lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã, cuối cùng tôi quyết định tiên phong phá tường để làm gương. Từ đó, đồng bào làm theo, phong trào hiến đất mở đường như luồng gió thổi vào từng gia đình, ngõ xóm. Khi mọi thứ hanh thông thì đường nhỏ thành to, ngõ xóm được nâng cấp, đồng bào có điều kiện để thay đổi cuộc sống”, ông Bàn Văn Thắng - người có uy tín thôn Đồng Vành 1 chia sẻ.

Không chỉ gương mẫu, đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, người có uy tín ở các địa phương còn tích cực vận động, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế hộ gia đình, tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới. Toàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện có trên 500 mô hình phát triển kinh tế thu nhập ổn định từ 50-100 triệu đồng/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 22,3%.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem