Trồng hoa sứ bonsai “không đụng hàng”, khách ngắm rễ nhiều hơn bông, ông nông dân Sài Gòn phát tài

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 02/12/2022 13:36 PM (GMT+7)
Để thỏa mãn thú chơi cây kiểng và không đụng hàng với các sản phẩm cây hoa sứ bonsai trên thị trường, ông Tư Đức (Lại Văn Đức, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM) sáng tạo kiểu chơi bộ rễ hoa sứ, có một không hai.
Bình luận 0

Hôm chúng tôi đến vườn hoa sứ kiểng, ông Tư Đức đã tỉa tót xong toàn bộ 400 chậu hoa sứ bonsai để chuẩn bị bán vào dịp Tết Nguyên đán 2023.

Làm sứ bonsai kiểu “không đụng hàng”, đẹp dị thường, ông nông dân khiến vạn người mắt chữ a, mồn chữ o - Ảnh 1.

Ông Tư Đức (Lại Văn Đức, xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh, TP HCM) trong khu vườn hoa sứ bonsai với những chậu hoa sứ có một không hai. Ảnh: Trần Đáng

Đẹp dị thường những bộ rễ cây hoa sứ bonsai

Ở Sài Gòn, giới chơi bonsai không ai không biết đến nghệ nhân Trương Văn Phượng. Hơn chục năm qua, ông Hai Phượng đã cho ra đời những chậu hoa sứ đẹp nhất, nhận được nhiều giải thưởng quý giá.

Khác với sự nổi tiếng của ông Hai Phượng, vườn hoa sứ bonsai của ông Tư Đức nằm khép nép, ẩn dật trong một ấp nhỏ. Khách của ông Tư Đức là những người chơi hoa sứ kiểng khoái gu chơi bộ rễ chứ không phải củ hay hoa sứ.

Hiện, trong vườn sứ bonsai của ông Tư Đức đang có 400 chậu hoa sứ 7 năm tuổi. Nếu bước vào vườn sứ của ông Hai Phượng, khách sẽ choáng ngộp trước những chậu hoa sứ bonsai lộng lẫy sắc hoa, thì tại vườn của ông Tư Đức những chậu sứ có bộ rễ hình thù quái dị khiến khách "mắt chữ a, mồm chữ o".

Theo đó, tại đây có những bộ rễ cây sứ hình nom như những ngón tay bám chặt vào mặt đất. Có nhiều bộ rễ sứ như cổng trời ngã nghiêng. Có chậu hình thù như con thú, 4 chân lún sâu trong đất…

Ông Tư Đức cho biết, trước đây ông trồng hoa mai vàng. Khoảng chục năm trước, ông bước vào lĩnh vực trồng hoa sứ bonsai khi phát hiện trên thị trường có nhu cầu mua sứ kiểng.

Clip. Ông Tư Đức chia sẻ việc tạo bộ rễ cho chậu hoa sứ bonsai. Clíp: Trần Đáng

Tuy nhiên, với người chuyên sản xuất hoa kiểng, ông Tư Đức thừa biết nếu không có gì khác biệt làm sứ bonsai ở Sài Gòn sẽ không bao giờ cạnh tranh lại nông dân Bến Tre.

"Ở Bến Tre thổ nhưỡng thích hợp, nước phù sa, nhiệt độ phù hợp nên trồng sứ rất mau lớn. Nếu ở TP này trồng 3 năm mới hình thành cây sứ, thì ở Bến Tre chỉ mất 1 – 2 năm. Thành ra phải chọn cách làm sứ bonsai khác biệt để cạnh tranh thị trường", ông Tư Đức thổ lộ.

Phát hiện nhà vườn làm sứ bonsai chỉ tập trung vào làm củ, ghép hoa, ông Hai Đức nghĩ đến phải làm bộ rễ, tạo sự khác biệt. Ông Tư Đức mua giống sứ về trồng, rồi lên mạng tìm hiểu quy trình xây dựng bộ rễ cây sứ của nông dân Thái Lan.  

"Tôi nghiên cứu thấy quy trình Thái Lan làm bộ rễ cây sứ rất cầu kỳ, mất nhiều năm mới hoàn chỉnh bộ rễ. Nếu làm như họ giá sản phẩm sẽ đội lên rất cao, giới chơi sứ bình dân trong nước nhiều khả năng không tiếp cận được sản phẩm", ông Tư Đức thổ lộ.

Làm sứ bonsai kiểu “không đụng hàng”, đẹp dị thường, ông nông dân khiến vạn người mắt chữ a, mồn chữ o - Ảnh 4.

Một bộ rễ sứ bonsai đang được ông Tư Đức nuôi dưỡng. Ảnh: Trần Đáng

Thế là, ông Tư Đức làm bộ rễ cây sứ theo cách của mình. Ông cho biết, đã cắt nhiều công đoạn của Thái Lan để giảm thời gian, công sức cho ra sản phẩm phục vụ giới chơi sứ kiểng bình dân. Ví như, thay vì làm bộ rễ sứ trải sát đất, ông Hai Đức làm rễ nôm để hạn chế sử dụng chậu to, giá cao…

Theo ông Tư Đức, thực tế làm bộ rễ cây sứ không dễ như ông tưởng. Thời gian đầu, phôi sứ để làm bộ rễ sao khi cắt gọt tỷ lệ chết khá cao.

"Sau này, để hạn chế phôi chết sau khi cắt phôi sẽ được ngâm nước vôi để khử trùng, thoa keo mặt vôi không cho thấm nước", ông Tư Đức chia sẻ.

Sau đó, phôi sẽ được đặt lên một mặt phẳng chờ ra rễ. Mặt phẳng sẽ ngăn phôi ra rễ giữa mà chỉ ra rễ xung quanh rìa phôi. Sau khi phôi ra rễ cứng cáp, ông Tư Đức mới bắt đầu tỉa rễ cho đều, chỉ giữ lại 5 – 7 rễ/phôi. Trong quá trình nuôi rễ, ông phun thuốc kích rễ để cho rễ mau ra, cứng cáp.

Để bộ rễ cây sứ ra theo ý mình, mỗi năm ông Tư Đức kê nhóm rễ lên dần khỏi mặt đất. Cứ thế, phải mất đến 5 - 7 năm, bộ rễ sứ mới cho ra hình thù kỳ quái, hút mắt người chơi.

Làm sứ bonsai kiểu “không đụng hàng”, đẹp dị thường, ông nông dân khiến vạn người mắt chữ a, mồn chữ o - Ảnh 5.

Ông Tư Đức đạt giải sứ bonsai đẹp tại hội thi cây kiểng - bonsai ở địa phương. Ảnh: Trần Đáng

Chia sẻ thú chơi sứ bonsai

Theo ông Tư Đức, để phục vụ thị trường Tết năm 2023, từ rằm tháng 10 âm lịch ông đã cho tỉa cành để cây sứ tròn trịa ra hoa đúng dịp Tết.

"Trong năm, sản phẩm sứ bonsai của tôi cũng có nhiều khách đến mua, nhưng vào vụ Tết mới tiêu thụ mạnh", ông Tư Đức cho biết.

Thường khách hàng của ông Tư Đức là người quen, tiểu thương, trường học, nhà chùa. Ai mua thì đến tận vườn, chứ ông Tư Đức không đem sản phẩm trưng bày, quảng bá trên thị trường.

Giá sứ bonsai của ông Tư Đức "mềm" đến không ngờ. Theo đó, 1 cặp sứ bonsai 7 năm tuổi, ông Tư Đức chỉ lấy "giá hữu nghị" 5 triệu đồng.

Làm sứ bonsai kiểu “không đụng hàng”, đẹp dị thường, ông nông dân khiến vạn người mắt chữ a, mồn chữ o - Ảnh 6.

Không chỉ chơi rễ, vườn sứ bonsai của ông Hai Đức còn được ghéo hoa rất đẹp. Ảnh: Trần Đáng

"Tiền bán mấy chậu sứ bonsai tôi chỉ mong đủ mua phân, thuốc để tái đầu tư. Tôi không chủ trương kinh doanh, mà chỉ muốn chia sẻ thú chơi sứ kiểng với bà con", ông Tư Đức bộc bạch.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân Nguyễn Văn Của, hiện ông Tư Đức là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem