Mặc áo bông, bung ngô, lên zalo... để chăm sóc đàn "đầu cơ nghiệp" dưới thời tiết 0 độ C ở Hà Giang

Hải Đăng - Văn Chuyên Thứ hai, ngày 21/02/2022 16:01 PM (GMT+7)
Vào những ngày này, người dân ở xã vùng cao của Hà Giang vẫn tất bật với công việc chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi trước đợt rét đậm, rét hại kỷ lục. So với những năm trước đây, việc chăm sóc trâu, bò, lợn... nhàn hơn do bà con chủ động được nguồn thức ăn, che chắn chuồng trại từ sớm.
Bình luận 0
Mặc áo bông, bung ngô, lập nhóm zalo... để chăm sóc đàn "đầu cơ nghiệp" dưới thời tiết 0 độ C ở Hà Giang - Ảnh 1.

Ông Lù Văn Chuyên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Má Lé, huyện Đồng Văn (Hà Giang) hướng dẫn gia đình ông Lù Văn Sùng phòng chống rét cho đàn gia súc. Ảnh: Văn Chuyên.

Mặc áo bông giữ ấm cho trâu, bò...

Cập nhật thông tin thời tiết qua tivi dự báo trời rét đậm, rét hại, vùng núi cao có nguy cơ xảy ra băng giá, mưa tuyết, ông Lù Văn Chuyên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Má Lé, huyện Đồng Văn (Hà Giang) lại phi xe máy đến các hộ chăn nuôi trên địa bàn kiểm tra, hướng dẫn bà con che chắn chuồng trại giữ ấm cho đàn gia súc.

Cả xã Má Lé có khoảng 4.000 con trâu, bò, chủ yếu bà con nuôi rải rác tại khắp các thôn, bản. Tuy nhiên, các hộ đã nhận thức được việc bảo vệ đàn "đầu cơ nghiệp" nên ngay từ các tháng trước mùa đông, bà con ở đây đã chủ động dự trữ thân, bẹ ngô, rơm, trồng nhiều cỏ... giúp cho đàn vật nuôi luôn đủ thức ăn, không phải đi chăn thả vất vả như trước.

"Mấy ngày nay, thời tiết liên tục xuống thấp khoảng 0 độ C, ngoài trời cỏ, cây, mặt đất đóng băng nhưng tại các chuồng nuôi trâu, bò, lợn của bà con luôn ấm áp, đủ thức ăn nên mọi người cảm thấy rất yên tâm", ông Chuyên nói.

Mặc áo bông, bung ngô, lập nhóm zalo... để chăm sóc đàn "đầu cơ nghiệp" dưới thời tiết 0 độ C ở Hà Giang - Ảnh 2.

Bà con Má Lé che chắn chuồng nuôi bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa đông. Ảnh: Văn Chuyên.

Là hộ có thâm niên chăn nuôi lâu năm ở Má Lé nên ông Lù Văn Sùng hơn 60 tuổi ở thôn Má Lé luôn coi con trâu của nhà như đứa con của mình nên chăm sóc rất cẩn thận. 

Vừa che chắn chuồng trại, ông Sùng vừa tận dụng chăn bông cũ để làm áo quàng cho vật nuôi đủ ấm. 

"Mình mặc áo ấm, chúng nó cũng phải mặc chứ! Trâu khỏe, ăn đủ no sinh sản nhanh gia đình cũng có thêm thu nhập", ông Sùng chia sẻ.

Để vật nuôi đủ no, bên cạnh việc vừa cắt cỏ, bỏ rơm, ông Sùng còn nấu thêm cám ngô hòa thêm muối cho trâu ăn hàng ngày.

Tại Má Lé, gia đình Lù A Thái có tiếng là hộ nuôi nhiều trâu, bò nhất xã. Chuồng trại chăn nuôi gia súc cũng được anh đầu tư xây dựng bài bản, kiên cố, có cả khu hầm chứa phân thải, mảng để cỏ, thức ăn...

"Nhiều năm chăn nuôi, đàn vật nuôi của chúng tôi luôn khỏe mạnh và sinh sản đều. Thậm chí vào mùa đông, gia đình vẫn cung cấp đủ thức ăn khô, tinh đảm bảo cho đàn gia súc luôn phát triển bình thường", anh Thái tiết lộ.

Mặc áo bông, bung ngô, lập nhóm zalo... để chăm sóc đàn "đầu cơ nghiệp" dưới thời tiết 0 độ C ở Hà Giang - Ảnh 3.

Các hộ dân ở Má Lé đã chủ động dự trữ thức ăn cho đàn trâu, bò ngày trước khi mua đông về. Ảnh: Văn Chuyên

Lập cả nhóm zalo, facebook... để tuyên truyền chống đói rét cho gia súc

Ông Chuyên cho biết thêm, nhiều năm nay các xã, huyện của Hà Giang thực hiện tốt phương châm "3 đủ" (đủ ấm, đủ no và đủ thuốc phòng dịch) từ sớm, từ xa nên đàn gia súc luôn được bảo vệ an toàn và phát triển tốt trong mùa đông.

Đặc biệt, bên cạnh việc trực tiếp xuống cơ sở, các hộ gia đình hướng dẫn bà con che chắn chuồng trại, giữ ấm, cung cấp thức ăn đủ no cho đàn vật nuôi, thời gian gần đây, các cấp Hội ND Hà Giang, Đồng Văn... còn lập các nhóm zalo, facebook để thuận tiện cho việc trao đổi thông tin chăn nuôi, nắm bắt tình hình và chủ động xử lý kịp thời, nhanh chóng các vấn đề trong chăn nuôi rất hiệu quả.

Mặc áo bông, bung ngô, lập nhóm zalo... để chăm sóc đàn "đầu cơ nghiệp" dưới thời tiết 0 độ C ở Hà Giang - Ảnh 4.

Anh Lù Mí Lúa "mặc áo" bông giữ ấm cho con bò của gia đình. Ảnh: Văn Chuyên

Toàn tỉnh Hà Giang có 106.000 hộ chăn nuôi trâu, bò với tổng số trên 277.000 con, trên 99% các hộ chăn nuôi ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn gia súc.

Ông Trịnh Văn Bình - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà đến nay tại các vùng của tỉnh không còn tình trạng thả rông gia súc trong mùa đông.

"Chúng tôi đã chủ động cho bà con chăn nuôi tại các xã, huyện trên địa bàn ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn gia súc từ sớm. Nếu các hộ vi phạm để gia súc chết thì sẽ không được Nhà nước hỗ trợ", ông Bình nói.

Thiệt hại trên đàn gia súc do rét đậm, rét hại sẽ ở mức thấp nhất

Trao đổi riêng với PV Dân Việt, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, rút kinh nghiệm từ nhưng năm 2007-2008 tại các địa phương có hơn 200.000 con gia súc, mấy năm nay, Bộ đã chủ động phối hợp với các địa phương phòng chống đói rét cho đàn gia súc từ sớm, từ xa.

Với vị trí địa lý từ Thừa Thiên Huế trở ra, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc, chúng tôi luôn đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho đàn gia súc. Nếu đàn gia súc được quan tâm chăm sóc, cung cấp đủ chất dinh dương thì chúng sẽ có sức đề kháng tốt. Thứ 2 là phòng chống dịch bệnh trên nền tảng sử dụng các loại vaccin, thuốc phòng. Thứ 3 là giải quyết vấn đề về môi trường. Thứ 4 là quy trình chăn thả với trâu, bò.

"Với các giải pháp tốt, đồng bộ và chủ động từ các địa phương, chúng tôi tin rằng thiệt hại trên đàn gia súc do rét đậm, rét hại gây ra trong năm nay sẽ ở mức thấp nhất", ông Tiến khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem