Liên minh châu Âu yêu cầu gì khi xuất nhập khẩu các mặt hàng theo quy định EUDR?

Văn Long Thứ năm, ngày 24/08/2023 16:10 PM (GMT+7)
Đến nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phát triển 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn nhằm đáp ứng quy định sản xuất không gây mất rừng và suy thoái rừng của EU, trong đó có hơn 11.000ha cà phê tại Tây Nguyên.
Bình luận 0

Sáng 24/8, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng tổ chức tọa đàm "Khuyến nông cộng đồng trong sản xuất cà phê không gây mất rừng". Tọa đàm đã thu hút hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, hộ dân, doanh nghiệp trồng cà phê tại khu vực Tây Nguyên.

Tọa đàm là cơ hội để các chuyên gia, nông hộ và doanh nghiệp tìm hiểu sâu về quy định sản xuất không gây mất rừng và suy thoái rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu (EU). Quy định này được Nghị viện châu Âu thông qua vào tháng 4/2023, có hiệu lực từ tháng 6/2023 và bắt đầu áp dụng các nghĩa vụ đối với công ty lớn từ tháng 12/2024.

Liên minh Châu Âu yêu cầu gì khi xuất nhập khẩu các mặt hàng theo quy định EUDR? - Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại tọa đàm Khuyến nông cộng đồng trong sản xuất cà phê không gây mất rừng.

Tại tọa đàm, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, cà phê là một trong những ngành hàng chủ lực và EU là thị trường lớn. Do vậy cần có sự nhận diện rõ hơn về vấn đề phát triển đảm bảo quy định chống phá rừng và có định hướng, giải pháp. Hơn nữa, Việt Nam đang nỗ lực gỡ "thẻ vàng" IUU của EC trên lĩnh vực thuỷ sản và vấn đề EUDR cũng giống như "thẻ vàng" trên đất liền. Do vậy, Việt Nam không nên để xảy ra "thẻ vàng" trên đất liền.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn quy định EUDR là: Cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc (Sơn La, Hòa Bình) với 14.000 ha (chanh leo, dứa, xoài); Gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS…) tại vùng Duyên hải miền Trung (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) diện tích 22.900 ha; cà phê Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum) với diện tích 11.200 ha; lúa gạo vùng Tứ Giác Long Xuyên (Kiên Giang, An Giang) với diện tích 50.000 ha; cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An) với diện tích 60.200 ha (xoài, mít, sầu riêng).

Liên minh Châu Âu yêu cầu gì khi xuất nhập khẩu các mặt hàng theo quy định EUDR? - Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Khoa giới thiệu về quy định sản xuất không gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu.

Tại tọa đàm, TS.Nguyễn Viết Khoa - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, theo quy định sản xuất không gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh Châu Âu thì sẽ phải thẩm định bắt buộc đối với tất cả các nhà vận hành nhập khẩu hoặc xuất khẩu các sản phẩm như gia súc, cocoa, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và một số sản phẩm có nguồn gốc từ đó (ví dụ: sôcôla, đồ nội thất, lốp xe, sản phẩm in).

Tuy nhiên, điều kiện để được xuất nhập khẩu các mặt hàng trên là các sản phẩm không được sản xuất do phá rừng; sản phẩm phải hợp pháp theo luật của quốc gia sản xuất và sản phẩm phải có báo cáo thẩm định.

Liên minh Châu Âu yêu cầu gì khi xuất nhập khẩu các mặt hàng theo quy định EUDR? - Ảnh 3.

Bà Hoàng Thị Thu Hương phát biểu tại buổi tọa đàm.

Trong khi đó, bà Hoàng Thị Thu Hương – cán bộ dự án cao cấp tổ chức GIZ nhận định, hiện nay nông dân sản xuất cà phê đang đối diện nhiều vấn đề như tăng năng suất, biến đổi khí hậu và các quy định đến từ thị trường. 

Trong năm 2023, Việt Nam được chọn để xây dựng chuỗi sản xuất hàng hóa toàn cầu. Trong đó, GIZ tập trung nhiều cho sản phẩm cà phê, trong tháng 9/2023, tổ chức sẽ khảo sát tại Tây Nguyên và tây Bắc để thực hiện hỗ trợ năng lực cho các bên liên quan và tổ chức phân vùng cà phê có rủi ro cao để có sự phát triển phù hợp.

Theo Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đến cuối 2022, Việt Nam có gần 14,7 triệu ha rừng, trong đó có hơn 10 triệu ha rừng tự nhiên, hơn 4ha rừng trồng. Từ năm 2020 đến nay, diện tích rừng trồng có chiều hướng gia tăng và diện tích rừng tự nhiên giảm. 

Nguyên nhân dẫn đến xâm lấn rừng sản xuất nông nghiệp được xác định, rừng phân bố trên phạm vi rộng, tập trung nhiều ở các vùng có điều kiện tự nhiên cũng như kinh tế - xã hội khó khăn. Sức ép vào rừng ngày càng tăng, vùng miền núi thiếu đất sản xuất nông nghiệp và nơi có dân di cư tự do.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem