Làng khô cá những ngày giáp Tết: Khô cá đồng ngóng trông “thượng đế” (Bài 2)

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 13/01/2023 20:28 PM (GMT+7)
Không chỉ khô cá biển, đặc sản khô cá đồng nức tiếng ở Đồng Tháp Mười cũng đang ngóng trông những “thượng đế” rộng tay. Mùa Tết năm nay, thị trường khô cá ảm đạm khiến nhiều người làm cá khô mất ăn, mất ngủ.
Bình luận 0

Về Đồng Tháp Mười không ăn khô cá đồng là một thiếu sót lớn, bởi đây là món ăn dân dã đặc sản được làm với những bí quyết chế biến lâu đời khó nơi nào bì kịp.

Bài 2. Đặc sản khô cá đồng ngóng trông “thượng đế”  - Ảnh 1.

Nông dân phơi khô cá đồng ở thị trấn Vinmh4 Hưng (Vĩnh Hưng, Long An). Ảnh: Trần Đáng

Thập thò làm khô cá đồng

Những năm trước dịch Covid-19 bùng phát gần như năm nào tôi cũng về xã Khánh Hưng (Vĩnh Hưng, Long An) xem bà con nông dân làm khô cá đồng. Nhiều cơ sở làm khô cá đồng ở đây đã gắn bó lâu năm với nghề và xem đây là nguồn thu nhập chính. Xóm làm khô ở xã Khánh Hưng làm quanh năm, nhưng sôi nổi nhất là thời điểm gần Tết, bởi nhu cầu của thị trường tăng gấp 2, 3 lần.

Sản phẩm của làng nghề khô cá nơi đây rất phong phú và đa dạng, nhưng đa phần là các loại khô cá, như: Cá lóc, cá sặc bổi, cá chốt, cá chạch, cá trê, cá trèn,… Gần đây còn có thêm các loại khô cá: cá tra, cá rô, cá kiếng….

Đa phần các loại khô cá này là cá tự nhiên từ đồng ruộng, ở sông, kênh, rạch. Những người đặt dớn, giăng lưới, dỡ chà… được các chủ làm khô cá đặt trước. Khi con cá còn tươi sống là thực hiện xẻ khô ngay.

Mỗi hộ làm khô cá đồng đều có bí quyết riêng. Cá khô vùng này không dùng chất bảo quản, ngon nên nhiều khách hàng tin tưởng, lựa chọn. Nhờ duy trì nghề làm khô mà nhiều hộ đã có cuộc sống khá giả.

Mùa Tết năm nay, như dự báo được tình hình kinh tế giảm sút, nên các cơ sở làm khô cá đồng ở xã Khánh Hưng bớt tất bật, xôm tụ. Chị Hà Thị Ngọc Hạnh, Chủ cơ sở làm cá khô cho biết, hiện mỗi ngày chị chỉ sơ chế 50 kg cá tươi các loại.

"Năm nay xem ra sức mua không tốt. Tới giờ khách đặt hàng cứ lai rai, số lượng cá khô rất ít, nên tôi trông trước, trông sau mà làm", chị Hạnh bộc bạch.

Bài 2. Đặc sản khô cá đồng ngóng trông “thượng đế”  - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền (tiểu thương chợ Tân Hưng, thị trấn Tân Hưng) đang bán cá khô đồng. Ảnh: Trần Đáng

Tại huyện Tân Hưng (Long An), một địa phương cung cấp nhiều đặc sản cá khô của Long An, nếu như ngày thường sạp khô của chị Nguyễn Thị Thu Huyền (tiểu thương chợ Tân Hưng, thị trấn Tân Hưng) cho biết, trước đây vào mùa Tết, mỗi ngày chị làm 300 – 500kg cá tươi. 

Năm nay, dù mùa nước nổi kéo dài nhưng lượng cá đồng không nhiều nên giá cá đồng nuôi tăng, như: Cá trạch, lóc, trê, khô nhái tăng 10 – 20%.

"Mùa Tết năm nay, giá cá tươi tăng, nhưng giá khô cá đồng gần như đứng yên hoặc tăng nhẹ. Năm nay làm cá khô khó quá, số lượng bán hơi chậm", chị Huyền than thở.

Giá khô cá đồng leo thang khi gần Tết

Chị Dương Thị Gái (tiểu thương bán cá khô tại chợ thị trấn Vĩnh Hưng) cho biết, nguồn nguyên liệu cá tươi tương đối vẫn đáp ứng nhu cầu làm khô, nhưng giá tăng cao hơn mọi năm. Ví như, cá khô cá lóc tươi Tết năm ngoái là 180.000 đồng/kg, thì Tết này là 200.000 đồng/kg.

Bài 2. Đặc sản khô cá đồng ngóng trông “thượng đế”  - Ảnh 4.

Khô cá đồng ở Đồng Tháp Mười ngon nức tiếng ở miền Nam do hương vị đặc trưng. Ảnh: Trần Đáng

Chính việc giá cá nguyên liệu tươi tăng nên kéo theo giá cá khô đồng tăng. Cụ thể, hiện giá khô cá trê 130.000 đồng/kg, khô cá chốt 230.000 đồng/kg, khô cá lau kiếng 230.000 đồng/kg, khô cá sặt lớn 240.000 đồng/kg, khô trạch lớn 450.000 đồng/kg…

Tuy nhiên, cũng theo chị Gái, dù giá khô cá đồng đang tăng, nhưng sức mua mùa Tết năm nay yếu hơn năm ngoái.

"Theo quy luật thì càng gần Tết giá cá khô đồng càng tăng cao. Thậm chí, giá khô cá đồng thay đổi hằng ngày", chị Gái thổ lộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem